Năm 1916, trên Đông Dương Tạp Chí số 52 Nguyễn Văn Tố dùng từ cảm hứng để dịch tựa bài L’enthousiasme của bà de Stael:
Người ta có thể nói chẳng ngoa rằng trong mọi sự cảm-giác cái cảm-hứng là cái dễ làm cho ta được sung-sướng thực, dễ khiến cho ta chịu được cái số-mệnh làm người, dù gặp cái cảnh-ngộ thế nào mặc lòng.
On peut le dire avec confiance, l’enthousiasme est de tous les sentiments celui qui donne le plus de bonheur, celui qui en donne véritablement, le seul qui sache nous faire supporter la destinée humaine, dans toutes les situations òu le sort peut nous placer.
Nguyễn Văn Tố (1916:417)
Năm 1917 Phạm Quỳnh trong một bài biên khảo về thơ Baudelaire trên Nam Phong Tạp Chí dùng từ cảm hứng với một nghĩa khác:
Đã có cảm-hứng thì tức tìm được âm-điệu xứng-đáng ; không có cảm hứng thì dẫu âm-điệu hay, chẳng qua cũng mới là thợ, chưa gọi là thơ được.
(Phạm Quỳnh, 1960:186)
Quãng những năm 30, từ cảm hứng được ghi nhận trong từ điển. Đào Duy Anh (1950:859), dùng từ này để để dịch từ inspiration của tiếng Pháp. Trước đó inspiration được dịch là yên sĩ phi lý thuần, hoặc có khi gọn hơn là yên sĩ. Cả yên sĩ phi lý thuần và cảm hứng đều là từ mượn của tiếng Trung Quốc, nhưng đọc bằng âm Hán Việt. Từ cảm hứng cạnh tranh với yên sĩ cả chục năm không bứt lên nổi.
Lê Thanh trong bài báo “Từ việc dùng những danh-từ mới đến sự tiến-hóa của việt-ngữ” đăng ở Tri Tân Tạp Chí số 11 (1941:2) cho biết:
Từ trước tôi đã thấy người ta theo Lương-Khải-Siêu bên Tàu mà dịch âm tiếng inspiration ra tiếng hán-việt là yên-sĩ-phi-lý-thuần. Bây giờ tiếng này đã phổ-thông lắm. Nhưng không phải là một cớ để ta giữ nó mãi mãi. Vì một lẽ là ta có thể tìm được một tiếng khác có giá-trị về phương-diện từ ngữ hơn: cảm-hứng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét