Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Từ Hỏa Lò đến Phủ Khâm sai Bắc Bộ


Từ Hỏa Lò đến Phủ Khâm sai Bắc Bộ
Send this page to somebodyPrint this pageFeedback

Đó là tựa đề cuốn sách do Nhà xuất bản Hà Nội phát hành vào dịp kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám (1945-2012). "Từ Hỏa Lò đến Phủ Khâm sai Bắc Bộ" là hồi ký của nhân chứng lịch sử Lê Trọng Nghĩa (Ðoàn Xuân Tín), một trong hai Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội 19-8-1945 còn sống đến ngày hôm nay.
Thật khó có thể hình dung chàng trai Ðoàn Xuân Tín ngày ấy, chưa đầy 20 tuổi, đã dấn thân vào con đường cách mạng. Là học sinh Trường Bonnal Hải Phòng, tốt nghiệp "Diplome" cùng Nguyễn Ðình Thi, lên Hà Nội học tiếp, rồi tham gia hoạt động cách mạng, rải truyền đơn và bị bắt, bị tống giam nhà tù Hỏa Lò của thực dân Pháp đầu năm 1942. Tại "trường đại học lớn", được sinh hoạt cùng các tù chính trị là các đồng chí: Trần Ðăng Ninh (Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ) và hai Xứ ủy viên: Trần Tử Bình, Lê Tất Ðắc... anh thêm hiểu, thêm giác ngộ lý tưởng cách mạng.
Theo dòng sự kiện trong cuốn sách, người đọc được sống lại trong không khí hào hùng của những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Ngay sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, tổ chức tù chính trị ở Hỏa Lò ra quyết định: chớp thời cơ vượt ngục, về với phong trào. Ðêm 11-3-1945, Ðoàn Xuân Tín được giao nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Trần Ðăng Ninh vượt ngục theo đường "thăng thiên" - vượt tường rào. Hai hôm sau, dưới sự lãnh đạo của Trần Tử Bình, hơn 100 tù chính trị lần lượt từng tốp theo đường cống ngầm, "độn thổ" trốn ra ngoài. Ra tù, bắt mối ngay với tổ chức, anh được cử sang Ðảng đoàn khối Dân chủ Ðảng Bắc kỳ và Hà Nội, giữ mối quan hệ chặt chẽ của Việt Minh với tầng lớp nhân sĩ, trí thức yêu nước. Cũng từ đây, các hoạt động cách mạng cuốn anh đi, Ðoàn Xuân Tín được tham gia và là chứng nhân của nhiều sự kiện quan trọng trong giai đoạn Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử tại Hà Nội. Chàng trai trẻ ngày ấy từng được giao nhiệm vụ "một mình vào dinh Khâm sai" trong những ngày đầu tháng tám năm 1945, gặp cụ Phan Kế Toại- Khâm sai đại thần để nắm bắt tư tưởng và vận động cụ ủng hộ Việt Minh. Sau đó, qua cụ Phan Kế Toại, Ðoàn Xuân Tín lại tranh thủ thời cơ gặp được cả Thủ tướng bù nhìn Trần Trọng Kim từ Huế bay ra Hà Nội, nhằm thăm dò thái độ của Chính phủ bù nhìn, báo cáo với Thường vụ Xứ ủy.
Ngày 15-8, nghe tin Nhật đầu hàng Ðồng minh, Thường vụ Xứ ủy quyết định thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội do Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nguyễn Khang làm chủ tịch và Ðoàn Xuân Tín tức Lê Trọng Nghĩa là một trong các ủy viên lúc đó. Ngày 17-8, tận mắt chứng kiến quần chúng Hà Nội biến cuộc mít-tinh của giới công chức ủng hộ Chính phủ bù nhìn thành cuộc tuần hành, thị uy của lực lượng cách mạng, có sự hỗ trợ của Thanh niên tự vệ Hoàng Diệu; thấy thời cơ đã đến, đồng chí Nguyễn Khang đã báo cáo đồng chí Trần Tử Bình, trực cơ quan Xứ ủy ở Vạn Phúc, Hà Ðông. Dù chưa có lệnh Trung ương nhưng dựa vào Chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" trước đó của Trung ương, Thường vụ Xứ ủy quyết định: Tổng khởi nghĩa vào sáng 19-8-1945.
Sáng 19-8, Bộ chỉ huy khởi nghĩa cùng cánh chính vào chiếm dinh Khâm sai Bắc Bộ và qua điện thoại lệnh cho chính quyền bù nhìn các tỉnh phải bàn giao cho Việt Minh thì có tin cánh quân do đồng chí Nguyễn Quyết chiếm Trại Bảo an binh bị quân Nhật cho xe tăng và lính bao vây, có nguy cơ đổ máu. Một lần nữa, Ðoàn Xuân Tín lại được giao nhiệm vụ đi trên chiếc xe Limouzine cắm cờ đỏ sao vàng ra thương lượng. Sau khi giằng co, quân Nhật phải rút lui, vậy là cơ bản tại Thủ đô chính quyền đã về tay nhân dân và không đổ một giọt máu. Cũng ngay đêm ấy, Thường vụ Xứ ủy lại cử chàng trai trẻ Ðoàn Xuân Tín cùng cố vấn Trần Ðình Long tới 33 Phạm Ngũ Lão, gặp Tsuchihashi- Tổng chỉ huy tối cao quân đội Nhật ở Ðông Dương. Lại lần nữa "một mình vào hang cọp" nhưng nhờ kinh nghiệm từng trải của cố vấn Trần Ðình Long và tài thuyết khách của Ðoàn Xuân Tín mà đối phương phải chấp nhận chính quyền mới.
Chàng trai ấy, cũng từ đêm 19-8-1945 lịch sử đã đổi sang tên mới Lê Trọng Nghĩa: Lê Trọng để nhớ người thầy ngày đi học, còn Nghĩa là khởi nghĩa. Ngay hôm sau, trong danh sách Ủy ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ có tên Lê Trọng Nghĩa - Ủy viên đối ngoại. Ngày 21-8, nghe tin Quản Dưỡng, Chỉ huy Bảo an binh ở Hà Ðông đã cho nổ súng vào đoàn biểu tình, gây thương vong; Lê Trọng Nghĩa đã cùng ông Hồ Ðắc Ðiềm, nguyên Tổng đốc Hà Ðông, vào tận Trại Bảo an binh thuyết phục Quản Dưỡng quy hàng. Như vậy một cuộc xung đột vũ trang ngay cửa ngõ Thủ đô vừa chớm nổ đã bị dập tắt...
Biết tin ông vừa "ra sách", tôi đã gọi điện ra Hà Nội chúc mừng thì được ông trả lời: "Ðó chỉ là phần mình ghi lại trong thời gian Tổng khởi nghĩa". Về con người ấy trên phần giới thiệu của cuốn sách chỉ ghi giản dị một số chức danh ngày ấy: Cục trưởng Cục Tổng vụ (Chánh văn phòng) Quân sự ủy viên hội (tháng 3-1946 đến tháng 11-1946); Chánh văn phòng Bộ Tổng chỉ huy (tháng 5-1947 đến tháng 8-1948); Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng- Tổng chỉ huy (tháng 8-1948 đến 11-1948). Cũng ít ai biết ông chính là Cục trưởng Cục Quân báo đầu tiên năm 1950, người từng theo Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đi khắp các chiến dịch cho đến chiến thắng Ðiện Biên Phủ lịch sử năm 1954. Ông được phong hàm Ðại tá năm 1955.
"Người thiếu niên Việt Minh" - như lời ông Trần Trọng Kim nói về Ðoàn Xuân Tín với chút ngỡ ngàng khi gặp gỡ năm 1945, nay đã bước sang tuổi 92, giọng đã hơi yếu, nhưng vẫn sôi nổi, hào sảng khi nói về kỷ niệm những ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội: "Ðảng, Bác Hồ, nhất là thế hệ cán bộ đi trước đã tin vào thế hệ trẻ chúng tớ nên anh em tớ được thử sức, được dũng cảm sáng tạo. Chỉ khi nhân dân có dân chủ, tự do thật sự, chỉ khi dân tộc có độc lập mới có những thắng lợi vẻ vang như thế!".
Cuốn sách "Từ Hỏa Lò đến Phủ Khâm sai Bắc Bộ" dày hơn 160 trang, với các phần nội dung: "Chuyện về đồng chí Trần Ðăng Ninh", "Những cuộc đấu tranh và tiếp xúc giữa Việt Minh với Chính phủ Trần Trọng Kim ở Hà Nội", "Các UBND cách mạng ra mắt ở Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám", "Ký ức về một Tháng Tám lịch sử", "Từ  mùa thu Tháng Tám Hà Nội, nhớ lại kỷ niệm trên đất Cảng", "Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm đầu tiên", "Hà Nội - Hồ Chí Minh và Cách mạng Tháng Tám thắng lợi cơ bản, vĩ đại", "Trên đường theo chân Bác từ thủ đô lên chiến khu",... được viết từ năm 1995 đến nay, đã cho thấy sự cẩn trọng của một cán bộ quân báo. Ông cẩn thận viết và sửa chữa trong suốt hai chục năm, nay mới cho xuất bản. Với giọng văn khúc chiết, từ ngữ có lựa chọn nhưng rất sôi nổi, làm bật lên cái khí thế tưng bừng trong ngày hội non sông.
Có thể nói, đây là món quà tư liệu quý giúp bạn đọc hiểu thêm về một thời kỳ lịch sử và về một thế hệ cha anh đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, xây dựng nên chính quyền Cách mạng non trẻ tại Thủ đô Hà Nội.
Theo báo Nhân dân điện tử

65 năm ngày thăng thiên, độn thổ ở Hỏa Lò (Trần Kiến Quốc)


65 năm ngày thăng thiên, độn thổ ở Hỏa Lò

"Hai ông Trần Đăng Ninh và Trần Tử Bình đã cùng anh em tù chính trị dùng phép "thăng thiên" và "độn thổ" để vượt ngục, trở về với cách mạng".
- Hỏa Lò - nhà tù ngay trung tâm Thủ đô, được thực dân Pháp xây dựng năm 1896, để giam giữ tù chính trị. Trong gần 1 thập kỷ tồn tại thì cuộc vượt ngục của hơn 100 tù chính trị tại Hỏa Lò giữa tháng 3/1945 là cuộc vượt ngục lớn nhất. 
Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ, khi nhắc đến cuộc vượt ngục năm ấy đã nói: “Hai ông Trần Đăng Ninh và Trần Tử Bình đã cùng anh em tù chính trị dùng phép “thăng thiên” và “độn thổ” để vượt ngục, trở về với cách mạng”. 

Phép “thăng thiên” vượt Hỏa Lò

Đầu năm 1944, nhiều đảng viên cộng sản bị giam cầm tại Hỏa Lò. Trong đó có Trần Đăng Ninh - Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ cùng 2 Xứ uỷ viên Trần Tử Bình, Lê Tất Đắc…
“Trong tù, đảng viên lớp lớn được anh em trẻ tín nhiệm. Anh Bình được bầu làm trưởng "Ban sinh hoạt”; còn tôi phụ trách “đối ngoại” nên có điều kiện đi lại tự do.
“Ban sinh hoạt” thực chất là một tổ chức đấu tranh công khai của tù chính trị… Trước khi bị bắt anh Bình đã dự họp Xứ uỷ (ngày 13/11/1943) triển khai nghị quyết Thường vụ Trung ương chuẩn bị Tổng khởi nghĩa; khi về đây, anh phổ biến lại cho anh em”- ông Lê Trọng Nghĩa nhớ lại.
Ông Phan Trọng Tuệ, Hoàng Quốc Việt và Trần Tử Bình gặp nhau tại Đại hội Đảng 2 ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang, tháng 2/1951
Ông Phan Trọng Tuệ, Hoàng Quốc Việt và Trần Tử Bình gặp nhau tại Đại hội Đảng lần thứ II ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang, tháng 2/1951

Sự ra đi của anh Hoàng Văn Thụ có tác động mạnh đến anh em. Tin vượt ngục thành công của nhóm tù chính trị Sơn La (có đồng chí Nguyễn Lương Bằng) vào tháng 8/1943 và đồng chí Văn Tiến Dũng vượt ngục Bắc Ninh (tháng 12/1944) càng động viên, vấn đề vượt ngục càng trở nên cấp bách.

Tối mùng 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Nửa đêm, một sĩ quan Nhật dẫn tiểu đội lính vào nhà tù, tuyên bố: “Người Nhật đã đánh bại quân Pháp, giúp Việt Nam độc lập. Ngày mai sẽ thả các anh”.
Vừa nghe hắn nói, ông Nguyễn Tuân đề đạt: “Các ông nói ngày mai thả, vậy đề nghị mở cửa các trại để chúng tôi chia tay trước khi về quê!”. Hắn gật đầu, thế là tù chính trị lợi dụng qua lại trao đổi kế hoạch vượt ngục.

Ngày 10/3, mọi kỉ cương của nhà tù đảo lộn. Bọn giám thị Pháp cùng gia đình bị dồn vào một phòng, bọn giám thị Việt không dám nghênh ngang. Nhiều tù thường phạm đột nhập nhà kho lấy quần áo, chăn chiên, thang, xà beng, cuốc chim…

Lợi dụng lộn xộn, ông Trần Đăng Ninh trốn từ xà lim tử tù sang khu thường phạm. “Ban sinh hoạt” thống nhất: Ai có điều kiện thì chủ động trốn, các đồng chí bị án nặng được ưu tiên đi trước. Quỹ tài chính được chia.

Ngày 11/3, cánh thường phạm dùng xà beng đục tường, đào hầm chui ra nhưng không thành. Sáng đó, ông Trần Đăng Ninh cùng anh em bàn kế hoạch vượt ngục. Ông Nghĩa cũng báo cho bà Trương Thị Mỹ, Nguyễn Thị Phúc Hằng và cánh tù nữ chủ trương vượt ngục. Nhiều chị em tranh thủ người nhà vào thăm đã thay quần áo, trà trộn đám thăm thân trốn ra.

Cầm Văn Dung, nguyên Tri châu Mường La, bị kết án khổ sai vì liên đới đến vụ đầu độc Xanh Pu-lốp, Công sứ Sơn La. Là thủ lĩnh cánh thường phạm nhưng rất trọng cánh tù chính trị, ông Dung thống nhất với ông Nghĩa về kế hoạch vượt ngục: Chăn chiên xé ra, bện thành dây thừng. Tù nhân sẽ leo lên mái nhà rồi bắc thang lần ra bờ tường. Dây to buộc vào trụ điện rồi thả ra ngoài. Lần lượt, cứ một tù chính trị thì một thường phạm.

Anh em tù chính trị còn sáng kiến lấy chăn chiên trùm lên mảnh chai cắm trên bờ tường (phòng đứt tay chân) và trùm lên dây điện (tránh bị giật). Danh sách vượt ngục được thống nhất. Ông Bình giao ông Nghĩa đi bảo vệ “thượng cấp” Trần Đăng Ninh...

Trong đêm 11/3, các ông Trần Đăng Ninh, Vũ Kỳ, Lê Trọng Nghĩa, Vũ Tuân, Lê Tất Đắc, Nguyễn Văn Kha, Châu Ký, Nguyễn Chương, Hoàng Minh Chính… thoát ra ngoài theo đường “thăng thiên”.

Sau khi Cầm Văn Dung thoát thì cánh thường phạm không còn trật tự, tranh nhau trèo lên mái nhà làm vỡ ngói. Quân Nhật phát hiện đã nổ súng. Đợt vượt ngục đầu tiên tuy chưa giải thoát được nhiều nhưng có tác dụng động viên anh em tiếp tục vượt ngục. 

Phép “độn thổ”

Khi đang lang thang trong sân nhà tù, nhìn thấy nắp cống bê-tông có gắn vòng thép, ông Bình chợt nhớ đã đọc sách kiếm hiệp khi ở Trường dòng Hoàng Nguyên, kể về những cuộc trốn tù theo đường ngầm. Trao đổi trong anh em thì có ý kiến: Đường cống hẹp sợ khó chui lọt, rồi ông như ra lệnh: “Đừng đoán mò, cứ đi xem thử rồi về báo cáo!”.

Trong nhóm thanh niên trẻ thân cận có: Phan Vân - tù chính trị từ Ninh Bình lên, Trần Văn Cử - tù Sơn La về, Nguyễn Huy Hòa bị giam ở Trại J khi còn tuổi thiếu niên.
Ông Hòa kể “đã có vài ông mãnh mở nắp cống, chui xuống xem “âm phủ” ra sao. Lần mò một lúc phải chui lên vì dưới đó tối om, ẩm thấp, hôi thối…”. Thế là 3 “thanh niên” rủ nhau “đi thử”.
Ông Lê Trọng Nghĩa (trái) cùng các ông Vũ Oanh, Bùi Nam Hà... tại lễ kỉ niệm 60 năm Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội.
Ông Lê Trọng Nghĩa (trái) cùng các ông Vũ Oanh, Bùi Nam Hà... tại lễ kỉ niệm 60 năm Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội.

Tại Trại J, Hòa và Cử xung phong chui cống, còn Vân ở lại canh chừng. Sau tiếng đồng hồ mò mẫm trong cống thì tới 1 cửa. Thấy có ánh sáng, ghé mắt qua khe thấy chân người, bánh xe đạp lăn và tiếng nhộn nhịp của phố xá. Dùng đầu đội lên thì thấy nắp cống xê dịch.

Cả 2 quay lại. Vân thấy ám hiệu, ra mở nắp cống. Khi chui lên, một số tù nhân nhìn thấy, đổ xô lại hỏi nhưng cả 2 lắc đầu: “Gay go lắm. Tắc. Chả ăn thua gì”. Chờ mọi người tản ra, anh em nháy nhau: “Đi được rồi! Thấy cả xe đạp…”. Rồi cả 3 đi báo ông Bình.

Kế hoạch vượt ngục được lập rất chi tiết. Với suy luận trong cống, nước thải phải chảy xuôi, thoát ra một hồ lớn hay ra sông Hồng. Cứ theo đường nước thải sẽ thoát… nhưng phải đề phòng rào cản. Vậy phải chuẩn bị diêm để soi dòng chảy và một thanh sắt để phá rào cản. Xà beng bật nắp cống nhờ giao dịch với cánh thường phạm mà có.

Tù chính trị sẽ chia thành nhiều nhóm, lần lượt đi theo đường cống ngầm trong nhiều tối. Ngay đêm 12, 29 đồng chí đi trước tập trung ở Trại J. Danh sách nhóm đi sau được ông Bình bàn giao cho người ở lại.

Tối 12/3, khoảng 8 giờ, ông Bình phát lệnh: “Mở nắp cống!”. Nhóm đi đầu “lĩnh ấn tiên phong” có ông Bình, Phan Vân, Nguyễn Tuân do ông Hòa dẫn đường. Trước giây phút “độn thổ”, ông Bình còn đùa: “Sống thì nhớ, chết thì giỗ giờ phút này!”.

Lần mò theo đường cống hôi thối, chen lẫn chuột bọ, phân người. Quần áo sạch đội lên đầu, có lúc phải sát mặt xuống lòng cống mà bò. Gần tiếng đồng hồ mới ra tới cửa cống, ông Hòa bật nắp vọt lên; theo sau là ông Bình, rồi ông Vân và Tuân.
Lên đến nơi mới biết cửa cống nằm trên hè đường Bông Nhuộm, chếch bên kia là vườn hoa Mê Linh. Từ đây thấy 2 tháp canh ở 2 góc nhà tù có lính Nhật đứng gác, sau lưng là bức tường cao cắm đầy mảnh chai nằm dọc đường Quán Sứ. (Tiếc là nay bức tường ấy không còn!).

Đang chiến tranh, không ai ra phố nên không lộ. Đậy nắp cống rồi chạy qua đường, chui vào tăng-xê tránh máy bay Mỹ ở vườn hoa, tạt nước mưa còn đọng rửa qua rồi thay quần áo. Ông Bình lấy cái khăn quấn lên đầu che đi cái đầu trọc. Bốn anh em giả làm công nhân Sở Thùng mới đi dọn xí về. Bà con thấy hôi hám vội tránh xa.

Ra tới ga Hàng Cỏ, lần theo Khâm Thiên về Thái Hà Ấp. Ngay trong đêm, nhóm đi đầu về đến Vạn Phúc, Hà Đông nơi cơ quan Thường vụ Xứ ủy đóng. Các nhóm sau có Trần Văn Cử, Nguyễn Cao Đàm, Đỗ Mười, Nguyễn Thanh Bình…

Cuộc vượt ngục tập thể tù chính trị tù Hỏa Lò thành công phải nhắc tới tên 3 đồng chí Phan Vân, Nguyễn Huy Hòa, Trần Văn Cử - những người đóng góp quan trọng, tìm ra con đường đặc biệt này. 

Đóng góp ngay cho Tổng khởi nghĩa

Ngay sau 2 ngày nghỉ, ông Hòa về Xứ uỷ làm liên lạc, dẫn đường ông Bình về “Đệ tam Chiến khu” Hòa-Ninh-Thanh, ông Phan Vân về làm bí thư tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Tuân về huyện Gia Lâm (ngày ấy thuộc Bắc Ninh), còn ông Trần Văn Cử về tham gia khởi nghĩa ở Nam Định.
Tháng 8/1945, khi lãnh đạo khởi nghĩa ở Hà Nội, ông Bình gặp lại Lê Trọng Nghĩa được Trung ương bổ sung cho Uỷ ban Khởi nghĩa Hà Nội.

Sáng 31/8/2008, lão đồng chí Nguyễn Huy Hòa gọi điện cho tôi: “Hà Nội Mới có bài viết về cuộc vượt ngục năm ấy. Nhưng số anh em “độn thổ” không phải là 80 mà phải cải chính thế này: Hàng chục năm sau Ban Liên lạc tù Hỏa Lò tổng kết lại mới biết số tù chính trị vượt ngục theo đường cống ngầm trong các đêm từ 12 đến 16/3/1945 là 140 người (trong đó có vài thường phạm)…”.
Rồi ông kể tiếp: “Hôm 21/8/1945, tớ gặp lại ông Bình ở Hà Nội. Ông ấy hớn hở: “Tao vừa mới gọi điện cho chúng nó xong”.
“Gọi cho ai hả anh?”, tớ thắc mắc. “Gọi cho tỉnh trưởng các tỉnh. Tao bảo chúng nó, lập tức phải đầu hàng Cách mạng, nếu không sẽ bị xử tử!”. Rồi 2 anh em cùng cười. Số tù chính trị vượt ngục Hỏa Lò đã bổ sung lực lượng và có những đóng góp đáng kể vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và các địa phương”.

Những năm sau này, ông Lê Trọng Nghĩa là Cục trưởng Cục Quân báo (1950-1968); ông Trần Văn Cử là Phó chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ bà mẹ, trẻ em; ông Nguyễn Văn Hòa là Hiệu phó trường Tuyên huấn Trung ương; Nguyễn Tuân là Thứ trưởng Bộ Điện-Than…

Trước khi ngừng máy, ông Hòa hóm hỉnh kết luận: “Cuộc vượt ngục đã thành công một cách thần kì nhờ “ba cái có”: anh em tù chính trị có lòng dũng cảm, có mưu trí, sáng tạo và còn có cả máu mạo hiểm!”.
Trần Kiến Quốc

Mùa thu Cách mạng trong ký ức “người lính già đầu bạc” (Vũ Minh)


Kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9:
(GD&TĐ) - Vào những ngày thu tháng Tám năm 1945, họ là những thanh niên nhiệt huyết tích cực tham gia vào các hoạt động cách mạng ở Hà Nội, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Giờ đây, sau hơn 60 năm, những “người lính già đầu bạc” ấy vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử mà họ là những nhân chứng sống.
Ngày 19.8.1945, hơn 10 vạn quần chúng thủ đô Hà Nội đã tham gia mít tinh mở đầu cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh: T.L
Ngày 19.8.1945, hơn 10 vạn quần chúng thủ đô Hà Nội đã tham gia mít tinh mở đầu cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh: T.L
Trong câu chuyện của các cựu chiến binh - những cán bộ tiền khởi nghĩa, dù mỗi người không cùng thành phần xuất thân, không cùng hoàn cảnh, địa vị… nhưng thấy rất rõ ở họ một tinh thần sục sôi cách mạng, một ý chí quyết tâm thoát khỏi ách áp bức “một cổ hai tròng”, để sau đó họ trở thành những “ngòi nổ” mạnh mẽ trong các cuộc kháng chiến... 
Trung tướng Nguyễn Ân - nguyên Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Lục quân I (nay là Đại học Trần Quốc Tuấn):
Trung tướng Nguyễn Ân
Trung tướng Nguyễn Ân
Tôi xuất thân trong một gia đình nông dân ở xã Bố Hạ, bên bờ sông Thương thuộc huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Từ năm 1942 trở đi, quê tôi đã có phong trào Mặt trận Việt Minh phát triển đến huyện. Lúc đó tôi được nghe nói Mặt trận Việt Minh làm cách mạng đánh đuổi giặc Pháp và giặc Nhật, phá kho thóc cấp cho dân nghèo. Nghe thấy thế, lớp thanh niên quê tôi rất thích, chúng tôi thường bàn tán với nhau là làm thế nào để được đi theo Việt Minh…
Khi ấy, ở xã tôi giặc Pháp lập một đồn khoảng chừng 40-50 tên lính khố xanh. Người dân rất căm phẫn bọn lính ở đồn binh này vì ban ngày chúng thường xuống quấy nhiễu nhân dân, tối đến thì tới chòng ghẹo phụ nữ…
Hằng ngày, thanh niên chúng tôi được chứng kiến những cảnh bất bình ấy nên họp nhau lại, xác định phải tự tổ chức thành nhiều bộ phận và có tổ liên lạc với Việt Minh. Vào tháng 3-1945, khi Nhật hất cẳng Pháp, tinh thần cách mạng của phong trào thanh niên, học sinh quê tôi lên rất cao.
Ngày 18-4-1945, lực lượng tự vệ chiến đấu xã Bố Hạ có 40 tay súng do tôi phụ trách đã phối hợp cùng Trung đội Cứu quốc quân do đồng chí Cát Lượng chỉ huy bao vây đồn Bố Hạ. Khi lực lượng ta bao vây, gọi loa, địch hoảng sợ cử người ra nói với chúng tôi xin đầu hàng. Trận này ta thu được hơn 20 súng trường và 2 súng máy.
Tiếp đó, ngày 15-7-1945, chúng tôi nhận được tin tên Tri huyện cùng bọn Thừa phái lục sự và 7 tên lính từ huyện lị đi xuống xã tôi để đốc thuế, chúng tôi đã cho lực lượng tự vệ chiến đấu ra mai phục ở Dốc Đanh, cách huyện lị 2km, chờ địch lọt vào trận địa phục kích, lực lượng tự vệ đã xông ra bắn chết 4 tên lính và bắn bị thương tên Tri huyện Tường Văn Trang, số còn lại xin đầu hàng.
Việc trừng trị tên tri huyện Yên Thế đã làm nức lòng nhân dân, làm cho hàng ngũ tổng lý và quan lại trong tỉnh hoang mang dao động. Chớp thời cơ, đêm 16 rạng 17-7, toàn bộ quân ta đã tràn vào huyện lị, nhanh chóng chiếm kho vũ khí. Chỉ chưa đầy 30 phút, chúng tôi đã làm chủ huyện lị, thu toàn bộ vũ khí và giấy tờ quan trọng, toàn bộ số lính bị bắt sống đã tự nguyện xung phong gia nhập đội ngũ cách mạng.
Sau khi toàn bộ 5 phủ, huyện cũng như toàn vùng nông thôn, miền núi của tỉnh Bắc Giang được giải phóng, ngày 18-8-1945, quần chúng nhân dân đã tranh thủ thời cơ giành chính quyền cách mạng ở thị xã Bắc Giang. Ngày hôm sau, khi toàn quốc khởi nghĩa, tôi đã được chứng kiến hình ảnh nhân dân rầm rập kéo về thị xã Bắc Giang, đâu đâu cũng rợp cờ đỏ sao vàng và những tiếng hô vang: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”… 
Đại tá Lê Trọng Nghĩa - nguyên Cục trưởng Cục Quân báo, nguyên Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám:  
Đại tá Lê Trọng Nghĩa.
Đại tá Lê Trọng Nghĩa.
Cuối tháng 5-1945, đồng chí Lê Đức Thọ giới thiệu tôi với anh Nguyễn Khang khi anh Khang đang là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp phụ trách Hà Nội. Gặp anh Khang lần đầu tiên, tôi có cảm nhận anh là một cán bộ lãnh đạo trẻ, hiền lành và dễ gần. Nhưng sau này, qua các biến cố, tôi đã có những ấn tượng sâu sắc về anh, người đã để lại những dấu ấn đậm nét trong việc đánh sập chính quyền tay sai và tạo dựng chính quyền nhân dân ở Hà Nội.
Ngày 15-8-1945, tại một cơ sở của Xứ ủy ở làng Vạn Phúc (Hà Đông), khi nghe tin phát xít Nhật đầu hàng đồng minh không điều kiện, Nguyễn Khang và các đồng chí Xứ ủy đã họp bàn và quyết định xúc tiến khởi nghĩa ở các tỉnh do Xứ ủy phụ trách.
Sau khi mang nghị quyết khởi nghĩa ra Hà Nội và được chứng kiến sức mạnh của quần chúng tại cuộc mít tinh nóng bỏng của Việt Minh ở Nhà hát Lớn thành phố, ngay chiều 17-8-1945, Nguyễn Khang đã trở về An toàn khu (ATK) Hà Đông trao đổi với Trần Tử Bình (khi đó đang trực Xứ uỷ) quyết định cho Hà Nội phát động khởi nghĩa.
Trong điều kiện phương tiện giao thông khó khăn, lệnh khởi nghĩa không thể truyền nhanh tới các địa phương, nhưng căn cứ vào bản Chỉ thị của Trung ương: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Nguyễn Khang đã quyết định cho Hà Nội đứng lên khởi nghĩa, quyết định ấy có thể coi như một sự sáng tạo, một cách chớp thời cơ để “vùng lên” giành chính quyền ngay từ khi mệnh lệnh chưa đến. Việc chớp thời cơ này còn “táo bạo” ở chỗ ta chỉ dựa vào sức mạnh của chính nhân dân Thủ đô với các tổ tự vệ chiến đấu mà chưa có sự hỗ trợ của đội quân giải phóng từ Trung ương và các chiến khu.
Sáng 17-8, Nguyễn Khang chỉ ra lệnh cho thanh niên xung phong phá cuộc mít-tinh của giới công chức do Chính phủ bù nhìn tổ chức, bởi khi đó anh còn ngại lực lượng của ta chưa thực sự sẵn sàng. Nhưng đến ngay chiều hôm đó, trước mắt tôi đã là một Nguyễn Khang khác hẳn. Về ATK báo cáo Xứ uỷ, anh đặt vấn đề: Tất cả đã chín muồi, phải khởi nghĩa ngay!
Ngày khởi nghĩa ở Hà Nội được Xứ ủy và thành ủy Hà Nội ấn định vào 19-8-1945. Sáng 19-8, khi quần chúng khởi nghĩa vào chiếm Trại Bảo an binh, quân đội Nhật đã trực tiếp can thiệp, đưa xe tăng cùng binh lính bao vây quanh Trại, đòi tước vũ khí. Vấn đề đặt ra lúc này là: đánh hay không đánh? Nguyễn Khang cùng Trần Tử Bình, Trần Đình Long lập tức giao cho tôi lấy xe ô tô trong Phủ, cắm cờ đỏ sao vàng, đàng hoàng đến gặp viên chỉ huy Nhật ở trước rạp Majestic (đối diện Trại, nay là rạp Tháng Tám), điều đình thương lượng. Cuộc điều đình diễn ra khá gay go nhưng cuối cùng viên chỉ huy Nhật đã chấp thuận rút quân.
Ta đã giải toả một cách êm thấm và tránh được cuộc đối đầu với quân đội chiếm đóng Nhật ngay khi họ bắt đầu ra quân. Trong ngày 19-8, ta đã kết thúc nhanh chóng việc chiếm các cơ quan đầu não chính trị, quân sự của chính quyền bù nhìn ở Thủ đô.
Tối 19-8, Nguyễn Khang quyết định giao cho tôi và anh Trần Đình Long với tinh thần thừa thắng xông lên phải chủ động tìm gặp Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật để nói cho họ biết rằng ta không đụng đến người Nhật và yêu cầu họ không can thiệp vào công việc của Việt Minh. Cuộc gặp đó đã diễn ra hết sức căng thẳng tại Tổng hành dinh quân đội Nhật (nay là số 33 Phạm Ngũ Lão), cuối cùng quân Nhật đã xác định thái độ không can thiệp vào công việc nội bộ của ta.
Ngay tối 19-8, tại Bắc Bộ Phủ, Uỷ ban quân sự cách mạng đã tổ chức cuộc họp nhằm chuẩn bị cho buổi ra mắt Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc bộ và Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội để giữ chính quyền non trẻ. Cuộc họp cũng quyết định cử cán bộ cấp tốc lên Khu Giải phóng báo tin mừng thắng lợi, mời các đồng chí Trung ương Đảng sớm về Hà Nội để tiếp tục lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước... 
Đại tá Phạm Xuân Phương - nguyên cán bộ Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị:
Đại tá Phạm Xuân Phương
Đại tá Phạm Xuân Phương
Tôi là người được sinh ra trong một gia đình viên chức có nghề thợ nhuộm ở phố Hàng Đào (Hà Nội). Khi Nhật đảo chính Pháp, tôi đang học trường Bưởi (Hà Nội). Ngày ấy, lứa chúng tôi hiểu rất rõ điều gì đã thôi thúc các cô, cậu học trò sớm trở thành những chiến sĩ Việt Minh, đó là vì dân ta chết đói quá nhiều, vì dân ta đang phải chịu ách áp bức “một cổ hai tròng” của Pháp, Nhật…
Cảnh tượng ấy đã thôi thúc chúng tôi đi theo cách mạng và nhiều người đã trở thành những “ngòi nổ” mạnh mẽ trong các cuộc kháng chiến. Hồi đó, tổ chức Thanh niên cứu quốc Hà Nội có chủ trương lựa chọn một số thanh niên có tinh thần hăng hái lên Chiến khu hoạt động, tôi nằm trong số hai chục thanh niên được chọn và là người ít tuổi nhất trong số 4 học sinh Hà Nội được biên chế vào trung đội Giải phóng quân.
Ấn tượng khó quên trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đối với tôi là được trực tiếp tham gia vào các cuộc khởi nghĩa ở huyện lị Lập Thạch và thị trấn Liễn Sơn (Vĩnh Phúc). Khi lệnh Tổng khởi nghĩa nổ ra, hàng ngàn quần chúng Lập Thạch với cờ đỏ sao vàng và vũ khí trong tay đã ào ạt xông lên tước súng của binh lính, tịch thu dấu, triện của các lý dịch, lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng ở các xã, thị trấn.
Sau đó, Đại đội của tôi do anh Kim Ngọc làm Chính trị viên được điều động lên tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở thị xã Vĩnh Yên. Tình hình Vĩnh Yên lúc bấy giờ khá phức tạp, lực lượng của Quốc dân Đảng do tên chủ đồn điền Đỗ Đình Đạo cầm đầu đã tổ chức cướp chính quyền trước Việt Minh. Khi đó lực lượng quần chúng phải lui về để tổ chức các trận đánh, song hỏa lực của Quốc dân đảng khá mạnh. Lúc này, Chính trị viên Kim Ngọc giao nhiệm vụ cho tôi dẫn anh về Hà Nội xin Trung ương tăng cường lực lượng vì anh biết tôi thạo đường phố thủ đô. Tôi và anh Kim Ngọc đi bộ hai ngày thì về tới Hà Nội, khi đó Hà Nội đã giành được chính quyền được ít ngày. Ngay sau đó, Trung ương đã cử lực lượng giải phóng quân của Hà Nội ở Hương Canh lên và lấy lại thị xã Vĩnh Yên từ tay Quốc dân đảng…
Những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã giúp tôi từ một cậu học trò trường Bưởi trở thành một chiến sỹ Việt Minh, và khí thế sục sôi của cách mạng tháng Tám cũng đã giúp tôi thêm rắn rỏi khi vừa tròn 16 tuổi…
Bài, ảnh: Bùi Vũ Minh

Một đòn mở đầu hào hùng và ngoạn mục (Dương Trung Quốc)


 
Thứ Bẩy, 07/05/2011 - 4:16 PM
Cách đây 57 năm, ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ôtô và toàn bộ vũ khí, đạn dược của quân Pháp... Là một nhân chứng lịch sử, Đại tá Lê Trọng Nghĩa đã có hồi ức ôn lại những kỷ niệm về chiến dịch; xin giới thiệu với bạn đọc.
Tôi lại tìm đến một căn hộ rất nhỏ khuất bên trong những tòa nhà lớn nằm cuối đường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh, để gặp người đã có công tích quan trọng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng Tám năm 1945; Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa, Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc Kỳ, người đã tiếp xúc với quân Nhật và các ông Trần Trọng Kim, Phan Kế Toại nhằm chuẩn bị cho Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội phát lệnh khởi nghĩa. Đó là ông Lê Trọng Nghĩa, người đã từng tham gia Việt Minh từ năm 1941, bị tù Hỏa Lò và cùng vượt ngục với Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình, Đỗ Mười, nguyên là đại biểu Quốc hội khóa đầu…
Đến nhà ông lần này, tôi thấy ông đang loay hoay viết lách. Trên trang đầu bài viết nắn nót dòng tít "Câu chuyện góp về "kéo pháo" và "ngày N" - một đòn phủ đầu hào hùng và ngoạn mục". Ông đang hồi ức về trận đánh Điện Biên trước đây… Khi thấy tôi đề nghị được phỏng vấn, ông chậm rãi chỉ vào tấm ảnh tư liệu được ghi chú "Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh"… và bắt đầu câu chuyện:
Tôi năm đó mới 33 tuổi và là Cục trưởng Cục 2, tức là Cục Quân báo của Bộ Quốc phòng.
Kể về Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông chậm rãi: "Tôi nhớ, cho đến ngày 6/12/1953, Bác và Bộ Chính trị mới hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ làm đòn quyết định giành thế chủ động chiến lược xoay chuyển cục diện chiến trường Đông Xuân 1953 - 1954.
Ngày 5/1/1954, Anh Văn mới lên đường, tháp tùng có anh Trần Văn Quang, Cục trưởng Cục Tác chiến và tôi. Trên đường đi chứng kiến cảnh các đơn vị nườm nượp hành quân lên Tây Bắc, mọi người đều xúc động. Vừa hành quân, tôi vừa tổng hợp các báo cáo từ các nơi gửi về, vừa liên lạc với anh Cao Pha là Cục phó của tôi, đã có mặt ở Lai Châu để theo dõi mọi động thái chiến trường và âm mưu của địch, tổng hợp tình hình báo cáo Anh Văn. Vị Tổng Tư lệnh tỏ ra yên tâm nhưng luôn nhắc cần theo dõi sát sao hơn nữa.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo Bác Hồ và Bộ Chính trị kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ.Ảnh: KH.

Mười ngày sau, ở hội nghị chiến dịch được tổ chức tại hang Thẩm Púa (15/1), bản báo cáo của Ban 2 được đánh giá cao và hoan nghênh đặc biệt. Anh Cao Pha báo cáo cứ như nắm tập đoàn cứ điểm của địch trong lòng bàn tay lại được minh họa trên một sa bàn lớn chuẩn bị rất công phu. Nhưng điều quan trọng hơn cả là báo cáo chỉ ra được điểm yếu nhất trong hệ thống cứ điểm của địch là khu vực bản Hồng Lếch, nằm ở phía Tây, lại rất gần khu trung tâm Mường Thanh nơi đóng bản doanh của Đờ Cátxtơri. Tại đấy, lực lượng đồn trú của địch còn mỏng, công sự còn sơ sài, rõ ràng là một sơ hở trong hệ thống phòng thủ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Phải chăng vì thế mà nảy sinh chủ trương "đánh nhanh, giải quyết nhanh"?
- Theo tôi, một phần là như vậy. Thực ra từ tháng 12/1953, đã có một kế hoạch tác chiến báo cáo Bộ Chính trị dự kiến chiến dịch trong 45 ngày. Theo kế hoạch khu vực bản Hồng Lếch lại là khu vực ta đã bố trí "quả đấm" mạnh nhất - đại đoàn quân Tiên phong 308 của anh Vương Thừa Vũ đảm nhiệm mũi chủ công. Với cách đánh theo kinh nghiệm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc "nhất điểm lưỡng diện, mũi nhọn đuôi dài"… có sự hợp đồng tác chiến với các loại hỏa lực của binh khí và sự phối hợp tác chiến của Đại đoàn 312 của anh Lê Trọng Tấn thì với mũi chủ công Sư đoàn 308, khả năng có thể giải quyết chiến trường 3 đêm 2 ngày là có cơ sở.
Như thế là kế hoạch tác chiến, chủ trương và phương châm đã được nhất trí thông qua. Và ngày "N" được xác định là 10 ngày sau đó: Ngày 25/1/1954 (lúc đầu định ngày 20, nhưng sợ không đủ thời gian triển khai pháo). Sau hội nghị, mọi người phấn khởi. Các đơn vị được lệnh sẵn sàng chiếm lĩnh trận địa xuất phát. Đặc biệt là pháo binh lập kỳ tích kéo pháo vào trận địa.
Vậy thì những yếu tố nào dẫn đến một "quyết định lịch sử" khi thay đổi phương châm và thời điểm mở màn trận đánh?
- Có thể nói rằng chỉ có trong vòng 10 ngày mà biết bao diễn biến bất ngờ làm đảo lộn mọi thứ đã diễn ra, mà bây giờ người ta hay gọi là "đầy kịch tính". Cũng phải nghĩ đến những yếu tố có tính ngẫu nhiên...
Lúc này, Sở chỉ huy tiền phương đã chuyển đến bản Nà Táu. Từ ngày 19 tôi đã nhận được tin Pháp huy động lực lượng dự bị chiến lược ở Bắc Bộ điều vào Nam Trung Bộ để ngày 20/1, mở chiến dịch Átlăng đánh vào Tuy Hòa. Tôi phán đoán rằng Nava khi nhận được tin "Sư đoàn thép" 308 đã kéo lên Tây Bắc và ông ta tin rằng lực lượng đáng e ngại nhất ấy sẽ bị kẹt ở vùng rừng núi đó. Do vậy Pháp có thể rút một bộ phận quân cơ động quan trọng ở đồng bằng, tung đòn tiến công vào vùng tự do ở Khu 5 theo phương án đã định trong kế hoạch Nava; kế hoạch đã được tướng Mỹ Ô Đanien, trưởng cơ quan US MAAG tán đồng nhưng bị tư lệnh Pháp ở Bắc Bộ Cônhi không tán thành vì sợ đồng bằng không an toàn…. Sáng 20/1, tôi hội ý với anh Trần Văn Quang xong xin gặp và báo cáo Anh Văn ngay. Tin tức ấy làm mọi người phấn khởi vì Pháp sẽ phải sa lầy 2 phần 3 lực lượng cơ động và một lực lượng không quân quan trọng vào chiến trường Khu 5 ít ra từ 1 đến 2 tháng. Khu 5 chia lửa với Điện Biên, ta càng phải khẩn trương chuẩn bị cho giờ nổ súng. Đến lúc đó chỉ còn 5 ngày. Tất cả các cán bộ của Bộ chỉ huy được điều xuống các đơn vị để đốc chiến, đặc biệt là pháo binh phải kịp vào vị trí chiến đấu…
Nhưng chỉ ngày hôm sau 21/1, tôi và Ban 2 bấn lên trước một đống tin tức mới nhận được… Chúng tôi làm việc suốt ngày đêm để thu thập và phân tích thông tin. Sáng 23, tôi vội vàng cùng anh Quang đến gặp Anh Văn. Cố giữ bình tĩnh, tôi trình bày mạch lạc: tin mới nhận được cho thấy địch đã biết tương đối chính xác kế hoạch tấn công của ta vào ngày 25, đã ra lệnh báo động và có kế hoạch đối phó. Theo tin trinh sát kỹ thuật thì quân Pháp đã bắt được chiến sĩ của ta khi họ vào chiếm lĩnh trận địa và đưa về Hà Nội khai thác. Trong ngày 23 địch sẽ cho thả 1 tiểu đoàn dù chốt giữa Mường Thanh và Hồng Lếch, ngay trước đội hình Sư đoàn 308; đồng thời một binh đoàn cơ động của viên đại tá có cái tên khá kỳ cục: Crevơ Coóc chỉ huy, từ Mường Khoa (Thượng Lào) lại hành quân về hướng Sư đoàn 308 bất ngờ tập hậu khi ta nổ súng.
Anh Văn thoạt nghe, có phần bị xúc động, nhưng rồi Anh điềm tĩnh ra lệnh kiểm tra lại tình hình, cử anh Phạm Kiệt, phụ trách công tác bảo vệ xuống thanh tra việc mất chiến sĩ ở Sư đoàn 312 và 308 (và chính trong chuyến đi này, đồng chí Phạm Kiệt là người dũng cảm điện thoại cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ sự quan ngại về phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh" khi thấy trận địa pháo không an toàn nếu bị địch phản công). Tôi lập tức ra đài quan sát, từ trên núi cao thấy rõ việc lính dù nhảy xuống tăng cường đúng như tin tức thu thập được. Còn đích thân Tổng Tư lệnh xuống gặp tổ kỹ thuật trinh sát của tôi, nghe các anh Bách, Tân… là những cán bộ trực tiếp thu thập và xử lý tin, giải trình một số bản tin "mã thám". Tận mắt nhìn thấy địch nhảy dù cộng với một số nguồn tin khác, tôi khẳng định lại với Anh Văn là kế hoạch của ta đã bị lộ. Anh Văn điềm tĩnh lắng nghe, suy nghĩ rồi nghiêm khắc yêu cầu tôi phải tuyệt đối giữ bí mật, không được để lộ tin tức, khỏi làm xao xuyến lòng quân. Nhưng sau này tôi biết rằng Anh Văn đã nung nấu suy nghĩ trong nhiều ngày trước đó và đã dự cảm về sự không bảo đảm chắc thắng của phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Anh Văn đã lấy tình huống mới xuất hiện để tìm cách hoãn binh, để có thêm thời gian cân nhắc.
Đảng ủy Mặt trận, các anh Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đặng Kim Giang được triệu tập gấp từ trận địa về. Cuộc họp kéo dài và đi đến thống nhất hoãn thêm 1 ngày, tức là ngày 26/1. Rồi Anh Văn, có anh Hoàng Minh Phương đi cùng, đến gặp cố vấn Vi Quốc Thanh. Sau đó, tôi được biết "Vi cố vấn" sau khi lắng nghe đề xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc thay đổi phương châm và thời gian nổ súng… suy nghĩ một lát rồi bày tỏ sự tán thành quan điểm của "Võ Tổng" và hứa sẽ giải thích để quán triệt trong các cố vấn.
11h trưa ngày 26, chỉ 6 giờ trước giờ nổ súng, một mệnh lệnh lịch sử được phát ra từ Bộ chỉ huy chiến dịch: Hoãn cuộc tiến công, giãn quân và rút pháo khỏi trận địa trở về địa điểm tập kết. Rồi ngay tiếp đó, vị Tổng Tư lệnh đưa ra một đòn đánh để hỗ trợ cho cuộc lui quân: Đại đoàn 308 của đồng chí Vương Thừa Vũ điều ngay một bộ phận quặt ra phía sau đánh vào binh đoàn của Pháp vừa từ Thượng Lào tới. Và cũng là điều không ai ngờ, trước sức tiến công của Sư đoàn 308, quân Pháp tán loạn, bỏ chạy vào rừng. Ngay lập tức, Anh Văn ra lệnh điều toàn bộ Đại đoàn 308 vượt biên giới tiến công truy kích địch đến gần kinh đô nước Lào (Luông Phabăng) khiến chiến trường rung động, Sư đoàn 308 tiến đến chỉ còn cách Luông Phabăng chừng 15 - 20km thì đột ngột được lệnh dừng đánh rồi bí mật rút về khu vực quanh Điện Biên Phủ.
Đòn đánh táo bạo và rút lui bất ngờ ấy vừa gây cho địch hoang mang không rõ ý đồ thực của ta, trong khi lực lượng Sư đoàn 308 vẫn được bảo toàn nguyên vẹn là một nước cờ cao tay. Lúc đó không cho phép phiêu lưu, nếu để Sư đoàn 308 vì bất cứ lý do gì mất sức chiến đấu thì hậu quả toàn chiến trường không lường trước được... Nhìn lại toàn cục, thấy diễn biến đúng như lời chỉ dẫn của Bác khi bàn đến kế hoạch Nava (11/1953)... Khi quân địch hung hăng muốn chủ động giành thắng lợi quân sự, ta phải buộc chúng lâm vào bị động. Nava muốn tập trung quân cơ động thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán ra mà đánh.
Và thời điểm ta nổ súng mở màn chiến dịch được ấn định vào ngày 13/3?
- Tôi nhớ sau khi đã phải vội vàng điều chỉnh lại thế bố trí các binh đoàn cơ động chiến lược nhằm tăng cường phòng thủ cho Điện Biên Phủ, đồng bằng Bắc Bộ và Luông Phabăng, thấy phía ta không động tĩnh, ngày 12/3, Bộ Chỉ huy của Pháp vừa cho khởi động lại chiến dịch Átlăng (đợt 2) đánh vào Quy Nhơn, thì ngay ngày hôm sau, ngày 13/3/1954 ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều đó cho thấy địch hoàn toàn bị bất ngờ về thời điểm ta nổ súng và bất ngờ hơn nữa về hỏa lực áp đảo của pháo binh của Việt Minh. Đại tá chỉ huy pháo binh ở Điện Biên Phủ, Pirốt dùng lựu đạn tự sát là bằng chứng.
Ngay những ngày đầu chiến dịch mở màn, qua các nguồn thông tin ta đã thấy ở phía địch biến mất sự chủ quan, xuất hiện sự hoảng loạn và đã thấp thoáng có tâm trạng thất vọng, nảy sinh tư tưởng thất bại... không hung hăng như trước nữa mặc dù đế quốc Mỹ càng lồng lộn, tăng viện trợ và bàn chuyện trực tiếp can thiệp. Hai cứ điểm quan trọng là Him Lam (Béatrice) và Độc Lập (Gabrielle) bị quân ta xóa sổ là điềm báo trước và cánh cửa chiến thắng đã mở. Dù còn một chặng đường chiến đấu quyết liệt, hy sinh và gian khổ, nhưng niềm tin chiến thắng sau những trận đánh khởi đầu hào hùng và ngoạn mục ấy đã nhân lên thành một sức mạnh và niềm tin mãnh liệt để đến ngày 7/5/1954 quân ta kết thúc số phận tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng vùng Tây Bắc. Cùng với mặt trận cả nước, Điện Biên Phủ đại thắng đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến gian khổ chín năm chống thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc, quân ta trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
(Theo “Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”, NXB QĐND - 2010)
* Nguyên Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa (tháng 8/1945) tại Hà Nội; nguyên đại biểu Quốc hội khóa I; nguyên Cục trưởng Cục Quân báo trong chiến dịch Điện Biên Phủ - 1954.
Đại tá Lê Trọng Nghĩa* Dương Trung Quốc (thực hiện)

Sứ giả của Việt Minh (Lê Trọng Nghĩa)


QĐND - Gọi ông là “sứ giả của Việt Minh” vì rằng trong cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội, ông là đại diện của cách mạng thực thi hàng loạt các cuộc thương thuyết quan trọng với Khâm sai Phan Kế Toại, Thủ tướng Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và tướng Tổng Tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật ở Đông Dương... Kết quả của các lần tiếp xúc đó đã góp phần trực tiếp làm cho cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi rực rỡ và không đổ máu. Người “sứ giả” ấy là Đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo, nguyên Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, Ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ.
“Đêm trước” của cách mạng
Tháng 3-1945, ngay sau khi trốn khỏi Hỏa Lò cùng Bí thư Xứ ủy Trần Đăng Ninh, Xứ ủy viên Trần Tử Bình… Lê Trọng Nghĩa được đồng chí Lê Đức Thọ bắt liên lạc và giao nhiệm vụ sang phụ trách Đảng Đoàn ở Dân chủ Đảng. Đầu tháng 8-1945, tình hình Hà Nội biến động dồn dập. Phong trào cách mạng sục sôi, nóng bỏng đang lan nhanh từng ngày. Hầu hết các đồng chí lãnh đạo trong Trung ương và Xứ ủy đều được triệu tập lên Tân Trào. Hai Thường vụ Xứ ủy được phân công ở lại gồm: Nguyễn Khang, phụ trách Hà Nội và Trần Tử Bình, trực cơ quan Xứ ủy ở Vạn Phúc (Hà Đông), theo dõi 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. 
Với sự giới thiệu của Khâm sai Phan Kế Toại, ông Nghĩa với danh nghĩa một cán bộ Việt Minh (bí danh giáo sư Lê Ngọc) đã chủ động có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng bù nhìn Trần Trọng Kim để thăm dò khi ông ta đang ra Hà Nội thị sát tình hình. Trong lúc chuẩn bị khởi nghĩa, việc tiếp xúc với lãnh đạo chính quyền bù nhìn là một việc làm đầy nguy hiểm, hệ trọng nhưng cũng hết sức tế nhị. Vì vậy, ngay sau cuộc gặp, Lê Trọng Nghĩa đã tức tốc vào An toàn khu ở Hà Đông báo cáo ngay với Xứ ủy. Nghe xong, đồng chí Nguyễn Khang nói:
- Cậu hành động như thế là tốt nhưng hơi… liều vì chúng ta chưa báo cáo và xin ý kiến của Trung ương về cuộc gặp này. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì cậu vẫn cứ phải theo hướng đó mà làm. Tôi sẽ chịu trách nhiệm và báo cáo Trung ương sau.
Chiều ngày 15-8, khi nhận được tin Nhật đã chính thức đầu hàng Đồng minh, hai ông Nguyễn Khang và Trần Tử Bình đã hội ý và quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội do Nguyễn Khang làm chủ tịch và các ủy viên: Nguyễn Quyết, Lê Trọng Nghĩa, Trần Quang Huy và Nguyễn Duy Thân. 
Đại tá Lê Trọng Nghĩa: “Mỗi khi có dịp nhớ lại những sự kiện trong cuộc khởi nghĩa của Thủ đô Hà Nội lúc ấy, trong tôi bao giờ cũng hiện lên những hình ảnh sáng láng không thể nào phai mờ...”. 

Cũng trong ngày hôm đó, đồng chí Nguyễn Khang đã gặp riêng ông Nghĩa, phổ biến nhiệm vụ:
- Để tranh thủ khả năng êm thấm giành thắng lợi cho cách mạng, ta đã có chủ trương gặp Khâm sai Phan Kế Toại. Cậu là người đã có đầu mối, cơ sở ở Dinh Khâm sai và cũng đã từng gặp ông Toại, Xứ ủy giao cậu chủ động liên hệ để chúng ta tiếp xúc với ông ấy ngay trong ngày mai.
Ngày 16-8, ông Nghĩa cùng đồng chí Nguyễn Khang và Trần Đình Long (tham gia với vai trò “cố vấn”) đúng hẹn vào gặp ông Phan Kế Toại. Do không có phương tiện, các ông đành “cuốc bộ” từ trụ sở của Dân chủ Đảng (trên phố Trần Hưng Đạo) đến Dinh Khâm sai. Ông Toại và Chánh văn phòng, cùng các cộng sự đón mời từ tiền sảnh và bày tỏ thái độ tôn trọng, cầu thị. Khâm sai đặt vấn đề: “Chúng tôi muốn mời Việt Minh tham chính”. Không đồng ý với đề xuất này, ông Khang và ông Nghĩa đề nghị Khâm sai nên đứng về phía Việt Minh, nhanh chóng giao vũ khí và chính quyền cho cách mạng. Không đạt được đồng thuận, đoàn Việt Minh ra về. Lúc chia tay, với vẻ chân thành, Khâm sai Phan Kế Toại còn bày tỏ: “Tình hình căng lắm rồi, chúng ta cần sớm gặp lại nhau để bàn tiếp”.
Chiều ngày 17-8, Tổng hội công chức chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn. Thành ủy chỉ đạo phải phá cuộc mít tinh này. Hàng vạn người đứng đầy đường Paulbert (nay là phố Tràng Tiền) và các phố lân cận theo lời kêu gọi của Việt Minh đã biến cuộc mít tinh của Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng. Từ thực tế chuyến khảo sát tình hình Hà Nội, đồng chí Nguyễn Khang đã trao đổi với đồng chí Trần Tử Bình và quyết định: Dựa trên chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và diễn biến hiện nay, lập tức tiến hành cho Hà Nội khởi nghĩa mà không cần chờ tới lệnh của Trung ương. 
Ngày 18-8, khi hội nghị cán bộ của Hà Nội đang họp để bàn việc thực hiện chủ trương Tổng khởi nghĩa thì nhận được tin, đại diện của Chính phủ Trần Trọng Kim là ông Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn đến trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa (số 101 Trần Hưng Đạo ngày nay) xin gặp Việt Minh vì “có việc khẩn cấp”. Trong hội nghị có người băn khoăn, lo lắng vì không hiểu ý đồ của đối phương thế nào. Họ đến “đại bản doanh” của ta để nắm tình hình hay thăm dò thái độ? Ông Nguyễn Khang chỉ thị: Đồng chí Lê Ngọc (bí danh của ông Lê Trọng Nghĩa-TG) thay mặt Việt Minh ra tiếp ông Hoàng Xuân Hãn để nhanh chóng xem có vấn đề gì.
Ông Nghĩa bước ra ngoài phòng khách thì đã thấy ông Bộ trưởng quần áo chỉnh tề đứng đợi. Rồi rất bất ngờ, ông cho biết ông Phan Kế Toại đã từ chức, Chính phủ Trần Trọng Kim đã cử ông Nguyễn Xuân Chữ làm Khâm sai Bắc Kỳ. Cũng theo tin mới nhất, quân đội Đồng minh đã bắt đầu lên đường chia nhau vào nước ta. Ông Hãn bày tỏ: “Đất nước đang có nguy cơ đe dọa lại bị xâm chiếm và chia cắt một lần nữa. Chúng ta nên tiếp tục thương thảo, nói chuyện. Việt Minh các ông cứ nắm tất cả các vùng nông thôn nhưng nên để Chính phủ tiếp tục quản lý các thành phố lớn, cốt để có danh nghĩa mà nói chuyện với Đồng minh”. Ông Nghĩa khéo léo từ chối đề xuất này và khẳng định: 
- Lúc này chỉ có Việt Minh mới duy nhất có đủ tư cách, danh nghĩa và khả năng để đối phó với tình hình và chúng tôi đã sẵn sàng…
Biết không thể thay đổi được lập trường của Việt Minh, ông Hoàng Xuân Hãn buồn bã ra về…
Ngày 19-8 và hai cuộc điều đình với Nhật
Theo đúng mệnh lệnh Ủy ban khởi nghĩa, từ sáng sớm ngày 19-8, hàng chục vạn quần chúng đã theo các ngả đường tiến về Hồ Gươm, Nhà hát Lớn. Đâu đâu cũng vang lên tiếng hô các khẩu hiệu cách mạng và lời bài hát “Tiến quân ca”, “Diệt phát xít”… Đúng 10 giờ, cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng đã diễn ra tại quảng trường Nhà hát Lớn. Đại diện Việt Minh tuyên bố: “Đến giờ phút này, yêu cầu đồng bào hãy cùng Mặt trận Việt Minh tiến lên nắm lấy và tự giải quyết vận mệnh của mình”. Với khí thế như thác đổ triều dâng, lực lượng quần chúng nhanh chóng chia làm hai hướng tấn công Dinh Khâm sai và Trại Bảo an binh. Cũng thời điểm ấy, một số huyện ngoại thành của Hà Nội cũng nổi dậy chiếm các trung tâm hành chính.
Trên hướng Trại Bảo an binh - nơi tập trung lực lượng quân sự mạnh nhất, quân Nhật kéo xe tăng tới bao vây, đe dọa lực lượng cách mạng. Ông Nguyễn Quyết và bộ chỉ huy hội ý và quyết định cử ông Nghĩa ra điều đình với chỉ huy Nhật. Ông Nghĩa phóng xe Limuzin đen của Khâm sai có cắm cờ Việt Minh phóng thẳng đến khu vực quân Nhật kiểm soát. Sau phút tiếp xúc căng thẳng ban đầu, ông Nghĩa nói với viên chỉ huy Nhật: 
- Trại Bảo an binh thuộc quyền phủ Khâm sai người Việt, mà người Nhật sắp về nước rồi. Vậy không nên can thiệp vì chúng tôi không động chạm gì tới người Nhật.
Quân Nhật chịu rút quân về doanh trại nhưng yêu cầu Việt Minh phải gặp cấp trên của chúng. Thế là Trại Bảo an binh, Dinh Khâm sai, Tòa Thị chính đã về tay quần chúng. Những người cầm đầu của chính quyền cũ đã được tạm giữ hoặc thu phục. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã giành thắng lợi mà không phải đổ một giọt máu.
Tối hôm ấy, Thường vụ Xứ ủy họp và tiếp tục cử Lê Trọng Nghĩa và Trần Đình Long đi gặp và đàm phán với viên tướng Tổng Tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật ở Đông Dương. Vì không có mối liên lạc sẵn với các quan chức Nhật, hai ông phải tìm đến một người phụ nữ, vợ chủ hiệu kem Nhật Bản ở chợ Hôm nhờ nói với chồng là sĩ quan Nhật làm trung gian đưa đến gặp các quan chức cao cấp Nhật. Đến giờ hẹn, hai ông cùng đồng chí tự vệ phóng chiếc xe từ Dinh Khâm sai có cắm cờ Việt Minh tới Tổng hành dinh quân đội Nhật. Hai người phỏng đoán, có khả năng sẽ bị đe dọa, uy hiếp nhiều hơn là bị cầm bắt nên chuẩn bị một thái độ thận trọng, thăm dò. Ông Long dặn ông Nghĩa: “Khi nói chuyện không nên động chạm đến thất bại của Nhật và hai quả bom nguyên tử của Mỹ vừa thả”. Viên Toàn quyền đã đợi sẵn ở phòng khánh tiết. Ông Nghĩa từ tốn: “Chúng tôi rất xúc động nhận được tin Thiên Hoàng chính thức ban lệnh đình chiến và đã đồng ý cho các ngài rút quân khỏi Đông Dương…”. Vừa nghe hai chữ “Thiên Hoàng”, thái độ của viên tướng Nhật và cộng sự thay đổi hẳn. Không khí cuộc gặp trở nên trang trọng, gần gũi hơn. Sau một hồi thương thảo, phía Nhật chấp nhận án binh bất động, không can thiệp vào công việc của Việt Minh. Đổi lại, binh lính Nhật sẽ được bảo đảm an toàn, không bị Việt Minh tấn công. Cuộc đàm phán thành công không chỉ làm cho cách mạng tránh được cuộc đụng độ với quân Nhật mà điều quan trọng là đã buộc các nhà chức trách Nhật phải thừa nhận chính quyền mới, dập tắt những hy vọng của các lực lượng chính trị khác tại Hà Nội khi đó.
Rời Tổng hành dinh của quân đội Nhật, hai ông trở về trụ sở Ủy ban khởi nghĩa khi đã nửa đêm. Thường vụ Xứ ủy rất phấn khởi khi nghe các ông báo cáo kết quả cuộc đàm phán với Toàn quyền Nhật và thông qua quyết định thành lập Ủy ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ do Nguyễn Khang làm chủ tịch, Lê Trọng Nghĩa là ủy viên, phụ trách công tác đối ngoại. Chính quyền mới sẽ ra mắt nhân dân vào ngay sáng ngày 20-8-1945…
(Ghi theo lời kể của Đại tá Lê Trọng Nghĩa)

Tuổi hai mươi được tham gia lật trang sử nước nhà (Kiến Quốc)



63 năm Cách mạng tháng Tám:
TP - Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến thăm đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên Ủy viên UBKN HN 1945, Cục trưởng Cục Quân báo đầu tiên năm 1950.
Đã 85 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn, ông chậm rãi kể lại những kỷ niệm của hơn 60 năm trước…
Ông Lê Trọng Nghĩa trước cửa Nhà hát Lớn TP Hà Nội
…Đầu năm 1939, khi đang học trường Gia Long (Hà Nội) thì tôi chuyển về Hải Phòng, tiếp tục học Thành chung năm thứ 3 và 4 ở trường Bonnal do ông Le Mineur, người Pháp, làm Hiệu trưởng.
Ngày mới về nghe đồn trong lớp có một bạn học rất giỏi và tài hoa. Đó chính là Nguyễn Đình Thi. Nhà trường hay tổ chức liên hoan văn nghệ, Thi thường lên sân khấu vừa đệm măng-đô-lin vừa hát. Từ đó chúng tôi luôn bên nhau.
Ở trường, trong giờ Lịch sử, các giáo sư người Pháp giảng cả về Cách mạng Dân chủ  tư sản Pháp cùng tên tuổi các nhà cách mạng, cả về Công xã Ba-lê…
Việc làm này đã hình thành trong đầu óc học sinh chúng tôi những tư tưởng tự do, dân chủ. Ngoài giờ học, anh em hay tham gia sinh hoạt ngoại khóa.
Thi là hội viên Hội Hướng đạo do cụ Hoàng Đạo Thúy đứng ra tổ chức, hoạt động công khai thông qua các sinh hoạt tập thể (cắm trại, dã ngoại…), nêu cao tinh thần yêu nước. 
Tháng 9/1940, Nhật nhảy vào Lạng Sơn, sau đó ném bom Hải Phòng. Dân thành phố Cảng trực tiếp chịu tai họa chiến tranh. Mỗi lần thấy giặc Nhật ngang nhiên chém giết dân ta mà nung nấu chí căm hờn.
Thanh niên, học sinh Hải Phòng ngấm ngầm tìm hiểu sách báo của Tự lực Văn đoàn, Mặt trận Bình dân, của phong trào dân chủ ở Sài Gòn, thậm chí đọc cả sách của Hít-le…
Hiểu biết dần được mở mang. Tôi và anh Thi cùng một số bạn bí mật trao tay những sách báo tiến bộ: “Đông Dương, SOS!”, “Lịch sử Đảng cộng sản Bôn-sê-vich Nga”…
Chúng tôi trăn trở: Thi xong diplome sẽ làm gì? Đi theo con đường nào, cộng sản quốc tế hay giải phóng dân tộc? Theo quốc tế cộng sản thì vấn đề dân tộc Việt sẽ ra sao? Cách mạng xong thì nhà nước được tổ chức thế nào?...
Có tin ở Bắc Sơn, Việt Bắc đang có chiến tranh du kích, rồi tin về Khởi nghĩa Nam Kỳ… Nhất là với tin tức về Mặt trận Việt Minh, chúng tôi đã khẳng định: “Chương trình Việt Minh” kết hợp được 2 vấn đề quốc gia và quốc tế, đồng thời sau khi giành chính quyền sẽ xây dựng nền dân chủ, cộng hòa.
Sau đó, hai anh em quyết định lên Hà Nội, rồi phân công: Thi vào học trường Bưởi, Nghĩa vào trường Thăng Long. Thành ủy Hà Nội suốt mấy năm liền bị khủng bố, bí thư mới về chưa nóng chỗ đã bị đánh bật ra.
Cuối cùng, chúng tôi bắt liên lạc được đ/c Xuyện - cán bộ Ban Cán sự (em trai đ/c Trần Quang Huy, học sinh Thăng Long 1935-40). Thành ủy HN mới được khôi phục lại sau 6 lần bị đàn áp”.
Hai chàng trai cùng tham gia Thanh niên cứu quốc. Ngày 6/1/1942, khi đang rải và dán truyền đơn ở cửa trường Thăng Long và Gia Long để kỷ niệm ngày thành lập Đảng, ra mắt Việt Minh thì 2 anh em bị bắt cùng các đ/c Xuyện, Thường.
Đến tháng 6/1942, Thi được thả, số còn lại bị đưa ra Tòa án Binh. Tôi bị kết án 4 năm, anh Xuyện- 5 năm, anh Thường- 5 năm và bị đưa về giam ở Hỏa Lò cùng Xứ ủy viên Trần Đăng Ninh.
Đêm 11/3/1945, lợi dụng Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương, đ/c Trần Đăng Ninh leo tường vượt ngục cùng một số anh em (trong đó có Lê Trọng Nghĩa). Đêm hôm sau, 80 tù chính trị còn lại được đ/c Trần Tử Bình tổ chức trốn ra ngoài theo đường cống ngầm.
Ông Nghĩa kể tiếp: “Hôm sau, tôi tìm về trú nhờ nhà anh Trần Quảng Kiến (bạn trong nhóm học sinh Bonnal) tại 30 Triệu Việt Vương. Vài bữa sau, Nguyễn Đình Thi bấm chuông tìm gặp: “Tôi được “tổ chức” cử tới gặp anh. Anh tranh thủ về quê thăm các cụ rồi lên nhận nhiệm vụ”.
Anh đưa cho 20 đồng bạc Đông Dương cùng một thẻ căn cước giả đi đường. Sau khi từ Quảng Yên lên, tôi gặp đ/c Lê Đức Thọ và được giao nhiệm vụ cùng anh Vũ Quý sang Ban Cán sự của Dân chủ đảng (tổ chức đảng của các nhân sĩ, trí thức yêu nước) ở phía Bắc. Còn Nguyễn Đình Thi trước đã phụ trách báo “Độc Lập” của Dân chủ đảng, nay chuyển về hoạt động ở Hội Văn hóa cứu quốc...”.
Đầu tháng 8/1945, các anh trong Trung ương và Thường vụ Xứ ủy đều lên Việt Bắc,  còn lại 2 ủy viên Thường vụ: Nguyễn Khang trực Hà Nội, Trần Tử Bình trực cơ quan Xứ ủy ở Vạn Phúc, Hà Đông.
Nguyễn Đình Thi được cử đi dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào. Còn tôi cùng các anh Trần Quang Huy, Nguyễn Quyết, Nguyễn Duy Thân tham gia vào UBKN HN do anh Nguyễn Khang làm Chủ tịch, anh Trần Đình Long làm cố vấn.
Tôi còn nhớ mãi cái không khí sôi động trong ngày 19/8/1945. Quần chúng nô nức kéo về Bờ Hồ. Khắp nơi hát vang bài “Tiến quân ca”  (Văn Cao) và “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi).
Sáng đó sau cuộc mít-tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, tôi theo chân anh Khang và anh Bình vào Bắc Bộ Phủ. Quần chúng cách mạng dũng mãnh vượt rào vào chiếm Phủ Khâm sai. Đ/c Trần Tử Bình cùng các chiến sỹ tự vệ, thanh niên xung phong tiến đến phòng làm việc của Nguyễn Xuân Chữ, cầm đầu “Ủy ban chính trị”.
Anh Bình lệnh cho tự vệ giải hắn về An toàn khu của Xứ, rồi yêu cầu quay máy cho tỉnh trưởng các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh thông báo ở Hà Nội, Việt Minh đã giành chính quyền và lệnh phải mau chóng giao chính quyền cho Việt Minh, nếu không sẽ bị xử tử.
Bên ngoài, quần chúng hạ cờ quẻ ly, giương cao lá cờ đỏ sao vàng nơi trung tâm hành chính của Bắc Bộ và cả nước. Đoàn biểu tình tiếp tục chiếm toà Thị chính, Kho bạc, Sở Cảnh sát Hàng Trống…”.
Giữa lúc đó, có tin báo cánh chiếm Trại Bảo an binh (đối diện rạp Majestic, nay là rạp Tháng Tám) do đ/c Nguyễn Quyết phụ trách đang gặp khó khăn. Quân Nhật cho xe tăng bít các ngả quanh doanh trại, chĩa súng vào quần chúng. Nhưng lực lượng ta kiên quyết không rời.
Hai ông Bình, Khang cùng ông Long hội ý gấp rồi cử Lê Trọng Nghĩa dùng chiếc xe Limouzine cắm cờ đỏ sao vàng, phóng ra thương thuyết với chỉ huy Nhật.
Chúng chấp nhận rút quân nhưng yêu cầu ta phải đến gặp Tư lệnh quân đội Nhật. Chiều hôm ấy, lực lượng cách mạng chiếm Trại không đổ một giọt máu và thu một kho vũ khí với hơn 1.000 khẩu súng.
Tối hôm đó, Thường vụ Xứ ủy cử ông Nghĩa và cố vấn Trần Đình Long đi gặp Tư lệnh kiêm Toàn quyền  Nhật ở Đông Dương Tsuchihashi. Trước khi đi, ông Long chỉ dặn: “Chớ có động chạm đến việc quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng minh hay bom nguyên tử đã nổ ở Hyrôsima hay Nagasaky”.
Cuộc gặp mặt mạo hiểm bắt đầu từ 8 giờ. Hai ông được dẫn vào phòng khánh tiết. Thấy trên tường treo lá cờ trắng mà ở giữa là mặt trời đỏ; tướng tá Nhật đứng xung quanh mặt lạnh tanh, súng gươm giắt đầy mình.
Hai ông chủ động chào hỏi rồi tự giới thiệu là đại diện của “cánh dân chúng nổi dậy chiếm Phủ Khâm sai sáng nay”. Như đã bàn bạc, ông Nghĩa lên tiếng: “Nghe tin Nhật Hoàng đã chấp thuận cho các ông rút quân về nước?”.
Vừa nghe 2 chữ “Nhật Hoàng”, nét mặt của đám tướng tá thay đổi hẳn. Sau đó, các nhà chức trách cao cấp Nhật bản xác định thái độ không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt, mặc nhiên thừa nhận nhà chức trách đương quyền tại Bắc Bộ Phủ. Ngay sau đó, Đại sứ Tsukamoto điện báo về Tokyo… 
Như vậy trong ngày 19/8 đã kết thúc nhanh chóng việc chiếm các cơ quan đầu não chính trị, quân sự của chính quyền Khâm sai ở Thủ đô mà không có sự chống đối, xung đột nào, không phải nổ một phát súng, không phải mất một giọt máu; đồng thời đã ngăn chặn được cuộc can thiệp của đội quân Nhật, có nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang hoặc đàn áp quần chúng. Và, thắng lợi ở Hà Nội lập tức kéo theo sự rúng động làm tan vỡ hệ thống chính quyền ngụy ở Bắc Bộ.
“Và ngay trong đêm ấy, - ông Nghĩa tiếp lời - khi từ Đồn Thủy trở về, tôi thấy Thường vụ Xứ ủy cùng UBKN HN vẫn đang chong đèn họp. Và sáng hôm sau, ngay tại vườn hoa Con Cóc trước Bắc Bộ Phủ, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời của Bắc Bộ và Hà Nội chính thức ra mắt quốc dân đồng bào.
Có gì tự hào hơn khi ở độ tuổi hai mươi, chúng tôi đã được cùng đồng chí, đồng bào lật cuốn sử nước nhà sang một trang mới!”.
Kiến Quốc