Thứ Năm, ngày 10 tháng 10 năm 2013
SAI LẦM MANG TÍNH HỆ THỐNG TRONG
HOÀNG TUẤN CÔNG
Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam - tác giả GS Nguyễn Lân - In lần đầu 1989, tái bản nhiều lần.
Bản sử dụng sau đây của Nhà xuất bản Thời Đại 2012 .Cuốn “Từ điển Thành ngữ và tục ngữ ViệtNam ” của GS Nguyễn Lân gây cho tôi nhiều thú vị và ngạc nhiên lớn. Nhiều thú vịbởi đây là một cuốn sách bán chạy, được hàng chục nhà xuất bản tên tuổi liên tục tái bản, ấn hành trong hơn 20 năm qua. Chứng tỏ những lời ăn tiếng nói “quê mùa” của dân ta vẫn có sức hấp dẫn kỳ diệu đối với các thế hệ hiện tại và cả mai sau. Chúng ta ghi nhận ở đây công lao của GS Nguyễn Lân và các nhà xuất bản Việt Nam . Ngạc nhiên lớn bởi một cuốn sách có nhiều độc giả, được gắn với tên tuổi vị Giáo sư, Nhà giáo nhân dân lừng danh như vậy lại bộc lộ khá nhiều non kém, sai sót và không hề được đính chính, sửa chữa bổ sung dù đã trải qua hàng chục lần tái bản với không dưới 10 nhà xuất bản khác nhau.
Những gì tôi sắp viết ra dưới đây không nằm ngoài mục đích đính chính, bổ sung, góp ý, đúng như mong muốn của GS, NGND Nguyễn Lân trong phần lời nói đầu của cuốn sách. Tuy nhiên, phân tích, giải thích thành ngữ, tục ngữ là điều không dễ. Một câu có tới mấy dị bản, mấy cách hiểu nghĩa đen, nghĩa bóng khác nhau. Bởi thế, tôi sẽ không nhìn nhận theo cách chủ quan của mình mà đặt ra nhiều giả thiết, lật lại vấn đề trên nhiều góc độ. Dù GS Nguyễn Lân đáng kính giờ đã thành người thiên cổ, nhưng tên tuổi và sách vở của GS vẫn sống trong lòng độc giả, các Nhà xuất bản vẫn không ngừng tái bản...Cách nhìn nhận, đánh giá của tôi khách quan, đúng đắn hay không chắc chắn sẽ có bạn đọc và nhiều bậc cao minh lên tiếng.
Kỳ I
VỀ TỪ VỰNG, CÁCH HIỂU, CÁCH DÙNG
thành ngữ Hán-Việt và từ Hán-Việt:
Thiên tải nhất thì (Tải có nghĩa đen là chở đi) Có nghĩa: nghìn năm mới có một lần.
- Giải thích nghĩa cả câu thì đúng, nhưng giải nghĩa riêng từ “tải” lại sai hoàn toàn. Nếu “tải có nghĩa đen là chở đi” thì “Thiên tải” phải dịch là ngàn lần chở đi mới đúng, sao GS vẫn dịch là “nghìn năm” được ? Trong Hán tự chỉ có duy nhất một chữ “tải” nghĩa gốc là “chở”. Tuy nhiên, chữ “tải” trong câu “Thiên tải nhất thì” không phải là “chở đi” mà nó có nghĩa giả tá là “năm”(*) Hán-Việt Tự điển Thiều Chửu giải thích rất cụ thể “Tải - năm, nhà Hạ gọi là Tuế, nhà Thương gọi là Tự, nhà Chu gọi là Niên, nhà Ngô gọi là Tải”.
(*)Chú: Chữ Hán được lập thành theo sáu phép, gọi là “Lục thư”: Tượng hình, Chỉ sự, Hội ý, Hình thanh, Chuyển chú và Giả tá. Chữ “tải” là phép cấu tạo chữ thuộc dạng hình thanh (còn gọi là tượng thanh hay hài thanh) bao gồm chữ “xa” chỉ nghĩa và chữ “tai” chỉ âm đọc hợp thành. Chữ “tải” (hay “tái”) với nghĩa là “chở” được người xưa dùng để biểu đạt một số nghĩa khác như: năm, ghi chép,v.v… gọi là phép giả tá.Vậy phép giả tá là gì? Ban đầu người ta chỉ căn cứ vào bốn phép tượng hình, chỉ sự, hộ ý và hình thanh để tạo ra văn tự Hán. Tuy nhiên, xã hội phát triển, hiểu biết và nhu cầu biểu đạt của con người ngày càng lớn; nếu cứ có một sự vật, hiện tượng lại tạo ra một tự dạng, một mặt chữ mới thì khó đặt cho đủ chữ được. Vì vậy lối giả tá ra đời. Hứa Thận giải thích giả tá là “vốn không có chữ, nhờ thanh mà gửi sự”. Ngoài chữ “Tải” có thể thấy rất nhiều trường hợp khác, ví dụ: chữ “đạo” nghĩa là con đường được mượn dùng (giả tá) làm chữ “đạo” là “đạo đức”. Chữ “trường” trong chữ “trường, đoản”.
Xem “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” có thể thấy rằng phần từ ngữ Hán-Việt đa số được GS Nguyễn Lân tham khảo cuốn “Hán-Việt từ điển” của học giả Đào Duy Anh. Có lẽ do trong cuốn này chỉ có duy nhất một chữ tải (một âm đọc nữa là tái) được giải nghĩa là “chở”, nhưng trong phần kết hợp từ vần “T”, câu “Thiên tải nhất thì” lại vẫn được Đào Duy Anh dịch là “Ngàn năm có một” nên GS Nguyễn Lân nghĩ chữ tải trong câu thành ngữ cũng mang nghĩa là “chở” rồi giải thích “tải có nghĩa là chở đi”. Trường hợp này lỗi một phần nào do học giả Đào Duy Anh chú thiếu nghĩa giả tá của chữ tải là “năm”. Tuy nhiên việc đòi hỏi người biên soạn từ điển tập hợp hết tất thảy những chữ, nghĩa đã và đang được dùng trong đời sống là điều không thể. Ví như chỉ cần so sánh hai cuốn “Từ điển Hán Việt” Đào Duy Anh và “Tự điển Hán Việt” của Thiều Chửu cũng thấy rõ, nhiều từ, tự, cuốn này có nhưng cuốn kia không có và ngược lại. Thế nên từ cổ chí kim, người ta phải làm rất nhiều loại từ điển để bổ sung cho nhau. Cái đáng trách là người dùng từ điển, tra cứu không hết đã vội giảng giải, gán ghép cho từ một nghĩa không liên quan gì đến ý nghĩa, văn cảnh câu thành ngữ. Trong thực tế, chữ “tải” nghĩa là năm là một cách dùng từ cổ, tuy nhiên nó lại tồn tại khá phổ biến trong dân gian cũng như các tác phẩm văn học: Nàng rằng thiên tải nhất thì (Truyện Kiều-Nguyễn Du) Bạch vân thiên tải không du du-Ngàn năm mây trắng vẫn bay trên bầu trời (Hoàng Hạc lâu-Thôi Hiệu)
Làm trai cho đáng nên trai, đánh đông đông tĩnh, đánh đoài, đoài tan (Đoài là từ địa phương có nghĩa là phía Tây).
- Không biết “địa phương” mà GS nói là vùng nào, xứ nào? Xin thưa GS, “Đoài” không phải là “từ địa phương” mà là một từ Hán-Việt, tên một quẻ trong bát quái (Càn, Khôn, Chấn, Tốn, Khảm, Ly, Cấn, Đoài). Theo Hậu thiên bát quái, đoài ứng với hướng tây (chính Tây), nên người ta còn gọi hướng tây là hướng Đoài(*) Bảy quẻ còn lại ứng với các phương như sau: Càn (Tây bắc), Khôn (Tây nam), Chấn (Chính Đông) Tốn (Đông Nam) Khảm (Chính Bắc) Ly (Chính Nam) Cấn (Đông Bắc).
(*)Chú: người ta còn gọi gió tây là gió Đoài, gió thu là gió Đoài (vì mùa thu ứng với hướng tây thuộc hành kim). “Đại Nam quốc âm tự vị”của Huỳnh Tịnh Của giải thích “Đoài một dấu trong 8 quẻ chỉ nghĩa là nước núi. Hướng đoài-Hướng tây. Gió đoài, gió tây, gió thu. Xứ đoài vùng Sơn Tây”.
Tiên phong, đạo cốt (Nghĩa đen: Phong thái của người tiên, cốt cách người đạo đức)
- Chữ “đạo” ở đây không phải là đạo đức mà là đạo tiên, đạo tu tiên (Đạo giáo-Lão giáo). Nếu xem “đạo” ở đây là đạo đức thì sẽ không đúng với quy luật cấu trúc từ của thành ngữ tục ngữ dân gian.( “tiên” - tiên là danh từ phải đối với “đạo”-người tiên cũng là danh từ). Mặt khác phạm trù đạo đức rất rộng. Một người ăn mày cũng là người có đạo đức, anh nông dân nghèo khổ cũng có đạo đức của anh nông dân(*)
Theo tôi, câu “Tiên Phong đạo cốt” có cấu trúc từ kiểu “tiểu đối”: “tiên” đối với “đạo”. Đào Duy Anh dịch: “Tiên phong đạo cốt - Phong thái người tiên, cốt cách người đạo = Phẩm cách cao thượng”. Chữ “người đạo” là cách Đào Duy Anh dịch từ “đạo nhân”. Mà hai chữ “đạo nhân” được chính ông giải thích là người tiên(xem kết hợp từ của mục từ “đạo”-Từ điển Hán-Việt-Đào Duy Anh).
(*) Chú: Trong cuốn “Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán”-NXB Văn Hóa-1994-Viện ngôn ngữ học- Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành cũng có sự nhầm lẫn từ “đạo” là tiên nhân với “đạo” là đạo đức khi giải thích thành ngữ này: “Tiên phong đạo cốt-Có phong thái, phẩm cách cao thượng của một bậc vĩ nhân, ví như có phong thái của tiên, cốt cách của người có đạo đức. Tiên phong: phong thái của tiên, đạo cốt: cốt cách của người có đạo đức” (tr. 163) Hiểu như vậy là không đúng chữ “đạo” trong câu thành ngữ vì người đạo đức chưa phải là tiên, người tiên không phải chỉ có đạo đức.
Bách tuế vi kỳ Nói cuộc đời của người ta (Thực ra hiện nay có nhiều người sống quá một trăm tuổi)
- Chữ “bách tuế” chỉ mang tính quy ước, không phải quy định kỳ hạn tuổi tác của con người đến 100 tuổi là phải chết, mà là “sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. Bởi là con số ước lệ nên dân gian còn gọi khi chết là “trăm tuổi”, cho dù người này có thể thọ 80-90 hoặc hơn 100 tuổi. Việc GS cải chính “thực ra hiện nay có nhiều người sống quá trăm tuổi” để phản biện câu thành ngữ là không cần thiết và có thể khiến người đọc hiểu sai nội dung, ý nghĩa câu thành ngữ.
Trong cuốn sách có những từ Hán-Việt quan trọng trong câu thành ngữ bị GS bỏ qua khi dịch nghĩa làm mất đi cái hay, cái đẹp hoặc khiến bản chất câu thành ngữ bị thay đổi:
“Bất nhập hổ huyệt, bất đắc hổ tử (Không vào hang hùm, không bắt được cọp) Ý nói: phải có gan mạo hiểm mới làm được việc khó”.
- GS đã bỏ đi chữ “tử” trong từ “hổ tử” và dịch:“không vào hang hùm, không bắt được cọp”. Nếu chỉ cần “bắt cọp” nói chung, cần gì phải vào tận hang hổ ? Phải là “bắt hổ con” (hổ tử) mới chính xác ! Hổ con chưa rời hang ổ, chưa đi kiếm ăn, đang nằm dưới sự nuôi nấng, bảo vệ của hổ mẹ nên phải vào tận sào huyệt mới bắt được chúng. Mặt khác, lúc nuôi con chính là lúc bản năng hổ mẹ hung dữ nhất, sẵn sàng đương đầu với mọi kẻ thù để bảo vệ con. Do đó, việc bắt hổ con ngay trên lãnh địa, hang ổ của chúng là việc muôn phần nguy hiểm !
Cần dịch đúng: Không vào hang hổ, không thể bắt được hổ con. Ý nói việc làm tuy rất mạo hiểm, nhưng nếu như muốn đạt được mục đích thì không có cách lựa chọn nào khác. Đây còn là một kế sách.
Bóng câu qua cửa sổ (Câu là con ngựa) ý nói: Thời gian đi nhanh quá.
-Giải thích “Câu là con ngựa” là chưa rõ, chưa chính xác. Nguyên câu thành ngữ Hán-Việt là “Bạch câu quá khích” (Dịch nghĩa đầy đủ là: Bóng con ngựa trắng đương kỳ sung sức vụt qua khe cửa). Trong tiếng Hán cổ, “mã” (馬) là ngựa, “câu” (駒) cũng là ngựa, nhưng tại sao thành ngữ không dùng từ “bạch mã” mà lại dùng “bạch câu” ? Khang Hy tự điển giải thích “Mã nhị tuế viết câu” (Ngựa hai tuổi gọi là câu) Hán-Việt Tự điển của Thiều Chửu giải thích: “Ngựa hai tuổi gọi là câu. Phàm ngựa còn non còn khỏe đều gọi là câu cả”. Hán - Việt Từ điển Đào Duy Anh giải thích “câu” là “con ngựa hai tuổi, đương sức mạnh mẽ”.
Chữ “câu” với nghĩa con ngựa hai tuổi rõ ràng rất quan trọng nên khi dịch nôm, người ta không nói “Bóng ngựa qua cửa sổ” mà vẫn nói “Bóng câu qua cửa sổ”.Bởi thế nếu giải nghĩa chữ “câu” cần nói rõ và chính xác hơn: “Câu” là con ngựa non hai tuổi, đương thời kỳ sung sức nhất (nên nó phi rất nhanh, lại màu trắng khiến chỉ nhìn thấy như bóng chớp loáng qua khe cửa).
Điệu hổ ly sơn. (Nghĩa đen: Đưa hổ xa núi) Tìm cách đưa kẻ ác đi xa mình để nó không thể quấy rầy mình được.
- Hổ được mệnh danh là chúa sơn lâm. Rừng núi là lãnh địa của chúng. Do đó, muốn tiêu diệt được hổ phải tìm cách dụ chúng ra khỏi hang ổ hoặc nơi nó phát huy được thể mạnh. Đây là một mưu kế làm suy yếu đối phương trong “Tam thập lục kế”. Ví như dụ giặc ra khỏi thành trì kiên cố để dễ bề tiêu diệt, chính là kế “điệu hổ ly sơn”. Trong thực tế thành ngữ “Điệu hổ ly sơn” cũng được dùng với nghĩa: tìm cách đưa đối thủ đi nơi khác để mình dễ bề hành động, hoặc thực hiện ý đồ nào đó. Nếu hiểu theo cách của GS, “tìm cách đưa kẻ ác đi xa mình”, thì “mình” ở đây được hiểu là “sơn” (núi) và“không quấy rầy mình được” nghĩa là đưa hổ đi để bảo vệ chính mình sẽ không đúng với ý câu thành ngữ. Hơn nữa đối với hiểm hoạ lớn từ con hổ nanh ác, liệu dùng từ“quấy rầy” có phù hợp ?
Vậy câu thành ngữ nên được giải nghĩa bóng là: Tìm cách đưa đối thủ đi khỏi địa bàn của nó để dễ bề tiêu diệt hoặc hành động.
Hậu sinh khả uý (Nghĩa đen: sinh sau đáng sợ) Tỏ ý khen những người mới lớn lên có nhiều tài năng.
- Câu này vốn trong sách Luận Ngữ. Khổng Tử khi bàn tới thế hệ trẻ đã nói: “Hậu sinh khả uý, yên tri lai giả chi bất tri kim dã”. Nghĩa là: Lớp người sinh sau đáng sợ đấy, sao mà biết được lớp người sau không bằng lớp người hôm nay ? Hai chữ “hậu sinh” không nhằm chỉ “những người mới lớn lên” mà nhằm chỉ một thế hệ người sinh sau, lớp người sau (hậu sinh). Một người 40 hoặc 50 tuổi vẫn được xem là “hậu sinh” đối với người 70-80 tuổi. Trong khi “những người mới lớn lên” như GS nói chỉ được hiểu là thanh thiếu niên mà thôi.
Như vậy, “Hậu sinh khả uý” nghĩa là thế hệ cháu con, những người sinh sau được thừa kế kinh nghiệm của người đi trước, có điều kiện học hành, đi đây đi đó nên đáng nể, đáng tôn trọng, không thể xem thường.
Khẩu tụng tâm suy (Tụng có nghĩa là đọc to) Ý nói: Bụng nghĩ thế nào thì nói ra như thế một cách thành thực.
- GS đã chép lầm chữ “duy” thành chữ “suy”. Hán tự không có chữ nào là “suy” với nghĩa là “suy ra”, nên GS diễn giải “bụng nghĩ như thế nào thì nói ra như thế một cách thành thực” là sai. Đúng ra là “Khẩu tụng tâmduy” (Miệng đọc lòng suy nghĩ), ngược lại với cách giải thích của GS. Tỷ dụ người tụng kinh niệm Phật, khi miệng đọc kinh thì lòng cũng suy nghĩ, nhập tâm những giáo lý, những lời Phật dạy. Nếu đổi “duy” thành “suy”theo cách của dân gian thì suy phải là suy nghĩ, không thể là suy ra hay suy diễn như GS.
Kỳ sau
Ghi sai từ dẫn đến hiểu và giải thích sai ý nghĩa câu thành ngữ, tục ngữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét