Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:332) định nghĩa mại dâm là bán cái dâm và cái dâm là sự say mê về sắc dục (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:148). Đào Duy Anh (2005:481) mô tả nghĩa của mại dâm là con gái đem thân-thể cho con trai chơi nhởn cho họ thỏa-mãn nhục-dục để kiếm tiền (se prostituer). Với Thanh Nghị (1967:875), đó là bán dâm, nghề đĩ điếm và đĩ là gái chơi bời, gái rước khách đàn ông để lấy tiền” (Thanh Nghị, 1967:496); điếm cũng là đĩ (Thanh Nghị, 1967: 500). Với Lê Văn Đức (1970b:879), mại dâm, bán dâm và làm đĩ là một và đĩ là điếm, đàn bà làm nghề bán dâm cho khách làng chơi (Lê Văn Đức, 1970a:445). Nguyễn Kim Thản (2005:1014) định nghĩa mại dâm là bán thân, làm đĩ. Đĩ là người đàn bà làm nghề mại dâm và đĩ điếm là phụ nữ làm nghề mại dâm, nói chung (Nguyễn Kim Thản, 2005:555). Như vậy, các nhà làm từ điển tiếng Việt chỉ công nhận một hình thức hoạt động tính dục. Đó là quan hệ tính dục giữa nam và nữ (không kể các hoạt động giữa hai người đồng giới). Chỉ loại quan hệ tính dục nam nữ có thể mua bán được và người bán chỉ có thể là phụ nữ, tức là đàn ông không bán dâm.
Điều 3 của Pháp lệnh số 10/2003/PL-UBTVQH11 về phòng chống mại dâm do Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội thông qua ngày 17 tháng 2 năm 2003 giải thích từ ngữ như sau:
1. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
2. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.
3. Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm.
Pháp lệnh số 10/2003 gộp cả hai khái niệm mua và bán vào từ mại, vốn chỉ có nghĩa là bán.
Tiền thì khó có thể hiểu nhầm, nhưng lợi ích vật chất khác là gì thì bao la, bát ngát vô chừng. Chị bác sĩ ngủ với thủ trưởng ở trung tâm y tế đường bộ 2 có được lợi ích vật chất gì không? Nếu có, chị có thuộc diện chi phối của pháp lệnh không? Nữ hoàng nội y Ngọc Trinh Không đi làm, tôi vẫn sống dư dả vì có bạn trai lo thì để thoát khỏi phạm vi chi phối của pháp lệnh chỉ có một cách là không giao cấu với bạn ấy. Pháp lệnh không phân biệt giữa người nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác của bạn tình một đêm (như người mẫu Hồng Hà) hay tiền hoặc lợi ích vật chất khác của bạn tình thường xuyên.
Pháp lệnh số 10/2003 không giải thích thế nào là giao cấu. Nhưng theo từ điển tiếng Việt của Nguyễn Kim Thản (2005:671) thì giao cấu là giao nhau giữa bộ phận sinh dục ngoài của giống đực và của giống cái (ở động vật). Định nghĩa này về căn bản không khác gì các định nghĩa đã lưu hành từ trước đến nay:
-Nói giống đực giống cái đi lại với nhau (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:216)
-Âm và dương giao hợp nhau = Trai gái làm tính giao với nhau (relations sexuelles) (Đào Duy Anh, 2005:298)
-Nói giống đực giống cái lấy nhau (Thanh Nghị, 1967:589)
Nhưng như vậy thì các hành vi tính dục phi giao cấu (cà phê ôm, bia ôm, hát ôm, thịt chó ôm, cà phê nhộng, cà phê chuồng, múa thoát y, sô hàng qua mạng...) giữa nam và nữ không chịu sự chi phối của pháp lệnh này. Giữa nam và nam, giữa nữ và nữ, đương nhiên cũng không, kể cả khi cơ quan sinh dục của hai bên cùng cọ xát vào nhau. Và dù ai bán, ai mua đi nữa, nếu một bên dùng cơ quan sinh dục, bên kia dùng tay, miệng, hậu môn hay bất cứ bộ phận nào khác trên thân thể mà không phải cơ quan sinh dục thì đó nhất định không thể là giao cấu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét