Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Thử mon men tìm hiểu lịch sử xuất hiện từ "nghệ thuật", "nghệ sĩ" trong tiếng Việt - Nguyễn Tuấn Cường

Thử mon men tìm hiểu lịch sử xuất hiện từ "nghệ thuật", "nghệ sĩ" trong tiếng Việt

Mấy dòng thông tin này là viết theo đơn đặt hàng của một vị sư huynh, sơ sơ thế này chỉ e hàng bị trả về nơi sản xuất :-))


I. XÉT TRONG CÁC TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT
.          1. Theo các từ điển tiếng Việt từ trước thế kỉ 20 (de Rhodes 1651, de Behaine 1772-1773, Taberd 1838, Huỳnh Tịnh Của 1895-1896, Genibrel 1898) thì không hề thấy các mục từ “nghệ thuật” hay “mĩ thuật”, mặc dù đã có các từ đơn “nghệ”, “thuật”, “mĩ” và rất nhiều từ tổ có 3 yếu tố này.

      2. Theo các từ điển tiếng Việt đầu thế kỉ 20:
a.      Cuốn Pettit lexique annamite – francais của Pilon (1908) cũng chưa có “nghệ thuật” và “mĩ thuật”.
b.      Việt Nam từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Trung Bắc Tân Văn, 1931) ghi: “Nghệ sĩ: người chuyên về một mĩ thuật gì”, “Nghệ thuật: các môn học về mĩ thuật” (tr. 385); “Mĩ nghệ: nghề làm đồ đẹp”, “Mĩ thuật: nghệ thuật thuộc về cái đẹp” (tr. 342).
c.      Lexique des expressions Sino-Vietnamiennes của Bửu Cân (Huế, 1932): “nghệ thuật: arts, mestiers. Bởi có sắt có lửa mà nghệ-thuật mở-mang (Ng. tr. Th.)” (tr. 270), không rõ là Bửu Cân trích từ tác phẩm nào của Nguyễn Trọng Thuật. Có cả từ “mĩ nghệ”.
d.      Các từ điển của Đào Duy Anh (Hán Việt từ điển, 1932; Pháp Việt từ điển 1936) đều đã dùng phổ biến các từ “nghệ thuật”, “mĩ thuật”, “nghệ thuật gia”, “nhà nghệ thuật”, “mĩ học”. Có “nghệ nhân” nhưng chưa có “nghệ sĩ”. Đặc biệt đáng chú ý là trong Pháp Việt từ điển (tr. 99): “Artiste: Thợ khéo, nhà nghệ thuật, nhà mỹ thuật, tài tử”.
e.      Tự điển Việt Hoa Pháp của Gustave Huê (1937) cũng đã dùng phổ biến “nghệ thuật”, “mĩ thuật”, “mĩ học”.
f.       Hán Việt tân từ điển của Hoàng Thúc Trâm (nhà sách Vĩnh Bảo Saigon, 1951) bắt đầu có từ “nghệ sĩ” (tr. 504).

==>  các từ “nghệ thuật”, “mĩ thuật”, “mĩ nghệ”, “nghệ thuật gia” “nhà nghệ thuật”, “nghệ nhân” xuất hiện trong tiếng Việt trong giai đoạn khoảng 1910-1930.
==> từ “nghệ sĩ” xuất hiện trong giai đoạn khoảng 1940-1950.

II. XÉT TRONG CÁC VĂN BẢN NÔM
1.      Xét trong các văn bản Nôm (phần lớn là từ trước thế kỉ 20), chưa tìm thấy các từ “nghệ thuật”, “mĩ thuật”, “mĩ nghệ”, “nghệ thuật gia” “nhà nghệ thuật”, “nghệ nhân”, “nghệ sĩ”.

2.      Khái niệm “nghệ thuật” được biểu đạt thông qua từ “nghề” (nghề là âm Tiền Hán Việt của “nghệ” ):
a.      Truyện Kiều: “Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm” => “nghề thi họa” ~ nghệ thuật thơ, nghệ thuật hội họa
b.      Truyện Kiều: “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương” => “nghề hồ cầm” ~ nghệ thuật âm nhạc
c.      Song tinh bất dạ: “Phương phi vừa thuở trâm cài, Trội nghề thêu dệt trổ tài phú thơ” => “nghề thêu dệt” ~  nghệ thuật thêu, dệt
d.      Thiên nam ngữ lục: “Nghề hành đàn sáo dại đời, Đẹp mười Phi Yến xướng mười đường hoa” => “nghề đàn sáo” ~ nghệ thuật âm nhạc

3.      Khái niệm “nghệ sĩ” được biểu đạt qua từ “công”  tiếng Hán mà tiếng Việt nghĩa là “thợ”, hoặc “khéo léo trong nghề nghiệp”. Huỳnh Tịnh của giảng: “Thợ: Kẻ lập cuộc cơ trí, kẻ làm nghề, tay khéo léo, chế tạo ra vật gì” (tr. 1018).

Các ví dụ trong văn bản Nôm: Cấu trúc: “thợ + tên nghề”.
a.      Hồ Xuân Hương: “Trách người thợ vẽ khéo vô hình” => “thợ vẽ” ~ họa sĩ
b.      Nguyễn Khuyến: “Lại thuê một lũ thợ kèn” => “thợ kèn” ~ nhạc sĩ (thổi kèn trong đám ma)
c.      Lí hạng ca dao: “Lòng tôi muốn lấy thợ kèn” => “thợ kèn” ~ nhạc sĩ
d.      Quốc phong thi hợp thái: “Ở gần thợ nhuộm vẻ vang mọi màu” => “thợ nhuộm”
e.      Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa: “Toàn công thợ tiện khéo quay => “thợ tiện”
f.       Hoa tiên: “Thợ trời dù hẳn vô tình” => “thợ trời” dịch từ “thiên công”.
g.      Thanh Hóa quan phong: “Em đừng cậy sắc khoe tài, Khéo thay nồi lủng cũng tay thợ hàn” => “thợ hàn”
h.      Chuyện đời xưa: “Mới tính với nhau lấy vàng đem cho thợ kéo ra đậu một con rùa vàng để chơi” => thợ kim hoàn

Hà Nội, ngày 4/11/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét