Cuộc hội ngộ của những người từng giúp việc Đại tướng
Cơn mưa nặng hạt kéo dài suốt buổi sáng 26/8 không thể ngăn những cán bộ lão thành tề tựu về Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp sinh nhật lần thứ 102 của ông.
Những người đã gần 90 tuổi như nguyên Cục trưởng Cục quân báo Lê Trọng Nghĩa, Trung tướng Phạm Hồng Cư… đến sớm gần 30 phút để gặp gỡ, hàn huyên. Trước giờ bắt đầu, căn phòng tiếp khách không còn một chỗ trống. Chiếc bánh sinh nhật với dòng chữ “Kính chúc Đại tướng của nhân dân thượng thượng thọ” trên nền lá cờ đỏ sao vàng đặt trang trọng cạnh những lẵng hoa, trướng chúc thọ khiến nhiều người tấm tắc khen. Phu nhân của Đại tướng, bà Đặng Bích Hà, sức khỏe giảm sút nhiều sau lần tai biến năm trước có mặt từ đầu buổi, vui vẻ nhận lời chúc và cảm ơn những người tới thăm.
Đại tá Nguyễn Văn Huyên (trái) bắt tay nguyên Cục trưởng Cục Quân báo Lê Trọng Nghĩa và tiếp chuyện cán bộ lão thành tại Văn phòng Đại tướng. Ảnh: Nguyễn Hưng |
“Sức khỏe anh Văn tương đối ổn định. Anh vẫn nhận biết được người thân đến thăm và ra hiệu đáp lại”, đại tá Nguyễn Văn Huyên, thư ký lâu năm của Đại tướng mở đầu bằng thông tin được nhiều người chờ đợi.
Theo đại tá Huyên, trong dịp sinh nhật 102, bước sang tuổi 103 của Đại tướng, nhiều người bày tỏ nguyện vọng vào thăm, chúc thọ dù chỉ là “đến ngoài cửa nhìn anh Văn”. Đại tá Huyên cho biết các y bác sĩ của Bệnh viện Quân y 108 đang cố gắng chăm sóc Đại tướng không khác gì chăm sóc cho người cha, người ông của mình.
Gói ghém cẩn thận bức trướng để tránh ướt mưa, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh mang đến cuộc gặp mấy câu thơ chúc thọ Đại tướng: Thân dân, yêu nước một lòng son/ Khiển tướng, điều binh thắng trận dồn/ Trận thắng Điện Biên, Tây khiếp vía/ Đêm thua Hà Nội, Mỹ kinh hồn/ Tài kiêm văn, võ, toàn cầu biết/ Đức vẹn nghĩa nhân, cả nước tôn/ Đáng mặt trong mười danh tướng chọn/ Thanh danh muôn thuở vẫn trường tồn.
Vị tướng 97 tuổi này cho hay, từ 4 năm trước, ông và nhiều người đã có thư gửi Bộ Chính trị, trong đó có đề nghị giữ khu Văn phòng Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu làm địa điểm dựng bảo tàng về Đại tướng.
Giáo sư Phan Huy Lê nhiều năm liền không vắng ở bất cứ buổi gặp mặt nào như thế này. Ông cho hay, để giúp gìn giữ, bảo quản các hiện vật, tặng phẩm chuẩn bị cho việc thành lập bảo tàng, các chuyên gia sẽ giúp cán bộ văn phòng. Ông cho biết thêm, để khắc ghi công lao của Đại tướng, sắp tới sẽ đề nghị Hà Nội đặt tên con đường cao tốc hiện đại nối từ sân bay Nội Bài về cầu Nhật Tân là đường Võ Nguyên Giáp.
Căn phòng tiếp khách chật kín mỗi dịp sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Chia sẻ thêm về dự án “Danh tướng Việt Nam” được nhiều người quan tâm những ngày vừa qua, giáo sư Phan Huy Lê cho hay dự án không chỉ dừng lại ở 4 nhân vật lịch sử là Việt quốc công Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau này chắc chắn sẽ có thêm Hai Bà Trưng, Ngô Quyền… Việc tập hợp một danh sách các vị danh tướng để cho ra đời những tượng đài với nhiều kích cỡ sẽ góp phần đưa lịch sử vào đời sống cũng như quảng bá ra thế giới một cách thuận lợi…
Nói về thủ trưởng của mình, đại tá Trịnh Nguyên Huân, người thư ký 37 năm của Đại tướng đúc rút, Đại tướng sinh ra không phải là để làm tướng dù có tài năng quân sự thiên bẩm, mà là để trở thành một người xây dựng đất nước. “Đại tướng ít khi nói về những chiến thắng, ông nói nhiều tới bài học. Quan trọng là không phải thắng bao nhiêu trận mà là bài học rút ra, vì chỉ khi rút ra được bài học thì mới không vấp ngã”, đại tá Huân kể.
Trung tá Lê Văn Hải (Văn phòng Đại tướng) cho hay, cán bộ văn phòng đều bất ngờ vì số lượng người tới dự buổi gặp mặt. Theo ông, các cán bộ giúp việc và những người thân cận đều đã cao tuổi nhưng vẫn có mặt rất đông đủ. “Kể cả những người được tiếp xúc nhiều với Đại tướng khi biết tin cũng đội mưa đến chúc mừng. Điều đó khiến chúng tôi rất xúc động”, trung tá Hải nói.
Tại cuộc gặp, nhiều người bày tỏ ý kiến trái chiều về tiêu đề của cuốn sách mới được ấn hành tại Việt Nam của sử gia người Mỹ Cecil B. Currey. Cuốn sách viết về Đại tướng với tiêu đề “Chiến thắng bằng mọi giá”. Theo trung tướng Phạm Hồng Cư, Đại tướng là người quý từng giọt máu của quân và dân nên sẽ không bao giờ dùng “mọi giá” để chiến thắng. Dịch giả Nguyễn Văn Sự, người dịch nhiều cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đồng ý với nhận định này. Việc giữ tiêu đề là để tôn trọng tác giả và điều này cũng được giải thích trong lời nói đầu của cuốn sách. |
Nguyễn Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét