Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Trao đổi thêm về bài viết Câu chuyện phiên âm (Mathilde Tuyết Trần)

Trao đổi thêm về bài viết Câu chuyện phiên âm (*)

Mathilde Tuyết Trần

Hình ảnh của Trao đổi thêm về bài viết Câu chuyện phiên âm (*)
1. Trong ngôn ngữ Pháp có những địa danh hay tên người không thể phát âm theo cách độc âm “một là một” được, vì nhiều lý do.

Tiếng Pháp phát triển qua nhiều thế kỷ, nên còn những cách viết của tiếng Pháp cổ, có ảnh hưởng của tiếng La tinh, Hy Lạp hay tiếng Đức, tiếng Anh. Nước Pháp cũng còn nhiều thổ ngữ, nên người dân mỗi vùng từ Bắc xuống Nam, từ Đông qua Tây đều có những sự khác biệt trong cách phát âm, mà họ có thể nhận ra gốc tích của nhau, chẳng khác gì ở Việt Nam có nhiều giọng Bắc, Trung, Nam.
Trong một số từ có những mẫu tự “câm” không được phát âm, như mẫu tự h, s, t, z, e, p... Thí dụ như từ huit (chữ “h”  không được phát âm), hay địa danh Braisnes-sur-Aronde (cả hai chữ “s” trong Braisnes đều không được phát âm), hay các địa danh Betz, Metz, Matz (mẫu tự “z” không được phát âm). Trong tên Georges Deschamps thì các mẫu tự “s” và “p” đều là câm, hai mẫu tự “eo” cũng không được phát âm riêng rẽ. Ngay cả mẫu tự “s” trong Paris cũng là mẫu tự câm.
Nhiều người, không phải là người Pháp hay không thông thạo cách viết và cách nói tiếng Pháp, thì cũng phát âm sai những từ nhưMargny-lès-Compiègne hay docteur ès sciences, “lès” và “ès” thuộc về tiếng Pháp cổ.
Hoặc, có những mẫu tự nguyên âm viết a, e, i, o, u, y (và15 nguyên âm nói i, é, è, a, â, o, ô, ou, œu, eu, u, un, on, in, an) đứng kề cận nhau mà không được phát âm riêng rẽ từng mẫu tự một, thí dụ như chữ coeur chẳng hạn.
Những chữ đứng cuối trong tiếng Pháp thường bị “nuốt” hay phát âm rất nhẹ, thí dụ như chữ “e” trong từ cercle. Chỉ khi hát thì tùy theo giai điệu người Pháp bị bắt buộc phải phát âm theo nốt nhạc, khác với tiếng Đức là các âm cuối đều được phát âm rõ ràng, nên tiếng Đức nghe như là mệnh lệnh, dễ gằn giọng ở cuối từ, cuối câu. 
pic
2. Trường hợp tên của Leconte de Lisle thì như thế này: nhà thơ có nguyên tên là Charles Marie René Leconte de Lisle. Nguyên cụm từ Leconte de Lisle là họ của gia đình từ đời ông, cha. Leconte là từ bị viết tắt bởi Le Conte thành Leconte. Lisle là địa danh trong vùng Bretagne, thuộc Pleine-Fougères. Mẫu tự “s” trong từ Lisle không được phát âm. 
Trường hợp tên của Louis de Broglie thì người Việt mình có khuynh hướng phát âm theo độc âm tiếng Việt là “Brơi” nhưng điều này không chính xác. Họ “de Broglie” (viết theo tiếng Pháp từ năm 1654) xuất phát từ Ý, tên gốc là “di Broglia” thuộc vùng Chieri gần Turin (Ý), được phát âm theo thổ ngữ piémontais thành ra là “de Breuj”. Một thành phố được mang tên là Broglie, thuộc địa phận Eure và Haute-Normandie, nhưng người Pháp vẫn phát âm là “brogli” (mẫu tự “e” câm).
Trường hợp tên của tướng de Castries, người bại trận ở Điện Biên Phủ năm 1954 thì ông có nguyên tên là Christian de La Croix de Castries, người Pháp vẫn phát âm nguyên vẹn là de Castries (hai mẫu tự “es” câm). Nhưng tại Việt Nam, Christian de Castries thường được viết là tướng Đờ Cát, hay Đờ Ca-xtơ-ri. Tiếng Việt thuộc loại ngôn ngữ độc âm, nên cách phát âm tiếng Việt cũng theo dạng độc âm, trong mỗi chữ chỉ có một âm được viết và được phát âm mà thôi.
Điểm yếu của việc phiên âm tiếng nước ngoài (địa danh, tên người…) ra tiếng Việt là sự tùy tiện, không có tiêu chuẩn, rất khó hiểu, ngang tai.
Các phiên âm như cà phê (café), nhà ga (gare), nốt (note) nhạc, áp phích (affiche), băng rôn (bandes-rolls), rượu vang (vin), rượu cồn (alcool), phở (pot-au-feu), xe rờ moọc (remorque)… cho thấy tiếng Pháp được phiên âm theo tiếng Việt qua dạng độc âm và nhiều từ ngữ tiếng Pháp đã trở thành thông dụng trong tiếng Việt. Nhưng nếu phiên âm tiếng Đức, thí dụ như từ “Bundesversicherungsgesellschaft” hay“Krankenversicherungsgese lschaft”, “Mutterschaftsurlaub”, “Schauinsland”, “Hochschwarzwald”… ra tiếng Việt thì phiên âm như thế nào đây?
Nếu các tác giả sử dụng phiên âm, thì xin vui lòng để kèm nguyên văn tiếng gốc trong ngoặc để người đọc có thể tìm lại gốc tích, biết là nói về ai, ở đâu, về gì. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét