QĐND - Thứ Bẩy, 26/01/2013, 14:33 (GMT+7)
QĐND - Từ năm 2000 tới ngày về với Bác Hồ (16-4-2005), ông Vũ Kỳ đã dành cho tôi diễm phúc cứ 3 giờ chiều, tuần vài buổi sang nhà ông bên ngõ nhỏ phố Trần Quang Diệu (Đống Đa - Hà Nội), giúp ông ít việc. Ông kể bao nhiêu chuyện hay, bổ ích về Bác Hồ.
Thuật nghi binh bậc thầy
Chiều 29-11-2001, tôi thưa với ông Vũ Kỳ về sự kiện lịch sử Tết Mậu Thân 1968 hiện có những thông tin không rõ ràng, cách giải thích không thỏa đáng, dư luận đang mong đợi những tiếng nói xác thực từ phía các nhân chứng như ông. Ông cười hiền từ, gật đầu nhè nhẹ dáng vẻ như cân nhắc: “Xin lỗi, các cụ ta dạy: Nói có sách, mách có chứng. Đợi chút…”. Ông đứng dậy, vào phía trong lấy ra đưa tôi tập thơ chúc Tết của Bác mới in của TS Trần Viết Hoàn, Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch, bảo tôi tranh thủ xem lấy tư liệu. Ông lên gác hai lấy cuốn sổ nhỏ ghi ngày tháng mỗi sự kiện…
Được gần Vũ Kỳ nhiều, tôi nhận ra những chuyện ông kể, dù ai nghe, ông cũng rất vui. Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ đã đến đỉnh cao qua mùa khô 1966-1967 với các chiến dịch càn quét lớn đều đã thất bại. Phải bồi thêm đòn quyết định vào mưu đồ đeo bám chiến tranh của các thế lực diều hâu, đồng thời trợ sức cho một số lực lượng chủ hòa đã manh nha ngay trong chính giới Mỹ, có thể chấm dứt cuộc chiến bằng tinh thần “hòa hiếu” mà Bác Hồ từng tuyên bố: Hà Nội sẵn sàng trải thảm đỏ nghênh đón Tổng thống Mỹ Giôn-xơn…
- Thưa anh, Bác đã bắt đầu viết Di chúc từ năm 1965 và hè năm sau, sau chuyến về Thái Bình, Bác bị cảm lạnh, liệt nhẹ…? - Tôi hỏi.
Bác Hồ thăm một đơn vị quân đội chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi (1969). Ảnh tư liệu. |
- Đúng, Bác cố gắng lắm mà không giấu được sức khỏe giảm sút, đi lại khó khăn, lại tha thiết muốn được vào Nam thăm đồng bào, chiến sĩ. Bác đành phải chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị sang nước bạn dưỡng bệnh. Từ đầu năm 1967, Bác đã thông qua các phương án đánh lớn trong năm, rồi ngày 5-9-1967 mới sang Trung Quốc chữa bệnh…
- Vậy mà ta vẫn giữ kín được sự biến ảo của động thái đó, vô hiệu hóa toàn bộ mạng lưới do thám trên trời, dưới đất của quân địch?
- Bác Hồ luôn nhắc chúng ta bài học cảnh giác.
Về chuyện “đánh đòn nghi binh”, ông nghe tôi kể thêm, gật đầu: “Hay đấy, biết nhiều chuyện đấy…”.
Chúng tôi thật khoái chí khi nghe những chuyện như có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang đi kiểm tra trận địa giữa “đất lửa”, mà Đài ta lại “tường thuật trực tiếp” tướng sĩ quân dân gặp gỡ vỗ tay rầm trời tại Ninh Bình…
- Hưm! Chuyện! Đòn bất ngờ Tết Mậu Thân giới tình báo Mỹ và mấy nước chư hầu thì ví ngang với trận Trân Châu Cảng trong thế chiến II. Hưm! “ngang” thế nào được! Mậu Thân ta là nhiều trận, là vào tận sào huyệt của địch. Khắp miền Nam…
- Thưa anh, trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Bác Hồ, anh Văn đi dưỡng bệnh là thuật “dương đông kích tây” cho tâm điểm Mậu Thân?
- Thế này nhé! Tới tháng 6-1967, Hội nghị Trung ương 14 khóa III họp tại Kim Bôi thông qua mọi hướng chuẩn bị đại quy mô từ Bắc chí Nam. Trước ngày sang Trung Quốc 5-9-1967, Bác vẫn còn duyệt kế hoạch nhử địch dãn ra xa Sài Gòn theo gợi ý của anh Văn. Mỹ điều 4 sư đoàn ra bảo vệ Đường 9: Dốc Miếu, A Sầu, A Lưới… Giôn-xơn thì lệnh: Phải tử thủ Khe Sanh…
- Bác với anh Văn xuất ngoại có kín, hở gì không ạ? - Tôi hỏi.
- Không kín cũng chẳng hở. Ông Văn và bà Hà nghỉ bên hồ Ba-ra-tông, Hung-ga-ri thì giấu được ai? Bác Hồ ở Bắc Kinh có đôi lần đi dạo Di Hòa Viên.
Ngày 21-12-1967, Bộ Chính trị mời Bác về chọn phương án tối ưu và quyết định chọn ngày N, giờ G nổ súng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Anh Cả Nguyễn Lương Bằng đề nghị bác sĩ Trần Hữu Tước chỉ trong mười hôm chăm sóc sao cho giọng nói của Bác thật khỏe mạnh để Bác đọc thơ chúc Tết thu thanh. Ai cũng mừng: Bác rất vui. Mọi năm, thường Bác chỉ cho thu thanh trước một tuần. Ông Trần Lâm, Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhớ lại, năm đó Bác cho thu trước 3 tuần - sáng 31-12-1967. Chiều 1-1-1968, Bác trở lại Trung Quốc.
Vài hôm sau đã thấy báo chí Anh, Mỹ, Pháp… đăng tin, ảnh Bác ở Bắc Kinh, ông Giáp ở Bu-ca-rét. Tin từ nội đô Sài Gòn cho biết: Có nơi, trong các đồn bốt bọn sĩ quan kháo nhau: Cụ Hồ, tướng Giáp còn chưa về thì… yên trí lớn đi mấy ông nội! Vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu về ăn Tết ở Mỹ Tho. Đại sứ Mỹ Bân-cơ không có mặt trong Đại sứ quán vào giờ ta nổ súng…
Mỹ cút - sách hòa hiếu
Ông Vũ Kỳ dự báo trong sách “Thư ký Bác Hồ kể chuyện”, rằng rồi đây các nhà nghiên cứu sẽ còn tốn nhiều giấy mực cho cuộc “về thăm” Nguyễn Trãi của Bác Hồ tại Côn Sơn vào dịp rằm ra Tết Ất Tỵ - 1965. Hẳn Người thấy trước, cần thỉnh giáo tiền nhân về bài học 10 năm chống triều Minh với “Hội thề Đông Quan” năm 1428 để vận dụng cho cuộc chống Mỹ - “Mỹ cút” thì “ngụy nhào”, non sông sẽ thu về một mối cũng 10 năm: 1965 đến 1975?...
Ông Hoàng Tùng cũng kể tinh thần Đông Quan trong Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 và Pa-ri 1973. Trước đó, Bác luôn nhắc: Tuyên truyền tránh sỉ nhục kẻ bại trận, dễ kích động lòng tự tôn dân tộc của người ta. Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự nghe Trung tá Xăm-mơ (Summers), sĩ quan liên lạc trong Phái đoàn quân sự bốn bên nói rất nghiêm chỉnh: “Mỹ đã chịu thua các ông rồi. Đề nghị ông báo cáo với Chính phủ đừng làm nhục Mỹ…”. Thời đó, ta vẫn nói: Tạo lối thoát cho đối phương “rút lui trong danh dự”…
Chiều 20-1-1968, ông Lê Đức Thọ sang báo cáo với Bác đã hoàn tất các công việc chuẩn bị. Sáng 25-1-1968, tức 26 Tết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường về Hà Nội ghé qua Trung Quốc, Bác dặn thêm:
Kế hoạch phải thật tỉ mỉ
Hợp đồng phải thật ăn khớp
Bí mật phải thật tuyệt đối
Hành động phải thật kiên quyết
Cán bộ phải thật gương mẫu!...
Tối đầu tiên trong căn phòng Bác và Vũ Kỳ ngồi đón Giao thừa xa Tổ quốc, ngoài trời tuyết rơi dày đặc, trắng xóa. Chiếc đài bán dẫn phát ra tiếng nói quê hương thân yêu sao gắn bó mà cách biệt lạ! Tin thời sự. Câu chuyện vui. Ca nhạc. Ngâm thơ. Thời gian đi chầm chậm. Bác trầm ngâm, đượm vẻ buồn. Ông Vũ Kỳ thú thực với Bác rất nhớ vợ, nhớ con…
Bỗng, Bác như giật mình, mắt sáng khi tiếng loa đài phát ra.
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!
Ông Vũ Kỳ đã nghe, đã thuộc từng câu chữ, vậy mà trong giây phút thiêng liêng này của đất trời, của dân tộc, trong lòng ông vẫn cứ trào dâng, trào dâng niềm xúc động, hạnh phúc khó tả!
Tiến lên, toàn thắng…
Mãi sau này ông mới biết: Thì ra, “Tiến lên” là hiệu lệnh Bác phát ra để khắp các mặt trận nổ súng hệt như lệnh Tắt đèn - nổ súng lúc 20 giờ ngày 19-12-1946 bắt đầu cuộc Toàn quốc kháng chiến khi Đài phát thanh phát đi tiếng nói của Người. Thảo nào, sau lời Bác: “Tiến lên”, thì pháo nổ và Bác nói một mình: Miền Nam nổ súng rồi! Đó là giờ G, ngày N đã điểm.
Bác dặn, từ giờ phút này, ông phải theo dõi chặt chẽ tin chiến sự từ các đài, các nước. Và ông Vũ Kỳ vội đi lấy chậu hoa thủy tiên buộc dải lụa đỏ, Bộ Chính trị gửi sang chúc Tết Người…
Từ đà thắng Xuân Mậu Thân - 1968, một năm sau, trước ngày đi xa, Bác nhắc khẩn trương mở “Hội thề”… Pa-ri cho Mỹ cút thì ngụy phải nhào để Bắc Nam sum họp, còn Xuân nào vui hơn - Xuân 1975!
TRỊNH TỐ LONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét