Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Từ nguyên của HÊNH trong HÊNH XUI (An Chi - Năng Lượng Mới số 119 ,11-5-2012).

Bạn đọc : Xin ông cho biết nguồn gốc của từ hên trong  hên xui. Xin cám ơn.
(Một nhóm bạn)
An Chi : Về nguồn gốc của hai tiếng hênh xui (Chúng tôi viết hênh với -nh cuối), tại bài “Một số từ gốc Hoa trong phương ngữ Nam Bộ”, tác giả Tầm Hoan đã viết:
“Hên xui tức hạnh tai đọc theo âm Hoa Hán, giọng Quảng Đông. Hạnh là may, tai là xui. Có lẽ chữ xúi trong xúi quẩy (tai quỷ?) là biến âm của chữ xui này.”( Nam Bộ xưa & nay, Nxb TP.HCM – Tạp chí Xưa & Nay , 1999, tr.344).
Ý kiến này của Tầm Hoan cũng cùng một “phong cách” với ý kiến của Cao Tự Thanh  khi tác giả này viết về hai tiếng ngầu pín : “Thật ra chuyện này cũng dễ, cứ ra quán ngầu pín nào đó của người Hoa gọi môt dĩa rồi hỏi nhỏ ông chủ một tiếng là xong, nếu y viết ra chữ cho lại càng chắc ăn.”
Cái sai trên đây chẳng qua là hậu quả của phong cách “cầu âu”. Trở lại với hai tiếng “hạnh tai” của Tầm Hoan, mà chữ Hán là 幸災, xin thưa rằng âm Quảng Đông của nó đâu có phải là “hên xui” hoặc na ná “hên xui”, như tác giả này khéo tưởng tượng. Người Quảng Đông phát âm hai tiếng hạnh tai thànhhằng chói, nghe ra chẳng.... dính dáng gì đến hai tiếng hênh xuiQuảng Châu âm tự điển do Nhiêu Bỉnh Tài chủ biên (Quảng Đông Nhân dân xuất bản xã, 1997) phiên âm chữ hạnh  là “heng6” (tr.158) và chữ tai  là “zoi1” (tr.269). Ta có thể vào một số trang web để nghe và kiểm tra âm Quảng Đông của hai chữ này.
Vậy hênh xui không liên quan gì đến “hạnh tai đọc theo âm Hoa Hán, giọng Quảng Đông”. Huống chi, Tầm Hoan cũng đã hiểu sai hàm nghĩa của hạnh tai. Hai tiếng này đâu có nghĩa là hênh xui vì ở đây, chữ hạnh lại có nghĩa là vui mừng chứ đâu có phải là may mắn. Trang www.definition-of.net giảnghạnh tai 幸災 là : 因別人遭災而高興 (nhân biệt nhân tao tai nhi cao hứng), nghĩa là nhân người khác gặp tai hoạ mà vui thích. Tầm Hoan cứ ngỡ rằng hạnh tai 幸災 là một cấu trúc vị từ đẳng lập gồm hai từ nghịch nghĩa kiểu như thị phichân nguỵtử sinh, v.v.. Nhầm to! Đây là một cấu trúc vị từ thường đi chung với cấu trúc cận nghĩa của nó là lạc hoạ 樂禍 mà tạo nên thành ngữ hạnh tai lạc hoạ 幸災樂禍 để diễn cái ý là cảm thấy vui sướng, thích thú trước sự rủi ro hay việc gặp nạn của người khác. Thành ngữ này được dịch sang tiếng Anh thành “laugh at other's troubles”. Ở đây, hạnh 幸 và lạc hiển nhiên là hai từ cùng trường nghĩa. Cả hai đều diễn đạt cái cảm giác chủ quan là sự vui thích thì làm sao hạnh có thể diễn đạt một hiện tượng khách quan đến với con người là sự may mắn được?
Cũng cần nhắc đến ý kiến của tác giả Đào Văn Phái cho rằng “chữ hên dùng ở miền Nam có nghĩa là may, vận đỏ bắt nguồn từ chữ Hán Việt hưng  (nghĩa là dấy lên), do âm đọc chệch đi lâu ngày coi như Việt hóa.” (“Về hai chữ hên và xui”, Ngôn ngữ & Đời sống, số 9-2002, tr.32). Nhưng mối quan hệ giữa cái nghĩa “dấy lên” của chữ này và nghĩa của chữ hênh là may mắn thì lại rất mơ hồ.
        Còn theo chúng tôi thì hênh là một từ Việt cổ mà phương ngữ Nam Bộ còn bảo tồn được, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ , mà âm Hán Việt hiện đại là hanh, có nghĩa là thông suốt, thuận lợi, may mắn (Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng là: “Điều may mắn trời cho. Điều phúc.”). Xin nhấn mạnh rằng bộ ba -inh-ênh-anh vốn vẫn có duyên nợ ngữ âm lịch sử với nhau nên mối tương ứng “-anh ~  -ênh” ở đây là hoàn toàn bình thường: ảnh ương ~ ểnh ươngdoành ~ duềnhgành ~ghềnhbuồn tanh buồn tênh; v.v.. Và vì hanh viết với -nh cuối nên hênh đương nhiên cũng phải viết với -nh cuối. Chữ hênh này thực ra chỉ là một với hênh trong hớ hênh. Khác nhau chỉ là ở chỗ trong hênh xui nó diễn đạt cái nghĩa “may mắn”, “có phước” còn trong hớ hênh thì nó lại diễn đạt cái nghĩa “thông đạt”, “trống trải”, nghĩa là “chẳng được che chắn gì cả”. Cả hai nghĩa này đều có trong nguyên từ (etymon) của hênh là chữ hanh  gốc trong tiếng Hán. Khi mà hai nghĩa khác nhau lại có cùng một tương quan ngữ âm lịch sử như nhau thì, về từ nguyên học, đây là một mối quan hệ chắc chắn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét