Cập nhật lúc05:40, Thứ Sáu, 25/10/2013 (GMT+7)
LTS: Ngày 21-9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Hội Văn học - Nghệ thuật ở Trung ương. Báo Nam Định trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư tại buổi làm việc này.
Thưa các bác, các anh, các chị cùng toàn thể các đồng chí,
Hôm nay, tôi và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành rất vui mừng đến thăm và làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam và đại diện lãnh đạo các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương; được gặp gỡ các đồng chí, những người hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật - một lĩnh vực tinh tế và đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đất nước ta. Trước hết, tôi xin gửi tới các bác, các anh, các chị và các đồng chí lời thăm hỏi chân tình và lời chúc tốt đẹp nhất.
Mới đây, nhân kỷ niệm trọng thể 65 năm Ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tổ chức tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam ngày nay, tôi đã cùng một số đồng chí lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước tham dự buổi lễ và gửi lời chúc mừng nồng nhiệt về chặng đường vẻ vang; những thành tựu to lớn mà Liên hiệp Hội cũng như các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành và toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ cả nước đã đạt được trong mấy chục năm qua.
Hôm nay, được nghe Báo cáo của Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam do đồng chí Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trình bày, và nghe ý kiến phát biểu đầy tâm huyết của các bác, các đồng chí, tôi càng hiểu thêm về tình hình văn học, nghệ thuật nước ta và công tác của Đảng đoàn. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh những nỗ lực lớn lao, những sáng tạo bền bỉ, những kết quả nổi bật của các đồng chí và xin chia sẻ, thông cảm với những khó khăn, thách thức và cả những hạn chế, bất cập mà Đảng đoàn cùng cán bộ, hội viên và toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ nước ta đã và đang trải qua.
Qua thực tiễn hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, 5 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về lĩnh vực công tác này, nền văn hóa, văn học, nghệ thuật nước ta tiếp tục có bước phát triển, đạt được những kết quả quan trọng. Các hoạt động văn học, nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương, với sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền, đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nguồn kinh phí còn hạn hẹp, đời sống của đa số anh chị em văn nghệ sĩ còn khó khăn, nhưng với lòng say mê, tâm huyết sáng tạo, đã có nhiều tác phẩm đáng trân trọng. Nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, nhiều tiết mục sân khấu, điện ảnh, công trình nghiên cứu lý luận, văn hóa, văn nghệ... thu hút được người xem, người đọc. Quyền tự do sáng tạo và điều kiện hoạt động của văn nghệ sĩ được bảo đảm và cải thiện; tiềm năng và cảm hứng sáng tạo được khơi dậy. Văn học, nghệ thuật nước ta tiếp tục kế thừa, phát huy các giá trị bền vững của dân tộc được hun đúc, chắt lọc qua hàng nghìn năm lịch sử. Đó là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn; là bản sắc văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; là trọng trách xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống, tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam.
Thiếu nhi hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Internet |
Các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, phần lớn trong số đó có nội dung lành mạnh, tích cực; hình thức thể hiện có nhiều đổi mới. Đề tài lịch sử hào hùng của đất nước; những trang sử vẻ vang chống các kẻ thù xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục thu hút các văn nghệ sĩ, cả cao niên và trẻ tuổi tham gia. Đề tài về công cuộc đổi mới đất nước, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân anh hùng cũng được anh chị em văn nghệ sĩ trân trọng và có những thành công trong tác phẩm của mình. Văn học, nghệ thuật tích cực phát hiện, cổ vũ cái mới, cái tốt đẹp, tiến bộ; biểu dương, nêu gương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong lao động, học tập, rèn luyện, phấn đấu; phê phán thói hư, tật xấu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội. Lĩnh vực nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cũng có những chuyển biến rõ nét, góp phần tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, đặc biệt là định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong công cuộc CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Đã củng cố, xây dựng được đội ngũ các cây bút trẻ trong lý luận, phê bình; tham gia đấu tranh phản bác các khuynh hướng, hành vi sai trái, cực đoan, bảo vệ và phát triển đường lối văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng.
Đảng đoàn và lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, lãnh đạo các Hội thành viên đã phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên và đông đảo văn nghệ sĩ nâng cao nhận thức chính trị, năng lực sáng tạo, trách nhiệm công dân, sáng tác, quảng bá nhiều tác phẩm có giá trị. Đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị học tập, quán triệt và thực hiện các Nghị quyết của Đại hội Đảng; Nghị quyết của Trung ương Đảng; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, 70 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam, 70 năm tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Bác Hồ; 55 năm Bác Hồ gửi thư cho các họa sĩ và giới văn nghệ nước nhà; động viên văn nghệ sĩ tham gia các Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"... Liên hiệp Hội và các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương và các địa phương đã tổ chức nhiều trại sáng tác, hội diễn, liên hoan, triển lãm, tọa đàm, gặp gỡ, giao lưu trong nước và quốc tế, trao thưởng, quảng bá các tác phẩm xuất sắc. Nhiều đơn vị, nhiều văn nghệ sĩ được Đảng, Nhà nước trao các loại huân chương bậc cao, trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.
Công tác đối ngoại của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên có nhiều khởi sắc; tích cực, chủ động tham gia các hội nghị, hội thảo, liên hoan quốc tế về văn hóa, văn nghệ. Sự phối hợp công tác giữa Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành ở Trung ương với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, phải thừa nhận rằng, lĩnh vực văn học, nghệ thuật nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là văn học, nghệ thuật phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sáng tạo và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; chưa có nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, chưa phản ánh sâu sắc, sinh động những hiện thực lớn lao của đất nước trong những giai đoạn lịch sử quan trọng, nhất là trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH, hội nhập quốc tế. Điều đáng lưu ý là, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập, đã và đang xuất hiện xu hướng "thương mại hoá" cùng những biểu hiện "bắt chước, lai căng"... trên nhiều phương diện, làm hạ thấp hoặc méo mó những giá trị đích thực của văn học, nghệ thuật, ảnh hưởng đến việc giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ trong công chúng người đọc, người xem; không động viên, khuyến khích được những văn nghệ sĩ tâm huyết với nghề, gắn bó với những giá trị văn học, nghệ thuật chân chính.
Hoạt động lý luận phê bình nhìn chung còn thụ động, thiếu tính chiến đấu, tính định hướng. Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế, bất cập. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan ở Trung ương, các địa phương, lãnh đạo Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành có lúc, có việc còn thiếu quán xuyến và sâu sát. Việc tham mưu để thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng còn chậm và thiếu đồng bộ. Công tác lãnh đạo, quản lý ở một số Hội còn nhiều bất cập, còn thiếu cán bộ lãnh đạo văn nghệ có năng lực, uy tín, khả năng tập hợp, đoàn kết hội viên. Việc phát triển hội viên, nhất là hội viên trẻ, gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh số đông văn nghệ sĩ gắn bó máu thịt và cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung, cũng có những người phai nhạt mục tiêu lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Tác phẩm của họ thường xa rời thực tiễn đời sống của đất nước, của nhân dân. Một số phát ngôn, viết hồi ký, sách báo, trang điện tử có nội dung thiếu xây dựng, thậm chí cực đoan, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, con đường đi của dân tộc. Cá biệt, có người còn lên tiếng đòi "hạ bệ", "giải thiêng", "bôi đen" các giá trị to lớn, thiêng liêng của đất nước, của chế độ.
Thưa các bác, các đồng chí,
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH theo tư tưởng của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, nhằm mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến giữa thế kỷ này trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một sự nghiệp to lớn, vĩ đại. Bên cạnh thuận lợi cơ bản, đất nước ta cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức lớn. Tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường. Hiện thực phong phú, sôi động của đất nước đang mở ra chân trời rộng lớn cho sự sáng tạo, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề lớn và mới mà những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật thông qua những tác phẩm sáng tạo của mình phải cắt nghĩa, trả lời và định hướng đi lên cho xã hội. Phải làm sao sáng tạo ra những tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tương xứng với tầm vóc của dân tộc và đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân chờ đợi, hy vọng ở những người hoạt động văn học, nghệ thuật, và biết rằng các đồng chí cũng rất day dứt và đầy khát vọng về điều này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: "Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Người lưu ý: "văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị". Đó cũng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta đối với văn hóa, văn học, nghệ thuật. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII khẳng định: "Văn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng". Thực tế những năm qua, lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, trong đó có cuộc đấu tranh quyết liệt về tư tưởng, văn hóa. Đó là cuộc đấu tranh giữa chân, thiện, mỹ với cái giả dối, cái ác, cái xấu xa; giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu.
Nhận rõ vị trí, vai trò, đóng góp to lớn của văn hóa, văn học, nghệ thuật, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác xây dựng, bổ sung hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về lĩnh vực này, cố gắng tạo điều kiện để anh chị em văn nghệ sĩ phát huy hết tài năng. Định hướng đúng đắn cho văn học, nghệ thuật phát triển phù hợp với con đường đi lên của dân tộc; đề ra chính sách đầu tư, bảo đảm tự do sáng tác đi đôi với nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa; đồng thời chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ làm việc; chú ý bồi dưỡng, đào tạo lớp văn nghệ sĩ trẻ...
Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2010/NĐ-CP; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định "Hỗ trợ cho các công trình văn học, nghệ thuật và báo chí giai đoạn 2011-2015". Nguồn kinh phí tuy chưa nhiều (khoảng 80 tỷ đồng/năm) nhưng đã góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các Hội văn học, nghệ thuật cả nước. Ngày 9-4-2013, Ban Bí thư ra Kết luận số 59-KL/TW về việc tạm thời thực hiện việc hỗ trợ cho một số nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu có khó khăn trong cuộc sống. Chính phủ tiếp tục phê duyệt "Dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam". Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị về đại hội các hội văn học - nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ sắp tới...
Nhưng dẫu sao, đó vẫn chỉ là những yếu tố khách quan. Với văn học, nghệ thuật thì không gì có thể thay thế được tài năng và tâm hồn chủ thể những người trực tiếp sáng tạo, tức là các văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ là những người có năng khiếu đặc biệt, lại có khả năng thu nhận tri thức, tiếp cận thực tiễn cuộc sống, trau dồi bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp, là người sáng tạo ra tác phẩm. Sự nghiệp sáng tạo văn học, nghệ thuật đòi hỏi phải có những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, bản lĩnh, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn, khách quan, khoa học.
Nhân đây, tôi có đôi điều muốn trao đổi tâm tình thêm với anh chị em văn nghệ sĩ trẻ. Chúng ta đều đã biết, thời đại chúng ta, cuộc sống quanh ta có rất nhiều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào, viết như thế nào? Nhiều người thường bảo văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Mong sao các văn nghệ sĩ thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng là niềm hy vọng mới của nhân dân; đừng để cho sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình. Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, rút những bài học tốt từ những thế hệ trước để tiếp tục đi xa. Bài học đó là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường. Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn, có tầm nhìn xa rộng, có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người.
Văn học, nghệ thuật vốn có chức năng cao quý là khám phá, sáng tạo, phản ánh chân thực, sinh động, hấp dẫn hiện thực cuộc sống - hiện thực vĩ đại của dân tộc; phản ánh hiện thực có chiều sâu, từ trong bản chất của nó. "Nhà văn là kỹ sư tâm hồn", "là người thư ký của thời đại" (Ban-dắc). Mỗi văn nghệ sĩ cần bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, làm sao cho mỗi tác phẩm của họ phản ánh chân thực cuộc sống, làm sao cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy "mạch đời đập dưới bìa sách như mạch máu đập dưới làn da" (Ka-li-nin).
Với tài năng và tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ, chúng ta tin là sẽ có nhiều tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, ngợi ca cái tốt, cái thiện, cái tích cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với cái ác, cái xấu, những tư tưởng sai trái đi ngược lại truyền thống đạo lý và lợi ích của Tổ quốc và dân tộc, những thói tệ nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế. Nghiên cứu lý luận, phê bình cần phải thẳng thắn, trung thực, khách quan, tinh tế, góp phần định hướng, giới thiệu cho công chúng tiếp nhận những giá trị văn hóa trong và ngoài nước, loại trừ những cái phi văn hóa, phản văn hóa; chống xu hướng "lai căng", thương mại hóa hoặc chạy theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của đời sống văn học, nghệ thuật, nâng cao trình độ nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân.
Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, các Hội văn nghệ cần giúp Đảng đoàn kết, tập hợp đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ, tạo điều kiện để anh chị em làm tốt thiên chức sáng tạo của mình. Đồng thời cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, công tác chuyên môn ở Liên hiệp Hội và các Hội thành viên từ Trung ương đến các địa phương. Đặc biệt là công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ các cấp Hội; chăm lo việc nâng cao nhận thức chính trị, năng lực sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp, trách nhiệm công dân cho anh chị em văn nghệ sĩ. Đoàn kết, cổ vũ, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ bám sát cuộc sống, đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo, có thêm nhiều tác phẩm hay, có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc hiện thực của đất nước ta, nhân dân ta, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta.
Tôi đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành có mặt hôm nay, trên cơ sở ý kiến góp ý và kiến nghị của Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam và lãnh đạo các Hội văn học, nghệ thuật thành viên, ghi nhận đầy đủ, quan tâm sâu sắc, tập trung tháo gỡ các khó khăn, các bất cập về chính sách, cơ chế, điều kiện hoạt động cho Liên hiệp Hội, các Hội chuyên ngành và của anh chị em văn nghệ sĩ.
Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành sẽ cùng Đảng đoàn và lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; tạo điều kiện để văn học, nghệ thuật và anh chị em văn nghệ sĩ có thêm điều kiện hoạt động, sáng tạo, có nhiều tác phẩm xứng đáng với dân tộc, đất nước, nhân dân, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trân trọng cảm ơn!
----------------
(*) Đầu đề của Báo Nam Định
(*) Đầu đề của Báo Nam Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét