Lần đầu tôn vinh nữ anh hùng tình báo
Duy Linh -9/21/2012 10:44:52 AM
Lần đầu tiên, một phần của điệp vụ đánh chìm tàu thông báo hạm của Pháp Amyot DInville (27/9/1950) - chiến công nổi tiếng của ngành tình báo Việt Nam - được lên sóng màn ảnh nhỏ qua bộ phim truyền hình “Chiến hạm nổ tung” (30 tập, đạo diễn Trần Chí Thành và Khương Đức Thuận). Phim đang phát sóng trên HTV9 vào lúc 17g30 phút hằng ngày.
Tôn vinh nữ anh hùng
Chuyện phim xoay quanh nhân vật nữ chính dựa trên nguyên mẫu nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi. Trong phim, đó là một thôn nữ Nam bộ, bế con từ Châu Đốc ra Bắc tìm chồng. Người mẹ ấy phải gánh chịu những nỗi đau: Con bị pháo của Pháp bắn chết ngay trên tay chị, chồng đã có vợ mới... Hai lần chị tìm đến cái chết, hai lần được đồng bào và các chiến sĩ công an cứu mạng, trong đó có Văn Hoàng (Trưởng ty Công an Thanh Hóa). Cảm mến nghĩa cử đẹp đẽ của Văn Hoàng, chị đi theo cách mạng và nhận nhiệm vụ cảm tử, mang 30kg thuốc nổ lên con tàu Amyo D'Inville, thực hiện điệp vụ đánh chìm tàu thông báo hạm của Pháp vào ngày 27/9/1950.
Chiến hạm nổ tung là bộ phim truyền hình lịch sử do Đại tá - nhà văn Nguyễn Xuân Hải chuyển thể từ tiểu thuyết tình báo nổi tiếng "Câu lạc bộ chính khách" của nhà văn Lê Tri Kỷ. Đây là tác phẩm hấp dẫn nhiều thế hệ độc giả một thời với câu chuyện của những điệp báo viên trong thời chiến tranh chống Pháp. Họ là những con nguời dũng cảm, tài ba, mưu trí.
Diễn viên Huệ Minh vào vai anh hùng Nguyễn Thị Lợi
Đạo diễn Khương Đức Thuận chia sẻ: “Sau nhiều lần lựa chọn, chúng tôi quyết định Huệ Minh vào vai anh hùng Nguyễn Thị Lợi và cô đã thành công với nhiều trường đoạn nội tâm. Cũng tình cờ, Huệ Minh có nét mặt cương nghị của một chiến sĩ cách mạng, tuy nhiên cô lại biểu cảm tốt vẻ sang trọng, hách dịch khi sắm vai phu nhân ngài Quốc vụ khanh Văn Hoàng”.
Chiến hạm thật
"Ngay khi phim phát sóng tập đầu tiên, chúng tôi đã nhận được phản hồi của gia đình Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi về chi tiết chị Lợi khi bế con ra Bắc tìm chồng đã bị gia đình nhà chồng khinh rẻ, xua đuổi… Đây là chi tiết trong tiểu thuyết "Câu lạc bộ chính khách" của nhà văn Lê Tri Kỷ, tuy nhiên trong kịch bản tôi đã viết theo hướng khác, rất nhân văn: Chị Lợi ra Bắc gặp chồng, anh chồng rất thương vợ nhưng thời điểm đó gia đình ép lấy vợ khác, không phải hắt hủi chị Lợi như trong phim. Nhà văn Lê Tri Kỷ đã phải mất 30 năm mới hoàn thành tiểu thuyết nhưng ông ấy thay đổi hoàn toàn tên nhân vật từ nguyên mẫu và thêm nhiều chi tiết hư cấu. Tôi chuyển thể kịch bản cũng hư cấu, cho dù có những chuyện này chuyện nọ nhưng mục đích cuối cùng là để nhân vật chị Lợi đẹp hơn lên", nhà văn Nguyễn Xuân Hải chia sẻ. |
Đạo diễn Khương Đức Thuận cho biết, để tìm được các bối cảnh phù hợp với những cảnh quay năm 1948-1950, đoàn làm phim phải trải qua hành trình rất gian nan, từ Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Huế, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh và mất gần một năm mới thực hiện xong phần quay.
Theo đó, đạo diễn phải năn nỉ người quen lái vài chiếc xe jeep cổ thời Pháp từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội để phục vụ cảnh quay. Riêng bối cảnh nhà của nhân vật Văn Hoàng, đoàn làm phim phải mất hai tháng mới tìm được căn nhà ở Mai Châu (Hòa Bình) cho phù hợp. Đoàn làm phim cũng phải thuyết phục, làm công văn, gửi giấy xin phép cả mấy tháng trời để được quay vài ngày trong một tòa nhà thời Pháp-phục vụ bối cảnh tổng hành dinh quân đội Pháp. "Tuy nhiên, khó nhất là chiến hạm Amyo D’Inville. Đoàn liên hệ với quân đội mượn một chiếc tàu nhưng chiếc tàu này không đủ lớn như chiến hạm Amyo D’Inville của Pháp. Chúng tôi phải xử lý bằng các góc máy “ăn gian”, phóng đại con tàu thành chiến hạm to lớn rồi cho nổ tung bằng kỹ thuật 3D", đạo diễn Đức Thuận chia sẻ.
Bên cạnh dàn diễn viên đẹp, nổi tiếng và có nghề, điểm đặc biệt của “Chiến hạm nổ tung” là có sự tham gia diễn xuất của nghệ sĩ Bùi Công Duy trong vai vua Bảo Đại. Bùi Công Duy chưa từng đóng phim nên ban đầu anh gặp ít nhiều khó khăn trong việc vào vai một ông vua nghiện thuốc, thích người đẹp và có tác phong chậm rãi. Tuy nhiên, với nỗ lực của mình, diễn xuất của Bùi Công Duy trong "Chiến hạm nổ tung" hứa hẹn mang đến những thú vị và giúp khán giả hiểu thêm về vua Bảo Đại cùng những cuộc tình nổi tiếng một thời của ông.
"Chiến hạm nổ tung kể câu chuyện về ba chiến sĩ điệp báo Văn Hoàng, Trúc Lâm, Nguyễn Thị Lợi. Thông qua họ, phim đề cập đến chiến công của ngành công an (giai đoạn 1948-1950), trong đó lẫy lừng nhất là trận đánh đắm chiến hạm Amyot D’Inville của giặc Pháp rạng sáng 27/9/1950", đạo diễn Đức Thuận cho biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét