Cập nhật lúc 23h23, ngày 03/04/2007
HUỲNH CÔNG BÁ
Trường Đại học Sư phạm Huế
Sau khi được vua Lê cho vào trấn thủ Thuận Hóa và sau đó được giao kiêm quản cả Quảng Nam, năm 1602 chúa Tiên Nguyễn Hoàng thực hiện chuyến kinh lý đầu tiên thăm thú Quảng Nam, và kết quả của chuyến đi này là 2 năm sau, năm 1604, Chúa Tiên cho tách huyện Điện Bàn thời Lê trực thuộc dinh Thuận Hoá, nhập vào dinh Quảng Nam, thăng Điện Bàn lên làm phủ cùng với phủ Thăng Hoa và đặt dinh trấn của dinh Quảng Nam tại đây. Đó là sự kiện lịch sử mang ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp phát triển của đất Quảng, vì từ đây hai nửa Bắc Nam của Quảng Nam được hợp nhất thành một chỉnh thể địa hành chính tồn tại cho đến ngày nay.
Song trong Đại Nam thực lục tiền biên, bộ sử biên niên của triều Nguyễn biên soạn về thời kỳ các chúa Nguyễn đã chép: cùng với sự kiện này, Chúa Tiên cho xây dựng dinh trấn Quảng Nam tại xã Cần Húc thuộc huyện Duy Xuyên (1). Nhưng địa danh “Cần Húc” ở đâu trên thực địa? Phải chăng là ở huyện Duy Xuyên hiện nay? Tại huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam xưa nay không hề có một làng xã nào mang tên Cần Húc cả. Đây cũng chính là câu hỏi đặt ra cho các sử gia trong và ngoài nước hơn một thế kỷ nay. Sách Đại Nam nhất thống chí triều Duy Tân viết: “Thời quốc sơ dựng dinh trấn Quảng Nam tại xã Cần Húc”, nhưng không cho biết Cần Húc ở đâu (2), vì các tác giả của nó không tìm được Cần Húc ở đâu trên thực địa. Sách Tiên nguyên loát yếu phổ, bản phổ hệ của dòng họ Nguyễn dưới thời các chúa, do Phụ chính đại thần Tôn Thất Hân biên soạn, ra đời vào năm 1920 cũng viết: “Người ta không biết đích xác về tên làng này và cũng không rõ thuộc tổng nào” (3). Mặc dù trước đó, hồi nửa sau thế kỷ XIX, trong sách Đại Nam nhất thống chí triều Tự Đức có nói: “Cần Húc nay là xã Văn Đông, huyện Diên Phước (nay là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – HCB), tiếp giáp xã Thanh Chiêm (nay là xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – HCB)” (4). Nhưng tại đây, xưa nay không hề có một xã Cần Húc nào cả. Chính sách Ô châu cận lục, ra đời vào năm năm 1553, ngay trước ngày Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá, không thấy chép tên xã Cần Húc trong số 66 xã của huyện Điện Bàn lúc bấy giờ; mà như chúng tôi đã có lần chứng minh, huyện Điện Bàn thời Lê vào đến tận sông Hương An, tức gồm cả đất huyện Duy Xuyên và Quế Sơn hiện nay, trong đó có địa bàn của “xã Cần Húc” (5). Đến sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn biên soạn vào nửa sau thế kỷ XVIII cũng không thấy chép tên xã Cần Húc trong danh mục tổng xã của phủ Điện Bàn và phủ Thăng Hoa. Cả hai văn bản, viết vào hai thời điểm khác nhau đều không thấy chép tên xã Cần Húc. Vậy đây không thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Ở sách Phủ biên tạp lục, hai lần Lê Quý Đôn khi nói đến nơi đặt dinh trấn Quảng Nam đều có nhắc đến địa danh này, một là khi nói về lộ trình trên đất Quảng Nam và hai là khi nói về số quan thuộc các trấn dinh ở Thuận - Quảng, nhưng tại hai nơi chữ viết lại khác nhau và do đó ở các bản dịch đọc âm khác nhau. Ở đoạn thứ nhất văn bản viết 勤 旭 và Đào Duy Anh phiên âm là “Cần Húc” (6), còn Phạm Đình Khiêm phiên âm là “Cần Hốc” (7). Ở đoạn thứ hai văn bản lại viết 勘 殽 và Đào Duy Anh phiên âm là “Cần Hào” (6), trong khi Lê Xuân Giáo phiên âm là “Khám Hào” (8). Rõ ràng, trong sự ký âm Hán tự địa danh này có điều gì đó thiếu thống nhất, phải chăng là do người viết nắm không thật chắc về nó, hay nghe không rõ âm mà người địa phương đã gọi? Tình hình đó tiếp tục tồn tại cho đến năm 1958, khi ông Phạm Đình Khiêm quyết định tiến hành một cuộc nghiên cứu thực địa kỹ lưỡng tại hai huyện Điện Bàn và Duy Xuyên để tìm kiếm xã Cần Húc, nhưng kết quả ông cũng không tìm được một địa phương nào ở đây mang địa danh “Cần Húc” (7). Đến những năm 70, các ông Phan Khoang (9), Phan Du (10) và Vũ Lang (11), khi biên khảo các tác phẩm sử học và địa chí có liên quan đến Quảng Nam, cũng chỉ y theo thư tịch cổ cho dinh trấn Quảng Nam đầu tiên được lập tại xã Cần Húc thuộc huyện Duy Xuyên, và không chỉ ra Cần Húc ở đâu tại huyện Duy Xuyên. Năm 1992, Li Tana, một nhà nghiên cứu người nước ngoài, trong một bản đồ trình bày ở luận án Tiến sĩ “Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII” đệ trình tại Đại học Quốc gia Australia, cũng đã chú thích dinh trấn Quảng Nam nằm ở phía nam sông Thu Bồn (12).
Tại cuộc Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử của Dinh trấn Quảng Nam” tổ chức vừa qua (8/2002) tại thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), vì không tìm được địa điểm Cần Húc nên có người đã cho rằng Cần Húc và Thanh Chiêm chỉ “là một” mà thôi (13), hoặc “có lẽ sau khi dựng dinh trấn chúa thấy danh xưng Cần Húc không hợp nghĩa nên đã cải danh là Thanh Chiêm cho hợp với hoài bão của chúa” (14). Lại có ý kiến dựa trên chú dẫn của thư tịch cổ và chỉ dẫn lộ trình của Lê Quý Đôn tìm kiếm Cần Húc tại huyện Duy Xuyên và kết luận rằng “xã Cần Húc xưa chính là một phần của xã Mỹ Xuyên về sau, nay là địa phận của các thôn Tiệm Rượu, Xuyên Đông, Mỹ Hạt của thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên” (15). Cũng có người cho xã Cần Húc “có thể là địa bàn của làng Long Xuyên (xã Long Phước) thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên” (16). Lại có người dựa vào Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức, kết hợp với khảo sát thực địa, cho rằng “làng Cần Húc, với tên mới là làng Văn Đông”, “có thể là một địa danh gọi theo tiếng Champa”, vì “nằm về phía Đông so với dinh trấn Thanh Chiêm, nên người Việt gọi xã này là xã Vạn Đông và về sau được biến đổi thành Văn Đông” (17).
Ngay từ năm 1994, trong bài viết “Điện Bàn phủ dưới thời Tiên Chúa Nguyễn Hoàng” đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 274, dựa trên kết quả nghiên cứu từ sách Việt Nam khai quốc chí truyện của Nguyễn Khoa Chiêm, chúng tôi đã khẳng định Cần Húc chỉ là “hành điện” của Nguyễn Hoàng, chứ chưa phải là dinh trấn Quảng Nam, nó là nhà làm tạm để Chúa Tiên nghỉ lại trong chuyến kinh lý Quảng Nam vào năm 1602 mà thôi. Còn dinh trấn Quảng Nam đầu tiên được Nguyễn Hoàng cho lập là vào năm 1604 và đó chính là dinh trấn Thanh Chiêm mà Đại Nam nhất thống chí có nhắc đến (4), và được ông Phạm Đình Khiêm khảo cứu, chỉ ra những dấu vết còn lại, nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (7).
Trên cơ sở kết quả phân tích tư liệu thư tịch, khi đi khảo sát điền dã tại vùng hạ lưu Thu Bồn vào năm 1995, chúng tôi đặt giả thiết công tác rằng có khả năng “Cần Húc” là hai mã chữ Hán được dùng để ký âm một địa danh Nôm nào đó trên đường tuần du của Nguyễn Hoàng vào Quảng Nam và theo lộ trình đường thuỷ từ cửa Đại lên Câu Lâu. Dựa trên đặc điểm địa văn hoá của xứ Quảng và cả mảnh đất Trung Trung Bộ là xứ sở của “văn hoá cồn-bàu”, chúng tôi dự đoán có thể chữ “Cần” ở đây chính là ký âm không chuẩn về từ “Cồn” (danh từ dùng để chỉ một bãi cát hay một gò đất cao hơn so với xung quanh). Từ đó, trên đường thực địa, chúng tôi đã hỏi dân địa phương ở đây có “cồn ốc” (từ Cần Hốc) hay “cồn hàu” (từ Cần Hào) gì không? Và được trả lời là không có, nhưng họ cho biết ở đây có một cồn hến rộng, trải dài từ Phú Triêm lên đến Thanh Chiêm tiếp giáp với Văn Đông và trên đó có cả địa danh Bến Hến, có khả năng là nơi dừng thuyền của Tiên Chúa Nguyễn Hoàng khi đi kinh lý Quảng Nam năm 1602.
Dựa vào những kết quả khảo cứu thư tịch và thực địa trên đây, tại cuộc Hội thảo khoa học ở Tam Kỳ, chúng tôi đã khẳng định rằng dinh trấn Quảng Nam không thành lập vào năm 1602 mà là năm 1604. Cần Húc không phải là dinh trấn đầu tiên của Quảng Nam, mà chỉ là hành điện được Nguyễn Hoàng cho dựng tạm để nghỉ lại khi đi kinh lý Quảng Nam vào năm 1602. Còn dinh trấn đầu tiên của Quảng Nam đã được xây dựng tại xã Thanh Chiêm vào năm 1604, nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sở dĩ thư tịch cổ (như Đại Nam thực lục tiền biên, Phủ biên tạp lục, Đại Nam nhất thống chí...) đều chép Cần Húc thuộc huyện Duy Xuyên là vì vào năm 1604 cùng với việc sáp nhập huyện Điện Bàn vào Quảng Nam và nâng cấp huyện Điện Bàn lên làm phủ thì Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã có việc cắt bớt đất của huyện Điện Bàn thời Lê đem sáp nhập vào phủ Thăng Hoa, và do đó Cần Húc vốn là đất của huyện Điện Bàn bây giờ hệ thuộc vào huyện Duy Xuyên phủ Thăng Hoa, và đến thời Gia Long, Cần Húc lại trở về với huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn, nay là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hành điện “Cần Húc” do Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1602 có khả năng nằm trên Cồn Hến, là một cồn cát rộng ở giữa sông Chợ Củi, một nhánh phía bắc của Thu Bồn.
Những vì chưa chỉ ra được địa điểm cụ thể nơi đặt “hành điện Cần Húc” của chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào năm 1602, nên ngay sau Hội thảo, chúng tôi đã trở lại khảo sát vùng Phú Triêm, Thanh Chiêm và Văn Đông. Tại đây, chúng tôi đã phát hiện thêm các địa danh Cồn “Dinh” và Cồn Xưởng nằm ở bờ nam sông Chợ Củi, trong đó địa danh “Cồn Dinh” được đặc biệt tìm hiểu kỹ lưỡng. Nhưng theo người dân ở đây, không hề nghe có một cái dinh nào ở phía nam sông Chợ Củi cả, mà chỉ có lăng Ông (cá ông) ở Văn Đông mà thôi.
Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng, đến chiều ngày 29/8/2002, chúng tôi đã tìm được tên thực của địa danh “Cần Húc”, đó chính là “Cồn Úc” (do sự ký âm bằng chữ Hán không đúng chuẩn mà ra địa danh “Cần Húc”), nó nằm ngay ở phía trên Cồn Hến. Sở dĩ gọi là Cồn Úc vì thời xưa người dân xóm chài nơi đây đã đem cá úc phơi trên cồn. Cá úc là một loại cá nước ngọt, thân giống cá trê hoặc cá tràu, nhưng da có màu đen mốc giống cá chuồn. Tên gọi Cồn Úc ra đời từ đó, chứ không phải là địa danh có nguồn gốc Champa gì cả.
Cồn Úc lúc đầu có diện tích khoảng 7 mẫu nổi lên ở vùng hạ lưu Thu Bồn, được tổ tiên các tộc họ của một nhóm dân chài nơi đây trưng làm nơi phơi lưới, về sau trở thành một xứ đất của xã Văn Đông, được dùng để trồng khoai và trồng dương. Tuy có lở và bồi, nhưng hiện nay xứ đất Cồn Úc vẫn còn nguyên vẹn cùng với nền đình Văn Đông, nhà ông Thầy Phú họ Lê và các cột mốc của làng tiếp giáp với các xã lân cận. Vậy đúng như sách Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức chép: “Cần Húc nay là xã Văn Đông huyện Diên Phước, tiếp giáp xã Thanh Chiêm” (4). Hiện nay, về đại thể, Cồn úc cách Thanh Chiêm bởi một nhánh sông Thu Bồn là sông Chợ Củi, nhưng do đất lở ở bờ bắc và bồi ở bờ nam nên có một bộ phận đất Thanh Chiêm nằm tiếp giáp ngay với đất Cồn úc ở phía bắc.
Cư dân Văn Đông vốn lúc đầu làm nghề chài lưới, nhưng về sau chia thành hai bộ phận: một bộ phận sống bằng nông nghiệp và một bộ phận sống bằng nghề buôn cá (không làm chài lưới nữa). Bộ phận buôn bán cá sử dụng ghe bầu, ghe rồi và tập trung ở nơi vạn, là một bãi sông giáp giới giữa các làng Văn Đông, An Nhơn, Xuân Mỹ, Phú Triêm và Thanh Chiêm từ Bến Lội đi ra, gọi là Vạn Đông, được người dân địa phương giải thích có nghĩa là xóm vạn của làng Văn Đông. Vạn Đông trước sau chỉ là một xóm nhỏ, chưa bao giờ được gọi là làng cả. Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi thì giữa Vạn Đông và Văn Đông là hai địa danh hoàn toàn khác nhau, không phải là sự đổi tên từ làng Vạn Đông ra làng Văn Đông. Giữa chúng không đồng nhất với nhau về địa bàn đất đai. Vạn Đông nằm trong địa bàn Văn Đông và chỉ là một xóm nhỏ của Văn Đông. Nhưng giữa Văn Đông và Vạn Đông lại có quan hệ với nhau về tên gọi. Cư dân Văn Đông lúc đầu chỉ là một xóm vạn chài ở chỗ sau này gọi là Vạn Đông và tổ tiên của họ đã chiếm cứ vạt cồn đối diện ở phía nam (tức là Cồn Úc sau này) làm nơi phơi lưới và phơi cá, từ đó ra đời thêm xứ đất Cồn Úc, mà cho đến trước ngày Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào đây, Cồn Úc vẫn chưa phải là một xã nên trong Ô châu cận lục không thấy chép tên và cả sau này trong Phủ biên tạp lục cũng không thấy có tên của nó với tư cách là một làng xã của Quảng Nam. Sau khi dinh trấn Quảng Nam được thành lập trên chỗ đất về sau gọi là xã Thanh Chiêm thì xóm vạn chài này mới có biệt danh là xóm Vạn Đông, vì nằm ở phía đông của dinh trấn, nhưng trước sau Vạn Đông vẫn không phải là tên làng. Về sau, có một bộ phận dân chài của xóm Vạn Đông lên sinh sống ở trên bộ, họ trồng khoai và làm nông nghiệp tại Cồn Úc, nhưng từ đó về sau Cồn Úc cũng vẫn không phải là tên xã. Tên xã hiện ra đời ở đây, ngay từ đầu, đã là Văn Đông. Và tên làng Văn Đông phải ra đời từ sau thế kỷ XVIII nên trong Phủ biên tạp lục ta không thấy ghi tên làng Văn Đông. Có khả năng là Văn Đông ra đời ở đầu triều Nguyễn, và không muộn hơn năm 1811 vì chúng tôi đã tìm được một văn bản vào năm Gia Long 10 đã thấy có tên xã Văn Đông. Cư trú ở làng Văn Đông gồm 5 tộc họ, trong đó những tộc họ lâu đời cũng chỉ khoảng 13 đời trở xuống, tức gần 3 thế kỷ rưỡi trở lại đây. Tuy không phải là sự đổi tên từ xã Vạn Đông ra xã Văn Đông, nhưng tên gọi Văn Đông vẫn có mang dấu ấn cư dân của địa danh Vạn Đông cũ.
Chính tại Cồn Úc của làng Văn Đông, mà lúc bấy giờ chưa có tên là làng Văn Đông, chỉ mới là một cồn cát dùng để phơi lưới và phơi cá của một xóm vạn chài, vào năm 1602, chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho dừng thuyền ngự tại đây để thăm thú mảnh đất Quảng Nam và cũng do đó tại đây đã ra đời một nhà làm tạm để Chúa nghỉ ngơi, tức “hành điện Cần Húc” (chính xác phải là hành điện Cồn Úc”). Vì là nhà tạm nên về sau người ta không tìm thấy dấu tích của chúng, “cả trong lòng đất (tư liệu khảo cổ học) lẫn trong lòng người (tư liệu folklore)”. Và cũng chính vì vậy mà chỉ sau 300 năm chúng đã “biệt tăm”, khiến các sử gia triều Nguyễn, sử gia thời Pháp thuộc và cả sử gia hiện đại về sau phải đặt dấu hỏi “tồn nghi”, phải tốn hao công sức và giấy mực nhưng vẫn không tìm ra Cồn Úc ở đâu cả.
Tuy đã tìm được nguồn tư liệu thực địa và truyền ngôn về địa điểm và tên gọi thực của địa danh “Cồn Húc”, nhưng chúng tôi vẫn chưa thoả mãn và quyết tâm tìm thêm cho được nguồn tư liệu thư tịch. Sau mọt hồi kiếm tìm tại nhiều nơi ở Thanh Chiêm, Phú Triêm, Văn Đông, Cầu Mống, Hội An, Gò Sài... cuối cùng chúng tôi đã tìm được nguồn tư liệu đó. Trong một bản cổ chỉ của tộc Nguyễn và tộc Dương, chúng tôi đã tìm thấy địa danh “xứ Cồn Úc” 土群澳 thuộc xã Văn Đông 文 東. Văn bản đề năm Tự Đức thứ 20. Ở một số văn bản khác thuộc các năm Gia Long, Tự Đức, chữ ‘Cồn Úc” còn được viết là 土群郁 hoặc là 土群土郁. Và chúng đều cho biết hệ thống hành chính lúc bấy giờ là: “Điện Bàn phủ, Diên Khánh huyện (sau là Diên Phước huyện), An Nhơn trung tổng, Văn Đông xã, Cồn Úc xứ”.
Như vậy là cuộc hành trình truy tìm địa điểm, nguồn gốc và tên thực của địa danh “Cần Húc” suốt một thế kỷ nay đến đây đã kết thúc. Cần Húc chính là sự ký âm lệch chuẩn từ Cồn Úc mà ra và đây chỉ là nơi đặt hành điện của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào năm 1602, đó là một bãi bồi ở hạ lưu Thu Bồn, giữa sông Chợ Củi, thuộc địa phận làng Văn Đông về sau này, vốn là đất cũ của huyện Điện Bàn thời Lê, có một thời hệ thuộc vào sự quản lý của huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa từ sau năm 1604, về sau thuộc tổng An Nhơn trung, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn, rồi tổng An Nhơn trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, và nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cũng từ đây, công tác chú thích địa danh Cần Húc khi dịch thuật các thư tịch cổ về lịch sử và địa chí nước nhà có nói đến địa danh Cần Húc đã có đủ cơ sở khoa học để giải quyết. Trước mắt, trong công tác tái bản các bản dịch Đại Nam thực lục tiền biên, Phủ biên tạp lục và Đại Nam nhất thống chí, chúng ta cần sửa chữa và bổ sung lại các chú thích nói trên.
Chú thích:
(1) Quốc Sử quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục (tiền biên) Bản dịch của Viện Sử học, Tập I, Nxb Sử học, Hà Nội, 1962, trang 42.
(2) Quốc Sử quán triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí . Bản in đời Duy Tân, Nguyễn Tạo dịch. Nha Văn hoá - Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1964, Văn hoá tùng thư, Tập 21, tr. 58.
(3) Tôn Thất Hân – Tiên nguyên loát yếu phổ (Tiền biên). Bản dịch của Ưng Bình và Ưng Tôn. Nhà in Tiếng Dân, Huế, 1935.
(4) Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí. Bản in đời Tự Đức. Bản dịch, Tập II, Nxb KHXH, Hà Nội, 1970, trang 325.
(5) Huỳnh Công Bá - Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở Bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII. Luận án Tiến sĩ Sử học, Hà Nội, 1996.
(6) Lê Quý Đôn – Phủ biên tạp lục. Trong Lê Quý Đôn toàn tập, Tập I, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, trang 117, 145
(7) Phạm Đình Khiêm - Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII. Việt Nam khảo cổ tập san, số 1, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960
(8) Lê Quý Đôn – Phủ biên tạp lục. Bản dịch của Lê Xuân Giáo, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá xuất bản, Sài Gòn, 1972, trang 274
(9) Phan Khoang – Việt sử: Xứ Đàng Trong (1558-1777). Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1970
(10) Phan Du – Quảng Nam qua các thời đại. Quyển thượng, Cổ học tùng thư xuất bản, Đà Nẵng, 1974
(11) Vũ Lang - Đây Quảng Nam. Thời mới xuất bản, Đà Nẵng, 1973
(12) Li Tana – Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII. Bản dịch của Nguyễn Nghị, Nxb Trẻ, Sài Gòn, 1999, trang 13
(13) Nguyễn Q. Thắng – Lị sở dinh Thanh Chiêm – Quảng Nam
(14) Nguyễn Thiếu Dũng – Thanh Chiêm: Trấn sở dinh Quảng Nam
(15) Ngô Văn Minh – Thương xác về nơi đặt lị sở dinh Quảng Nam 400 năm trước
(16) Lê Duy Anh – Dinh trấn Quảng Nam – Lịch sử và vai trò phát triển xứ Đàng Trong
(17) Nguyễn Phước Tương – Dinh trấn Thanh Chiêm, vị thế ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn
Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.35-45