Nguyên bản ở Facebook của An Chi (Huệ Thiên):
Bạn đọc : Ở gần nhà tôi có nhà đại thể. Tôi tra trên mạng thấy đó là nhà xác. mà sao lại gọi là “đại thể” vậy ông An Chi? (L.N.B.).
Bạn đọc : Ở gần nhà tôi có nhà đại thể. Tôi tra trên mạng thấy đó là nhà xác. mà sao lại gọi là “đại thể” vậy ông An Chi? (L.N.B.).
An Chi : Vì bất cứ lý do gì mà “thay tên đổi họ” của nhà xác thành “nhà đại thể” thì, theo chúng tôi, cũng cứ là chuyện không cần thiết, và chỉ là nhiễu sự mà thôi. Đúng như bạn nói, nếu gõ ba chữ “nhà đại thể” trên Google, ta sẽ được rất nhiều kết quả:
– “Lễ tiễn biệt các thây nhi (thai nhi đã chết) ở Bệnh viện Từ Dũ thường diễn ra vào chiều thứ năm hàng tuần. Hôm nay là một ngày tiễn biệt như thế ở khu nhà đại thể (nhà xác) bệnh viện Từ Dũ.” (“Chuyện ghi ở nhà đại thể” của Kim Liên – Ngọc Hiếu, Sài Gòn giải phóng, 27-10-2009).
–“Chiều 10-11, với sự giúp đỡ của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, tất cả 4 xác nạn nhân trongnhà đại thể của Bệnh viện đa khoa Bình Thuận đã được phân biệt danh tính.”( “Tài xế chính xe gây tai nạn trình diện cơ quan công an” của Phong Châu - Lê Nguyễn, Tiền phong ngày 11-11-2011).
– “Tại Perm, thành phố cách Matxcơva hơn 1.000 km về phía đông, từng nhóm những người có thân nhân có mặt ở hộp đêm tụ tập bên ngoài nhà đại thể với vẻ mặt đau buồn, chờ nhận dạng người nhà của mình. Một số người liên tục rít thuốc lá, hoặc nhìn chằm chằm vào bản danh sách với đôi mắt trống rỗng.”(“Bắt 5 người trong vụ cháy hộp đêm ở Nga” của T.Huyền, VnExpress, 6/12/2009).
Nếu tiếp tục “rà”, ta sẽ còn thấy thêm rất nhiều kết quả tương tự, trên rất nhiều tờ báo khác nhau, kể cả báo địa phương, cũng như sẽ thấy danh ngữ nhà đại thể đã được dùng khá nhiều trong một số bệnh viện mà không biết là nhờ sự thông minh của ai. Vì “nhà đại thể” mà người ta đã “bỏ” nhà xác. Còn về thời điểm thì ta có thể biết cái cách gọi chẳng hay ho gì này đã ra đời cách đây ít nhất là 7 năm, theo bài “Sống bên cạnh người chết” của Thu Hà trên báo Thanh Niên mà Việt Báo.vn ngày 20-7-2006 đã đăng lại:
“Trước đây, ở Bệnh viện Đà Nẵng, nhà để quàn những bệnh nhân – hoặc những nạn nhân – vừa qua đời được gọi là Nhà xác và những người phục vụ được gọi bằng một tên nghe đến “rợn người”: nhân viên Nhà xác. Tên gọi của nơi để quàn những người quá cố nghe quá nặng nề nên từ năm 2004, nơi đây được đổi tên là Nhà Đại thể và nghiễm nhiên, những nhân viên phục vụ tại đây cũng được gọi bằng một cái tên khác: nhân viên Nhà Đại Thể.”
Về cái tên lạ lẫm này, Người lao động, ngày 15-05-2011 cho biết, theo bác sĩ Nguyễn Đát Lý, Trưởng Khoa Giải phẫu bệnh, đơn vị quản lý nhà đại thể của Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, thì hai chữ “đại thể” dùng để chỉ toàn bộ cơ thể, vốn được dùng để phân biệt với “vi thể”, tức các bộ phận nhỏ, lẻ trong “đại thể”. Chúng tôi chưa thực sự yên tâm về cách giải thích này vì thể ở đây không phải là thân hình con người, mà là thể thức, phương cách. Theo Giải phẫu đại cương – Nhập môn giải phẫu học do TS Trịnh Xuân Đàn chủ biên thì:
“Giải phẫu học người (human anatomy) là môn khoa học nghiên cứu cấu trúc cơ thể con người. Tuỳ thuộc vào phương tiện quan sát, giải phẫu học được chia ra thành 2 phân môn: giải phẫu đại thể (gross anatomy hay macroscopic anatomy) nghiên cứu các cấu trúc có thể quan sát bằng mắt thường; giải phẫu vi thể (microscopic anatomy hay histology) nghiên cứu các cấu trúc nhỏ chỉ có thể quan sát dưới kính hiển vi.”
Cứ như trên thì “các cấu trúc có thể quan sát bằng mắt thường” trong giải phẫu đại thể đâu có phải là “toàn bộ cơ thể”. Nhưng, nói cho cùng, dù ta có hiểu như thế nào thì hai tiếng đại thể trong danh ngữnhà đại thể cũng không trực tiếp liên quan đến thuật ngữ “giải phẫu (học) đại thể” mà lại liên quan đến thi hài của người hiến xác thông qua ẩn dụ mang tính tôn xưng đại thể lão sư của Trung Hoa Đài Loan.
Trước đây, do thuận miệng mà sinh viên y khoa ở Đài Loan thường dùng hai tiếng đại thể trong tên của môn đại thể giải phẫu học 大體剖學解 (giải phẩu học đại thể) để gọi thi thể mà họ quan sát. Ta có thêm một bằng chứng cho thấy chữ thể ở đây không liên quan đến thân thể con người. Rồi sau đó thì Trường Đại học Từ Tế 慈濟大學 (Tzu Chi University) ở Đài Loan mới tôn xưng mà gọi là Đại thể lão sư大體老師 (người thầy trong môn giải phẫu học đại thể) để chỉ thi hài của người hiến xác. Sinh viên, cũng như giáo sư và cán bộ giảng dạy xem những thi hài đó như là những người thầy (lão sư) hiền hậu, vô tư, rộng lượng, không phản ứng mảy may trước sự mổ xẻ, v.v., giúp cho họ có thể biết được đến từng ngóc ngách tất cả những gì thuộc về cơ thể con người trong khi họ học hoặc dạy môn giải phẩu học đại thể. Nhưng những người thầy này lại chẳng nói năng gì; vì vậy nên họ còn được gọi là Vô ngữ lương sư 無語良師 (thầy giỏi không nói). Vậy Đại thể lão sư và Vô ngữ lương sư là hai thành ngữ mang tính ẩn dụ để chỉ thi hài của người hiến xác được sử dụng trong phòng thực nghiệm, thực tập. Đại học Từ Tế là một trường đại học danh tiếng và có uy tín nên được biết đến ở nhiều nơi trên thế giới.
Vậy việc thành ngữ Đại thể lão sư do nó khởi tạo được biết đến ở Việt Nam cũng không phải là chuyện lạ. Lạ – quái dị nữa là đằng khác – là việc nhiều người, nhiều nơi trong ngành y tế cũng như nhiều nhà báo và phương tiện truyền thông của Việt Nam lại dùng hai tiếng đại thể của nó một cách thật khiếm nhã. Tại quê hương của nó thì hai tiếng này được dùng để chỉ thi thể của những người cao thượng đã hiến xác cho khoa học mà cả loài người đều biết ơn, đặc biệt là với các trường y khoa. Nơi lưu giữ và bảo quản các thi thể hiến tặng này để cho sinh viên thực tập gọi là đại thể thất 大體室, tương đương với gross anatomy laboratory của tiếng Anh. Còn tại Việt Nam thì hai tiếng đại thể lại được dùng để chỉ bất cứ cái xác chết nào được lưu giữ và bảo quản tại nhà xác, từ xác chết của một anh đại gia lắm tiền nhiều của cho đến xác chết của một tên lưu manh bỏ mạng vì đâm thuê chém mướn. Vô hình trung đại thể thất/gross anatomy laboratory bị biến thành nhà xác, mà tiếng Hán là trần thi sở 陳尸所 hoặc đình thi thất 停尸室 còn tiếng Anh là morgue hoặc mortuary.
May mắn một cách lạ lùng là tuy cái danh ngữ tân thời kỳ dị này đã ra đời cách đây ít nhất 7 năm nhưng theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì nhiều bác sĩ, ngay cả ở những bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, cũng không hề biết đến nó. Điều này chứng tỏ rằng danh ngữ nhà xác vẫn còn một sức sống mạnh mẽ. Vậy xin nhân tiện đề nghị ngành y tế hãy cho cái danh ngữ nhà đại thể vào “nhà đại thể”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét