Truyện Kiều: một trương? Ngải Trương?
Truyện Kiều: Thêm một chứng cứ để đọc "hồ cầm một trương"
chứ không phải "hồ cầm Ngải Trương"
1. Trong hai năm 1990-1991, trên văn đàn xuất hiện một cuộc tranh luận nho nhỏ về vấn đề đọc và hiểu chữ “MỘT TRƯƠNG” câu Kiều số 32 vốn vẫn đọc là “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”. Phan Khắc Khoan bằng ba bài báo đăng trên Văn nghệ (phụ san tháng 10/1990), Kiến thức ngày nay (1/12/1990),Văn nghệ (phụ san tháng 1/1991) đã biện luận cho cách đọc “Ngải Trương” và cách hiểu “Ngải Trương [艾張hoặc Ngải Như Trương 艾如張] là một nhạc công lỗi lạc, danh cầm vào bậc nhất Trung Quốc xưa, rất giỏi đàn Hồ”.
Ý kiến trên bị phản bác gay gắt với các bài viết của Bà Hoàng Giang Mĩ Hạnh (Văn nghệ, 15/1/1991), Nguyễn Quảng Tuân (Kiến thức ngày nay, số 52 năm 1991), hai tác giả này lần lượt căn cứ vào việc chứng minh rằng “nhân vật Ngải Trương” không tồn tại trong thư tịch cũng như lịch sử Trung Hoa, và khảo sát tự dạng chữ Nôm [(Hán) 艾 ngải ≠ một /殳/沒/没 (Nôm)] để phủ nhận cách đọc và cách hiểu của Phan Khắc Khoan. Huệ Thiên (Kiến thức ngày nay, số 56 năm 1991) cũng căn cứ vào việc ghi chép trongHán thư và Nhạc phủ tập để chứng minh rằng “Ngải Như Trương” chỉ là một nhân vật được ngụy tạo ra. Như một ý kiến tổng thuật cuộc tranh luận kèm phân tích và phê phán, bài viết của Đào Thái Tôn (Văn nghệ, 4/5/1991) đã bác bỏ một cách thuyết phục và toàn diện quan điểm của Phan Khắc Khoan trong ba bài báo trên, đồng thời chỉ ra thêm nhiều lỗi nữa như: “dẫn liệu […] lơ mơ về xuất xứ”, hiểu nhầm tên nhạc phẩm thành tên người (Ngải như trương thật ra là tên một trong 18 khúc nao ca đời nhà Hán, chứ không phải tên người).
Ý kiến trên bị phản bác gay gắt với các bài viết của Bà Hoàng Giang Mĩ Hạnh (Văn nghệ, 15/1/1991), Nguyễn Quảng Tuân (Kiến thức ngày nay, số 52 năm 1991), hai tác giả này lần lượt căn cứ vào việc chứng minh rằng “nhân vật Ngải Trương” không tồn tại trong thư tịch cũng như lịch sử Trung Hoa, và khảo sát tự dạng chữ Nôm [(Hán) 艾 ngải ≠ một
Sau những tranh luận bằng phản chứng rất xác đáng này, gần 20 năm qua đã không còn ai cổ xúy cho cách đọc “Ngải Trương” nữa. Tôi cũng vậy!
2. Gần đây, tôi lại tìm được thêm một bằng chứng ủng hộ cách đọc truyền thống “hồ cầm một trương”, trộm nghĩ cũng là một sự bổ sung cho các luận điểm vốn đã đủ sức thuyết phục trên. Căn cứ của tôi là phân tích cấu trúc ngữ pháp của cách nói “hồ cầm một trương”, và tìm sự tương đồng của cách nói này trong ngữ liệu tiếng Hán cổ đại và hiện đại, từ đó cho rằng: khi viết “hồ cầm một trương”, Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng của cách dùng cấu trúc lượng từ trong tiếng Hán.
3. “Hồ cầm một trương”, theo tôi hiểu, có thể hoán vị thành “một trương hồ cầm”. Đây chính là cấu trúc “số từ + lượng từ + danh từ” (một + trương + hồ cầm) mà cái danh từ trong đó là “hồ cầm” 胡琴, còn lượng từ là trương 張. Cấu trúc trong tiếng Hán cổ đại và hiện đại này có biến thể là “danh từ + số từ + lượng từ” (hồ cầm + một + trương). Có nhiều ví dụ về cấu trúc này trong tiếng Hán cổ đại, như: lưỡng cá hoàng li 兩個黃鸝 (hai con vàng anh) và nhất hàng bạch lộ 一行白鷺 (một hàng cò trắng) trong bài Tuyệt cú 絕句 của Đỗ Phủ 杜甫 đời Đường. Cấu trúc này cũng cực kì phổ biến trong tiếng Hán hiện đại (vì quá nhiều nên miễn nêu ví dụ). Dễ thấy rằng cấu trúc Hán văn ấy cũng có đầy rẫy ví dụ tương đồng trong tiếng Việt: một cơn mưa gió, một giọt mưa rào, một cành mẫu đơn, một thiên luật Đường, một bài cổ thi, hai ả tố nga, bốn năm người làng chơi… (ngữ liệu trong Truyện Kiều); một con gà, dăm quả trứng, ba cây đàn ghi ta… (tiếng Việt hiện đại).
Phán đoán trên càng được củng cố khi ta biết rằng “trương” 張 là một lượng từ thông dụng trong tiếng Hán hiện đại dùng để trỏ những thứ có mặt phẳng, hoặc có thể trải ra, căng ra được: nhất trương sàng 一張床 (/yi zhang chuang/, một cái giường), tam trương chỉ 三張紙 (/san zhang zhi/, ba tờ giấy), lưỡng trang trác tử 兩張桌子 (/liang zhang zhuozi/, hai cái bàn), nhất trương cung 一張弓 (/yi zhang gong/, một cái cung)… Chức năng lượng từ của trương được khẳng định trong Hán ngữ đại từ điển 漢語大詞典 (bộ 13 quyển do La Trúc Phong 羅竹風 chủ biên, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 1994, quyển 4, tr. 122, cột 1, xem ảnh bên), bộ từ điển này trình bày tất cả 16 nghĩa củatrương 張, trong đó nghĩa thứ 11 là nghĩa lượng từ. Trong phần giải nghĩa thứ 11 này cũng trích bài thơ Thất ngôn 七言 của Lã Nham 吕岩 đời Đường có câu: “Nhất hồ thôn tửu nhất trương cầm” 一壺村酒一張琴 (Một bầu rượu quê, một trương cầm). Trong tiếng Hán hiện đại, vì trương 張 /zhang/ là lượng từ thông dụng để trỏ các loại đàn (dây đàn có thể căng ra), nên rất phổ biến cách nói “一張琴” (nhất trương cầm /yi zhang qin/).
Đã có nhất trương cầm, theo lẽ thường, nếu đặc chỉ hóa cái danh từ chung “cầm” ấy bằng cách nói rõ là “loại đàn nào” thì sẽ có “nhất trương hồ cầm” 一張胡琴. Theo hướng suy nghĩ đó, tôi đã tìm được ba ngữ liệu cổ sau:
a. Rà soát trong nguyên bản Quán Hoa Đường bình luận Kim Vân Kiều truyện貫華堂評論金雲翹傳 (bản cổ đời Thanh, hiện lưu tại Song Hồng Đường văn khố 雙紅堂文庫, Đại học Tokyo, Nhật Bản) của Thanh Tâm Tài Nhân 青心才人 thì thấy, tác giả cũng dùng “hồ cầm nhất trương” trong đoạn tả Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân: “hồ cầm một trương, oán khúc một bài” 胡琴一張, 怨曲一套 (hồ cầm nhất trương, oán khúc nhất sáo) (hồi 4, quyển 1, tờ 23b, xem ảnh bên).
b. Bản Kim Vân Kiều truyện 金雲翹傳 do Lí Trí Trung 李致忠 hiệu điểm (Xuân Phong văn nghệ xuất bản xã, 1983) còn chép một ngữ liệu khác ở cuối hồi 14 (tr. 132): “Tiểu thư dặn gọi lấy hồ cầm một trươngđưa cho Thúy Kiều”小姐分咐叫取胡琴一張, 付與翠翹 (Tiểu thư phân phụ khiếu thủ hồ cầm nhất trương, phó dữ Thúy Kiều). Bản hiệu điểm này dựa trên bản nền (để bản) là bản khắc đầu đời Thanh, hiện lưu tại “Đại Liên đồ thư quán”, có tham khảo bản lưu tại “Bắc Kinh đồ thư quán” và bản lưu tại “Thiển Thảo thư ốc” ở Nhật Bản (xem phần Hiệu điểm thuyết minh của Lí Trí Trung, sđd, tr. 231-236). Bản hiệu điểm này có nhiều khác biệt với bản lưu tại “Song Hồng Đường văn khố” (Đại học Tokyo) – văn bản mà Lí Trí Trung không nhắc đến trong khi hiệu điểm. Ngữ liệu ở cuối hồi 14 trong bản lưu tại “Song Hồng Đường văn khố” chép khác: “Tiểu thư gọi đem hồ cầm lại, đưa cho Thúy Kiều” 小姐叫取胡琴來, 付與翠翹 (Tiểu thư khiếu thủ hồ cầm lai, phó dữ Thúy Kiều) (sđd, quyển 3, tr. 14b), không có chữ “hồ cầm nhất trương”.
Ít nhất một trong hai ngữ liệu dẫn trên đã nằm ngay trong nguyên thư Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà Nguyễn Du đã đọc trước khi sáng tác Truyện Kiều. Khi đọc nguyên thư ấy, chắc hẳn Nguyễn Du cũng đã tiếp thu cách nói “hồ cầm nhất trương” để dịch thành “hồ cầm một trương” rồi đưa vàoTruyện Kiều.
c. Ngoài ngữ liệu trong chính nguyên thư Hán văn của Truyện Kiều, tôi cũng tìm được thêm một ngữ liệu cổ có dùng “nhất trương hồ cầm”, đó là tác phẩm Nhị khắc Tỉnh thế hằng ngôn二刻醒世恒言 do Tâm Viễn Chủ Nhân 心遠主人 đời Thanh soạn, gồm 24 hồi (xem bản do Trương Vinh Khởi 張榮起 hiệu đính, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, 1990). Trong hồi thứ 21 có đoạn:
“[Trần] Tử Ngang phẫn nộ rời nhà, đi đến chợ Trường An, có một người xách một trương hồ cầm, là di bảo thời Tần, giá đáng muôn vàng” 子昂憤怒離家, 來到長安市上, 有一人攜了一張胡琴, 乃秦時遺寶, 價值萬金 (Tử Ngang phẫn nộ li gia, lai đáo Trường An thị thượng, hữu nhất nhân huề liễu nhất trương hồ cầm, nãi Tần thì di bảo, giá trực vạn kim).
Tìm thêm trong văn chương Trung Quốc hiện đại thì thấy, tác gia nổi tiếng Thẩm Tùng Văn 沈從文(1902-1988) trong truyện ngắn Trượng phu 丈夫 của mình cũng dùng nguyên cách nói “nhất trương hồ cầm”:
“Lại nhìn đến một trương hồ cầm đó, biết rõ là mua để dành tặng riêng anh ta […]” 并且看到那一張胡琴, 明知道這是特别買來給他的 […] (xem: Thẩm Tùng Văn tiểu thuyết tuyển tập沈從文小說選集, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1957, tr. 90).
4. Chứng cứ bổ sung trên đây hoàn toàn ủng hộ cách đọc câu Kiều số 32 là “hồ cầm một trương” như trong truyền thống. Chứng cứ ấy cho thấy, Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng của cách dùng lượng từ “trương”張 trong Hán ngữ cổ đại để diễn đạt khái niệm tương đương trong tiếng Việt là “cây/chiếc” để trỏ đàn nói chung và đàn hồ (hồ cầm) nói riêng: trương cầm = “cây đàn, chiếc đàn”; nhất trương hồ cầm = “một cây đàn hồ, một chiếc đàn hồ”. Chính sự khác biệt về cách dùng lượng từ cho đàn giữa tiếng Việt với tiếng Hán như thế đã góp phần gây ra khúc mắc cho độc giả ngày nay khi đọc và hiểu câu Kiều số 32, để đến nỗi ông Phan Khắc Khoan phải cố gắng tìm cách chứng minh cho một cách đọc và cách hiểu khác.
Vậy, xin tái khẳng định cách đọc câu Kiều số 32: “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”, và có thể hiểu là: “Thúy Kiều có tài riêng, hơn hẳn người khác về [một] cây đàn hồ”. Nếu đã khẳng định như vậy, thì mọi nỗ lực nhằm chứng minh cho cách đọc “Ngải Trương” đều chỉ là “Dã tràng xe cát bể Đông, Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”.
Hà Nội, ngày 10/11/2009
Nguyễn Tuấn Cường
(bài đã đăng trên:
Tạp chí Hán Nôm, số 2/2010, tr. 63-66,
Tạp chí Hán Nôm, số 2/2010, tr. 63-66,
bản đăng ở đây có bổ sung thông tin về bài viết của tác giả Huệ Thiên)
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1. Bà Hoàng Giang Mĩ Hạnh, Nhân vật Ngải Trương không có trong thư tịch Trung Hoa, in trong: Văn nghệ, ngày 5/1/1991.
2. Đào Thái Tôn, Qua ba bài báo về hai chữ “Ngải Trương”, in trong: Văn nghệ, ngày 4/5/1991, in lại trong: Đào Thái Tôn, Văn bản Truyện Kiều: Nghiên cứu và thảo luận, Nxb Hội nhà văn, 2001.
3. Huệ Thiên (1991), Về nhân vật “Ngải Trương” của ông Phan Khắc Khoan, in trong: Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Nxb Trẻ, 2004, tr. 325-330 (in lại có sửa chữa bài trong Kiến thức ngày nay, số 56, 15/3/1991).
4. Nguyễn Du, Truyện Kiều (khảo – chú - bình), Trần Nho Thìn (chủ biên) và Nguyễn Tuấn Cường khảo dị, chú thích, bình luận, Nxb Giáo dục, 2007.
5. Nguyễn Quảng Tuân, Một trương chứ không phải Ngải Trương, in trong: tạp chí Kiến thức ngày nay, số 52, ngày 15/1/1991.
6. Phan Khắc Khoan, Một trương hay Ngải Trương?, in trong: tạp chí Kiến thức ngày nay, số 49, ngày 1/12/1990.
7. Phan Khắc Khoan, Một từ trong Truyện Kiều cần hiệu đính, in trong: Phụ san tuần báo Văn nghệ tháng 10/1990.
8. Phan Khắc Khoan, Trở lại nhân vật Ngải Trương, in trong: Phụ san tuần báo Văn nghệ tháng 1/1991.
9. 羅竹風 主编,《漢語大詞典》(全13卷), 漢語大詞典出版社, 1986-1994.
10. 沈從文, 《沈從文小說選集》, 人民文學出版社, 1957.
11. (清) 青心才人 編次,《貫華堂評論金雲翹傳》(清刊四卷本).東京大學東洋文化研究所雙紅堂文庫 (小說類, No. 69).
12. (清) 青心才人 編次, 李致忠 校點,《金雲翹傳》, 春風文藝出版社, 1983.
13. (清) 心遠主人 編次, 張榮起 校订,《二刻醒世恒言》, 北京大學出版社, 1990.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét