Bạn đọc : Tiếng Lào có nhiều yếu tô gốc Phạn; tiếng Thái ở Tây Bắc Việt Nam thì chẳng những cùng dòng họ mà còn kế cận (về địa lý) với tiếng Lào. Vậy trong tiếng Thái Tây Bắc, có những yếu tố gốc Phạn không, thưa ông? (Lê Văn Long).
An Chi : Những yếu tô gốc Phạn trong tiếng Thái Tây Bắc chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay; mà cũng chỉ là gián tiếp mượn lại từ tiếng Lào chứ không phải trực tiếp từ tiếng Phạn như chính tiếng Lào hoặc tiếng Xiêm (Thái Lan). Đến nỗi ngay cả một vài nhà Thái học (về người Thái Tây Bắc) cũng không biết đến gia phả của những yếu tố đó nên đã đem gá chúng cho dòng họ Malayo-Polynesian ( như các từ: phìa, phya, phánhá, ánhá, á nha, át nhá, với tác giả Cầm Trọng) hay khá hơn, thì cũng không nêu được đúng nguyên từ (etymon) của nó, như trường hợp của từ Vặt mà chúng tôi sẽ phân tích dưới đây.
Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tôc Thái của Viện Dân tộc học do Đặng Nghiêm Vạn chủ biên (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội , 1977), phần “Chú thích về địa danh” có mục:
“ Mường Vạt : Tên cũ của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Trong sử củ ghi là Mường Việt. Mường Vạt là mường Phật vì ở đó có chùa Phật.”(tr.422).
Tiếp theo là Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam của Cầm Trọng (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978) với thông tin:
“Ở Lào sang, người Thái ở Mộc Châu vẫn quen thờ Thích-ca Mô-ni, nên họ đã lập chùa ở bản Vặt (tên Vặt là âm chệch của Phật) và hàng năm tổ chức lễ Phật gọi là ‘Chách vặt chách và’ vào tháng 5 âm lịch.” (tr.43).
Cả hai quyển sách trên đây đều chú giảng rằng Vạt/Vặt (trở xuống, xin ghi “Vặt”) có nghĩa là “Phật”. Tiếc rằng sự thật lại chẳng phải như thế. Với những thông tin đã được cung cấp, đặc biệt là trong quyển sau, ta có thể khẳng định rằng chẳng những người Thái Mộc Châu từ Lào sang Việt Nam, mà cả cái từ Vặt cũng là do họ đem từ bên đó sang. Nhưng nó dứt khoát không có nghĩa là “Phật” như đã bị ngộ nhận. Trong tiếng Lào thì Phật là Phụt, tương ứng với Phụt của tiếng Xiêm và Put của tiếng Khmer. Còn Vặt, tương ứng với Wặt của tiếng Xiêm (thứ tiếng này chỉ có [w] chứ không có [v]) và Vôt của tiếng Khmer, thì lại có nghĩa là “chùa”.
Vậy Mường Vặt là Mường Chùa. Để củng cố cho lời khẳng định này, chúng tôi xin phân tích thêm một cứ liệu nữa là thành ngữ “chách vặt chách và” mà chính Cầm Trọng đã đưa ra. Cũng như tiếng Việt và tiếng Tày, tiếng Thái (Tây Bắc) có loại thành ngữ ba từ (tạm gọi là A, B, C) bốn tiếng (âm tiết), sắp xếp theo mẫu “A-B-A-C”, trong đó B và C là hai danh từ đồng nghĩa hoặc cùng trường nghĩa làm bổ ngữ cho động từ A. Thí dụ trong tiếng Việt : cậy thần cậy thế, giữ mồm giữ miệng, làm mưa làm gió, v.v.. Trong tiếng Tày : đá ma đá mèo (chửi chó chửi mèo), hăn chỏ hăn chựa (thấy tổ thấy tông = thấy ông bà ông vải), khên tha khên đẩn (căng mắt căng gáy = cố tình cố ý), v.v.. Trong tiếng Thái :bổ pá bổ pũ (luồn rừng luồn núi = băng rừng vượt núi), bưn xốp bưn pák (bĩu môi bĩu mỏ), lưỡm tin lưỡm mữ (giật chân giật tay = giậm giật chân tay), tặp cọng tặp cống (đánh trống đánh chiêng = gióng trống khua chiêng), v.v.. Chách vặt chách và là một thành ngữ ba từ bốn tiếng có cấu trúc cú pháp y hệt như thế. Chách là A, một động từ có nghĩa là “cúng, lễ”; Vặt là B, Và là C. Đặc biệt, ở đây, B và C chẳng những là hai danh từ đồng nghĩa mà còn là hai song thức (doublet) bắt nguồn ở một nguyên từ (etymon) chung (sẽ nói đến ở một phần sau) và đều có nghĩa là “chùa”. Vặt và Và chẳng những đã có mặt trong thành ngữ đang xét, mà còn đi chung với nhau để tạo nên danh ngữ đẳng lập Vặt Và, tương ứng với Wặt Wà của tiếng Xiêm và Vôt Va của tiếng Khmer. Cả ba danh ngữ này đều có nghĩa là “chùa chiền”. Vậy Chách vặt chách và là “cúng chùa cúng chiền” và với lần phân tích thêm này thì ta thấy rõ mồn một rằng Vặt không thể có nghĩa là “Phật” được.
Vậy tại sao cách hiểu sai đó lại được ghi nhận trong Từ điển Thái – Việt của Hoàng Trần Nghịch – Tòng Kim Ân (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991) tại mục từ :
“ Vặt : phật. Xỡ vặt : thờ phật.”
Ở đây có hai vấn đề cần phân biệt : Chuyện của chúng tôi là chuyện LỊCH ĐẠI liên quan đến hai cuốn sách bàn về lịch sử xã hội người Thái; còn chuyện trong Từ điển Thái – Việt là chuyện ĐỒNG ĐẠI, liên quan đến tiếng Thái HIỆN ĐẠI. Với chúng tôi là chuyện về từ Vặt của thế kỷ XIV, thời điểm người Thái Mộc Châu vừa thiên di từ Lào sang (Xin x. sđd. của Cầm Trọng, tr.40), đem theo cả từ Vặt với cái nghĩa chính xác của nó là “chùa”, chứ chưa bị hiểu sai hoặc xuyên tạc thành “Phật”. Các nhà nghiên cứu về lịch sử xã hội người Thái có trách nhiệm tìm cho ra cái nghĩa chính xác của từ hữu quan chứ không thể nghe theo dân gian hoặc suy luận chủ quan, đặc biệt là với từ Vặt, một từ quá quen thuộc trong văn hoá Phật giáo của ba nước Miên, Lào, Xiêm.
Chuyện của Từ điển Thái – Việt thì khác hẳn. Quyển từ điển này chỉ có trách nhiệm cung cấp cho độc giả cái nghĩa (hoăc hệ nghĩa) hiện dụng của những từ mà nó thu thập chứ không nhất thiết phải quan tâm đến từ nguyên; (những) nghĩa này có thể từ lâu đã bị hiểu sai lệch đi so với nghĩa ban sơ. Nhưng thực ra đây chỉ mới là nói về nguyên tắc; chứ đối với trường hợp tế nhị của từ Vặt, các tác giả của nó còn có thể làm thêm một động tác không thừa tí nào : ghi chú rằng đây là một từ cổ có nghĩa là “chùa”.
Chẳng những cái từ Vặt đáng thương đã bị hiểu sai; mà nguyên từ của nó cũng bị nhìn lệch. Sự lệch lạc này bắt đầu với các tác giả người châu Âu thời mồ ma của chủ nghĩa thực dân cũ, rồi gần đây, lại được nhà dân tộc học Georges Condominas tiếp tục “truyền bá” trong công trình Không gian xã hội vùng Đông Nam Á (Nxb Văn Hoá, 1997). Tại mục “Bảng từ vựng các từ hệ ngôn ngữ Thái” (tr.483-507), Condominas đã chú giải :
“ Vat (tiếng Lào) = /vat/ (Pali vatthu, Sanskrit vastu = địa điểm, vị trí = chùa.” (tr.503).
Thật là hết sức chủ quan và vô căn cứ khi đặt dấu “ = ” giữa “địa điểm, vị trí” và “chùa”. Chỉ là “địa điểm, vị trí” thôi mà thành “chùa” được à? Thực ra, nếu các ông Tây kia quen với một số khái niệm sơ đẳng về sinh hoạt và kiến trúc Phật giáo thì hẳn họ sẽ không thể bỏ qua hình ảnh của khu vườn khi đi tìm nguồn gốc của từ “Chùa”. “Vườn”, tiếng Sanskrit và tiếng Pali đều là ārāma. Ārāma là nơi tăng đoàn thường tụ tập để thư giãn và đàm đạo. Vì thế nên, trong tiếng Pali, từ này còn có thêm một nghĩa phái sinh bằng hoán dụ là “chùa”. Còn trong tiếng Sanskrit thì danh từ ghép saṃghārāma (saṃghā = tăng đoàn + ārāma = khu vườn) có nghĩa tạo từ là “khu vườn của chư tăng”, thường được dịch thành tăng viện, chúng viên, tịnh xá. Tiếng Hán phiên âm saṃghārāma thành tăng già lam ma 僧伽藍摩, thường nói tắt thành già lam, ta hiểu là “chùa”. Tại quận Gò Vắp, TPHCM, có một ngôi chùa mang tên là Quảng Hương Già Lam. Già lam là chùa; Quảng Hương là pháp danh của đại đức trụ trì chùa Khải Đoan ở Ban Mê Thuột, đã tự thiêu lúc 12 giờ 25 phút ngày 18 tháng 8 năm Quý Mão (5.10.1963), trước chợ Bến Thành Sài Gòn, để phản đối chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Vậy Quảng Hương Già Lam là “Chùa Quảng Hương”, lấy tôn danh của vị đại đức mà đặt theo cú pháp ngược của tiếng Hán. Nhưng từ nhiều chục năm nay dân chúng quanh vùng thì không chịu gọi như thế . Họ chỉ thích gọi kiến trúc Phật giáo này là “chùa Già Lam”. Nhưng “chùa Già Lam” chỉ có nghĩa là “chùa … Chùa” mà thôi.
Trở lại với danh từ ārāma, chúng tôi xin khẳng định một cách dứt khoát rằng sự chuyển nghĩa từ “vườn” đến “chùa” mà nó hàm chứa là một thực tế hiển nhiên. Ārāma có một từ đồng nghĩa là Vāṭa, dĩ nhiên cũng có nghĩa là “vườn”, cả trong tiếng Sanskrit lẫn tiếng Pali, nên cũng có thể chuyển thành “chùa”. Vāṭa mới đích thị là nguyên từ của Vặt (Lào), Wặt (Xiêm) và Vôt (Khmer). Chẳng thế mà, để diễn đạt khái niệm “chùa chiền” cho từng thứ tiếng, cả người Lào, người Xiêm và người Khmer đều ghép nó với ārāma mà tạo thành những danh ngữ ghép đẳng lập gồm hai từ đồng nghĩa (= chùa) : VặtAram (Lào), Wặt Aram (Xiêm) và Vôt Aram (Khmer). Cứ như trên thì cái biểu thức dưới đây là một kết luận hoàn toàn chắc chắn :
Vāṭa (S-P) > [Vặt (Lào) = Wặt (Xiêm) = Vôt (Khmer)].
Còn Pali vatthu/Sanskrit vāstu thì chỉ là “nguyên từ” vô căn cứ và lạc lõng.
Tóm lại, bắt nguồn từ S-P Vāṭa, từ Vặt của tiếng Lào có nghĩa là “chùa”; còn “Phật” chỉ là một cái nghĩa hiểu theo từ nguyên dân gian của người Thái ở Mộc Châu mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét