Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Từ nguyên dân gian có ích lợi gì không?


Từ nguyên dân gian cung cấp hiểu biết sai lệch về nguồn gốc từ ngữ, thường bị chê là rất có hại cho em cháu. Nhà nghiên cứu lịch sử từ vựng chê như vậy là xác đáng. Nhưng ở một số phương diện khác, từ nguyên dân gian lại là những cứ liệu hữu ích:
Ba, bốn mươi năm về trước hầu như ai cũng biết ven là một từ mượn âm tiếng Pháp (veine), có nghĩa là tĩnh mạch. Dân ngành y thì khỏi nói: Đại Học Y Khoa Sài Gòn vẫn dùng tiếng Pháp để giảng bài cho đến đầu những năm 60; về sau tiếng Việt được dùng làm ngôn ngữ giảng dạy và học tập nhưng tiếng Pháp vẫn là sinh ngữ quan trọng vì nguồn tài liệu tham khảo chủ yếu là sách vở tiếng Pháp. Người không học y nhưng có chút đỉnh chữ nghĩa cũng biết ven là từ gốc Pháp. Người ít học không biết từ veine nhưng nếu đã chích ven một lần cũng dễ quy cho ven là tiếng Tây như nhiều từ ngữ khác thông dụng ở nhà thương: côm rết, đốc tờ, gạc, lô bích kê...
Bây giờ có những bác sĩ U60 nghĩ ven là từ mượn âm tiếng Anh. Mười người học qua phổ thông thì hơn chín người nghĩ ven là từ thuần Việt, dùng để tránh từ Hán Việt tĩnh mạch. Với người nghiên cứu tiếp xúc ngôn ngữ, đặc biệt là tiếp xúc ngôn ngữ Việt – Pháp, đó là những dấu chỉ rất có ý nghĩa. Tiếng Pháp ngày nay đã hết thời, mười người đi học, chín người thôi.
Kiểu định nghĩa cà phê là một loại cà uống vào rất phê có thể khiến nhiều người không nhịn được cười: Dốt gì mà dốt quá! Nhưng với người nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, đó lại là một dẫn chứng quý cho quan điểm cho rằng tiếng đơn âm (âm tiết) chính là từ. Do áp lực của hệ thống (mỗi tiếng đơn âm đều phải có nghĩa), từ nguyên dân gian buộc phải cấp cho phê những ý nghĩa mà chúng vốn không có, nhưng hoàn toàn thỏa đáng đối với người không rành ngoại ngữ và/hoặc không có hiểu biết gì về ngôn ngữ và/hoặc không có hiểu biết gì về lịch sử. Các ví dụ loại này nhiều vô kể: cây chốt được gọi là cây ắc vì khí nó gãy thì xe kêu “ặc ặc” ; bãi cônglàm reo vì người bãi công thường phải reo hò,  lính ma tà là thứ lính cầm cây ma trắc, Bến Tre là cái bến có nhiều tre...
Trong nhiều trường hợp, cái nghĩa bâng quơ của từ nguyên dân gian lại trở thành ý nghĩa được công nhận, đẩy lùi hoàn toàn nghĩa từ nguyên chân chính. Tre của Bến Tre không còn liên quan gì đến cá nữa mà chỉ khiến người ta liên tưởng đến cây tre, cây trúc nên trước năm 1975 mới có tên gọi là Trúc Giang. Bây giờ mấy ai còn dùng cứu cánh với nghĩa là cuối cùng? Nếu không muốn bị hiểu lầm và cũng không muốn bị chê là dốt chữ, người biết rõ nghĩa từ nguyên và nghĩa từ điển của cứu cánh chỉ có một cách là tránh nó, dùng một từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa như mục đích, mục tiêu...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét