Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Người bắn Ngô Đình Diệm giờ ra sao? (Hà Huy Hoàng - Thế Giới & Việt Nam)



Thứ Sáu, 31/12/2010-4:14 PM
Người bắn Ngô Đình Diệm giờ ra sao?Kỳ 1: Tuổi thơ lưu lạc
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mười Thương (bên phải) và tác giả tại nhà riêng.
Buổi sáng trong căn nhà nhỏ yên tĩnh, xung quanh cây trái xum xuê ở thị xã Tây Ninh, ông chậm rãi kể cho tôi nghe về cuộc đời mình, cuộc đời của người đã làm chấn động dư luận và báo chí phương Tây bởi vụ ám sát Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm năm 1957. Ông là Mười Thương, nguyên cán bộ Ban an ninh Trung ương cục Miền Nam, Anh hùng Lực lương Vũ trang Nhân dân.
Ông mở đầu câu chuyện khá hóm hỉnh rằng không hiểu sao ông lại lắm tên đến thế, cả ngoại lẫn nội. Từ Phan Văn Điền đến Kin Tà; Đinh Văn Phú; Đinh Dũng; Hà Minh Trí; Mười Thương…Chắc Diêm vương dưới âm phủ cũng không biết tên nào là thật nên ông mới sống đến bây giờ...Theo cụ trưởng tộc thì tên cúng cơm của ông là Phan Văn Điền, sinh năm Ất hợi (1935) tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Cha là Phan Văn Đồng, mất trong cuộc binh biến ở Đô Lương năm 1940 lúc ông mới 5 tuổi, mẹ đi lấy chồng, từ đó ông ở với bà nội. Nạn đói năm 1945 tràn đến hai bà cháu phải dắt nhau ra ngoài cầu Bùng ven đường quốc lộ ăn xin, đêm về lại chui vào cái lô cốt dưới chân cầu để ngủ. Gần cầu có một đồn của quân Nhật đóng, thấy hai bà cháu dắt nhau đi ăn xin, tên Đồn trưởng thương hại, hàng ngày gọi cậu bé vào đồn cho ăn và còn cho cả phần cơm mang về cho bà. Khi chơi ở trong đồn, Điền được đám lính dạy truyền khẩu cho những từ thường dùng hàng ngày bằng tiếng Nhật, vì vậy sau này cậu mới nói được mấy câu bập bõm. Ít lâu sau quân Nhật chuyển đi, hai bà cháu lại dắt nhau thất thểu về làng. Làng ở sát biển nên buổi chiều Điền thường cùng đám bạn ra nhặt vỏ ốc về chơi, một lần đang nô đùa trên bãi biển thì Điền thấy một người đàn ông đi dạo qua, đoán là người Nhật nên Điền buông một câu chào tiếng Nhật. Đang đi ông ta bỗng sững lại nhìn vì không ngờ ở cái làng chài ven biển này lại có cậu bé biết tiếng Nhật. Hôm sau ông vào làng tìm đến túp nhà tranh lụp sụp nơi bà cháu Điền ở. Biết được hoàn cảnh của cậu bé, từ đó ông hay rủ cậu đến chơi chỗ ông ở là khu biệt thự nghỉ mát của Pháp để lại, xung quanh có lính canh gác. Thỉnh thoảng ông lại cho ngồi cùng trên ô tô ra Vinh chơi rồi còn đặt cho cậu cái tên Nhật là Kin Tà (dịch sang tiếng Việt là Kim Thái, tạm hiểu là một thứ quý giá). Như thường lệ, một hôm ông lại rủ Kin Tà đi chơi, nhưng cậu không ngờ đó là lần đi định mệnh để mãi gần 50 năm sau cậu mới có dịp quay về. Kin Tà được đưa lên đoàn xe tải chở đầy lính Nhật chạy thẳng vào Sài Gòn. Mãi sau này khi đi hoạt động cách mạng, ông Mười Thương mới biết đó là đoàn xe của đội quân Quan đông của Nhật từ Mãn Châu vào Trung Quốc, qua Việt Nam rồi sang Thái Lan. Trên đường hành quân từ Bắc vào Nam đội quân Quan Đông đã bắt theo 7 đứa trẻ cũng trạc tuổi ông. Và cũng chỉ vì mấy câu tiếng Nhật mà đời ông đã sang bước ngoặt khác.
Sau 3 ngày hành quân thì đoàn xe đến Huế, trong lúc nghỉ Điền đã chạy vào một quán ăn kể lại chuyện bị quân Nhật bắt và nhờ chủ quán viết thư báo về cho bà nội ở quê biết. Ông chủ quán thương tình đã nhận lời nhưng chắc do loạn lạc nên lá thư không về đến quê. Sau này nghe kể lại vì quá thương nhớ đứa cháu mà bà sinh ra ốm đau rồi mất vài năm sau đó.
Đến Sài Gòn, Điền và đám bạn phải đi cắt cỏ, chăn ngựa. Thấy cậu bé có cái tên Kin Tà nhanh nhẹn tháo vát, lại nói được tiếng Nhật, một viên sỹ quan đã gọi Kin Tà lên cho làm chân sai vặt hàng ngày ra phố mua thuốc lá, hoa quả. Đây cũng là dịp mà Kin Tà được tiếp xúc, va chạm làm quen với lối sống thị thành. Có lần cậu còn đi theo các anh chị thanh niên tiền phong mang cờ vàng sao đỏ diễu hành qua các phố miệng hô vang khẩu hiệu " Việt Nam độc lập muôn năm". Thời điểm này vào đầu năm 1946, cục diện chính trường trên thế giới và Đông Dương đang có nhiều biến động. Ở Sài Gòn khoảng 3 tháng thì quân Nhật lại được lệnh chuyển xuống Vũng Tàu tiếp quản một doanh trại cũ. Lúc này bọn trẻ được thả rông, ăn rồi hàng ngày lang thang ra phố chơi. Một sáng viên chỉ huy gọi 8 đứa trẻ, đứa lớn nhất 14 tuổi, đứa nhỏ nhất 11 tuổi đến rồi bảo rằng những ngày tới chúng phải tự lo thân. Quân Nhật ở đây có lệnh phải lên đường về nước nhận nhiệm vụ mới, bọn trẻ không thể đi theo được. Hôm sau toàn bộ sỹ quan và binh lính Nhật đội ngũ chỉnh tề hành quân xuống tàu neo đậu ở cảng, bỏ lại doanh trại cùng một số lương thực, thực phẩm, vải vóc cho đám trẻ. Biết không còn nơi bấu víu, bọn trẻ lấy những cuộn vải trong kho mang ra phố bán rẻ lấy tiền chia nhau. Giữ lại một ít lương thực thực phẩm, còn lại gọi bà con xung quanh đến lấy. Cũng từ đây 8 đứa trẻ tan tác mỗi đứa một ngả, đứa đánh giày, bán báo, đứa làm thuê cho tiệm ăn, đứa phiêu dạt lên Sài Gòn. Không ai biết những ngày tiếp theo cuộc đời chúng sẽ trôi về đâu…
Hà Huy Hoàng
  • 11 tuổi đã lưu lạc nơi đất khách quê người;
  • 13 tuổi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng và nếm mùi nhà tù đế quốc;
  • 21 tuổi trở thành chiến sỹ điệp báo mưu trí can trường;
  • 22 tuổi xung phong nhận nhiệm vụ ám sát Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm trên Cao nguyên; Vụ ám sát không thành, bị bắt tại chỗ ngày 22/2/1957;
  • Gần 10 năm sống trong hệ thống nhà tù Mỹ - Diệm, phải chịu đựng những đòn tra tấn vô cùng man rợ với các thủ đoạn nhục hình;
  • 11/1963 Ngô Đình Diệm và em là Cố vấn Ngô Đình Nhu bị giết trong cuộc đảo chính quân sự; Sau đó hơn 1 năm,n gày 13/3/1965 Ông được trả tự do tại Sài Gòn.




Thứ Hai, 10/01/2011-11:38 AM
Người bắn Ngô Đình Diệm giờ ra sao? (Kỳ cuối)Một phát súng và 3.000 ngày khổ sai
Cảnh ông Hà Minh Trí bị bắt giữ sau khi ám sát Ngô Đình Diệm không thành, tháng 2/1957.
Hơn 8 năm sống trong các nhà tù như địa ngục trần gian của Mỹ - Diệm, bị kết án tử hình nhưng giữa lằn ranh của sự sống chết, ông đã nghiệm ra rằng trong cái chết vẫn có cái sống…
Ông Đinh Văn Châm là đầu bếp trên tàu viễn dương nhưng chán cảnh nay đây mai đó, đành bỏ lên bờ cùng vợ mở hàng ăn ở Vũng Tàu. Một hôm có một cậu bé đến cửa hàng rụt rè xin việc. Sau khi hỏi về gia cảnh, ông Châm nhận cậu làm con nuôi và thay cái tên Kin Tà bằng tên mới là Đinh Văn Phú.
Bước ngoặt định mệnh
Một sáng, Phú đang lúi húi lau bàn ghế thì có khách vào, ngồi một lát ông ta bảo "cháu có muốn theo chú làm cách mạng không?" Mặc dù lúc ấy chưa biết cách mạng là gì, nhưng Phú vẫn gật đầu vì đơn giản làm cách mạng sẽ không phải nghe mẹ nuôi mắng và không phải hàng ngày vật lộn với đống bát đĩa. Theo lời dặn, đêm hôm sau Phú lặng lẽ ôm bọc quần áo rồi trốn khỏi nhà bố mẹ nuôi. Đó là đầu năm 1948, khi cậu vừa tròn 13 tuổi. Điều mà Phú không ngờ tới là gia đình bố mẹ nuôi cũng chính là một cơ sở của Cách mạng.
Về Ban quân báo tỉnh Bà Rịa, Phú được đổi tên thành Đinh Dũng. Tháng 8/1948, Đinh Dũng được cử lên Tây Ninh bắt liên lạc với thiếu úy Phạm Ngọc Chẩn - Đồn trưởng quân đội Cao Đài. Đến nơi, Dũng cải trang là trẻ chăn trâu rồi thành thằng nhỏ giúp việc cho Đồn trưởng. Ở trong đồn, Dũng tranh thủ vẽ sơ đồ, thu thập tin tức hàng ngày báo cho Việt Minh. Được gần 2 tháng thì Dũng và đồn trưởng Phạm Ngọc Chẩn bất ngờ bị quân đội Cao Đài bắt tạm giam ở Tây Ninh, may nhờ có Trung tá Phạm Ngọc Chấn - Tư lệnh quân đội Cao Đài Miền Tây (anh ruột Phạm Ngọc Chẩn) can thiệp nên mới được thả. Trở về tiếp tục hoạt động đến giữa năm 1953 bị địch theo dõi gắt gao, Đinh Dũng được tổ chức rút ra cứ.
Năm 1954, Đinh Dũng không tập kết ra Bắc mà bí mật ở lại hoạt động với tư cách là tín đồ thành viên của lực lượng vũ trang Cao Đài ly khai. Trong giai đoạn này, Đảng ta chủ động đấu tranh chính trị, tránh bạo lực làm ảnh hưởng đến cuộc Tổng tuyển cử. Lợi dụng điều này, Ngô Đình Diệm đã lê máy chém đi khắp miền Nam thẳng tay khủng bố các cơ sở Đảng, tàn sát đẫm máu những người yêu nước.
Phải diệt trừ Ngô Đình Diệm
Tháng 10/1956 đồng chí Lâm Kiểm Xếp - Trưởng Ban địch tình Tỉnh ủy Tây Ninh giao nhiệm vụ tổ chức diệt trừ Ngô Đình Diệm khi lên Tây Ninh. Nhưng do thời gian quá gấp, lại không biết cụ thể ngày giờ nơi đi, đến của Diệm nên không thực hiện được. Một phương án táo bạo diệt trừ Ngô Đình Diệm ngay trong nhà thờ Đức bà Sài Gòn vào đêm Noel năm 1956 đã được Đinh Dũng đề xuất. Tối hôm đó quân ta đã chốt chặt các vị trí trong nhà thờ. Tuy nhiên chờ đến 12 giờ đêm vẫn không thấy anh em Diệm - Nhu xuất hiện… Và một lần nữa kế hoạch lại không thành. Sáng hôm sau báo chí Sài Gòn đưa tin Ngô Đình Diệm thay đổi lịch trình không dự Noel ở Sài Gòn mà đến dự lễ Noel với giáo dân Bắc di cư ở khu trù mật Đức Huệ, Long An.
Đầu tháng 2/1957 báo giới Sài Gòn đưa tin Ngô Đình Diệm sẽ lên cắt băng khánh thành hội chợ "Kinh tế Cao Nguyên" tại Ban Mê Thuột vào ngày 22/2/1957. Được tin này, Đinh Dũng cùng đồng đội lên ngay Ban Mê Thuột khảo sát thực địa, nắm tình hình. Một thuận lợi là Trung đoàn 60 bảo vệ Diệm vòng ngoài trong đó có rất nhiều lính Cao Đài sáp nhập vào. Chính nhờ những cơ sở này mà Đinh Dũng đã mang được súng vào tận vòng trong. Sau khi kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm đã được tổ chức thông qua, ngày 21/2/1957 Đinh Dũng đã có mặt trên Cao nguyên với tấm giấy thông hành mang tên Hà Minh Trí, thương gia ở Tây Ninh cùng vợ lên dự hội chợ.
Buổi sáng 22/2/1957, lượng người đổ về hội chợ Ban Mê Thuột khá đông. Lường trước lành ít giữ nhiều, Hà Minh Trí đưa "vợ" ra xe về Sài Gòn trước nhưng người đồng đội đóng giả là vợ lại lo lắng, muốn nán lại xem diễn biến thế nào. Kiên quyết đưa "vợ" lên xe, Hà Minh Trí nói rằng khi vụ việc xảy ra toàn bộ các tuyến đường sẽ bị phong tỏa kiểm soát, rất nguy hiểm. Người phụ nữ, người đồng đội bước lên xe mắt dơm dớm nhìn Hà Minh Trí, vì chị hiểu rằng có thể sẽ không bao giờ còn được gặp anh nữa…
Đúng 9 giờ khai mạc hội chợ. Ngô Đình Diệm tiến vào lễ đài trong sự bảo vệ dày đặc của mật thám, quân cảnh. Trong bộ quần áo cải trang, Hà Minh Trí cũng đã tiến sát hàng rào bảo vệ cách Ngô Đình Diệm chưa đầy 20m. Khi tiếng hô chào cờ vang lên, Hà Minh Trí lấy khẩu MAT- 49 cưa nòng luồn qua nách tên quân cảnh cao to đứng trước nhằm Ngô Đình Diệm nhả đạn. Do bất ngờ khi nghe tiếng súng nên tất cả sững lại, tiếp tục bóp cò nhưng súng bị tắc, Hà Minh Trí chỉ kịp thấy một tên đứng cạnh Diệm gục xuống và sau đó hàng chục tên quân cảnh lao vào đè ập xuống ông.
Ám sát không thành, Hà Minh trí bị đưa ngay vào trại giam Ty cảnh sát Ban Mê Thuột thẩm vấn rồi sau đó chuyển về trại P42 Sài Gòn, rồi khám Chí Hòa. Ở đâu chúng cũng dùng đủ mọi cực hình tra tấn vô cùng man rợ làm ông chết đi sống lại nhiều lần. Do vỏ bọc khá tốt, lại hoạt động độc lập, ông chỉ một mực khai là tín đồ Cao Đài, sở dĩ ám sát Ngô Đình Diệm là vì chính phủ đàn áp Cao Đài… Không khuất phục được Hà Minh Trí, tháng 10/1963 chúng kết án tử hình và đày ông ra địa ngục Côn Đảo.
Người anh hùng bình dị
Sau khi anh em Diệm - Nhu bị giết trong cuộc đảo chính quân sự tháng 11/1963, ngày 13/3/1965, Hà Minh Trí được trả tự do với tư cách là tù nhân chính trị đối lập chống chế độ Ngô Đình Diệm. Ra tù Hà Minh Trí lấy tên là Mười Thương, được tổ chức phân công về làm việc ở Ban tổ chức đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Đầu năm 1965 về công tác tại Ban an ninh T4 với tên mới là Nguyễn Văn Điền. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông vẫn tiếp tục công tác trong ngành công an, đến năm 1989 ông chuyển sang làm Phó ban Nội chính rồi Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh. Năm 1999, ông nghỉ hưu sống với gia đình ở Tây Ninh. Do có nhiều công lao đóng góp, năm 2005 ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hà Huy Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét