“ Những cái còn thừa sau bữa ăn ở các trại lính, người ta vun lại, quét lại, tống vào thùng, vào bao tải. Rồi quảy, rồi cho lên xe bò, kéo ra (...) Những đĩa sào đã được trút vào cái xô nhôm thành nồi sào tạp bí lù bạc nhạc, xương sườn xương sụn thịt nhả bã với cà chua, lổn nhổn hành tây, cần tây, lá xà lách. Nước súp cũng được dồn vào nồi ba mươi, thùng gỗ, thùng nứa ghép vẫn để gánh nước. Chẳng đun lại, đổ thêm hàng phạng nước máy, mà nồi canh vẫn sao mỡ vàng khè...”.
(Tô Hoài, Chuyện cũ Hà Nội,
Hà Nội, 1986, tr. 192-193).
Sau khi trích dẫn Tô Hoài như trên, tác giả Nguyễn Dư nhận xét:
“Tạp pín lù (...) là món ăn cầu kì, đắt tiền. Thức ăn toàn là đồ tươi chứ không phải đồ ăn còn thừa như lâm vố. Tô Hoài nhầm cái váy thời trang được cắt may, lắp ghép bằng nhiều miếng vải với cái váy đụp, đầy mụn vá của mấy bà nhà quê.”
Thực ra, không chỉ có Tô Hoài mới biến cái váy thời trang thành váy đụp, mà chính Vũ Bằng cũng đã đánh đồng món tả pín lù với xào bần và lâm vố, ngay trong cái đoạn mà chính Nguyễn Dư đã trích dẫn để mở đầu cho bài “Cao lầu, hẩu lốn, loạn... sà bần” của mình. Xin nhắc lại câu của Vũ Bằng:“ Thực là kỳ lạ: cũng thuộc vào loại hẩu lốn, Tàu có ‘tả pín lù’, Tây có ‘lâm vố’, mà ở đây thì có ‘sà bần’ ; ba thứ này, cũng như hẩu lốn, đều do các thứ ăn đổ lộn lại với nhau nấu chín lên.” Đấy, Vũ Bằng không xếp cùng loại hai thứ váy đó sao? Có điều cần nói rõ là ở đây, Vũ Bằng chỉ bất cẩn trong việc sử dụng từ ngữ mà thôi, chứ cái món tả pín lù thì ông lại quá sành. Ông viết:
“Thưởng thức “tả pín lù”, công phu lắm. Muốn cho thực đủ vị, phải có cá, tôm, mực, gà, lợn, bào ngư, hầu sì, bong bóng... mỗi thứ gắp một miếng nhúng vào trong nước dùng, rồi gia thêm cải bẹ xanh, cải soong, hành hoa để cả cuộng, rưới nước dùng vào bát mà ăn, chính lúc các món ăn đương nóng.”
Cứ như trên thì tả pín lù [H.1 (của Tàu) và H.2 (của ta)] với lâm vố hoặc xào bần khác nhau một trời một vực. Với nhiều người Việt thì tả pín lù đã được phát âm thành tả pí lù, tạp pí lù hoặc tạp pín lù, v. v.. Đây là một món ăn vốn gốc từ thảo nguyên Mông Cổ, được đưa vào Trung Quốc rồi từ Trung Quốc, sau này người Quảng Đông mới đem sang nước ta. Tả pín lù là âm Quảng Đông của ba chữ 打邊爐, mà âm Hán Việt là đả biên lô. Một đặc điểm về văn tự của người Quảng Đông là họ đã làm cho một số chữ Hán mất gia phả nên phải tạo ra một số tục tự Quảng Đông để thay thế cho những chữ đó. Ở đây, 邊 là một tục tự thay thế cho cái chữ bị mất gia phả là 甂 nên nếu được phục nguyên thì tả pín lù sẽ là 打甂爐.Pín 甂 là một loại nồi còn lù 爐 là lò. Pín lù 甂爐 là một thứ lò trên đó có đặt một loại nồi để ăn nóng tại chỗ một loại thức ăn có nước. Vậy pín lù 甂爐 chẳng qua là cái lẩu, mà vài chục năm trước đây, trong Nam còn gọi là cái cù lao. Lẩu bắt nguồn từ âm Triều Châu của chữ lô 爐 chứ không phải âm Quảng Đông lô-ù, như đã cho trong Tầm-nguyên tự-điển Việt-nam của Lê Ngọc Trụ (Nxb TPHCM, 1993).
Trên đây dĩ nhiên chỉ là so sánh về văn tự và ngữ âm chứ bản thân món ăn thì lại là một chuyện khác. Nếu chẳng phải là quý tộc thì tả pín lù cũng là một món ăn sang. Sở dĩ nhiều người xếp nó ngang hàng với lâm vố, xào bần thì một là vì chưa làm quen với món này; hai là đã thế mà lại còn suy diễn từ cái tên đã bị làm cho ... méo mó. Chẳng là, như đã nói ở trên, âm tiết đầu của tả pín lù nhiều khi bị nói trại thành tạp (Nguyễn Dư: tạp pín lù, Tô Hoài: tạp bí lù) nên chính cái chữ tạp này đã làm cho nhiều người loại suy từ các cấu trúc có hình vị tạp như: tạp âm, tạp chất, tạp hoá, tạp nham, ăn tạp, lai tạp, v. v.., mà làm cho giá trị của món ăn này bị hạ thấp. Còn sở dĩ, với nhiều người, tả lại có thể trở thànhtạp là vì hai nguyên nhân song hành. Một là về ngữ âm thì phụ âm cuối zero (tức hiện tượng không có phụ âm cuối) của tả đã bị phụ âm đầu p- của pín đồng hoá (nên khuôn vần -a mới trở thành -ap); rồi hai là sự đồng hoá này ngay lập tức lại bị áp lực của hình vị tạp trong các thí dụ đã nêu nên cuối cùng thì tả đã biến thành tạp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét