Về hai chữ 文郎 dùng để ghi tên nước Văn Lang, chúng tôi cho rằng đây là hai chữ Nôm.
Âm HV chính thống hiện đại của văn 文 là vân (vô phân thiết 無分切 = v[ô] + [ph]ân = vân), còn âm HV xưa của nó là mun. Mối quan hệ về phụ âm đầu ( V nay ~ M xưa) giữa văn/vân ~ mun còn có thể thấy được qua nhiều trường hợp khác:
– âm HV xưa của vãn 晚 là muộn;
– âm HV xưa của vạn 萬 là muôn;
– âm HV xưa của vị 未 là mùi;
– âm HV xưa của vị 味 cũng là mùi;
– âm HV xưa của vọng 望 là mong và mòng (trong chốc mòng);
– âm HV xưa của vũ 舞 là múa; v.v..
Còn về vần -ăn/-ân ~ -un, thì ta cũng có:
– âm HV xưa của phấn 粉 là bún;
– âm HV xưa của sấn 齔 (= mất răng) là sún;
– âm HV xưa của vân 耘 ( = cào, bừa) là vun trong vun xới; v.v.
Vậy chẳng có gì lạ nếu âm HV xưa của văn 文 là mun. Như trên đã nói, đây là một chữ Nôm. Chữ này dùng để ghi từ *Mun của ngôn ngữ Việt-Mường cổ xưa, có nghĩa là “người”. Đây là một từ mà, cho đến nay, người Mường ở các tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ, Thanh Hoá vẫn còn dùng để tự gọi, với những biến thể ngữ âm khác nhau, như Mol, Mon, Moăn, Mwal, v.v.. Từ điển Mường-Việt của Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2002) có một mục từ thú vị:
“Mõl : 1. người Mường. Nả là Mõl: Nó là người Mường. 2. người. (…)”
Kiểu đặt tộc danh như trên không phải là chuyện lạ. Tác giả Nguyễn Linh khẳng định: “Thông thường tộc danh, nhất là những tộc danh cổ đều xuất phát từ những danh từ chung có nghĩa là “người”. Trên thế giới, loại tộc danh như thế hiện còn gặp rất nhiều, đặc biệt ở những dân tộc thiểu số.” (Nhiều tác giả, Thời đại Hùng Vương, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973, tr.66). Còn lang 郎 là gì? Ý kiến truyền thống thì cho rằng trong tiếng Hán, lang là chàng, là đàn ông, nói rộng ra là người. Trong vài thập kỷ gần đây, lại có ý kiến cho rằng lang là một từ cùng gốc với từ có nghĩa là người trong một số ngôn ngữ ở phía Nam Trung Quốc, chẳng hạn ý kiến của Nguyễn Linh (Sđd, tr. 65-69). Chúng tôi nghĩ khác và cho rằng chữ này không liên quan gì đến khái niệm “người”. Đây là một trong những chữ Nôm thuộc loại cổ xưa nhất: chữ làng trong xóm làng. Xin chú ý rằng những yếu tố Hán Việt có phụ âm đầu l-, hiện nay mang thanh điệu 1 (không dấu) thì xưa có thanh điệu 2 (dấu huyền):
– la 羅(trong la ỷ) xưa đọc là (xđl) là (trong lụa là);
– lan 瀾(= sóng to) xđl làn (trong làn sóng, làn gió);
– lâm ly 淋漓(buồn rầu thảm thiết) xđl lầm lì (nay dùng theo nghĩa khác);
– lâu 樓(trong lâu đài) xđl lầu (trong nhà lầu);
– liêm 鐮 xđl liềm; v.v..
Vậy chẳng có gì lạ nếu chữ lang 郎 xưa đọc là làng. Chữ Nôm này xuất hiện muộn nhất cũng là vào đời Trần (1225 – 1400) còn cái từ Việt-Mường cổ mà nó ghi thì chắc chắn phải trên 2.000 năm tuổi. Ngày nay, nó chỉ một đơn vị hành chính tương đương với hương 鄉 trong tiếng Hán nhưng ngày xưa có thể nó đã có thêm một cái nghĩa rộng hơn, là vùng, miền, v.v. trong tiếng Việt-Mường cổ (nên mới đi chung với nước trong danh ngữ đẳng lập làng nước?). Và Mun Làng là “vùng của những người tự gọi là Người”. Điểm tế nhị cần lưu ý ở đây là kiểu cú pháp ngược (định ngữ – bị định ngữ) của danh ngữ Mun Làng. Thực ra, đây không phải là chuyên lạ vì trong truyền thuyết vế nguồn gốc và cổ sử của dân tộc, nhiều chi tiết đã được nhìn và kể thông qua lăng kính của tiếng Hán. Ngay Hạc (Lạc) Long Quân cũng là một cấu trúc đặt theo cú pháp “ngược”.
Trở lại với từ Việt-Mường cổ Mun, chúng tôi cho rằng đây cũng chính là chữ Mun trong địa danh Gò Mun, di chỉ khảo cổ học ở xã Tứ Xã, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Gò Mun là gò mà người Mun, tức người Việt-Mường xưa, lấy làm nơi cư trú. Đây cũng là một địa điểm liên quan đến nơi đặt kinh đô xưa của nước Văn Lang và niên đại của di chỉ này là khoảng dưới 3.000 năm, còn niên đại chính xác là khoảng 700 năm tr.CN, trùng với khởi thuỷ của Thời đại Hùng Vương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét