Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Tìm hiểu chữ “Cần” trong địa danh Cần Đước (Cao Tự Thanh)

Tìm hiểu chữ “Cần” trong địa danh Cần Đước


1. Tìm hiểu truyền thống của một địa phương, không thể không chú ý tới địa danh – tên gọi của địa phương ấy. Trong hầu hết các trường hợp, địa danh là một chứng cứ ngôn ngữ – lịch sử phản ánh nguồn gốc hoặc đặc điểm của địa phương về điều kiện tự nhiên hoặc sinh hoạt kinh tế, dân tộc hoặc tôn giáo, phong tục hoặc tâm lý cư dân… Đối với việc tìm hiểu Đất và Người Cần Đước, điều này lại càng có ý nghĩa vì “Cần Đước” hiện không chỉ là tên gọi của một khu vực địa lý thông thường, mà còn là tên gọi của một khu vực hành chính, có tính chất pháp quy.
2. Phải nói ngay rằng không thể tìm hiểu “Cần Đước” một cách biệt lập với hệ thống các địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” như Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Lố, Cần Thơ… Sự ghi chép trong nhiều thư tịch, tài liệu cổ hiện có là bằng chứng về tính hệ thống của các địa danh này: Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1774), Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1820), Địa bộ triều Minh Mạng (1836), Đại Nam Nhất thống chí (khoảng 1865) hầu như đều dùng một chữ Hán thống nhất (thảo đầucân) để viết chữ “Cần” trong các địa danh nói trên. Nhiều bản Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc chữ Nôm sưu tầm được trước nay (có câu Đoái sông Cần Giuộc…) hay Lãnh binh Trương Định truyện chữ Hán của Nguyễn Thông (có câuBùi Quang Diệu bảo Cần Đức – Đước…) cũng viết chữ “Cần” như vậy. Rõ ràng hệ thống địa danh trên đã hình thành từ lâu đời, đồng thời sự lặp lại cùng một chữ “Cần” thống nhất trong nhiều địa danh như vậy còn cho phép nghĩ rằng các địa danh này được cấu tạo theo kiểu kết cấu chính phụ, trong đó “Cần” là yếu tố chính, có ý nghĩa từ vựng độc lập và mang chức năng chỉ định xác định. Những lời giải thích như “Cần Đước” là con cần đước (ba ba) (1) hay “Cần Giờ” là “cân giờ” (đo giờ, tính giờ) nói trại ra (2) … chỉ là kết quả của một sự suy diễn chủ quan, sai lầm vì không chú ý tới toàn bộ hệ thống chung cũng như tới chữ “Cần” trong một hằng số ý nghĩa từ vựng – chức năng.
3. Nhưng mặc dù nhìn chung được ghi lại trong thư tịch cổ Việt Nam một cách thống nhất, chữ “Cần” (rau cần) ở đây vẫn không có một ý nghĩa từ vựng rõ ràng, thậm chí khi đi với Giờ, Giuộc, Đước, Lố, Thơ… còn trở nên tối nghĩa trong tiếng Việt cũng như tiếng Việt Hán. Hiển nhiên đây là một chữ Nôm dùng ghi âm một tiếng có nguồn gốc ngoài tiếng Việt. Theo chiều hướng này và quan sát các địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” trên bản đồ hiện nay, có thể thấy ngay rằng tiếng mà người Việt nói và viết là “Cần” đây không thuộc ngôn ngữ Chăm vùng Nam Trung Bộ đồng thời cũng rất ít có khả năng thuộc các ngôn ngữ Mạ, S’tiêng hay Mnông vùng Đông Nam Bộ. Khả năng duy nhất hợp lý chỉ có thể là nó thuộc ngôn ngữ Khmer vùng Trung và Tây Nam Bộ đồng bằng sông Cửu Long (3).
4. Tuy nhiên, trên một phương hướng hợp lý như vậy, nhiều lời giải thích cụ thể về các địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” trên cơ sở tiếng Khmer được đưa ra trước nay vẫn chưa có giá trị thuyết phục – ý nghĩa khẳng định. Trương Vĩnh Ký chẳng hạn, trong Petit cours de Géographie de la Basse Cochinchine (Tiểu giáo trình Địa lý Nam Kỳ) xuất bản ở Sài Gòn năm 1875, không rõ căn cứ vào đâu, đã đưa ra một danh sách đối chiếu 187 địa danh Việt – Khmer, trong đó có một số mở đầu bằng chữ “Cần” như Cần Giờ là Srock Kanco, Cần Giuộc là Kantuoc, Cần Đước là Anơơk, Cần Lố là Srock Cahloh… Chưa nói tới lối đổi ngang địa danh một cách đơn giản như vậy dễ tạo ra những ngộ nhận lịch sử về hoạt động của người Việt ở Nam Bộ các thế kỷ trước, lời giải thích này cũng mang tính chất võ đoán, mơ hồ. Chẳng hạn, khó mà hiểu được tại sao Srock Kanco, Kantuoc và Anơơk đều có thể trở thành những địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” trong tiếng Việt như nhau; cũng như việc chuyển từ tiếng Khmer sang tiếng Việt như trên là tuân theo các quy luật ngữ âm hay phiên dịch – đổi ngang về ý nghĩa từ vựng… Về mặt phương pháp, lối tư duy ngôn ngữ ở đây cũng phạm sai lầm giống hệt như trong kiểu giải thích “Cần Đước” là con ba ba, “Cần Giờ” là cân giờ nói trại ra…, nghĩa là đều cố gắng quy mỗi địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” về một từ có trước và mang ý nghĩa cá biệt một cách tùy tiện, chỉ khác nhau ở chỗ một thì hướng về tìm từ ấy trong tiếng Việt, một thì hướng về tìm trong tiếng Khmer. Cho nên cần phải xác định cả phương hướng lẫn phương pháp ngay từ giả thuyết: nếu tìm nguồn gốc chữ “Cần” trong các địa danh nói trên nơi tiếng Khmer, thì phải tìm tới một từ Khmer duy nhất (tương ứng với việc chữ “Cần” được viết khá thống nhất trong thư tịch cổ Việt Nam), đảm bảo được việc chuyển thành chữ “Cần” trong tiếng Việt một cách nhất quán (có ý nghĩa từ vựng độc lập và chức năng xác định, không bị thay đổi trong mọi trường hợp – không có ngoại lệ) và hợp lý (về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ).
5. Trở lại với những ghi chép có liên quan trong thư tịch cổ Việt Nam, có thể tìm được cơ sở cho một giả thuyết về nguồn gốc của chữ “Cần” trong hệ thống địa danh nói trên. T
rong Gia Định thành thông chíSơn xuyên chí, phần Vĩnh Thanh trấn, Trịnh Hoài Đức có viết về sông Mạt Cần Dưng “hiệp lưu với sông Thoại Hà” và sông Thoại Hà “hiệp lưu với sông Cần Dưng”. Mạt Cần Dưng và Cần Dưng đây chỉ là hai tên gọi của cùng một con sông, con sông này trong Đại Nam Nhất thống chíTỉnh An Giang, mục Sơn xuyên chí được ghi bằng một cái tên “Cần Dưng” duy nhất, với chữ “Cần” viết là thảo đầu + cân. Điều đã xảy ra với địa danh Cần Dưng này rõ ràng là sự lặp lại điều đã xảy ra trước đó với các địa danh Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Đước, Cần Thơ…; tóm lại chữ “Cần” ở đây chính là “Mạt Cần” rụng “Mạt”. Và từ Khmer mà người Việt nói và viết là “Mạt Cần” rồi giản lược thành “Cần” ấy có thể là một từ được đọc là “Mák kék” theo giọng Pali hay “Môkô” theo giọng Khmer), dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “con đường” (4). Hệ thống các địa danh Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Đước, Cần Thơ… vì vậy rất có thể vốn là Mạt Cần Giờ – đường “Giờ”, Mạt Cần Giuộc – đường “Giuộc”, Mạt Cần Đước – đường “Đước”, Mạt Cần Thơ – đường “Thơ”…, những đường sông ở các thế kỷ trước vẫn là tuyến giao thông chủ yếu của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và tất nhiên phải được ghi lại trước tiên bằng ngôn ngữ của người Khmer với tư cách là cư dân bản địa.
6. Việc xác nhận mức độ chính xác của giả thuyết này tất nhiên còn cần có thời gian cũng như sự nghiên cứu của các ngành khoa học có liên quan, song ít nhất cách hiểu “Cần” vốn là “Mạt Cần” tức “Mák kék” hay “Môkô” – đường (sông) như trên cũng đáp ứng được một số yêu cầu đặt ra đối với việc giải thích các địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” hiện có. Trước hết, áp dụng vào tất cả các địa danh này, nó hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh (tiền đề) địa lý – tự nhiên, đồng thời cả ý nghĩa từ vựng lẫn chức năng chỉ định loại hình địa hình “đường (sông)” của chữ “Cần” tức “Mạt Cần” không hề thay đổi. Thứ nữa, từ “Môkô” trong tiếng Khmer hay “Mák kék” trong tiếng Pali chuyển thành “Mạt Cần” trong tiếng Việt chẳng có gì trái với các quy luật ngữ âm, mặt khác từ “Mạt Cần” tới chỗ chỉ còn “Cần” cũng hoàn toàn phù hợp với tập quán giản lược trong lời ăn tiếng nói của người Việt – cần lưu ý rằng “Mạt Cần” đối với họ không có một ý nghĩa từ vựng cụ thể xác định nào nên cũng chẳng có giá trị gì hơn là “Cần”, nhất là khi sau “Cần” còn có Giờ, Giuộc, Đước, Thơ… quá đủ cho số đông trong việc gọi tên một địa điểm hay khu vực. Bên cạnh đó, xét trong bối cảnh việc khai phá đồng bằng sông Cửu Long của người Việt các thế kỷ trước thì sự hiện diện song song của “Cần Giờ” và “Mạt Cần Dưng” trongGia Định thành thông chí năm 1820 cũng như sự chuyển biến từ “Mạt Cần Dưng” năm 1820 tới “Cần Dưng” trong Đại Nam Nhất thống chí năm 1865 là hoàn toàn hợp lý. Miền Trung Nam Bộ và các khu vực cửa biển, cửa sông… ở Nam Bộ được người Việt khai phá sớm, tỷ lệ và số lượng người Khmer trong cộng đồng cư dân ở những nơi này cũng thấp, địa danh tiếng Khmer bước hẳn vào tiếng Việt trước thì tất nhiên phải được Việt hóa nhanh hơn; còn miền Tây Nam Bộ ở những nơi sâu hơn trong đất liền được người Việt khai phá muộn, tỷ lệ và số lượng người Khmer trong cộng đồng cư dân lại cao, địa danh tiếng Khmer có điều kiện để được bảo lưu trong tiếng nói lâu hơn thì quá trình Việt hóa cũng kéo dài hơn ít nhất là trong thư tịch của người Việt.
7. Nhiều năm qua, các thế hệ người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long đã truyền lại cho nhau sử dụng, nhưng không truyền lại lời giải thích đầy đủ và chính xác về nguồn gốc và nhất là quá trình diễn tiến của hệ thống địa danh mở đầu bằng chữ “Cần”. Địa danh Cần Đước cũng nằm trong tình hình chung ấy. Cho nên, nếu trong tương lai ý nghĩa của chữ “Cần” được làm sáng tỏ, thì ý nghĩa của chữ “Đước” cũng như những “Giờ”, “Giuộc”, “Lố”, “Thơ”… vẫn còn phải được tiếp tục tìm hiểu dài lâu, mặc dù có thể đó chỉ còn là những vấn đề chi tiết. Nhưng nếu quả những người Việt trước kia theo cửa biển Soài Rạp vào đất này thác thổ khai cương đã nhận nơi người Khmer cái tên Mạt Cần Đước với nghĩa đen là đường sông Đước rồi lãng quên, thì đó chủ yếu là vì họ đã biến nó thành Cần Đước với nội dung khác hẳn ý nghĩa ban đầu trong quá trình khai phá dải đất hoang kề cận bờ đông sông Vàm Cỏ này thành ruộng đồng làng mạc. Trong ý nghĩa này, việc một tên sông Khmer trở thành một tên đất Việt Nam, và hơn thế nữa, tên gọi chính thức của một khu vực hành chính như Cần Đước hiện nay thật cũng mang giá trị như một biểu trưng độc đáo, một biểu trưng về công lao to lớn của nhiều thế hệ người Việt trong gần ba trăm năm nay đã đổ mồ hôi, xương máu để góp phần khai phá và giữ gìn vùng đất nước ở phương nam.
Tháng 11. 1987
(1) Về chữ viết, trên nguyên tắc chữ “Cần” trong từ “Cần Đước” (ba ba) phải được viết bằng một chữ Nôm có bộ trùng. Nhưng Huỳnh Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quốc âm tự vị, Sài Gòn, 1895 – 1896, Tome I, tr. 99 và J. F. M. Génibrel trongDictionnaire Annanite Francais, Sài Gòn, 1898 (deuxième édition), tr. 71 lại viết làcan (trúc đầu + can), nghĩa Việt và âm Nôm là “cần” (cần câu), không chính xác lắm nhưng đều không phải là thảo đầu + cân(2) Ban Tuyên giáo huyện Duyên Hải, Truyền thống cách mạng của nhân dân huyện Duyên Hải, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1986, tr. 8 (3) Theo Annuaire génerale de l’Indochine 1907 thì Cần Đước là tên gọi Khmer của xã Tân Ân (nay thuộc huyện Cần Đước “Tân Ân ou Cần Đước: nom cambodgien”). (4) Theo Hoàng Học, Từ điển Khơme – Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, tập II, tr. 1165 thì từ này còn có một nghĩa nữa là “mặt trận” như “mặt trận dân tộc giải phóng”, “mặt trận đoàn kết” nhưng nghĩa này có vẻ hiện đại nên không đề cập tới ở đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét