Trong ngôn ngữ, có hiện tượng một vật, một khái niệm có nhiều tên, ngay trong một thời đoạn, hoặc qua những thời kỳ khác nhau. Trong tiếng Việt hiện đại, con chó còn là cày tơ, cẩu, cờ Tây, cún (chó con), hươu thềm, khuyển; điện thoại di động còn là dế, có người còn xài tiếng Anh mà gọi là mô-bai; ếch còn là gà đồng, ai biết chữ Nho thì còn gọi là điền kê; rờ-mốt có người gọi đơn giản là cái đồ bấm và nghe nói bên Hoa Kỳ một số người gốc Việt còn gọi là cái cồn-trô; ti-vi, truyền hình và màn ảnh nhỏ cùng là một thứ; v.v..
Trên đây là lý do chung. Còn sở dĩ ta không gọi năm con Rồng là năm Long mà gọi là năm Thìn là vì ta đặt cách gọi này vào phạm vi của thập nhị địa chi: Tí, Sửu, Dần, Mão (Mẹo), Thìn, Tị, Ngọ, Vị (Mùi), Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Trong phạm vi này, ta cũng không gọi năm con Trâu là năm Ngưu 牛 mà gọi là năm Sửu 丑; không gọi năm con Cọp là năm Hổ 虎 mà gọi là năm Dần 寅; không gọi năm con Rắn là năm Xà 蛇 mà gọi là năm Tị 巳, không gọi năm con Ngựa là năm Mã 馬 mà gọi là năm Ngọ 午, v.v.. Nhưng điều thú vị là chính những tên chi này, từ Tí cho đến Hợi cũng vốn là những cái tên rất xưa – dĩ nhiên là trong tiếng Hán – của từng con vật cầm tinh tương ứng, như chúng tôi đã chứng minh ở một vài chỗ khác
Vậy thì tuy ta không gọi năm con Rồng là năm Long, mà gọi là năm Thìn nhưng Thìn cũng vốn có nghĩa là Rồng.
Sở dĩ “thìn” liên quan đến “rồng”, theo chúng tôi, là do mối quan hệ kép sau đây:
1. Thìn chính là một giống rồng:
2. Thìn còn là sấm mà con rồng thì lại chính là thần Sấm.
Trước khi đi vào hai điểm cụ thể trên đây, chúng tôi phải nói rõ rằng rồng ở đây thực chất và nguyên mẫu là cá sấu, như có thể thấy trong bài “Con rồng chẳng qua là con cá sấu «lên đời»” của Huệ Thiên, đăng trên Kiến Thức Ngày Nay số 340 (Xuân Canh Thìn, năm 2000).
Bây giờ xin đi vào điểm thứ nhất. Trong Giáp cốt văn tự nghiên cứu, Quách Mạt Nhược đã thừa nhận rằng chữ thìn 辰 và chữ thận 蜃 vốn là một chữ nhưng ông lại giảng rằng đây là một thứ nông cụ. Chúng tôi không tin ở cách giải thích của nhà bác học họ Quách mà chỉ tin ở lời giảng truyền thống cho rằng thận 蜃 là con thuồng luồng (Xin x. Khang Hy tự điển, Từ nguyên, Từ hải, v.v.). Nghĩa này của chữ thận 蜃 cũng là nghĩa đã mất của chữ thìn 辰 (chữ này hiện nay chủ yếu dùng để ghi và gọi tên của chi thứ năm trong mười hai địa chi). Vậy thìn là thuồng luồng mà thuồng luồng là một giống cá sấu. Thật vậy, trong Cổ sử Việt Nam (Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1955), Đào Duy Anh đã viết: “Người mình gọi con crocodile (một loài cá sấu nhỏ – AC) là thuồng luồng mà sách chữ Hán của ta cũng gọi là giao long. Về sau trong các sông ở Bắc nước ta, giống crocodile thành hiếm, thỉnh thoảng thấy một con, người ta cũng gọi là thuồng luồng, nhưng người thường không biết hình dạng nó thế nào nên tưởng tượng nó là một giống thủy quái hình dạng như rắn” (Sđd, tr.26). Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Nxb KHXH, Hà Nội, 1967) cũng giảng thuồng luồng là “cá sấu” (nghĩa 2), bên cạnh nghĩa 1 là “loài vật dữ ở dưới nước, hình rắn, hay hại người”. Còn trong tiếng Tày-Nùng thì luồng chính là rồng – mà theo chúng tôi thì tiếng Việt và tiếng Tày-Nùng có một mối quan hệ tế nhị về ngữ tộc.
Tóm lại, thìn 辰 và thận 蜃 chỉ là những biến thể ngữ âm và biến thể tự dạng của nhau và ta có đẳng thức kép:
– thuồng luồng = cá sấu = rồng.
Nhưng có thật rồng và cá sấu có liên quan với nhau về nguồn gốc hay không? Sau đây là bằng chứng mà ta có thể dựa vào để khẳng định rằng đó hầu như đã là một sự thật hiển nhiên. Trong hai năm 1987-88, tại Tây Thuỷ Pha 西水坡, thành phố Bộc Dương 濮陽, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), người ta đã khai quật 186 ngôi mộ thuộc nền văn hoá Ngưỡng Thiều, cách đây trên dưới 6.000 năm. Tại mộ M45, người ta đã tìm thấy hài cốt của một người lớn, mỗi bên có một tượng động vật đắp bằng vỏ sò; bên trái là tượng một con hổ, bên phải là tượng một con rồng. Chung quanh còn có hài cốt của 3 cá thể người nhỏ tuổi . Một số tác giả khẳng định rằng đây là tượng Thương Long và Bạch hổ. Nhiều tác giả còn nâng cấp con rồng này lên thành “Trung Hoa Đệ Nhất Long” 中华第一龙. Vậy đây là một con rồng như thế nào? Thưa đó chẳng qua là một con cá sấu không hơn không kém . Cứ nhìn vào toàn thân con vật bọc vỏ sò, nhất là cái mỏm chiếm đến 2/3 chiều dài của cái đầu rồi so sánh với mõm cá sấu bây giờ thì sẽ thấy ngay.
Cũng cần phải phân biệt rõ ràng khái niệm “rồng” đang bàn ở đây với khủng long hoá thạch, mà một số nhà báo và phương tiện thông tin cũng gọi là “rồng” một cách vô trách nhiệm hoặc vô ý thức, chẳng hạn mẩu tin sau đây trên Dân Trí ngày 3-7-2007 do TV viết theo Asia News, nhan đề “Trung Quốc: phát hiện hóa thạch của rồng” với lời dẫn:
“Ai bảo rồng là loài vật hư cấu chỉ tồn tại trong truyền thuyết? Từ năm 1996, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tìm thấy bộ xương hóa thạch nguyên vẹn của một con rồng với hai sừng nhọn, lỗ mũi to và hếch y hệt mô tả trong truyện cổ dân gian.”
và lời kết:
“Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tìm thấy rồng hóa thạch có bộ sừng. Phát hiện này là chứng cớ khoa học quan trọng giúp giới khảo cổ lần tìm nguồn gốc loài rồng – một loài vật tưởng chừng chỉ có trong những tác phẩm hư cấu.”
Đây là một sự nhầm lẫn thô thiển – hay một sự đánh lộn sòng trắng trợn theo kiểu bành trướng văn hoá của bọn Tàu? – chẳng khác nào gọi thạch sùng là “cọp” vì nó còn có tên là bích hổ 壁虎. Con rồng truyền thuyết của Tàu (và mấy nước Đông Á khác) có già lắm cũng chỉ trên 10.000 năm tuổi chứ con “rồng” của Dân Trí là một loài khủng long sống ở kỷ Tam điệp (Trias) xa lắc xa lơ, cách đây những trên 200 triệu năm. “Long” (= rồng) và “khủng long” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy nên xin khẳng định lại rằng con rồng truyền thuyết của Tàu chỉ gắn với con cá sấu "Trung Hoa Đệ Nhất Long" mà thôi. Chỉ về sau thì các tư tưởng gia của vua chúa mới cho nó vào mỹ viện của ý thức hệ phong kiến mà giải phẫu thẩm mỹ cho nó thành con rồng như hiện nay. Cho nên nếu có cái gì đó của con rồng mà giống với cái gì đó của khủng long thì đây cũng chỉ là chuyện ngẫu nhiên thuần tuý mà thôi.
Vậy, sở dĩ năm Thìn là năm con rồng là vì Thìn có nghĩa gốc (đã mất) là rồng. Đó là điểm thứ nhất.
Thứ hai là vì chữ thìn còn có một nghĩa cổ nữa (cũng đã mất) là sấm mà con rồng thì lại chính là thần Sấm. Về nghĩa này, Thuyết văn giải tự của Hứa Thận đã giảng như sau:
“Thìn 辰 là sấm vậy. Tháng ba, khí dương chuyển động, sấm vang sét giật, là lúc dân cày cấy vậy, muôn vật đều sinh sôi”.
Đó là nói về chữ thìn 辰 với nghĩa là sấm. Còn về chuyện con rồng là thần Sấm thì Vương Lập Thuyên đã bàn rất kỹ trong một thiên nghiên cứu nhan đề “Long thần chi mê” (Bí ẩn của thần Rồng) đăng trênTrung Quốc văn hóa 中国文化 số 5, tháng 12-1991 (tr.89-104). Sau đây xin trích nêu một số dẫn chứng.
Sơn hải kinh, chương “Hải nội Đông Kinh” chép: “Trong đầm Sấm có thần Sấm, mình rồng mà đầu người, vỗ bụng (thành tiếng sấm)”. Cùng một sự việc, Sử ký, “Ngũ đế bản kỷ”, chép hơi khác: “Đầm Sấm có thần Sấm, đầu rồng mép người, vỗ bụng mình thì thành tiếng sấm”. Khác nhau về chi tiết nhưng thống nhất ở một điểm: thần Sấm hình rồng. “Thuyết quái truyện” (Kinh Dịch) giải thích: “Chấn là sấm, là rồng”. Sở dĩ có lời giảng như thế là vì rồng chính là thần Sấm. Người xưa vẽ hình để chỉ rõ rồng là thần Sấm bằng hai cách. Một là vẽ rồng há to mõm mà gào rống (là cách rất thường thấy). Hai là vẽ hình mình rồng phát ra lửa. Nước Trạch đời Chu dùng phù tiết khắc hình rồng, thân mình phát ra lửa, biểu minh rồng là thần Sấm ở trong đầm. Rồng ở đây chẳng qua chỉ là cá sấu mà thôi.
Trên đây là một số trong những chứng lý mà Vương Lập Thuyên đã nêu ra còn Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của Jean Chevalier và Alin Gheerbrant (bản dịch do Nxb Đà Nẵng ấn hành năm 1997) thì đã viết tại mục “Rồng” như sau:
“... Rồng lại được gắn liền nhiều nhất với việc sinh ra mưa và sấm...”, “Sấm không thể tách rời khỏi mưa, mối liên hệ của nó với rồng gắn với khái niệm về bản thể tích cực, sáng tạo; Hoàng Đế là rồng, cũng là thần Sấm...” Sấm ra, tức là Dương lên, là triều dâng của sự sống, của cây cối, của sự đổi mới theo chu kỳ, được biểu thị bằng sự xuất hiện của rồng (...)” (tr.781).
Vậy, rõ ràng là trong tâm thức xa xưa của người Trung Hoa thì hiện tượng sấm có liên quan đến hoạt động của con rồng. Tóm lại, từ tất cả những điều đã phân tích trên đây, chúng ta có thể kết luận rằng sở dĩ chi Thìn ứng với con rồng là vì thìn chính là rồng và vì thìn còn có nghĩa là sấm mà con rồng thì lại được tín ngưỡng dân gian Trung Hoa xem là thần Sấm.
Người Trung Hoa xưa đã đặt ra nhiều dị thể của chữ long; những chữ này đã phản ánh một cách sinh động ngoại hình và đặc tính của con cá sấu – vì như đã nói, long vốn là cá sấu – mà cái tự dạng đã đánh bạt các dạng khác để lưu hành trên hai ngàn năm nay chính là chữ 龍, vẫn còn lưu hành tại Đài Loan, Singapore và nhiều cộng đồng người Hoa ở các nước khác, còn tại Đại lục thì nó đã chính thức bị thay thế bằng chữ giản thể năm nét là 龙.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét