Nhà thư tịch học kỳ cựu Đỗ Văn Anh đã có nhã ý thông báo thêm cho chúng tôi về nguồn tư liệu liên quan đến danh từ “l’Auction” mà chúng tôi đã bổ sung trên KTNN 357. Đó là một đoạn tuy ngắn nhưng rất quan trọng trong thiên chuyên khảo của Ant. Brébion nhan đề “Monographie des rues et monuments de Saigon” đăng trên hai kỳ Revue indochinoise, 10 & 11, 1911 (*). Đoạn này nằm trong trang 368 của số 10, nguyên văn tiếng Pháp như sau:
“Au no 201, rue Catinat, suy l’emplacement de l’actuel magasin de l’Omnium, don't la construction a été achevée en 1908, se trouvait, à deux mètres en retrait de l’alignement, un assez vaste hangar vitré occupé par la Salle des Ventes saigonnaises – l’Auction – transférée là, vers 1880 pan les Commissaires - priseurs Bernard Fleith et Laplace. Il y avait ventes régulières aux enchères publiques tous les dimanches matin”.
Xin dịch như sau:
“Ở số 201 đường Catinat, tại vị trí của cửa hàng Omnium hiện nay (1911 - AC), xây cất xong năm 1908, trước kia là một cái lán hàng khá rộng lắp kính, thụt vào trong hai mét so với dãy mặt tiền, dùng làm nơi tọa lạc của Hội trường bán đấu giá Sài Gòn, cửa hàng Auction, do các ủy viên bán đấu giá Bernard Fleithe và Laplace dời đến đó vào khoảng 1880. Tại đây, sáng chủ nhật nào cũng có bán đấu giá đều đặn”.
Đoạn văn trên đây của Ant. Brébion đo ông Đỗ Văn Anh cung cấp giúp xác nhận điều mà chúng tôi đã suy đoán trên KTNN 357, rằng có thể là tại đường Catinat lúc bấy giờ từng có một cửa hàng bán đấu giá mà chủ nhân đã dùng tiếng Anh “auction” để vừa làm tên vừa chỉ hoạt động của cửa hàng. Chẳng riêng gì cửa hàng này mới được đặt tên bằng tiếng Anh mà sau khi nó dọn đi nơi khác (về sau lại có một Salle des Ventes tại đường Lagrandière, nay là Lý Tự Trọng, nhưng không biết có phải cũng chính là cửa hàng đó hay không) thì doanh nghiệp mới dọn về đó cũng được đặt tên bằng một từ tiếng Pháp gốc Anh: Vâng, Omnium là một từ Pháp gốc Anh, mượn theo nguyên dạng chính tả; danh từ tiếng Anh này bắt nguồn từ sinh cách số nhiều của tiếng La Tinh omnis, có nghĩa là “tất cả”.
Từ trên đây suy ra, quả chẳng có gì lạ nếu Hội trường bán đấu giá Sài Gòn đã được đặt tên bằng tiếng Anh “Auction”. Và việc Nguyễn Liên Phong ghi nhận trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (1909) rằng “(nhà) lạc-xoong” là do l’Auction” mà ra cùng với việc Ant. Brébion khẳng định trong Monographie des rues ét monuments de Saigon (1911) rằng tại đường Catinat đã từng có một cửa hàng mang tên “(l)Auction” hai việc đó là những bằng chứng không thể chối cãi được về nguyên từ của hai tiếng lạc-xoong. Đó là những cứ liệu “ngôn ngữ chi ngoại” (extra-linguistique) rất quan trọng và hoàn toàn bất ngờ (ít ra là cho đến hiện nay) để khẳng định điều mà có một tác giả thường nghiên cứu về từ nguyên đã bác bỏ. Tác giả này đã lập luận rằng “Về ngữ âm, l’Auction rất ít khả năng cho ra lạc xon (tức lạc-xoong - AC). Về ngữ nghĩa “bán đấu giá” (auction = bán đấu giá - AC) chỉ áp dụng cho những vật giá trị, đắt tiền, còn lạc xon chỉ dùng cho những vật rẻ, cũ”.
Xin có đôi lời nhận xét về lập luận trên đây. Trước nhất, về ngữ âm, không phải bao giờ yếu tố vay mượn cũng được phát âm y chang như tiếng gốc vì một lẽ đơn giản là nói chung thì hệ thống âm vị của ngôn ngữ đi vay mượn thường khác với hệ thống âm vị của ngôn ngữ được vay mượn. Huống chi, cũng về mặt này, cái mà người bản ngữ quan tâm khi vay mượn là cố uốn nắn các từ được vay mượn sao cho nó phù hợp với hệ thống âm vị của tiếng mẹ đẻ chứ không phải là ép tiếng mẹ đẻ của mình phải tuân theo hệ thống âm vị của ngôn ngữ được vay mượn. Dĩ nhiên đây là nói về sự vay mượn các từ ngữ diễn đạt những sự vật hoặc hiện tượng thuộc phạm vi sinh hoạt thông thường chứ không phải là thuật ngữ khoa học. Mà ngay cả thuật ngữ khoa học nhiều khi cũng bị gò theo đặc điểm ngữ âm của tiếng mẹ đẻ. Nếu cứ nhất nhất đòi “trung thành” với nguyên ngữ như tác giả kia thì làm thế nào mà infirmier có thể trở thành “phạm nhe”, cellule có thể trở thành “xà lim” và police có thể trở thành “cú lít”, v.v.
Còn xét về ngữ nghĩa thì rõ ràng là người ta không thể trông đợi vào việc ngôn ngữ vay mượn bao giờ cũng tuyệt đối theo sát cái nghĩa thông dụng của từ ngữ được vay mượn như nó vốn có trong nguyên ngữ. Xin đơn cử một thí dụ. Hẳn là chẳng có nhà từ nguyên học nào lại không thừa nhận rằng tiếng Việt xà-lách là do tiếng Pháp salade mà ra. Nhưng người Pháp lại không dùng danh từ salade để chỉ riêng thứ rau (trong Nam gọi là “cải”) mà người Việt gọi là xà-lách. Lý do là trong tiếng Pháp thì salade lại vốn có nghĩa là món ăn trộn giấm, nghĩa là món ăn gồm có một (vài) thứ rau trộn với dầu, tiêu, muối và giấm. Đây là nghĩa gốc và từ nghĩa gốc này danh từ salade mới có nghĩa phái sinh là thứ rau dùng để trộn giấm như chicorée (rau diếp xoăn), cresson (cải xoong), laitue (đây mới chánh cống là rau “xà-lách”), v.v… Rõ ràng là trong tiếng Việt thì nghĩa của hai tiếng xà-lách đã bị thu hẹp một cách tối đa để chỉ còn tồn tại một cách tối thiểu, nghĩa là chỉ còn dùng để chỉ độc một thứ mà tiếng Pháp gọi là “laitue” mà thôi. Từ điển Pháp Việt của UBKHXHVN do Lê Khả Kế làm tổng biên tập (ACCT, 1981) đã không đúng vì đã ghi và dịch như sau:
“salade. 1. xà lách, rau sống (...)”.
Dịch salade thành “xà lách” là đã thu hẹp phạm vi ngữ nghĩa mà danh từ đó vốn có trong tiếng Pháp, là đã vô hình trung Việt hóa danh từ salade vì chỉ ấn định cho nó có cái nghĩa duy nhất là “laitue” (= xà lách) mà thôi. Dịch salade thành “rau sống” thì, ngược lại, là đã mở rộng phạm vi ngữ nghĩa của nó một cách vô giới hạn, nghĩa là vô nguyên tắc: có phải bất cứ thứ rau sống nào cũng được người Pháp gọi là salade đâu và rốt cuộc thì cái nghĩa gốc của danh từ salade (món rau trộn giấm) trong tiếng Pháp đã bị các nhà biên soạn của quyển từ điển trên đây... “đánh rơi”.
Sở dĩ chúng tôi phải dài dòng như trên chẳng qua chỉ là để khẳng định điều quan trọng sau đây: Trong nhiều trường hợp, người ta không thể trông chờ người bình dân theo sát cái nghĩa vốn có trong nguyên ngữ của từ ngữ được vay mượn, đến các nhà trí thức biên soạn từ điển có khi cũng còn không theo sát nữa là...
Trở lại với danh từ “auction”, xin nhấn mạnh rằng không có gì lạ nếu nó vốn “chỉ áp dụng cho những vật giá trị, đắt tiền” mà cuối cùng lại “dùng cho những vật rẻ, cũ” vì cái lý do tối quan trọng đã nói ở trên. Huống chi ở đây người bình dân lại còn có một lý do tối quan trọng khác nữa của họ. Họ thấy các món hàng bán đấu giá và đồ lạc xoong cùng có một đặc điểm chung là đồ cũ nghĩa là đồ đã được dùng qua (hàng bán đấu giá cũng là đồ cũ đấy chứ). Vậy họ có đầy đủ lý do chính đáng để xài hai tiếng lạc-xoong theo ẩn dụ mà chỉ các món hàng đã xài qua nay được đem ra bán theo giả có trừ tỷ lệ hao mòn, như đã nói trên KTNN 345.
Thực ra, trên đây cũng chỉ là nói cho... cùng kỳ lý, chứ riêng cứ liệu của Nguyễn Liên Phong trong Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca và cứ liệu của Anh. Brébion trong Monographie des rues et monuments de Saigon tự chúng cũng đã là những điều kiện cần và đủ để khẳng định một cách dứt khoát rằng nguyên từ của hai tiếng lạc xoong chính và chỉ là danh từ “l’Auction” mà thôi. Tiếc rằng học giả Vương Hồng Sến, được xem là quyển từ điển sống về cổ tích và cổ tịch của đất Sài Gòn và học giả Lê Ngọc Trụ, nhà từ nguyên học kỳ cựu, đều đã không phát hiện được các cứ liệu trên đây nên cũng đã giải thích sai về xuất xứ của hai tiếng lạc-xoong.
Một lần nữa, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn ông Đỗ Văn Anh đã cung cấp cho chúng tôi những tư liệu thú vị và bổ ích. Không có những tư liệu này, chắc là người ta sẽ còn lạc bước lâu hơn và xa hơn trong việc truy tầm từ nguyên của hai tiếng lạc-xoong.
* Xuất xứ của thiên chuyên khảo này lại được Sơn Nam ghi như sau: “Revue Indochinoise, q.XVI, tháng 7-12 năm 1911. (Bến Nghé xưa, Nxb Văn nghệ TP.HCM, 1981, tr.88, chth. số 16).Nguồn: Bách Khoa Tri Thức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét