Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Tiểu đội nữ du kích đánh bại…tiểu đoàn lính thủy (Trần Đình Thăng - Quân Đội Nhân Dân)



Một thời trận mạc
Tiểu đội nữ du kích đánh bại…tiểu đoàn lính thủy
QĐND - Thứ Bẩy, 02/04/2011, 13:12 (GMT+7)
QĐND Online - “Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/Bác khen các cháu dân quân gái/Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”. Đó là những câu thơ Hồ Chủ Tịch dành tặng Tiểu đội nữ du kích sông Hương sau chiến công huyền thoại-đánh bật một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ của Mĩ ra khỏi thành phố Huế. Một ngày đầu năm 2011, chúng tôi đã có dịp gặp lại hai nữ du kích năm xưa-chị Hoàng Thị Nở và chị Nguyễn Thị Hao-để được nghe các chị kể về một tiểu đội đã đi vào huyền thoại…
Tiểu đội nữ du kích mang tên một dòng sông
Trong căn nhà cấp 4 thuộc ngõ 40, đường Duy Tân, thành phố Huế, chị Nguyễn Thị Hoa bắt đầu câu chuyện với chúng tôi:
- 11 đứa gái chúng tôi lấy dòng sông Hương đặt tên cho tiểu đội vì tất cả đều sinh ra và lớn lên bên dòng sông thơ mộng ấy (các chị đều ở làng nón Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế - pv). Ngày đó, trước tổng công kích và nổi dậy khoảng hai tháng, tụi mình được các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Huế giao nhiệm vụ nắm tình hình tại các địa điểm đóng quân của quân địch ở thành phố Huế, chuẩn bị dẫn đường và tải thương khi bộ đội ta từ vùng ven đồng loạt tấn công vào thành phố.
Tiểu đội 11 cô gái sông Hương anh hùng (chụp lại ảnh tư liệu)
Thực thi nhiệm vụ, các nữ du kích sông Hương “vào vai” con gái làng nón, đưa sản phẩm của làng nghề đi bán dạo khắp khu vực phía Nam thành phố Huế để nắm bắt tình hình, ghi nhớ đường đi lối về dẫn đến các mục tiêu.
Đêm ngày 11 rạng sáng ngày 12-2-1968, sau 10 ngày đảm nhiệm xuất sắc nhiệm vụ dẫn đường, tải thương, tiểu đội được đồng chí Hoàng Lanh, lúc đó là Bí thư thành ủy Huế, giao nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chủ lực đánh bại đợt phản công của địch từ thị trấn Phú Bài lên thành phố Huế, theo quốc lộ 1A. Trước một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ hùng mạnh, có xe tăng và máy bay yểm trợ, các nữ du kích nhận định: “Địch tuy có hỏa lực mạnh nhưng không thông thạo địa hình, nếu tiểu đội phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực và được nhân dân che chở, nhất định ta sẽ đánh thắng”. Từ nhận định đó, 11 cô gái sông Hương hạ quyết tâm tiêu diệt địch. Với số vũ khí được trang bị là AK và một số mìn, lựu đạn, tận dụng địa hình, tiểu đội dàn trận khắp các phường Phú Hội, Xuân Phú, khách sạn Hương Giang, Đại học Sư phạm Huế, chợ Cống… để tiêu diệt địch.
Trong trận quyết chiến đó, bốn cô gái sông Hương đã anh dũng hy sinh là các chị Đỗ Thị Hoa, Hoàng Thị Sau, Hoàng Thị Hết và Nguyễn Thị Diên. Đồng đội ngã xuống, lòng căm thù như tiếp thêm ý chí cho những người còn lại thêm quyết tâm đánh địch. Trận đánh kết thúc, tiểu đoàn thủy quân lục chiến tinh nhuệ của Mĩ bị đẩy lùi, nhưng chúng phải hứng chịu thiệt hại nặng nề với 70 tên bị tiêu diệt, 4 xe tăng bị phá hủy và một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh bị ta thu giữ. Trận đánh của Tiểu đội nữ du kích sông Hương đã tạo điều kiện cho quân ta làm chủ thành phố Huế 25 ngày đêm liên tục trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
“Ra thăm Lăng Bác và gặp Đại tướng” – đau đáu ước ao
Sau trận đánh quả cảm đó, Tiểu đội nữ du kích sông Hương đã vinh dự được Bác Hồ tặng bài thơ khen ngợi chiến công:
“Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường.
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường.
Bác khen các cháu dân quân gái.
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”.
Bia ghi dấu chiến công của Tiểu đội 11 nữ du kích sông Hương trên đường Bà Triệu, thành phố Huế. 
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đã quyết định dựng bia ghi dấu chiến công và sự hy sinh anh dũng của 11 cô gái sông Hương tại phường Xuân Phú- nơi gắn với chiến công của họ 43 năm trước. Đặc biệt, ngày 2-9-2008, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì những chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Sau ngày vinh dự được Bác Hồ tặng thơ khen ngợi, những cô gái của tiểu đội nữ du kích sông Hương còn lại tiếp tục cầm súng chiến đấu trên khắp chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Hai nữ du kích lại tiếp tục ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc là chị Đỗ Thị Cúc (hy sinh năm 1969) và chị Phạm Thị Liên (hy sinh năm 1972). Đất nước thống nhất, trong số năm du kích nữ còn lại, có người tiếp tục nhận nhiệm vụ mới được Đảng và Nhà nước giao phó, có người trở về cuộc sống đời thường, xây dựng quê hương. Dù ở cương vị nào, các chị vẫn vượt lên mọi khó khăn thường nhật, giữ mãi hình cao đẹp, bất khuất của tiểu đội nữ anh hùng mang tên một dòng sông huyền thoại.
Trước khi chia tay, chị Hoàng Thị Nở cầm tay chúng tôi ngẹn ngào:
- Ngoài mình và Hoa, còn có Chế Thị Mừng cũng sống tại thành phố Huế, Nguyễn Thị Hợi thì sống tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) và Nguyễn Thị Xê sống tại Ninh Bình. Tất cả đều đã bước qua tuổi 60, mỗi đứa một hoàn cảnh… nhưng mong mỏi chung của cả mấy chị em là luôn được các cấp lãnh đạo tạo điều kiện cho gặp lại nhau, rồi lại có dịp cùng ra Thủ đô Hà Nội thăm lăng Bác Hồ và gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Bài và ảnh: Trần Đình Thăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét