Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

KHẢO SÁT HỆ THỐNG TỪ CỔ TRONG BẢN GIẢI ÂM KHÓA HƯ LỤC (AB.367) CỦA HÒA THƯỢNG PHÚC ĐIỀN - Trần Trọng Dương

16. Khảo sát hệ thống từ cổ trong bản GIẢI ÂM KHÓA HƯ LỤC (AB.367) của Hòa thượng Phúc Điền (TBHNH 2005)
Cập nhật lúc 14h39, ngày 05/09/2007

KHẢO SÁT HỆ THỐNG TỪ CỔ TRONG BẢN GIẢI ÂM KHÓA HƯ LỤC (AB.367) CỦA HÒA THƯỢNG PHÚC ĐIỀN

TRẦN TRỌNG DƯƠNG

Trường Đại học Văn hóa
Đối tượng khảo sát của bài viết là hệ thống từ cổ(1) được sử dụng trong bản giải nghĩa sách Khóa hư lục giải âm của Phúc Điền hòa thượng kí hiệu AB.367, lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Như chúng tôi thống kê, nguyên tác Hán văn có 8.234 lượt chữ; phần giải nghĩa bằng chữ Nôm có 9.396 lượt chữ với 1.585 đơn vị thống kê. Theo nguồn gốc ngôn ngữ, từ cổ được phân làm ba loại: 1. Các từ Việt cổ; 2. Các từ ngữ Hán văn được sử dụng như là một yếu tố của tiếng Việt trong bản giải nghĩa; 3. Các từ ngữ văn Nôm phiên chuyển từ các từ ngữ hay thuật ngữ Hán văn. Loại 1: có nguồn gốc thuần Việt. Loại 2 có nguồn gốc Hán. Loại 3 có nguồn gốc đan xen Hán - Việt. Toàn bộ văn bản có 222 từ cổ, xuất hiện 1.066 lần.
Từ ba loại lớn trên, các đơn vị thống kê lại được tiếp tục phân loại ở những cấp độ nhỏ hơn. Mỗi một tiểu loại chúng tôi không trình bày toàn bộ các đơn vị mà chỉ cố gắng đưa ra một số ví dụ vừa đủ để chứng minh. Các ví dụ sẽ được in nghiêng sau dấu gạch chéo với nguồn dẫn rõ ràng. Nguồn dẫn đánh theo số trang nguyên bản và số cột. Ví dụ: 23a6, nghĩa là trang 23a cột thứ 6. Những câu văn khó hiểu, chúng tôi dịch nghĩa sang tiếng Việt hiện đại, đặt trong dấu ngoặc đơn, (…). Với những trường hợp đối dịch, chúng tôi dùng dấu < đặt trước chữ được dịch. Có thể có chú thêm chức vụ ngữ pháp và nghĩa hiện đại cho mỗi đơn vị dùng để dịch và đơn vị được dịch, đặt trong dấu ngoặc đơn.Ví dụ: chưng < chi (trợ từ kết cấu, của)/ ví sáng chưng mắt sáng ông Ly Lâu trông hình khó rõ. 6a9 (mệnh người cũng như bọt trên mặt nước). Các ngữ liệu cho mỗi đơn vị được cách bởi dấu gạch chéo (/). Ví dụ: chưng < chi / ví sáng chưng mắt sáng ông Ly Lâu trông hình khó rõ.6a9/ mặt trời hầu lặn chưng núi tây. 6a10. Mỗi một đơn vị được cách bởi dấu chấm phẩy. Ví dụ: chưng…; bui….(*)
          I. Từ Việt cổ
Theo ba mặt nghĩa, âm và khả năng kết hợp, từ Việt cổ có thể chia làm 3 loại sau:

Nghĩa
Âm
Khả năng kết hợp
1
Mất nghĩa
Mất âm
Mất
2
Nghĩa cũ đã mờ, mất; hoặc chuyển sang nghĩa mới, sắc thái mới.

Có thể còn âm

Khả năng kết hợp khác với hiện nay
3
Còn nguyên nghĩa trong tiếng Việt hiện đại
Tồn tại dưới dạng âm cổ (chữ Nôm ghi âm)
Khả năng kết hợp không đổi trong suốt lịch sử
Loại 1 bao gồm cả thực từ và hư từ. Đó đều là những từ đã hoàn toàn biến mất hay đã bị từ khác thay thế. Loại 2 chủ yếu là loại từ và hư từ. Loại 3 chủ yếu là thực từ. Trong văn bản, có 54 đơn vị (/222 từ, chiếm 25%) từ Việt cổ, xuất hiện 346 lần (/1.066 lần chiếm 31.88%). Cụ thể như sau:

I.1. Loại mất cả âm lẫn nghĩa

Loại này gồm 23 đơn vị, xuất hiện với tần số 87 lần.
I.1.1. Từ Việt cổ có âm đọc xa lạ so với tiếng Việt hiện đại. Đây là những từ đã bị các từ đồng nghĩa thay thế.
Ví dụ: ghín / đều ấy suy nghiệm có căn cơ, ghín chớ tự sinh lui bước. 15b7; bài / nay bài chưng tựa bốn núi lấy để chưng sau. 4b6; cóc / chẳng tỉnh chẳng cóc, hết lòng buông bỏ. 4b5; biêu / dùng bày chưng phép trước thánh, vả biêu chưng hương thông phàm. 34a8; (+) cày cạy / thẳm nên kíp kíp trồng mống lành, mình chớ cày cạy cầu quả dữ. 18b5…
I.1.2. Những từ Việt cổ có thể vẫn được sử dụng, nhưng chỉ giới hạn trong một lĩnh vực hẹp (như văn chương). Các từ này được ghi trong từ điển hiện đại [11], nhưng được chú là “cũ, văn chương”. Như các từ: , lọ, luông, đoái, phương chi
I.1.3. Từ Việt cổ ngẫu nhiên đồng âm với một từ Việt hiện nay. Các từ đó không có mối quan hệ ngữ âm và ngữ nghĩa nào với nhau. Như: dâm (không chính đáng) / ngửi hơi sinh dâm, chẳng biết chẳng hay, bởi chưng tội mũi. 17b4; nhẫn (đến) / chúng tôi nay nhân nhiều kiếp từ trước nhẫn lại.19a9; thông (đủ) / mệnh người rất trọng, chửa thông trọng hơn đại đạo vậy. 13a8; giàm (buộc) / luống đua đầu nhện sừng oa, chịu làm khóa lợi giàm danh.10a4.
I.2. Loại mờ / biến nghĩa, còn âm hoặc một phần âm, đã thay đổi khả năng kết hợp
Loại này có 18 đơn vị, xuất hiện với tần số 184 lần.
I.2.1. Những từ Việt cổ đơn tiết, xưa dùng độc lập, có khi tồn tại như yếu tố mờ nghĩa trong các từ song tiết hiện nay
Như gièm (gièm pha) / gièm oán nắng rét, khạc nhổ sông bể. 32a8; nệ (câu nệ) / chẳng nệ người thượng trí kẻ hạ ngu, hết thuộc chưng trong bào thai. 5b1; cưu (mong) / phải tỉnh đường trước khó bước lên, chớ cưu gối cao say mê ngủ. 31a2; cả (lớn, con cả) / trăm năm trọn về giấc cả. 10a5.
Loại này chủ yếu thuộc về động từ hay tính từ.
I.2.2. Những từ hiện còn âm và nghĩa trong tiếng Việt hiện đại nhưng có sự biến động về các nét nghĩa và khả năng kết hợp. Chủ yếu là các từ đơn tiết.
Như giống (loại)/ chưng mọi giống việc ngày tính đêm lo. 41b3; chốn/ tới chốn trời mưa dường thơm tho. 17b8; cơn/ mình sợ nước đồng cơn đổ rót. 11a7; dòng / chốn pháp diên tập dòng thanh tĩnh. 17a10; chước / thuốc tiên lo dối chước trường sinh. 7b5…
Nhóm này chủ yếu là loại từ. Một điều dễ nhận thấy là các loại từ này có khả năng hoạt động khá rộng, có thể dùng thay thế cho nhau trong một số trường hợp.
I.2.3. Những thực từ hiện vẫn còn âm đọc nhưng có sự thay đổi về sắc thái, nét nghĩa. Khả năng kết hợp không có gì biến động.
Như tốt (đẹp) / gái tốt đổng chưng sắc nghiêng thành. 5b2/ đua danh khoe tốt, đua lạ thi kì. 5b3; rỡ ràng (vẻ rạng rỡ, dùng cho tình cảm) / lòng dạ khi mở dường rỡ ràng. 17b8
         I.3. Những từ còn nguyên nghĩa trong tiếng Việt hiện nay, nhưng trong văn bản giải nghĩa, chúng được ghi dưới dạng âm cổ.
Loại này, khả năng kết hợp không có gì khác so với hiện nay, chủ yếu là thực từ. Có 3 đơn vị, xuất hiện với tần số 7 lần.
I.3.1. Những từ có tiền âm tiết được ghi bằng một hoặc hai khối vuông Nôm
Trong văn bản hoàn toàn không có từ có tiền âm tiết được ghi bằng hai khối vuông. Những từ có kí hiệu ghi tiền âm tiết trong một khối vuông Nôm như: giầu (trên + dưới),sang (trên + dưới) chỉ là những vết tích còn sót lại về mặt văn tự.
I.3.2. Những từ có phụ âm đầu hoặc vần được ghi ở dạng cổ (không có đơn vị nào)
I.3.3. Những từ song tiết mà âm tiết sau được ghi dưới dạng âm cổ, đến nay đã thay đổi, rụng mất hoặc bị thay thế.
Như: đóm nháng (đom đóm)/ đóm nháng lập lòe đám cỏ xanh. 11a5/ thấp thoáng mặt nước vài đóm nháng. 30b10; trầm trệ(trầm trọng)/ bệnh trầm trệ nhiều tháng mà chửa bớt. 7a10/ một mai tật nhiễm trầm trệ trăm năm trọn về giấc cả. 10a5;
         II. Các từ ngữ Hán văn được sử dụng như là yếu tố của tiếng Việt
         Hiện tượng các từ ngữ Hán văn(2) tham gia vào các văn bản Nôm là hiện tượng hay gặp trong các văn bản cổ, nhất là trong các văn bản song ngữ giải âm, giải nghĩa. Cần phân biệt loại này với từ Hán Việt đã đi vào vốn từ vựng tiếng Việt. Từ Hán Việt tham gia vào văn bản với tư cách là một thành tố nội tại của tiếng Việt. Từ ngữ Hán văn lại tham gia với tư cách như là một thành tố ngoại lai. Nó mang tính lâm thời trong từng văn cảnh, văn bản cụ thể. Nhiều khi nó còn chịu ảnh hưởng của phong cách tác giả hay thể loại tác phẩm. Vì là một thành tố ngoại tại và mang tính lâm thời, từ ngữ Hán văn luôn gây ra những trở ngại và khó khăn cho người giải mã và người đọc ngày nay. Chúng hiện là yếu tố mờ nghĩa trong văn bản.
         Các từ ngữ Hán văn tham gia vào văn bản Khóa hư lục giải âm có thể phân làm hai loại như sau: 1. Từ ngữ Hán văn đơn tiết; 2. Từ ngữ Hán văn song tiết. Gồm 32 đơn vị (/222, chiếm 14.41%) với tần số 41 (/1066 lần, chiếm 3.85%)
II.1. Từ ngữ Hán văn đơn tiết
Các từ ngữ Hán văn đơn tiết hầu hết là thực từ. Nhóm từ này là loại gây khó khăn đáng kể nhất cho công việc phiên chú. Khi phiên chú, các từ Hán đơn tiết này hay bị coi là các chữ Nôm giả tá. Cũng có khi, người phiên chú coi chúng như là loại chữ Nôm đọc theo nghĩa. Trong các văn bản giải âm, hay giải nghĩa, các chữ này ít bị nhầm lẫn hơn bởi có bản nguyên văn chữ Hán để đối chiếu.
Xét theo tiêu chí đối dịch- không đối dịch, các từ gốc Hán đơn tiết trong bản Khóa hư lục giải âm có thể chia làm ba nhóm:
II.1.1. Các từ ngữ Hán trong văn bản Nôm chuyển dịch từ nguyên bản chữ Hán
Loại này có 13 đơn vị, với 15 trường hợp. Cụ thể là: bản. 9a6; . 9a6; lâu. 19b3; luyến. 29a10; ngụy. 9a6; quá. 32a7; sám. 32a2; tẩm. 35a9; trệ. 16b8; trụy. 32a2; tường. 9a5, 14a10, 55a3; xâm. 29a10.
II.1.2. Các từ ngữ Hán dùng để đối dịch một từ Hán đồng nghĩa trong nguyên văn.
Loại này chỉ có 1 đơn vị với 1 trường hợp. tập < hội. 17a10
II.1.3. Các từ ngữ Hán văn không đối dịch so với nguyên bản chữ Hán.
Loại này chỉ có 1 đơn vị với 4 trường hợp: dụ. 4b6, 5a1, 6a8, 8a5.
         II.2.Các từ ngữ Hán văn song tiết
Theo tiêu chí đối dịch - không đối dịch, các từ ngữ Hán văn song tiết tham gia trong văn bản Khóa hư lục giải âm có thể phân làm hai loại:
II.2.1. Các từ ngữ Hán văn song tiết đối dịch
Các từ này xuất hiện cả ở trong nguyên văn và phần dịch nghĩa. Người dịch để nguyên, không dùng khái niệm tương đương trong tiếng Việt để dịch. Có khi các từ này là thuật ngữ Phật giáo hay những danh từ chuyên môn khó có thể dịch được. Gồm 15 đơn vị, với 15 trường hợp.
Như: 膏 肓Cao hoang. 7a7; 大 地đại địa. 8b3; 壇 信đàn tín. 17a10; 昏 散hôn tán. 29a10; 脈 絡mạch lạc. 7a7; 財 貨tài hóa. 13a7; 清 奇thanh kì. 30a1;體 貌thể mạo. 9a6; 禪 定thiền định. 17a10; 通 凡thông phàm. 34a8; 沈 箋trầm tiên. 21a10; 品 味phẩm vị. 21a10; 到 底đáo để. 14b1; 勝 因thắng nhân. 20a4
II.2.2. Dùng từ ngữ Hán song tiết để dịch một từ Hán đồng nghĩa
Loại này chỉ có một đơn vị, xuất hiện 1 lần trong văn bản.
Như: 融 通dung thông < 照 融chiếu dung. 22b4
II.2.3. Các từ ngữ Hán văn song tiết không đối dịch (không có đơn vị nào)
         III. Các từ ngữ văn Nôm phiên chuyển từ các từ ngữ hay thuật ngữ Hán
Dịch đối âm tiết là hiện tượng phổ biến trong lịch sử dịch thuật kinh điển, cả kinh điển Phật giáo lẫn kinh điển Nho giáo. Dịch đối âm tiết chính là chìa khóa để người hiện đại thực hiện việc phiên chuyển và chú giải các văn bản cổ sang ngôn ngữ hiện tại. Cũng đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến vấn đề này. Có bài viết cũng đã tiến hành thống kê, lượng hóa hiện tượng đối dịch từ song tiết tiếng Hán(3). [2]
III.1. Các từ Nôm đơn tiết phiên chuyển cho các từ Hán đơn tiết
Điều thú vị là hầu hết các đơn vị thống kê trong loại này là hư từ. Cụ thể là: trong 44 đơn vị, có 24 đơn vị là thực từ, xuất hiện 110 lần; 20 đơn vị là hư từ xuất hiện 468 lần.
III.1.1. Các thực từ đơn âm đối dịch.
Như: 24 đơn vị 110. (Xem Phụ lục, nhóm C11)
Các từ thuần Việt được dùng để dịch một hay nhiều từ Hán đồng nghĩa. Từ thuần Việt có nghĩa tương đương nhưng có khi sắc thái ngữ nghĩa không thật trùng khít, khả năng kết hợp trong văn cảnh cũng lệch chuẩn vì vậy cũng có thể coi loại này nằm trong nhóm từ cổ.
III.1.2. Các hư từ đơn âm đối dịch
Nhóm này khá phức tạp. Một từ thuần Việt dùng để dịch một hư từ Hán có nhiều chức năng, ý nghĩa khác nhau. Cũng có khi, một từ thuần Việt được dùng để dịch nhiều hư từ Hán khác nhau. Điều đáng ghi nhận là một số hư từ đã được sử dụng một cách phổ biến ngay cả khi câu nguyên văn chữ Hán không có hư từ tương ứng. Chính vì vậy, nhiều khi, chúng được coi như là những từ thuộc nhóm từ Việt cổ.Trong bài viết này, chúng tôi không bàn cụ thể từng đơn vị một mà chỉ đưa ra một số hiện tượng làm ví dụ.
Như: 20 đơn vị 468 lần (Xem Phụ lục, nhóm C12)

III.2. Các từ Nôm song tiết phiên chuyển cho các từ Hán đơn tiết (không có đơn vị)

III.3. Từ Nôm song tiết / đa tiết dịch các từ Hán song tiết theo phép dịch đối âm tiết
Để tiện trình bày các mô hình phiên âm, chúng tôi dùng hai chữ cái “A, B” để chỉ lần lượt các âm trong một từ Hán song tiết và các chữ “a, b” để chỉ các âm Nôm đối dịch. Từ Nôm không đối dịch là “x”.
III.3.1. Mô hình 1: ba < AB
Trong toàn bộ văn bản Khóa hư lục giải âm, có 26 đơn vị từ ngữ song tiết Nôm với 26 lần xuất hiện (Xem Phụ lục, nhóm C31). Thường là một từ Nôm dùng để dịch một từ Hán. Việc dịch đối âm tiết có một số trường hợp khó có thể hiểu được vì nó diễn đạt không thật chính xác về nét nghĩa, đôi khi không thể hiểu được. Muốn hiểu, người đọc phải so sánh với câu nguyên văn. Và tra nghĩa từ AB thông qua từ điển Hán văn [13]. Ví dụ như: so lường < kê hiệu. 10a3; tuyền hộ < cửa tuyền. 8a7; đúc chuốt < huân đào. 5b8; đuốc sáp < lạp chúc. 30b9…
III.3.2. Mô hình 2: ab < AB
Mô hình này có 21 trường hợp với 25 lần xuất hiện. (Xem Phụ lục, nhóm C32)
Ví dụ như: bởi ấy < do thị. 9a7; cuối sau < mạt hậu. 16b8, 16b8; dài vắn < thọ yểu. 6b6; đài vàng < dao đài. 22b2; đắm yêu < trứ ái. 9a9, 20b4; dùng bày < dung trần. 34a7…
III.3.3. Mô hình 3: aB < AB
Mô hình này có 4 đơn vị với 4 lần xuất hiện. (Xem phụ lục, nhóm C33)
Như: chín phẩm < cửu phẩm.22b1; năm uẩn < ngũ uẩn. 9a6; sáu căn < lục căn. 27a9; sáu mống < lục căn.
III.3.4. Mô hình 4: Ab < AB (không thấy xuất hiện)

III.3.5. Mô hình 5: aa < AA

Trong mô hình này, các âm tiết tiếng Việt được nhân đôi y như nguyên văn chữ Hán. Thường đó là các từ láy. Trong Khóa hư lục giải âm có 14 đơn vị với 14 lần xuất hiện. (Xem Phụ lục, nhóm C35)
III.3.6. Mô hình 6: BA < AB (không xuất hiện)
III.3.7. Mô hình 7: axb < AB
Mô hình này nói chung cũng có sự dịch đối âm, nhưng có gia thêm âm tiết cho rõ nghĩa. Trong văn bản có 3 đơn vị với 3 lần xuất hiện. (Xem Phụ lục, nhóm C37)
III.3.8. Mô hình 7: Ba < AB
Nhóm này không thấy xuất hiện trong bản AB.268. Trong Khóa hư lục giải âm, loại này có 6 từ, xuất hiện 6 lần. (Xem Phụ lục, nhóm C38)
III.4. Từ thuần Việt song tiết dịch thuật ngữ Hán (không theo tiêu chí đối dịch âm tiết)
Huệ Tĩnh dùng từ thuần Việt để dịch thuật ngữ nhà Phật. Dĩ nhiên, các từ Việt này khó có thể truyền tải hết nội hàm của từ được dịch. Loại này có 17 đơn vị, xuất hiện 18 lần. (Xem Phụ lục, nhóm C4)

Tiểu kết

(a) Có thể thấy, từ cổ trong bản Khóa hư lục giải âm gồm ba loại: I. Từ Việt cổ (chiếm 23,18 % tổng số đơn vị), II. Từ ngữ Hán tham gia vào văn bản như thành tố của tiếng Việt (14,86 %); III. Từ ngữ Nôm đối dịch từ ngữ Hán (62,16 %). Với cách nhìn như vậy, chúng ta có thể nhận thức rõ ràng hơn về hệ thống từ cổ trong bản giải âm này: từ cổ có nguồn gốc không thuần Việt chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với từ Việt cổ (77,02% so với 23,18 %).
(b) Các từ cổ thuộc loại II và III thường không cố định. Các tiểu loại trong loại II và các tiểu mô hình trong loại III có thể coi như là những tiểu loại mở, mô hình mở. Tức là, các đơn vị trong hai nhóm này chỉ là các từ cổ mang tính lâm thời, chúng thay đổi tuỳ thuộc vào vốn từ Hán và cách diễn đạt của người dịch. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định sự mờ nghĩa của chúng đã tác động không nhỏ đến việc giải mã và phiên âm các văn bản Nôm cổ.
(c) Văn bản có 222 từ cổ (/1585 đơn vị thống kê của toàn văn bản, chiếm 14,00%) xuất hiện 1066 lượt (/9396 lượt, chiếm 11,34% độ dài văn bản).
(d) Từ Việt cổ có 54 đơn vị (/ 1585 đv, chiếm 3,4%), với 346 lần xuất hiện (/9396 lần, chiếm 3,68 %). Về mặt tỉ lệ số lượng từ Việt cổ, bản giải nghĩa thấp hơn Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (25,21%) và Quốc âm thi tập (8,75%); cao hơn Đắc thú lâm tuyền (6,9%), Cư trần lạc đạo (8,32%) và Khóa hư lục giải nghĩa (9,73%)(4). Như vậy, ta có thể nhận định rằng: từ cổ thuần Việt trong Khóa hư lục giải âm (thuộc tiếng Việt cận đại: nửa sau thế kỷ XIX) chiếm tỉ lệ thấp hơn (≥ ½) so với Khóa hư lục giải nghĩa và các tác phẩm từ thế kỉ XV trở về trước.





Chú thích:
(*) Để đỡ dài, chúng tôi chỉ lấy ví dụ ngữ cảnh cho một số từ Việt cổ. Còn các từ cổ có nguồn gốc Hán và nguồn gốc đan xen Hán Việt thì chúng tôi chỉ nêu ví dụ và xuất xứ.
(1) Từ Việt cổ: Năm 1975, cụ Đào Duy Anh dùng khái niệm “từ xưa” trong [13, tr.24-27] khi nghiên cứu bốn bài phú Nôm đời Trần và sách Khóa hư lục. Theo ông, từ xưa gồm hai loại: từ đơn và từ kép, ngoài ra còn các từ Hán đơn âm [13, tr.28]. Học giả Hoàng Xuân Hãn viết: “từ ngữ cổ là những từ ngày nay không dùng nữa, hoặc còn dùng trong một địa phương, hoặc còn sót lại trong một thành ngữ nào đó, hoặc còn dùng với nghĩa khác nhưng có liên can…” [1, tr.1091]. Năm 1984, Nguyễn Thiện Giáp viết: “từ ngữ cổ là những từ ngữ biểu thị những đối tượng trong tiếng Việt hiện nay có các từ đồng nghĩa tương ứng. Chính sự xuất hiện của những từ đồng nghĩa tương ứng này làm cho chúng trở nên lỗi thời.”. Gồm hai loại: những từ ngữ cổ đã hoàn toàn biến khỏi ngôn ngữ văn học hiện đại; những từ ngữ còn để lại dấu vết trong tiếng Việt hiện đại nhưng ý nghĩa đã bị lu mờ vì chúng không được dùng độc lập nữa [14, tr.328-333]. GS. Vương Lộc:  “Từ ngữ cổ là những từ ngữ: 1. Chỉ còn gặp trong các tác phẩm cổ chứ không tồn tại trong tiếng Việt hiện đại, như bợ là “vay”, khứng là “chịu”, mắng là “nghe”, v.v.; 2. Gặp trong tiếng Việt hiện đại những đã thay đổi ít nhiều về mặt ngữ âm, như khách thứa là khách khứabàn nàn thành phàn nànđam thành đem, v.v ; 3. Còn gặp trong tiếng Việt hiện đại nhưng ý nghĩa đã bị lu mờ do chúng không còn dùng độc lập nữa, như han trong hỏi hantác trong tuổi tácle trong song le, v.v hoặc đã thay đổi hoàn toàn về ý nghĩa như đăm chiêu không phải là “bên phải, bên trái, các phía”, lịch sự không phải là “từng trải”, vốn là nghĩa cổ của các từ này; 4. Còn gặp trong tiếng Việt hiện đại nhưng khả năng kết hợp có khác so với ngày trước như ban trong các tổ hợp ban già, ban muộn, ban nghèo, ban tà, v.v.; cái trong cái rắn, cái ve, cái vẹt, v.v.; con trong con gậy, con lều, con sách, v.v” [7, Lời nói đầu]. GS. Nguyễn Ngọc San cho rằng từ cổ “là những từ đã được lưu lại trong các văn bản viết cổ hay văn bản miệng cổ (ca dao, tục ngữ) mà hiện nay không còn được sử dụng nữa…”[6, tr.187]. Bao gồm: các từ cổ đã hoàn toàn biến mất trong kho từ vựng hiện đại; hay là từ vốn là “những yếu tố mất nghĩa khi chúng nằm trong các tổ hợp song tiết đẳng lập và được xác định giá trị trong mối tương quan với yếu tố kia [6, tr.188-195]; trong cuốn Từ điển từ Việt cổ, giáo sư coi từ Việt cổ là những từ ngữ thuần Việt. Nguyễn Thanh Tùng chia từ cổ làm sáu loại: 1. Những từ xưa được dùng độc lập, nay chỉ tồn tại như là yếu tố mất nghĩa, mờ nghĩa trong các tổ hợp từ như dể, ghẽ, rệt; 2. Những từ đã biến mất hoàn toàn trong kho từ vựng hiện đại, không còn được sử dụng nữa, chỉ tồn tại trong các văn bản cổ, như: mựa, bui, cày cạy; 3. Những từ chỉ còn dùng hạn chế trong các phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, thuật ngữ, như rồi trong ăn không ngồi rồi; 4. Những từ xưa là song tiết, nay đã rụng mất tiền tố, chỉ còn đơn tiết, như: la đá, bà cóc; 5. Những từ Hán xưa dùng độc lập nay không dùng độc lập nữa mà chỉ là những yếu tố Hán Việt dùng để cấu tạo từ; 6. Những từ còn xuất hiện nguyên dạng, nhưng nghĩa cũ đã mất, nay dùng theo nghĩa mới khác với nghĩa cũ, như: cặn kẽ (ân cần chu đáo/ sát sao, tỉ mỉ). Như vậy có thể thấy, Đào Duy Anh dùng khái niệm từ xưa, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Thiện Giáp, Vương Lộc dùng khái niệm từ ngữ cổ; Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện, Nguyễn Thanh Tùng dùng khái niệm từ cổ, hay từ Việt cổ. Chúng tôi quan niệm từ cổ là những từ mờ nghĩa trong các văn bản Nôm, người hiện nay không thể hiểu được nếu không sử dụng các loại từ điển để tra cứu, hoặc không đối chiếu với nguyên tác Hán văn (với những trường hợp giải âm, giải nghĩa). Các từ mờ nghĩa này có thể có nguồn gốc khác nhau (Việt, Hán hay Hán - Việt).
(2) Từ ngữ Hán văn: Hoàng Xuân Hãn cũng cho loại này thuộc về từ cổ: “Lại có một số chữ Hán, nay không còn dùng cô độc nữa, cũng sẽ kể vào từ cổ…”[1, tr.1091] Đào Duy Anh cũng cho rằng “những từ đơn mượn ở chữ Hán (âm Hán Việt) để biểu hiện những khái niệm mà đời sau người ta chỉ dùng những từ Việt để biểu hiện thôi… như: dụng nghĩa là dùng (nết dụng sơn lâm), địch là cái sáo (địch chẳng có lỗ), hoặc là sai lầm (thì rồi mọi hoặc)…”[13, tr.28]. Nguyễn Thanh Tùng cũng có ý kiến tương tự (loại 5) (xin xem chú trên). Cũng cần phân biệt từ ngữ Hán đọc theo âm Hán Việt với các từ ngữ Hán đọc theo âm phi Hán Việt. Các từ đọc theo âm phi Hán Việt mà vẫn còn trong tiếng Việt hiện đại thì không thuộc vào từ cổ như: chùa, buồng, giường, dùng, bay… Chỉ có những từ (đọc theo âm phi Hán Việt) đã từng tồn tại như một thành tố của tiếng Việt, nhưng hiện nay không còn nữa thì chúng tôi xếp vào loại từ Việt cổ như: mựa, hoặc vào loại từ đối dịch đơn tiết (Loại III.1.1) như: chưngchỉncảphảighínkháthửa.
(3) Trong bài viết Chuyển dịch từ ngữ song tiết Hán văn sang từ ngữ văn Nôm trong bản giải âm Truyền kì mạn lục, GS. Nguyễn Quang Hồng đã tiến hành khảo sát các từ Hán Việt song tiết quen thuộc. Vì vậy, toàn bộ các đơn vị thống kê trong nhóm 1 (giữ nguyên không chuyển dịch) sẽ không phải là từ cổ. Còn lại, phải xem xét từng đơn vị cụ thể trong các nhóm còn lại, nhóm 2 (giữ nguyên chữ Hán đảo vị trí), nhóm 3 (Thay một chữ Hán bằng một chữ Nôm), nhóm 4 (Thay cả hai chữ Hán bằng hai chữ Nôm) và nhóm 5 (song tiết Hán văn chuyển dịch thành đa tiết văn Nôm), thì mới xác định được đó có phải là từ cổ hay không.
(4) Số liệu từ cổ, trong Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, theo TS. Hoàng Thị Ngọ có 105 đơn vị, xuất hiện với tần số 684 lần [20, tr.131]. Nếu xét theo cả tiêu chí âm đọc {các từ có tiền âm tiết được ghi bằng chữ Nôm hai mã chữ (75 đơn vị, xuất hiện với tần số 103 lần [20, tr.55]) và chữ Nôm một mã (185 đơn vị, xuất hiện với tần số 559 lần [20, tr.67]} thì tổng số từ cổ thuần Việt trong văn bản này lên đến 365 đơn vị (/850 đơn vị, chiếm) xuất hiện với tần số 1.246 lần (/ 4942 lần, chiếm độ dài văn bản). Ấy là chưa kể đến loại 2. Từ ngữ Hán tham gia vào văn bản như thành tố của tiếng Việt và loại 3. Từ ngữ Nôm đối dịch từ ngữ Hán. Số liệu từ cổ trong Quốc âm thi tậpĐắc thú lâm tuyềnCư trần lạc đạo theo thống kê của Nguyễn Thanh Tùng. Số liệu từ cổ Khóa hư lục giải nghĩa theo thống kê của chúng tôi - TTD.
Tài liệu tham khảo & từ điển tra cứu:
[1]Hoàng Xuân Hãn: Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần - Lê, trong “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn”. Nxb. Giáo dục. 1998.
[2]Nguyễn Quang Hồng: Chuyển dịch từ ngữ song tiết Hán văn sang từ ngữ văn Nôm trong bản giải âm Truyền kì mạn lục, Hội thảo quốc tế ngôn ngữ học liên Á lần VI (H. 11- 2004)
[3]Nguyễn Ngọc San: Tìm hiểu tiếng Việt Lịch sử, Nxb. Đại học Sư phạm, 2003.
[4]Nguyễn Thanh Tùng: Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt trong Thiền tông khóa hư ngữ lục (Báo cáo khoa học), 2001.
[5]Hoàng Thị Hồng Cẩm: Tân biên Truyền kì mạn lục - Nghiên cứu văn bản và vấn đề dịch Nôm, Nxb.Văn hóa Dân tộc, H. 1999.
[6]Nguyễn Ngọc San: Lý thuyết chữ Nôm văn Nôm, Nxb. Đại học Sư phạm, H. 2003.
[7]Vương Lộc: Từ điển từ cổ, Trung tâm Từ điển học & Nxb. Đà Nẵng, Hà Nội - Đà Nẵng. 2001.
[8]Nguyễn Ngọc San & Đinh Văn Thiện: Từ điển từ Việt cổ, Nxb. Từ điển Bách khoa. H. 2003.
[9]Huỳnh Tịnh Paulus Của: Đại Nam quấc âm tự vị (chụp nguyên từ ấn bản 1895- 1896), Nxb. Trẻ, 1998.
[10]Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu), Tự vị An Nam La Tinh (Dictionarium Anamitico Latinum 1772 - 1773), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu. Nxb.Trẻ. 1999.
[11]Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học & Nxb. KHXH, H. 1994.
[12]J.F.M. Génibrel, Dictionaire Annamite - Français, Imprimerie de la Mission à Tân Định.1898.
[13]Đào Duy Anh: Chữ Nôm - Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nxb. KHXH, H. 1975.
[14]Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1985.
[15]Từ điển đối chiếu từ địa phương. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Nxb. Giáo dục, H. 2001.
[16]A. de Rhodes, Từ điển Annam - Lusitan - Latinh (Từ điển Việt - Bồ - La), Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch, Nxb. KHXH, H. 1994.
[17]Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. KHXH, H. 1998.
[18]Từ nguyên辭 源, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh. 1997.
[19]Hán ngữ đại từ điển漢 語 大 詞 典(3 tập), Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã
[20]Hoàng Thị Ngọ: Chữ Nôm và Tiếng Việt qua bản giải âm ‘Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Nxb. KHXH, H. 1999.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét