Gặp người từng làm đảo điên chính trường Sài Gòn
Ông là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, là tử tù từng bị giam cầm ở Côn Đảo, là "bạn tù" của những nhân vật chóp bu Sài Gòn như Phan Khắc Sửu ("quốc trưởng"), Trần Văn Hương (Tổng thống Sài Gòn). Ông chính là người đã nổ "phát súng trên cao nguyên" ám sát Ngô Đình Diệm, làm đảo điên chính trường Sài Gòn, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Diệm - Nhu, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.Ông là người thương binh đặc biệt nhất mà tôi từng gặp. Một mình ông hứng trọn 1 trái bom Mỹ, thế mà ông vẫn sống, chỉ bị mất 1 chân. Chỉ với 1 chân, mà ông vẫn tiến vào giải phóng Sài Gòn. sự kiện nón
Người Nghi Lộc ở Tây Ninh
Trước mặt tôi là người thương binh chân trái cụt ngang đùi, người làm đảo điên chính trường Sài Gòn cách đây 50 năm. Nhà ông ở thị xã Tây Ninh, cách không xa Toà thánh Cao Đài Tây Ninh - nơi ông đã có thời gian dài làm "người lính giáo phái Cao Đài". Trong nhà ông, có một bức trướng được treo trang trọng với nội dung: "Phát súng cao nguyên án tử tù không số - Tổ quốc lưu danh niên sử tạc anh hùng" do những người đồng hương Nghi Lộc (Nghệ An) ở Tây Ninh tặng ông. Hành trình từ một cậu bé tên là Phan Văn Điền đói khổ từ vùng quê Nghi Lộc đến người thương binh anh hùng Hà Minh Trí trên đất Tây Ninh là cả câu chuyện dài ly kỳ, gắn với hầu hết các sự kiện lớn trong cuộc chiến 30 năm giành độc lập của dân tộc ta.
Cha chết, mẹ có chồng khác, rồi nạn đói năm Ất Dậu đã xô dạt cậu bé Điền cùng người bà mù loà khỏi vùng quê nghèo xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, đi xin ăn ven quốc lộ thuộc huyện Diễn Châu. Một chiếc xe "nhà binh" của quân đội Nhật hoàng chạy ngang đã bắt cậu bé Điền chở vào tận thành phố biển Vũng Tàu xa xôi để làm chân giữ ngựa cho sĩ quan Nhật. Khi quân Nhật bại trận, rời khỏi Việt Nam, cậu bé Điền ở lại Vũng Tàu đi phụ việc trong các quán ăn.
Một người chủ quán là cơ sở cách mạng đã nhận cậu bé làm con nuôi, là duyên cớ để cậu bé Phan Văn Điền không nơi nương tựa đến với cách mạng. Năm 13 tuổi, Điền được nhận vào Đội An ninh biệt động N2 của tỉnh Bà Rịa, được cho học văn hoá, học nghiệp vụ an ninh, biệt động, trước khi được đưa về Tây Ninh làm lính giáo phái Cao Đài để chuẩn bị cho nhiệm vụ tối quan trọng về sau. Từ đó, Tây Ninh đã trở thành quê hương thứ hai của ông, đây cũng là nơi mà các con ông gọi là "quê ngoại".
Ông Hà Minh Trí và vợ trong cuộc gặp mặt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh do gia đình cung cấp |
Phát súng trên cao nguyên
Tại Tây Ninh, dưới màu áo "người lính giáo phái Cao Đài", ông đã được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và nguy hiểm: Ám sát kẻ chủ mưu phá hoại Hiệp định Giơnevơ, chia cắt lâu dài đất nước ta - tổng thống tay sai Ngô Đình Diệm. Sở dĩ ông phải mượn danh "người lính giáo phái Cao Đài", vì khi ấy ta chủ trương chỉ đấu tranh chính trị đòi chính quyền Diệm thi hành Hiệp định Giơnevơ, nghiêm cấm mọi hoạt động đấu tranh vũ trang, mặc dù chính quyền Diệm ngày đêm bắt giết, tra tấn, tù đày hàng vạn đồng bào, chiến sĩ yêu nước. Ông đã "đón hụt" anh em Diệm - Nhu khi họ lên Toà thánh Tây Ninh "ăn mừng" việc họ đã chinh phạt thành công quân đội Cao Đài ly khai và "chiến thắng" trong màn độc diễn "trưng cầu dân ý" để loại Bảo Đại.
Tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn trong đêm Giáng sinh 1956, ông cũng suýt bắt Ngô Đình Diệm phải đền mạng cho bao đồng bào, chiến sĩ đã bị sát hại. Đầu tháng 2.1957, ông nhận được nguồn tin: Ngô Đình Diệm sẽ có mặt tại lễ khai mạc Hội chợ kinh tế Cao Nguyên tại thành phố Buôn Ma Thuột vào ngày 22.2.1957. Đây là hội chợ nhằm khuếch trương thanh thế của chính quyền Diệm tại vùng đất Tây Nguyên chiến lược. Trong vai một thương gia đi tham gia hội chợ, ông đã có gần 3 tuần để lên kế hoạch một mình "vào hang cọp" ám sát cho được Ngô Đình Diệm. Ông gặp thuận lợi là Trung đoàn 60 của Việt Nam Cộng hoà bảo vệ lễ khai mạc có nhiều lính Cao Đài sáp nhập vào.
Nhờ một người quen từng là lính Cao Đài trong Trung đoàn 60, Hà Minh Trí đã nắm được các chi tiết liên quan tới hội chợ, kế hoạch bảo vệ Ngô Đình Diệm. Cũng nhờ người này, ông đã giấu được khẩu súng tiểu liên với băng đạn 21 viên vào tận sân lễ, giữa hàng trăm cảnh sát, quân cảnh, các quan chức và một số thương gia.
Trước mặt Hà Minh Trí là khoảng sân trống, cách đó chừng 20m là lễ đài - nơi Diệm sẽ xuất hiện trong khoảng 10 phút để dự lễ khai mạc. Cứ mỗi người khách dự hội chợ (thương gia) có một cảnh sát đứng kề, Hà Minh Trí cũng được 1 thượng sĩ cao lớn kè sát. Đúng 9 giờ, ban tổ chức yêu cầu tất cả đứng dậy, hai tay để xuôi... Trong tiếng quân nhạc, Trần Kim Tuyến, Ngô Đình Nhu, rồi đến Ngô Đình Diệm, theo sau là Phạm Ngọc Thảo... bước vào lễ đài. Liền sau đó là lễ chào cờ...
Khi bài quốc ca chế độ Sài Gòn vang lên, cùng lúc lá cờ 3 sọc được kéo lên, bất ngờ 2 tiếng nổ vang lên từ phía hàng đại biểu là những thương gia, kèm theo khói súng phảng phất. Ông Bộ trưởng Canh nông đứng cạnh Ngô Đình Diệm đổ sụp vì trúng đạn. Hà Minh Trí ôm súng lao về phía Diệm và tiếp tục siết cò, nhưng đạn không lên nòng. Hàng chục quân cảnh, cảnh sát đã tức thì can thiệp, Hà Minh Trí bị bắt tại chỗ, Ngô Đình Diệm được cõng chạy khỏi lễ đài.
Làm đảo điên chính trường Sài Gòn
Chính Phạm Ngọc Thảo (tức nhân vật Nguyễn Thành Luân trong bộ phim "Ván bài lật ngửa") đã trực tiếp thẩm vấn Hà Minh Trí trước sự quan sát của Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến. Hà Minh Trí trả lời rành mạch động cơ ám sát: "Tôi là lính giáo phái Cao Đài, tôi giết Ngô Đình Diệm để trả thù cho các thủ lĩnh Cao Đài, tôi hành động theo chỉ đạo của Mai Hữu Xuân và Dương Văn Minh". Hà Minh Trí nhớ lại: "Vừa nghe tôi trả lời, Ngô Đình Nhu tái mặt, ra lệnh ngừng ngay cuộc thẩm vấn và yêu cầu những người có mặt tuyệt đối giữ kín nội dung cuộc thẩm vấn". Đối với anh em Diệm - Nhu, lời khai trên là vô cùng nghiêm trọng.
Trong bối cảnh tranh giành quyền lực giữa phe thân Pháp (trong đó có Mai Hữu Xuân và Dương Văn Minh) và thân Mỹ (đại diện là anh em Diệm - Nhu) trong nội bộ chính quyền Sài Gòn, lời khai "hành động theo chỉ đạo của Mai Hữu Xuân và Dương Văn Minh" của một người lính giáo phái Cao Đài rất hợp logic và đã đánh lừa được Ngô Đình Nhu.
Ông Hà Minh Trí cho biết, lời khai trên do chính ông Mai Chí Thọ bày sẵn nhằm đánh vào tử huyệt của chính quyền Diệm - vốn đang đầy nghi kỵ giữa 2 phe thân Pháp và thân Mỹ. Một cuộc thanh trừng đã diễn ra, Thiếu tướng Mai Hữu Xuân (Tổng Giám đốc Nha An ninh quân đội) và Trung tướng Dương Văn Minh (Tư lệnh Biệt khu Thủ đô kiêm Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định) bị ra rìa, nhiều tướng lĩnh thân Pháp khác cũng chịu chung số phận. Nội bộ chính quyền Diệm phân hoá sâu sắc, chính trường Sài Gòn đầy sự nghi kỵ lẫn nhau, dẫn đến sự sụp đổ và cái chết của Diệm - Nhu.
Một mình hứng trọn 1 trái bom
Ông đã hiên ngang nhận án tử và bị đày ra Côn Đảo sau khi làm đảo điên chính trường Sài Gòn. Chế độ Diệm bị sụp đổ, một người thuộc giáo phái Cao Đài là Phan Khắc Sửu lên làm "quốc trưởng", nhờ đó mà "người lính giáo phái Cao Đài" Hà Minh Trí "có công" ám sát Ngô Đình Diệm đã được trả tự do. Ra tù, ông trở về trong hàng ngũ quân giải phóng, chiến đấu chống Mỹ trên vùng đất thép Củ Chi. Tại khu vực đền Bến Dược hiện nay, ông đã bị 1 trái bom Mỹ rơi trúng người, nhưng không nổ, chỉ làm ông mất 1 chân. Với 1 chiếc chân gỗ, ông tiếp tục chiến đấu, có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Từng làm "Kinh Kha" một mình vào sào huyệt kẻ thù để giết Ngô Đình Diệm, từng mang bản án tử đi "địa ngục trần gian" Côn Đảo, thậm chí từng một mình hứng trọn 1 trái bom Mỹ, vậy mà ông Hà Minh Trí vẫn sống và chiến thắng. Song, chỉ một cơn gió lốc vào năm 2009 đã làm ông thật sự điêu đứng. Khi đang chở vợ bằng xe gắn máy, gió lốc đã hốt quăng cả người và xe vào gốc cây, làm ông bị thương, còn vợ ông bị giập não phải sống đời sống thực vật.
Ở tuổi 76, người thương binh anh hùng ấy hằng ngày chăm sóc người bạn đời, cũng là người đồng chí, bạn tù thuỷ chung, son sắt. Ông cũng là người có mặt thường xuyên tại các cuộc họp mặt, nói chuyện truyền thống không chỉ ở tỉnh Tây Ninh; nhưng dù đi đâu, ông đều vội vàng quay trở về nhà ngay sau khi xong việc, vì "tôi không thể xa bà ấy quá 1 ngày". Những người đã từng vượt qua cái chết, họ luôn thấy cuộc sống rất đáng quý và luôn sống hết mình với cuộc đời còn lại!
(Theo Lao Động)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét