Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Chế độ quân hàm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (Vũ Phong Tạo - Quân Đội Nhân Dân)

Chế độ quân hàm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc

QĐND - Thứ Năm, 16/02/2012, 15:24 (GMT+7)
QĐND - Trước khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã hai lần dự định thực hành chế độ quân hàm. Nhưng do hoàn cảnh, hai lần dự định ấy đều không thể thực hiện.
Sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nhằm tăng cường xây dựng quân đội Trung Quốc chính quy hóa, hiện đại hóa, mùa đông năm 1952, quân đội Trung Quốc đã bắt tay nghiên cứu chế độ quân hàm.
Ngày 26-11-1952, trong báo cáo với Chủ tịch Mao Trạch Đông và Quân ủy Trung ương, Cục Cán bộ Tổng bộ Chính trị đã sơ bộ đệ trình kế hoạch và những vấn đề chuẩn bị thực hành chế độ quân hàm.
Lễ tấn phong quân hàm Nguyên soái nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, năm 1955. Chủ tịch Mao Trạch Đông trao quân hàm cho Nguyên soái Chu Đức.
Năm 1955, quân đội Trung Quốc chính thức thực hiện chế độ quân hàm.
Xây dựng cấp bậc của chế độ quân hàm lần này được dựa trên cơ sở của hệ thống cấp bậc quân hàm truyền thống của Trung Quốc, đồng thời có tham khảo theo chế độ quân hàm của các nước Liên Xô, Triều Tiên.
Chế độ quân hàm đặt 4 cấp 14 bậc, tức Đại nguyên soái nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nguyên soái nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Đại nguyên soái thực tế không thụ phong); Đại tướng, Thượng tướng, Trung tướng, Thiếu tướng; Đại tá, Thượng tá, Trung tá, Thiếu tá; Đại úy, Thượng úy, Trung úy, Thiếu úy.
Ngày 27-9-1955, Hội nghị lần thứ 22 Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Nghị quyết thụ phong quân hàm Nguyên soái nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã thụ phong quân hàm Nguyên soái nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho 10 vị: Chu Đức, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, Lưu Bá Thừa, Hạ Long, Trần Nghị, La Vĩnh Hằng, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn, Diệp Kiếm Anh.
Thủ tướng Quốc vụ viện Chu ân Lai đọc mệnh lệnh và thụ phong quân hàm Đại tướng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho 10 người: Túc Dụ, Hoàng Khắc Thành, Đàm Chính, Tiêu Kinh Quang, Vương Thụ Thanh, Trần Canh, La Thụy Khanh, Hứa Quang Đạt, Từ Hải Đông, Trương Vân Dật; Thụ phong quân hàm Thượng tướng cho 55 người; Thụ phong quân hàm Trung tướng cho 175 người; Thụ phong quân hàm Thiếu tướng cho 801 người (trong đó có đồng chí Hồng Thủy -Nguyễn Sơn, người Việt Nam, người nước ngoài duy nhất được phong hàm cấp tướng của Trung Quốc).
Về sau, trong thời gian từ năm 1956 đến năm 1964, lại tiếp tục tấn phong một loạt tướng quân. Đến năm 1965, tổng cộng đã thụ phong quân hàm cấp tướng cho 1.614 người.
Ngày 22-5-1965, Hội nghị Thường vụ lần thứ 9 Quốc hội Trung Quốc khóa 3 đã thông qua “Quyết định về thủ tiêu chế độ quân hàm Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc”, bắt đầu thi hành từ ngày 1-6-1965.
Tháng 3-1980, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đặng Tiểu Bình đề xuất cần thực hiện lại chế độ quân hàm.
 “Luật Binh dịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” do Hội nghị Thường vụ lần thứ 2 Quốc hội Trung Quốc khóa 6 họp ngày 31-5-1984 thông qua, đã quy định: “Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thực hành chế độ quân hàm”.
Tháng 6-1985, Quân ủy Trung ương triệu tập Hội nghị mở rộng, kiên quyết đề xuất cắt đứt thể chế quân hàm đã thực hành từ năm 1965 về trước, “thực hành chế độ quân hàm mới”.
Ngày 1- 7-1988, Hội nghị Thường vụ lần thứ 2 Quốc hội Trung Quốc khóa 7 đã thông qua “Điều lệ Quân hàm Sĩ quan Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc”.
Chế độ quân hàm của hạ sĩ quan, chiến sĩ đồng thời được lập. Chế độ quân hàm mới công bố không lập cấp Nguyên soái, Đại tướng và Đại úy, coi cấp Thượng tướng là quân hàm cao nhất.
Quân hàm sĩ quan thiết lập 3 cấp 11 bậc, tức là Cấp tướng gồm Thượng tướng cấp 1, Thượng tướng, Trung tướng, Thiếu tướng; Cấp tá gồm Đại tá, Thượng tá, Trung tá, Thiếu tá; Cấp úy gồm Thượng úy, Trung úy, Thiếu úy.
Sĩ quan hải quân, không quân quân hàm thêm từ “Hải quân”, “Không quân”.
Sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, trong quân hàm thêm từ “Chuyên môn kỹ thuật”.
Lãnh đạo Quân ủy Trung ương Đặng Tiểu Bình, Dương Thượng Côn chủ động đề xuất bản thân mình không nhận quân hàm, vì thế, bậc Thượng tướng cấp 1 bỏ trống.
Ngày 12-5-1994, Hội nghị Thường vụ lần thứ 7 Quốc hội Trung Quốc khóa 8 thông qua Quyết định về sửa đổi “Điều lệ Quân hàm Sĩ quan Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc”.
Điều lệ Quân hàm sau khi sửa đổi thiết lập 3 cấp 10 bậc, tức Thượng tướng, Trung tướng, Thiếu tướng; Đại tá, Thượng tá, Trung tá, Thiếu tá; Thượng úy, Trung úy, Thiếu úy.
Ngày 10-9-1995, ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa 8 thông qua “Luật Sĩ quan dự bị nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, quy định quân hàm sĩ quan dự bị thiết lập 3 cấp 8 bậc, tức Thiếu tướng; Đại tá, Thượng tá, Trung tá, Thiếu tá; Thượng úy, Trung úy, Thiếu úy.
 “Luật Binh dịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” công bố tháng 12-1998 quy định: Thời gian làm nghĩa vụ quân sự là 2 năm, và không kéo dài thời hạn làm nghĩa vụ nữa. Theo luật này, từ năm 1999 về sau, bỏ quân hàm Hạ sĩ quan và Quân nhân chuyên nghiệp.
Lễ Tấn phong quân hàm Thượng tướng cho 6 sĩ quan cao cấp QGPNDTQ, ngày 23-7-2011. Ảnh tư liệu
Quân hàm biên chế của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, về cơ bản thực hành chế độ một chức vụ biên chế hai bậc quân hàm, “Điều lệnh quân hàm sĩ quan…” sửa đổi do ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua năm 1994, quy định: Các chức vụ Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị biên chế quân hàm là Thượng tướng. Không thụ phong quân hàm Thượng tướng cho Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Biên chế quân hàm cho các chức vụ khác như sau:
Chức Trưởng Đại quân khu: Trung tướng, Thượng tướng;
Chức Phó Đại quân khu: Thiếu tướng, Trung tướng;
Chức Trưởng Quân khu: Thiếu tướng, Trung tướng;
Chức Trưởng Sư đoàn: Đại tá, Thiếu tướng;
Chức Phó Sư đoàn (chức Trưởng Lữ đoàn): Thượng tá, Đại tá;
Chức Trưởng Trung đoàn (Chức Phó Lữ đoàn): Trung tá, Thượng tá;
Chức Phó Trung đoàn: Thiếu tá, Trung tá;
Chức Trưởng Tiểu đoàn: Thượng úy, Thiếu tá;
Chức Phó Tiểu đoàn: Thượng úy, Thiếu tá;
Chức Trưởng Đại đội: Trung úy, Thượng úy;
Chức Phó Đại đội: Trung úy, Thượng úy;
Chức Trung đội: Thiếu úy, Trung úy.
Ngày 23-7-2011, Quân ủy Trung ương nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã tổ chức Lễ tấn phong quân hàm Thượng tướng cho 6 sĩ quan cao cấp là Tôn Kiến Quốc, Hầu Thụ Sâm, Phó tổng tham mưu trưởng; Giả Bình An, Phó chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị; Lưu Hiểu Giang, Chính ủy Hải quân; Trương Hựu Hiệp, Tư lệnh Quân khu Thẩm Dương; Lý Trường Tài, Chính ủy Quân khu Lan Châu.
Tính đến ngày 23-7-2011, Quân Giải phóng nhân dân và Bộ đội cảnh sát vũ trang của Trung Quốc đã có 191 sĩ quan cao cấp được phong quân hàm Thượng tướng, quân hàm cao nhất ở Trung Quốc hiện nay.
Vũ Phong Tạo

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Nhạc của Tây sao ngớ ngẩn vậy?


Có những người Việt Nam không biết tiếng Tây nhưng cứ thích nghe C. Jérôme hát bài Dernier Baiser
Quand vient la fin de l'été, sur la plage
Il faut alors s'en aller
Les vacances ont duré
Emportant la tendresse
De nos baisers
Le soleil est plus pâle
Et nous n'irons plus danser
Crois-tu qu'après tout un hiver
Notre amour aura changé

rồi hiểu thế này:

và dám đem lên báo VnExpress đăng cho thiên hạ xem.

Hết hè rồi còn sẽ có kỳ nghỉ dài nào nữa? Ca sĩ chỉ muốn nói rằng đến những ngày cuối của mùa hè (fin de l’été) là hết (ont duré) luôn kỳ nghỉ (vacances). Durer trong tiếng Pháp có một nghĩa là kéo dài (về mặt thời gian), dùng ở thì passé composé trong trường hợp này chỉ có nghĩa là đã hết (có muốn kéo dài hơn nữa cũng không được, ái ân ta chỉ có ngần ấy thôi).

Il faut s’en aller là (đành) phải ra đi (thôi).

Ai mang theo nụ hôn? Anh nào mang đi nụ hôn của chúng tôi? Chỉ có mùa hè chấm dứt, mang đi nụ hôn của chúng mình. Hiểu một cách trần tục là hết hè thì (mình) hết hôn, thế thôi.

Bạn nào tin là tình yêu của chúng tôi sẽ đổi thay? Đây không phải lời chuyện tôihỏi người nghe về tình yêu của chúng tôi mà là lời của người yêu đang nói với người yêu, gọi “đối tác” của mình là tu: Cưng (anh / em / ai...) ơi, cưng (...) có tin là tình yêu của chúng mình sẽ đổi thay không?

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Sao mà lộn xộn quá?


Các nguyên lý căn bản trong sách Cơ sở hình họccủa Ơ-clít được chia làm hai loại. Một loại là những điều tự minh chi lý (自明之理), hiển nhiên là đúng, ai cũng phải công nhận. Loại kia gồm những nguyên lý không hiển nhiên, nhưng tác giả yêu cầu người đọc chấp nhận là đúng để có thể dựa vào đó mà làm việc tiếp. Peyrard (1804) dịch sát từng chữ của bản gốc, dùng từ notion commune để gọi các nguyên lý hiển nhiên đúng và dùng từ demande (nghĩa là yêu cầu) để gọi các nguyên lý mà yêu cầu công nhận là đúng. Bản tiếng Anh của Heibert (1883-1885) lần lượt gọi hai loại nguyên lý đó là common notion postulate.

Notion commune trong tiếng Pháp về sau được thay bằng axiome (tiếng Anh : axiom, tiếng Nga: аксиома), thuật ngữ mà nhà triết học A-ri-xtốt (Aristote / Aristotle) đã dùng để gọi các nguyên lý dùng làm cơ sở xuất phát cho mọi chứng minh khoa học. Postulate của tiếng Anh tương đương với postulat của tiếng Pháp và постулат của tiếng Nga, do tiếng La Tinh là postulatum nghĩa là (điều) yêu cầu.

Năm 1936, khi soạn từ điển Pháp Việt, Đào Duy Anh tham khảo các từ điển Pháp Hoa dịch axiomeđịnh lý, không cần chứng giải mà ai cũng thừa nhận (Đào Duy Anh, 1950:124), postulat cũng là... định lý, định tắc (Đào Duy Anh, 1950:1343). Độ dăm năm sau đó, Hoàng Xuân Hãn cũng tham khảo các từ điển chữ Hán để dịch axiome công lý (Hoàng Xuân Hãn, 1959:16) và postulatđịnh đề (Hoàng Xuân Hãn, 1959:141).   Các từ điển xuất bản ở miền Nam trước năm 1975 như Đào Đăng Vỹ (1960), Thanh Nghị (1967b), Ban Tu Thư Khai Trí (1971) đều theo thuật ngữ của Hoàng Xuân Hãn.
 
Năm 1977 hai biên tập viên của nhà xuất bản Khoa Học Kỹ Thuật là Nguyễn Đình Đằng và Nguyễn Mạnh Hùng được phân công xây dựng bản thảo Từ điển toán học Nga Việt. Ban hiệu đính tập thuật ngữ này gồm những nhà toán học hàng đầu như Lê Văn Thiêm, Phan Đình Diệu, Trần Vinh Hiển, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Đình Trí, Hoàng Tụy, Ngô Đạt Tứ. Tập thể biên soạn và hiệu đính chủ yếu dựa vào hai tập thuật ngữ mà họ đã chế tác và sử dụng trong thời gian chiến tranh: Danh từ toán học Nga-Việtdo Nguyễn Cảnh Toàn chủ biên, Hà Nội,1962 Từ điển toán học Anh Việt do Phan Đức Chính chủ biên, Hà Nội, 1972. Trong tập thuật ngữ này аксиома được dịch là tiên đề (Nguyễn Đình Đằng et al. 1979:15) còn постулатtiên đề, định đề (Nguyễn Đình Đằng et al., 1979:135). Do quy ước dấu phẩy dùng để ngăn cách thuật ngữ đồng nghĩa, ta hiểu постулат có thể dịch là tiên đề hay định đề đều được nhưng аксиомаchỉ có thể là tiên đề thôi!

Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (2006:983) định nghĩa tiên đềmệnh đề được thừa nhận mà không chứng minh, xem như là xuất phát điểm để xây dựng một lí thuyết toán học nào đó. Và định đề chính là tiên đề (Hoàng Phê, 2006:325). Cách chuyển chú như vậy có nghĩa là tiên đềđịnh đề là hai từ đồng nghĩa nhưng tiên đề phổ biến hơn định đề.

Trong tiếng Pháp đầu thế kỷ 20, axiomepostulat vẫn còn phân biệt rất rõ ở chỗ hiển nhiên hay không hiển nhiên đúng, nhưng dần dần sự phân biệt này cũng trở nên khó khăn và hai từ tự nhiên trở thành đồng nghĩa trong thực tế mà postulat ngày càng ít dùng. (On ne distingue plus de nos jours axiome et postulat; le mot postulat est de moins en moins employé`` (BOUVIER-GEORGEMath. 1979).

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

CHỮ NHO VỚI NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM - Nguyễn Cảnh Toàn


TB

LTS. Bài viết này đăng trên báo Văn nghệ số 16 (2257) thứ 7 ngày 19/4/2003, nhưng xét thấy nội dung bài viết có ý nghĩa với ngành Hán Nôm học. Tạp chí Hán Nôm xin phép tác giả đăng lại.
I. Một khoảng trống đáng sợ
Những người Việt Nam tuổi dưới 60 tuyệt đại bộ phận đều mù chữ Nho vì đã lâu lắm rồi, trường phổ thông không còn dạy chữ Nho cho học sinh nữa. Điều đó đương để lại một khoảng trống đáng sợ. Một dân tộc càng tiến lên thì ngôn ngữ của dân tộc đó càng phát triển, nhất là ở thời đại ngày nay khi mà tốc độ đi lên của cả nền văn minh vật chất và tinh thần thường được kèm theo tính từ “chóng mặt”. Ngày xưa, tiếng Việt phát triển một cách tự phát, còn từ thập kỉ 40 của thế kỉ XX, đã có yếu tố tự giác, bắt đầu từ quyển Danh từ khoa học của ông Hoàng Xuân Hãn. Ông Hãn dùng ba cách đặt ra các từ mới để gọi những cái đã xuất hiện trong cuộc sống nhưng người Việt Nam chưa có từ để gọi. Cách thứ nhất là dùng những từ đã có sẵn để tạo nên từ mới như ghép “tủ” với “lạnh” để gọi cái mà người Pháp gọi là “frigidaire”, hoặc dùng “hình nêm” để chỉ hình mà người Pháp gọi là “conoide” vì hình đó giống cái nêm. Cách thứ hai (mà ông Hãn gọi là phương sách gốc Nho) là dùng từ Hán Việt tức là từ Hán nhưng đọc theo cách Việt, viết bằng chữ cái La tinh và đặt vào trong câu theo văn phạm Việt Nam. Cách thứ ba là phiên âm từ tiếng Pháp như vôn (volt), ămpe (ampère). Nhờ có cuốn Danh từ khoa học của ông Hãn rồi sau đó, một vài cuốn danh từ sinh học, y học, nông nghiệp mà khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ta đã có thể dạy bằng tiếng Việt ở tất cả các cấp bậc học, điều mà nhiều nước thuộc địa mới giành được độc lập không làm nổi. Nhưng những cuốn danh từ đó nhanh chóng bị vượt qua do sự phát triển nhanh của giáo dục và khoa học ở nước ta. Vì vậy từ năm 1960, Ủy ban Khoa học Nhà nước lập ra nhiều nhóm biên soạn các cuốn Danh từ khoa học Nga - Việ t rồi Anh - Việt thuộc nhiều chuyên ngành khoa học và kỹ thuật. Hồi đó, tôi được phân công chủ biên cuốn Danh từ Toán học Nga - Việt (xuất bản năm 1962). Chúng tôi chấp nhận ba cách đặt từ mới của ông Hoàng Xuân Hãn với thứ tự ưu tiên là dùng cách thứ nhất trước, bí lắm mới dùng cách thứ hai, nếu vẫn bí, thì mới dùng cách thứ ba (chỉ khác với ông Hãn là chúng tôi phiên âm từ tiếng Anh). Tuy được ưu tiên như vậy nhưng cách thứ nhất gặt hái nghèo nàn, cách thứ ba vấp phải khó khăn ở chỗ tiếng Anh là đa âm còn tiếng Việt là đơn âm nên nếu lạm dụng việc phiên âm thì đọc một câu có từ phiên âm nghe rất lai căng. Rốt cuộc, dù xếp ưu tiên hai, cách “gốc Nho” đưa lại hiệu quả nhiều nhất vì mấy lẽ sau đây:
Cha ông ta, qua hai nghìn năm lịch sử dùng tiếng Hán đã Việt hóa tiếng Hán đến tận xương tủy, nhất là trong cách đọc, đạt được âm hưởng Việt Nam trăm phần trăm; tiếng Hán lại rất thuận tiện cho việc đặt các từ dẫn xuất khi đã có một từ gốc nào đó. Ví dụ, chỉ cần thêm vào một chữ “kế ” là có từ để chỉ dụng cụ đo: nhiệt kế, lực kế, vôn kế, ămpe kế,...; chỉ cần thêm vào một chữ “hóa” là có ngay từ để chỉ sự biến đổi trạng thái, ví dụ “tiên đề” (axiom) thì có ngay “tiên đề hóa” (axiomatize); đôi khi trong tiếng Việt đã có từ rồi, nhưng vẫn phải dùng cách “gốc Nho” để đặt một từ khác vì còn phải xét đến việc đặt từ vào trong câu hoặc lập ra các từ dẫn xuất sao cho thuận tiện, hoặc vì từ có sẵn bị coi là “tục”, người có văn hóa phải tránh dùng, nếu phải dùng thì có một từ khác được coi là “thanh” chẳng hạn như các từ liên quan đến sự bài tiết, sinh sản của con người. Cho nên trong thực tế, cách “gốc Nho” trở thành một cách rất quan trọng để phát triển tiếng Việt. Đó cũng là lí do tại sao trong tiếng Việt các từ Hán Việt lại chiếm tỉ lệ cao như vậy. Và chúng ta phải rất cảm ơn cha ông ta đã để lại cho chúng ta cái di sản quí báu là “chữ Nho”. Nhiều người vẫn thấy vướng với việc chữ Nho là ngoại lai. Trong sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, việc vay mượn là lẽ thường; điều đáng quan tâm nhất là cái đi vay mượn đó về có dùng được tốt không, nhuyễn không, tinh tế không. Các từ Hán Việt đạt được các yêu cầu đó và là công lao của ông cha ta. Nhưng, muốn dùng được cách “gốc Nho” thì phải biết chữ Nho, chí ít thì cũng phải biết một trình độ chữ Nho phổ thông như cả nhóm chúng tôi hồi 1960, khi soạn quyển Danh từ toán học Nga – Việt; ít ra mỗi người trong nhóm chúng tôi đều đã học chữ Nho khi còn là học sinh tiểu học và cao đẳng tiểu học (tương đương trung học cơ sở ngày nay); hồi đó thi tốt nghiệp cao đẳng tiểu học (diplôme) có một bài thi chữ Nho. Hồi còn đi học phổ thông tôi những tưởng học chữ Nho rồi cũng chả có ích gì, giống như cụ Tú Xương đã than:

Nào có ra gì cái chữ Nho
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co...
Nay thì có thể thưa với cụ rằng, chữ Nho vẫn rất cần để phát triển tiếng Việt, để hiểu sâu, để thưởng thức cái hay, cái đẹp của văn hóa Việt Nam. Nhìn các cháu hiện nay học tiếng Việt (mà không được học chữ Nho) thì thấy các cháu học vất vả quá mà hiệu quả lại thấp. Con tôi rồi đến cháu tôi thuộc thế hệ mù chữ Nho. Thỉnh thoảng có cháu lại hỏi tôi nghĩa của một từ Hán Việt mà ngày xưa, khi học phổ thông, nhờ có chữ Nho mà tôi hiểu sâu, thưởng thức được cái hay, cái đẹp, cái tinh tế của nền văn hóa dân tộc ẩn trong đó. Ngày nay, có giải nghĩa cho con, cho cháu thì cũng phải tự hạn chế vì biết rằng chúng mù chữ Nho nên cũng chẳng đi sâu vào cấu tạo của từ, càng không đi sâu vào chiết tự để làm nổi lên cái hay, cái đẹp, cái tinh tế. Nghĩ đến những áng văn như Truyện Kiều, tuy là văn Nôm nhưng từ Hán Việt trong đó còn nhiều lắm, tôi tự nghĩ những người mù chữ Nho, đọc chắc vất vả lắm và sự thưởng thức cái hay, cái đẹp chắc cũng bị hạn chế nhiều. Qua việc học của con cháu trong nhà, tôi đã cảm thấy sự mất mát lớn của tiếng Việt khi mà ở trường phổ thông không còn dạy chữ Nho cho học sinh. Tóm lại càng cảm thấy đó là một khoảng trống lớn khi việc không dạy chữ Nho đã kéo dài suốt ngót sáu chục năm và cảm thấy cái khoảng trống đó càng lớn khi mở các sách ngày nay về tin học bằng tiếng Việt: đó là những quyển sách lổn nhổn tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Ngay trong một bài của báo Sinh viên số ra ngày 24-2-2003, ở trang 7, cột 3, ta tìm thấy một câu như sau: “Một thành viên đăng kí với tên Nickvn hacker, liên tục post những lời cảnh báo lên fortum của hackervn lời lẽ thách thức phỉ báng hacker chỉ là thứ trình độ “còm”, chẳng biết làm gì ngoài việc đánh cắp vài ba cái account Internet...”. Điều có thể thông cảm là tin học đương phát triển mạnh mà ta cần sớm có sách bằng tiếng Việt phục vụ cho dạy và học tin học, nên không thể chờ đặt được các từ tiếng Việt tương ứng rồi mới soạn sách, nên cứ tạm bê nguyên tiếng Anh vào cái đã rồi hạ hồi phân giải. Nhưng hạ hồi là bao giờ và ai sẽ phân giải khi tuyệt đại đa số chuyên gia về tin học hiện nay thuộc thế hệ mù chữ Nho? Chẳng nhẽ bây giờ lại chấp nhận cách đặt từ mới thứ tư là “bê nguyên xi tiếng Anh vào”. Nếu thế tiến thêm một bước thì sẽ đi đến đâu ? - Đến chỗ thừa nhận rằng tiếng Việt là bất lực không diễn tả nổi các khoa học hiện đại nhất và trong các lĩnh vực đó nên dùng tiếng Anh làm chuyển ngữ. Thế thì sẽ còn gì là sự trong sáng của tiếng Việt, sự tự hào về mặt tiếng Việt có khả năng diễn đạt những điều tinh tế nhất và từ đó sẽ còn đâu là một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, còn đâu là sự hòa nhập, mà không hòa tan. Khi mà cái vỏ của văn hóa là ngôn ngữ đã tỏ ra bất lực phải viện ngoại đến mức như vậy ?
II. Đối sách để lấp khoảng trống
Vậy thì vấn đề không dạy chữ Nho ở trường phổ thông không phải là chuyện nhỏ mà là chuyện to cần phải giải quyết. Hiện nay, nhiều người chưa cảm thấy hết cái khoảng trống do sự mù chữ Nho để lại, vì số người trên 60 tuổi không mù chữ Nho còn khá nhiều trên cõi đời này. Nhưng độ ba mươi năm nữa thì số này sẽ hết nếu ta không kịp có đối sách. Bây giờ mới có đối sách thì đã hơi muộn nhưng muộn còn hơn không. Mà phải bắt tay ngay vì đối sách cũng không đơn giản, phải vượt qua nhiều khó khăn và phải kiên trì trong mười lăm năm thì mới có hiệu quả.
Những khó khăn phải vượt trước hết là những khó khăn về nhận thức, vì nếu nhận thức không nhất trí thì sẽ khó có sự đồng tâm để có sức mà làm.
Nhận thức đầu tiên là nhận thức rằng việc bỏ dạy chữ Nho ở nhà trường phổ thông trong một thời gian dài đã để ra một khoảng trống lớn trong việc các thế hệ tiếp nhau phát triển tiếng Việt kịp với sự phát triển của văn hóa và khoa học ở thời đại hiện nay.
Nhận thức thứ hai là nhận thức rằng, tuy có nhiều khó khăn, nhưng ta phải khôi phục được việc dạy chữ Nho ở nhà trường phổ thông. Một khó khăn cần khắc phục là bây giờ ai cũng kêu chương trình học phổ thông quá tải, trẻ con phải học quá nhiều, chả còn thời giờ mà vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao. Nếu lại thêm chữ Nho thì sẽ còn nhồi nhét đến đâu. Xin thưa rằng, hiện nay học quá tải chủ yếu không phải do khách quan mà do những khuyết điểm chủ quan sau đây:
- Một là “tham kiến thức”. Chẳng hạn chương trình toán Trung học phổ thông bình thường hiện nay (nghĩa là không phải “chuyên” cũng không phải phân ban, ban A) nặng hơn chương trình tú tài toán ngày xưa; ví dụ tú tài toán chỉ mới học nguyên hàm chưa học tích phân, chưa học số e, thì nay lớp 12 đã học nhiều kiến thức trước đây là của Đại học.
- Hai là “chưa tận dụng được ngoại khóa”. Chẳng hạn, nếu vì muốn gắn nhà trường với đời sống mà đưa thêm một số chi tiết về xác suất và thống kê vào chương trình toán thì chỉ làm nặng thêm chương trình, chi bằng đưa học sinh vào hành động ngoại khóa qua đó học phân, cân, đong, đo, đếm để có số liệu rồi dạy rất thiết thực cho họ cách xử lý các số liệu đó thì hay hơn nhiều, vừa không làm nặng chương trình vừa gắn với đời sống thực sự.
- Ba là hay nhân danh “giáo dục toàn diện” mà rồi cái gì cũng muốn nhét vào chương trình, vào nội khóa. Cần phải thấy rằng “toàn diện” là trên cơ sở “cơ bản”, nghĩa là cái gì là “cơ bản” mới có trong chương trình, còn phạm vi ứng dụng cụ thể của những điều cơ bản thì quá rộng làm sao ôm hết được trong mọi khóa, nhiều điều phải để cho cuộc sống dạy. Hiện nay có khuynh hướng là những gì chưa tốt trong quản lí xã hội đều muốn đưa vào dạy ở trường phổ thông với hy vọng trẻ em được học như vậy sẽ cải thiện được tình hình quản lý xã hội. Đành rằng trẻ em được giáo dục tốt có thể tác động trở lại người lớn nhưng tác dụng của những người lớn gương mẫu mới có ý nghĩa quyết định đối với cuộc sống và khi đó người lớn giáo dục trẻ em mới có hiệu quả. Thực tế đã chứng tỏ điều đó. Bao nhiêu năm đưa luật lệ giao thông vào dạy trong nhà trường chẳng hề thay đổi được mảy may tình hình lộn xộn trong giao thông; nhưng từ tết Quý Mùi, việc quản lý giao thông ở thành phố Hà Nội có chuyển biến nhờ khắc phục được “hữu khuynh” và “tiêu cực”. Nếu duy trì được lâu dài thì sẽ gây ra một nếp tốt cho người đi đường. Khi đó, chả cần đưa luật đi đường vào dạy trong nhà trường, trẻ em cũng sẽ biết tôn trọng luật nhờ noi gương người lớn và nhờ luật pháp nghiêm minh, em nào không tuân sẽ bị phạt, nghĩa là cuộc sống sẽ dạy các em.
Sự quá tải còn do phương pháp dạy và học quá lạc hậu. Bác Hồ đã nói: “Về cách học phải lấy tự học làm cốt” nhưng cách dạy, cách học, cách quản lý hiện nay trong nhà trường lại rất coi thường tự học. Đi học về, đáng lẽ phải để thì giờ nghiền ngẫm những gì đã nghe giảng trên lớp, tức là tự học bài cho có chiều sâu, thì lại phí thời giờ đến nghe thụ động ở các lớp dạy thêm thì hiệu suất học tập làm gì chả thấp, thì giờ tốn nhiều mà tiến bộ chẳng được bao nhiêu. Cho nên “quá tải” hiện nay là có thật, nhưng đó là tình hình bệnh hoạn có thể sửa được chứ không phải là một tất yếu khách quan. Nếu chưa được thì hoàn toàn có điều kiện để khôi phục lại việc dạy chữ Nho ở trường phổ thông để nay mai, mọi người dân đều có một trình độ phổ thông về chữ Nho, coi như một bộ phận hữu cơ của trình độ tiếng Việt. Với cái trình độ Phổ thông về chữ Nho đó, bất cứ ai là chuyên gia trong một ngành chuyên môn, đều có thể dùng cách “gốc Nho” để tham gia đặt từ mới trong lĩnh vực chuyên môn của mình, đồng thời đối với tiếng Việt nói chung, họ sẽ hiểu sâu hơn tiếng mẹ đẻ của mình, biết thưởng thức cái hay, cái đẹp của nó và thông qua nó mà thấm nền văn hóa dân tộc.
Mấy năm gần đây “thi pháp” đã phục hồi, các câu lạc bộ thư pháp mọc lên ở rất nhiều địa phương. Điều đó chứng tỏ rằng chữ Nho với những chữ Việt “phượng múa, rồng bay” đã đi vào tâm khảm của người Việt Nam. Điều đó cũng giải thích tại sao bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên và bài thơ Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ lại được nhiều người đánh giá cao. Là vì “câu đối đỏ” với các chữ Nho “phượng múa, rồng bay”, đã ăn sâu vào tâm khảm người Việt Nam mỗi lần Tết đến, xuân về. Vũ Đình Liên sẽ không phải than thở: “hồn ở đâu bây giờ?” vì hồn đó đã nhập vào các vị thư pháp vừa mới hồi sinh. Họ sẽ tiếp nối các “thầy khóa gò lưng trên cánh phản”. Nay mai nếu xóa được nạn “mù chữ Nho” thì người Việt Nam còn gắn bó nhiều hơn với các câu đối, hoành phi không chỉ vào dịp tết mà quanh năm vì, ngoài cái mỹ cảm “phượng múa, rồng bay”, họ còn có thêm khả năng hiểu được nội dung. Tuy có những thuận lợi như trên nhưng việc khôi phục “dạy chữ Nho” cũng vẫn rất khó khăn vì người ta đua nhau đi học tiếng Anh, vi tính, còn quá hiếm người tìm học chữ Nho, nhất là thanh thiếu niên nếu như nhà trường phổ thông không dạy. Để càng chậm càng khó. Chắc là phải bắt đầu tập hợp những chuyên gia về lĩnh vực này để nghiên cứu chương trình, viết sách giáo khoa, nghiên cứu cách dạy, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, dạy thử trong phạm vi hẹp rồi mở rộng dần, tiến đến việc gắn hữu cơ việc học chữ Nho với việc học tiếng Việt. Việc nghiên cứu chương trình phổ thông hiện nay vẫn cứ để tách riêng vì việc nghiên cứu khôi phục dạy chữ Nho chắc còn phải kéo dài đến mươi lăm năm. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu đổi mới chương trình hiện nay thì rất nên chú ý đến việc tinh giảm theo bốn phương hướng đã nêu trên thì sau mới có thể đưa thêm chữ Nho vào được.
Việc đào tạo chuyên gia Hán Nôm lâu nay đã có Viện Nghiên cứu Hán Nôm chăm lo nhưng, nếu nhìn vấn đề như trên thì phải có thêm một số trường Đại học như Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Xã hội chia sẻ gánh nặng trong sự gắn kết đào tạo giáo viên, nghiên cứu viên với nghiên cứu khoa học. Cũng không nên nghĩ rằng, ở các trường Đại học đó chỉ có Khoa Ngữ văn mới cần đến chữ Nho, vì lẽ ở bất cứ bộ môn nào cũng đầy những từ Hán Việt và sẽ cần đến chữ Nho để phát triển tiếng Việt trong phạm vi bộ môn. Mà “bộ môn” bao gồm cả triết lý bộ môn và lịch sử bộ môn, dù là trong giảng dạy hay trong nghiên cứu khoa học. Lấy ví dụ, hiện nay, về lịch sử toán học cổ của Việt Nam, ta chỉ biết có hai người là Vũ Hữu và Lương Thế Vinh. Sự phát hiện ra hai vị này cũng là nhờ các nhà nghiên cứu lịch sử. Nhưng chả lẽ cả lịch sử mấy nghìn năm, về toán học ta chỉ có thế thôi ư ? Một lần, trao đổi với một Giáo sư Nga (công tác tại Viện nghiên cứu lịch sử các khoa học tự nhiên của Liên Xô), khi ông ta hỏi thăm về lịch sử xa xưa của toán học Việt Nam và nghe tôi trả lời, thì ông ta cũng lấy làm lạ về sự nghèo nàn đó. Ông ta cho biết ngay Campuchia cũng đã có những tài liệu về toán học xa xưa của họ để trao đổi với Viện của ông ta. Có lẽ vì chúng ta chưa có chủ trương nghiên cứu về lịch sử toán học xa xưa của Việt Nam. Cuối cùng, khi chia tay, vị Giáo sư đó vẫn tha thiết mong rằng, nếu trong tương lai, Việt Nam có những tài liệu như vậy thì xin trao đổi với Viện ông ta. Tôi có nói: “Nếu có tài liệu như vậy thì chắc là tài liệu chữ Nho”. Ông ta bảo: “Chữ gì cũng được, Viện chúng tôi cũng có cách đọc được”. Tầm nhìn của người ta là như vậy.
Tóm lại, chữ Nho có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của dân tộc ta và đó là một di sản quý báu do ông cha ta để lại nhờ biết Việt hóa chữ Hán. Chữ Nho phải trở thành một bộ phận hữu cơ của tiếng Việt. Ta càng tiến lên hiện đại càng cần đến nó trong việc phát triển tiếng Việt.

N.C.T

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Tánh và Tính (An Chi - Năng Lượng Mới số 220 ,10-5-2013)



Tánh và Tính (Năng Lượng Mới số 220 ,10-5-2013).

by An Chi (Notes) on Friday, May 10, 2013 at 3:36am
 Bạn đọc : Tôi xem sách Phật,thấy chữ [性] được đọc không thống nhất giữa các sách với nhau, nơi thì “tính”, chỗ lại “tánh”. Nay ta đã có Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ra đời từ năm 1981, hợp nhất các tổ chức Phật giáo đã có trước đó. Lẽ nào ta lại không thống nhất các thuật ngữ mà cứ vô tình duy trì sự khác biệt đó mãi. Xin ông An Chi cho biết ý ông thế nào. Thỉnh thoảng ông có nhắc tới khái niệm “điệp thức”. Xin ông cho biết “tánh” và “tính” có phải là điệp thức không. Xin cám ơn.
                                                                            Nguyễn Đức Nhuận, Đống Đa, Hà Nội.
An Chi : Trước nhất, chúng tôi xin hoan nghênh sự quan tâm của bạn đến tính thống nhất trong các thuật ngữ tôn giáo. Nhưng vấn đề bạn đã nêu thì không phải là một biểu hiện của sự bất nhất về thuật ngữ vì đây chỉ là chuyện biến thể mang tính địa phương mà thôi.
Vâng, “tánh” và“tính” là hai biến thể địa phương: “tánh” của Miền Nam đối với (đv)  “tính” của Miền Bắc theo tương ứng ngữ âm -ANH đv -INH , như: – “đanh” (Bắc, xưa) đv “đinh” (Nam); – “lãnh [lương]” (Nam) đv “lĩnh [lương]” (Bắc); – “sanh [đẻ]” (Nam) đv “sinh [đẻ]” (Bắc); – “thạnh [vượng] ”(Nam) đv “thịnh [vượng]” (Bắc); v.v.. Hiện tượng này đương nhiên cũng thể hiện cả trong từ điển: chữ [性] đã được Huình-Tịnh Paulus Của đọc thành “tánh” với chú thích “tính” trong ngoặc đơn tại Đại Nam quấc âm tự vị nhưng Khai trí Tiến đức thì tại mục từ  “tánh” trong Việt Nam tự điển , đã chuyển chú nó về mục từ “tính” vì tác giả trước đại diện cho phương ngữ Miền Nam còn nhóm tác giả sau lại đại diện cho phương ngữ Miền Bắc. “Tính” đv “tánh” có thể xem là trường hợp điển hình mà ta có thể thấy cả trong từ điển Phật giáo: Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn, lấy phương ngữ Miền Nam làm nền tảng đọc [性] thành “tánh” còn Từ điển Phật học Hán Việt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Kim Cương Tử chủ biên, mặc nhiên được xem là đại diện cho tiếng Việt toàn dân, mà cái lõi là phương ngữ Miền Bắc (lấy Hà Nội làm đại diện), thì đọc thành “tính”, một cách đọc đã được ghi nhận từ thời Từ điển Việt Bồ La của A. de Rhodes (Roma, 1651), được xem là lấy tiếng Đàng Ngoài làm nền tảng.
               Sự tương ứng trên đây thực ra đã phát sinh từ xa xưa với những hình vị Hán Việt thuộc các vận bộ “canh”[庚], “canh”[耕], “thanh”[清], “thanh”[青], trong đó rất nhiều chữ bây giờ đọc theo vần -INH: “đinh”[丁], “đình”[庭] “hình”[形], “kinh”[經], “linh”[靈], v.v. Rất nhiều.
“Tánh” và “tính” không phải là điệp thức.Trong bài “Điệp thức khác với từ láy”, đăng trên Năng lượng mới số 189 (11-1-2013), chúng tôi đã nói về điệp thức, mà tiếng Pháp là doublet, như sau:
“Nó (doublet) đã được Dictionnaire de l'Académie française (8ème édition) định nghĩa: “En termes de linguistique, il se dit de mots ayant la même étymologie et ne différant que par quelques particularités d'orthographe et de prononciation, mais auxquels l'usage a donné des acceptions différentes.”(Về mặt ngữ học thì điệp thức chỉ những từ cùng từ nguyên và chỉ khác nhau ở vài đặc điểm chính tả và phát âm nhưng được gán cho những nghĩa khác nhau trong việc sử dụng.)
        Chẳng hạn, “tích”[] có ba điệp thức là “tách”, “tếch”và “tác”. “Tích” có thể được thấy trong “phân tích”, “phẫu tích”, v.v., với nghĩa là làm cho rời ra. “Tách” có thể dùng một mình, cũng với nghĩa là làm cho rời ra. “Tếch” thì có nghĩa là bỏ mà đi, rời đi: Một gánh càn khôn quẩy tếch ngàn. “Tác” đi chung với “tan” (thành “tan tác”) để chỉ ý tả tơi, rời rã, v.v.. Bốn điệp thức trên đây có nghĩa và công dụng riêng và không thể thay thế cho nhau được. Ngay cả đối với “tích” trong “phân tích”, tuy ta thấy “tích” có thể được thay bằng “tách” (thành “phân tách”) nhưng trường hợp này phải được xếp vào cách diễn đạt mang tính phương ngữ (chứ không phải là ngôn ngữ toàn dânvà/hoặc ngôn ngữ văn học). Đến như “phẫu tích”, nếu thay “tích” bằng “tách” thì sẽ thực sự bất thường vì đây đã là một thuật ngữ y học chứ không còn là một cấu trúc phổ thông như “phân tích”. Trong khi đó thì những biến thể ngữ âm địa phương có thể thay thế cho nhau một cách bình thương, nếu ta không bị ràng buộc vì yêu cầu của ngôn ngữ toàn dân và/hoặc văn học.
        Tóm lại, ở đây, sự tồn tại song song của“tánh” và “tính” với cùng một nghĩa chỉ là biểu hiện của sự đối lập giữa hai biến thể địa phương về ngữ âm chứ không phải là sự bất nhất về thuật ngữ tôn giáo.

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Chữ quốc ngữ đã được công giáo khai sinh năm 1651 (Trần Văn Cảnh)

Chữ quốc ngữ đã được công giáo khai sinh năm 1651
Trần Văn Cảnh
Năm 1651 cho xuất bản hai cuốn sách quốc ngữ đầu tiên : cuốn « Tự điển việt bồ latinh » và cuốn « Phép giảng tám ngày », giáo lý công giáo, cha Đắc Lộ, dòng Tên, đã khai sinh ra chữ quốc ngữ.

1. Cuốn « Tự điển việt bồ latinh », có tên bằng tiếng latinh là « Dictionarivm annamiticvm, lvsitanvm, et latinvm, ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in lvcem editvm. Ab Alexandro de Rhodes è Societate Iesv, ejusdemque Sacrae Congregationis Missionario Apostolico, Roma, 1651, in-4°,

Cha Đắc Lộ cho biết sở dĩ ngài soạn được cuốn từ điển này là vì thứ nhất ngài đã lưu trú 12 năm cả ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Thứ hai ngài đã học tiếng Việt, nhất là về thanh và âm, với một cậu bé việt nam 13 tuổi. Thứ ba ngài cũng đã học tiếng việt với cha Francois de Pina người Bồ, là người ngoại quốc thứ nhất rất thông thạo tiếng Đàng Trong, người thứ nhất giảng mà không cần thông dịch viên. Thứ bốn ngài đã xử dụng từ điển Việt Bồ của cha Gaspar d’Amaral và từ điển Bồ Việt của cha Antonio Barbosa, cả hai đều là người Bồ.

Đỗ Quang Chính đã mô tả như sau « Cuốn tự điển được soạn bằng ba thứ chữ Việt-Bồ-La (mà tên sách chỉ đề bằng chữ Latinh, rõ rệt hướng tới độc giả giáo sỹ truyền giáo âu châu), với hai mục đích đã được tác giả ghi rõ : thứ nhất, giúp các nhà truyền giáo học tiếng Việt, để có thể truyền giáo ; thứ hai, chiều theo ý muốn của một số vị Hồng y ở La Mã, thêm chữ La tinh vào, để người Việt Nam có thể học thêm La ngữ.
Cuốn tự điển gồm ba phần chính :

- Lingvae Anmiticae seu Tvnchinensis brevis declaratio, 31 trang, từ trang 1 đến 31, được sắp lên đầu cuốn tự điển và được đánh số tách biệt với cuốn tự điển. Ðây là cuốn ngữ pháp Việt Nam, nhưng soạn thảo bằng La ngữ, với mục đích cho người Tây phương học. Tuy sách vắn, nhưng tác giả cũng chia ra 8 chương rõ rệt, không kể Lời Nói Ðầu :
Chương I: Chữ và vần trong tiếng Việt (De literis et syllabis quibus haec lingua constat). Chương II: Dấu nhấn và các dấu (De Accentibus et aliis signis in vocalibus). Chương III: Danh Từ (De Pronominibus). Chương IV: Ðại danh từ (De Pronominibus). Chương V: Các đại danh từ khác (De aliis Pronominibus). Chương VI: Ðộng từ (De Verbis). Chương VII: Những phần bất biến (De reliquis orationis partibus indecli nabilibus). Chương chót: Cú pháp (Praecepta quaedam ad syntaxim pertinentia).

- Dictionarivm Ananmiticvm seu Tunchinense cum Lusitana, et Latina declaratione. Phần này không đánh số trang nhưng ghi theo cột chữ (mỗi trang có hai cột chữ). Từ đầu đến cuối là 900 cột, từ mẫu tự nọ sang mẫu tự kia thường để cách một trang trắng, có khi hai trang trắng. Một điều khác đặc biệt với tự điển Việt Nam ngày này, Ðắc Lộ thêm mẫu tự /b sau mẫu tự b. Thực ra đó là một số chữ thuộc mẫu v bây giờ. Ví dụ /bá (vá: vá áo), /bã (vã: vã nhau, tát nhau), /bạch (vạch: vạch tai ra mà nghe), /bậy (vậy: ấy vậy), /bán (ván: đỗ, đậu ván), /bỗ (vỗ: vỗ tay), /bỏ (vỏ: vỏ gươm), /bua (vua: vua chúa), /bú (vú) . Mẫu tự /b này chiếm 10 cột, tức 5 trang giấy.

- Index Latini sermonis là phần thứ ba cuốn tự điển. Trong phần này, tác giả liệt kê chữ La tinh có ghi trong phần hai và bên cạnh mỗi chữ có đề số cột, với mục đích để người học tiếng Việt, nếu đã biết La tinh, thì dò theo phần này để tìm chữ Việt ở phần kia. Trong phần này không đánh số trang, cũng không ghi số cột (mỗi trang có hai cột chữ). Chúng tôi đếm được 350 cột tức 175 trang.
(Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, Ra khơi : Sài gòn 1972, tr. 84-86)


2. Cuốn « Phép giảng tám ngày » có tên bằng tiếng latinh và tiếng việt như sau : « Cathechismvs pro iis, qui volunt suscipere Baptismvm, in Octo dies diuisus. Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chiụ phép rứa tọi, ma /beào (8) đạo thánh đức Chúa blời. Ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in lucem editus. Ab Alexandro de Rhodes è Societate Iesv, ejusdemque Sacrae Congregationis Missionario Apostolico, Roma, 1651, in-4°. (Hình chụp sách chính bản, lưu trữ tại Thư Viện Á châu, Hội Thừa sai Hải Ngoại Paris)

« Ðây là một cuốn giáo lý mà tác giả muốn viết cho những người dậy giáo lý dùng. Cuốn sách được viết bằng hai thứ tiếng: La tinh và Việt Nam. Trên mỗi trang sách chia làm hai, có một gạch đôi từ trên xuống dưới: bên tay trái của người đọc sách là chữ La tinh (chữ xiên), bên tay phải là chữ Việt (chữ đứng). Ðể độc giả dễ dàng đối chiếu hai thứ chữ, Ðắc Lộ đặt ở đầu mỗi ý tưởng chính mẫu tự abc... cho hai phần La Việt, rồi chính giữa trang sách cũng đặt mẫu tự abc... cho hai phần La Việt song song. Cuốn sách có 319 trang, không đề Lời tựa. Sau trang bìa và trang ghi ngày được phép in sách, là đến phần chính ngay.

Viết sách này, tác giả không chia ra từng chương, mà lại chia theo từng ngày học, có tính cách sư phạm, và như chúng ta đã biết là sách được chia ra Tám ngày. (
Đỗ Quang Chính, Ibid., tr. 86)


3. Cha Đắc Lộ đã học tiếng việt và cho in hai sách trên thế nào ?. Ở một chỗ khác, trong một bài tường thuật ngắn, cha Đắc Lộ đã vắn tắt mô tả những bước đầu truyền giáo của ngài từ năm 1624 tại Việt Nam, việc học tiếng việt và việc xuất bản hai tập sách trên. Ngài nhắc lại việc cần thiết phải chuyên cần học tập tiếng việt nếu muốn truyền giáo hiệu quả, ngài cũng nhắc đến việc ngài học tiếng việt với một cậu bé việt nam và việc in sách tự điển, ngữ pháp và giáo lý. Ngài viết : Vì Nhật Bản vẫn thi hành chính sách bế quan tỏa cảng, nên bề trên tin rằng Chúa cho phép sự ác đó để mở cửa cho Đàng Trong nhận Phúc âm.

Thế là năm 1624, bề trên phái cha Mathêu Mattos, trước kia ở Rôma làm quản thủ các tỉnh dòng, đến thăm việc truyền giáo ở Đàng Trong, cùng với năm bạn đồng sự người Âu, trong số đó tôi hân hạnh là người thứ năm và một người Nhật thông thạo chữ Hán.

Chúng tôi khởi hành từ Macao vào tháng 10 năm 1624 và sau mười chín ngày thì tới Đàng Trong, tất cả đều hồ hởi bởi hoạt động tốt. Ở đó chúng tôi gặp cha Pina, ngài rất thông tạo tiếng xứ này, một thứ tiếng khác hẳn tiếng Tàu. Tiếng mới này còn thông dụng ở Đàng Ngoài, ở Cao Bằng, ở Đàng Trong và người ta còn nghe và hiểu ở ba xứ lân bang khác. Đối với tôi, thú thật vừa tới Đàng Trong và nghe dân xứ này nói, nhất là phụ nữ, tôi tưởng như nghe chim hót và tôi không bao giờ mong có thể học được.

Hết các tiếng đều độc vận và chỉ phân biệt ý do nhiều giọng nói khác nhau. Một chữ như “đại” chẳng hạn, có tới hai mươi ba nghĩa hoàn toàn khác nhau, do cách đọc khác nhau, vì thế khi nói thì như ca như hát. Tôi đã đề cập tới nhiều hơn trong cuốn Lịch sử Đàng Ngoài. Căn cứ vào đó thì thấy học thứ ngôn ngữ này không phải là dễ.

Vì thế mà tôi thấy cha Fernandez và cha Buzomi phải dùng thông ngôn để giảng, chỉ có cha Francois de Pina không cần thông ngôn vì nói rất thạo. Tôi nhận thấy bài ngài giảng có ích nhiều hơn bài các vị khác. Điều này khiến tôi tận tuỵ học hỏi, tuy vất vả, thế nhưng khó ít mà lợi nhiều. Tôi liền chuyên chú vào việc. Mỗi ngày tôi học một bài và siêng năng như khi xưa vùi đầu vào khoa thần học ở Rôma. Chúa đã cho tôi trong bốn tháng tôi đủ khả năng để ngồi tòa giải tội và trong sáu tháng tôi đã giảng được bằng ngôn ngữ Đàng Trong và cứ thế tôi tiếp tục trong nhiều năm. Tôi khuyên tất cả các vị nhiệt tâm muốn tới những tỉnh dòng chúng tôi để chinh phục các linh hồn, thì nên chuyên cần ngay từ buổi đầu. Tôi cả quyết rằng hiệu quả của việc trình bày các mầu nhiệm trong ngôn ngữ của họ thì vô cùng lớn lao hơn khi giảng bằng thông ngôn: thông ngôn chỉ nói điều mình dịch chứ không sao nói với hiệu lực của lời từ miệng nhà truyền đạo có Thánh Thần ban sinh khí.

Người giúp tôi đắc lực là một cậu bé người xứ này. Trong ba tuần lễ đã dạy tôi các dấu khác nhau và cách đọc hết các tiếng. Cậu không hiểu tiếng tôi mà tôi thì chưa biết tiếng cậu, thế nhưng, cậu có trí thông minh biết những điều tôi muốn nói. Và thực thế, cũng trong ba tuần lễ, cậu học các chữ của chúng ta, học viết và học giúp lễ nữa. Tôi sửng sốt thấy trí thông minh của cậu bé và trí nhớ chắc chắn của cậu. Từ đó cậu đã làm thầy giảng giúp các cha. Cậu đã là một dụng cụ rất tốt để tôn thờ Chúa trong giáo đoàn và cả ở nước Lào, nơi cậu hoạt động trong nhiều năm với thành quả mỹ mãn, cậu rất mến thương tôi nên đã muốn lấy tên tôi.

Từ ngày tôi trở về Âu Châu, tôi đã cho in ở Rôma, nhờ các vị ở bộ Truyền giáo, một tự vị tiếng Đàng Trong, Latinh và tiếng Bồ, một cuốn ngữ pháp và một cuốn giáo lý, trong đó tôi bàn giải về phương pháp chúng tôi dùng để trình bày mầu nhiệm đạo thánh cho lương dân. Việc này sẽ có ích cho những người ao ước tới giúp việc giảng Chúa Kitô bằng ngôn ngữ tới nay chỉ dùng để sùng bái quỷ ma. (ALEXANDRE DE RHODES, HÀNH TRÌNH VÀ TRUYỀN GIÁO, do Nguyễn Khắc Xuyên dịch.


4. Ai là tác giả của hai tác phẩm này ? Vì tên tác giả đề ngoài sách chỉ có tên cha Đắc Lộ, thông thường chúng ta vẫn hiểu rằng đó là tác phẩm của riêng cha Đắc Lộ. Cách hiểu này không đúng với sự thực. Về cuốn từ điển, thì chính cha Đắc Lộ đã nói rõ trong lời tựa nói với độc giả rằng ngài đã thực hiện dựa trên căn bản của cuốn từ điển Việt - Bồ do linh mục Gaspar do Amaral soạn và từ điển Bồ Việt của Antonio Barbosa, cả hai đều là người Bồ..

Và một cách tổng quát, trong một nghiên cứu mới đây, cha Jacques ROLAND đã đưa ra một trả lời thực tế như sau : « Về hai tác phẩm viết bằng tiếng Việt Nam do Bộ Truyền Bá Ðức Tin xuất bản, hẳn không có vấn đề bán ra cho dân chúng; mục đích duy nhất là phục vụ công cuộc truyền giáo. Do sự kiện Rhodes là người duy nhất ở Roma biết đến ngôn ngữ ấy, thì ông cần đích thân bảo chứng cho các tác phẩm liên hệ, mang lấy trách nhiệm tối hậu trước các vị bề trên của mình và trước Toà Thánh. Sự kiện tên ông xuất hiện trên bìa sách không nhất thiết minh chứng rằng ông là "tác gia" duy nhất của nó và ngay cả là người biên tập chính. Chúng tôi nghĩ rằng đây là lối mang trách nhiệm mà linh mục Rhodes đã thực hiện, chứ không phải là nêu lên tư cách tác giả văn chương theo nghĩa chính xác như chúng ta hiểu; những vị có thể làm điêu này y như cương vị của ông, hoặc có thể cùng làm việc này với ông, thì lại ở xa mút tại một nơi khác.

Còn cuốn giáo lý, có lẽ phải dành tư thế tác giả cho ông trong việc biên tập dứt điểm bản văn được in ra, và chắc chắn hơn nữa là bản văn la tinh được ông minh nhiên nói đến. Nhưng cũng chính Rhodes đã ghi rằng, trong trường hợp này đây là "phương pháp mà chúng tôi đã dùng để trình bày các màu nhiệm của chúng ta cho người ngoại quốc". Như thế rõ rệt nó được định vị trong một công trình tập thể ».


5. Các giai đoạn thành hình chữ quốc ngữ trước khi hai sách trên được xuất bản. Trong tác phẩm nghiên cứu rất nghiêm chỉnh về « Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 », Linh mục Đỗ Quang Chính, dòng Tên, đã mở đầu chương 2, bàn về « Sơ lược giai đoạn thành hình chữ quốc ngữ (1620-1648) đã xác định một cách tổng quát rằng : « Chữ Việt ngày nay là một thứ chữ đã được nhiều linh mục Dòng Tên ở Việt Nam (với sự cộng tác âm thầm của một số Thầy giảng Việt Nam) vào thế kỷ 17 sáng tạo ra. Nói một cách tổng quát thì họ đã dùng mẫu tự La tinh, rồi dựa vào phần nào của chữ Bồ Đào Nha, Ý và mấy dấu Hy Lạp, để làm thành chữ mà chúng ta đang dùng ». (Đỗ Quang Chính, Ibid., tr. 19-76)

Dựa vào những tài liệu gốc, viết tay, tìm được trong các văn khố, cha Chính đã phát hiện ra hai yếu tố căn bản phân chia sự tiến triển trong tiến trình thành hinh của chữ quốc ngữ 1620-1648. Rồi tựa vào đó, cha đã nêu ra hai giai đoạn thành hình của chữ quốc ngữ trước ngày sinh nhật của nó vào năm 1651, ngày mà hai cuốn sách của cha Đắc Lộ được phổ biến. Hai giai đoạn đó là : Giai đoạn sơ khởi chữ quốc ngữ 1621-1626 với các đặc tính chung là « hầu hết các chữ còn viết liền và chưa thấy đánh dấu vào những chữ đó », và giai đoạn hai 1631-1648 mà hai đặc tính chung là « Chữ quốc ngữ đã được viết khá đúng về hai phương diện : cách ngữ và dấu ».

Giai Ðoạn Sơ Khởi (1620-1626)

Các nhà truyền giáo Âu Châu đã đến Hà Tiên và Thừa Thiên từ giữa thế kỷ 16. « Sang đến đầu thế kỷ 17, các nhà truyền giáo dòng Tên gồm người Âu châu và một số ít người Trung hoa, Nhật bản, mới chính thức đến truyền bá Phúc âm ở Việt Nam, và hoạt động của các ông đã được ghi lại khá đầy đủ.

Ngày 06.01.1615, ba tu sĩ Dòng Tên là hai lm Francesco Buzomi (Ý), Diego Carvalho (Bồ Đào Nha) và thầy Antonio Dias (Bồ Đào Nha), đáp tầu buôn Bồ Đào Nha từ Áo Môn đi Đàng Trong, và tới Cửa Hàn ngày 18.01.1615. Sau đó mấy tháng các ông đến ở Hội An…

Ba nhà truyền giáo mà chúng ta vừa nói, đến Hội An với mục đích đầu tiên là giúp đỡ giáo hữu Nhật về mặt tôn giáo, và nhờ người Nhật làm thông ngôn để tiếp xúc với người Việt Nam. Sau năm 1615, nhiều tu sĩ Dòng Tên khác không những đến truyền giáo ở Đàng Trong mà cả Đàng Ngoài nữa, nhưng đa số là người Bồ Đào Nha.

Các nhà truyền giáo tới Việt Nam thời ấyđều phải học tiếng Việt mới có thể tiếp xúc với người Việt Nam. Theo chúng tôi biết thì Lm Francisco de Pina là người Âu châu đầu tiên nói thâo tiếng Việt. Pina sinh năm 1585 ở Bồ Đào Nha, ông tới Đàng Trong năm 1617. Lúc đầu sống ở Hội An, sang năm 1618 ông ở tại Nước Mặn với Buzomi và Borri. Hai năm sau, ông trở lại Hội An, rồi năm 1623, Pina đến ở tại Thanh Chiêm, thủ phủ Quảng Nam Dinh. Pina chết đuối ở bờ bể Quảng Nam ngày 15.12.1625….

Nhờ biết tiếng Việt, nên ngay từ năm 1620, các tu sĩ Dòng Tên tại Hội An đã soạn thảo một sách giáo lý bằng « chữ Đàng Trong », tức là chữ Nôm. Cuốn sách này vì soạn bằng chữ Nôm, nên chắc chắn phải có sự công tác của người Việt.

Nhưng chúng tôi tưởng cuốn sách này cũng được viết bằng chữ Việt mới nửa (chữ quốc ngữ ngày nay), mà người có công soạn thảo là Lm Francisco de Pina, ví lúc đó chỉ có ông là người Âu châu thạo tiếng Việt nhất….

Theo sự nhận xét của chúng tôi thì vào năm 1620 dù Lm Pina đã nói được tiếng Việt, nhưng khó lòng mà phân biệt được lối cách ngữ như chúng ta đang dùng ngày nay. Dựa vào những tài liệu viết tay năm 1621-1626, chúng tôi tôi biết được hầu hết các chữ còn viết liền và chưa thấy đánh dấu vào những chữ đó. Chính dựa theo hai đặc điểm này mà chúng tôi cho là giai đoạn sơ khởi chữ quốc ngữ.(Đỗ Quang Chính, Ibid., tr. 20-24) 

Bảy tài liệu viết tay đả được trình bày. Đó là những tài liệu của : Joao Roiz năm 1621, Gaspar Luis năm 1521, Cristoforo Borri năm 1621, Đắc Lộ năm 1625, Gaspar Luis năm 1626, Antonio de Fontes năm 1626 và Francesco Buzomi năm 1626. Trong những tài liệu này, các chữ thường được viết liền và không có đánh dấu. Thí dụ:
- Annam = An Nam
- Unsai = Ông Sãi
- Ungue = Ông Nghè
- Bafu = Bà Phủ
- doij = đói
- scin mocaij = xin một cái
- Sayc Chiu = Sách chữ
- Tuijciam, Biet = Tôi chẳng biết

Giai Ðoạn Hai (1631-1648)

Sang giai đoạn hai 1631-1648, 11 tài-liệu viết tay đã được nhắc đến.
·         Hai tài liệu được nhắc đến, nhưng không tìm được tài liệu lưu trữ. Đó là cuốn tự-điển Việt-Bồ-La của linh mục Gaspar d’Amaral (Diccionário anamita-português-latim) và cuốn tự-điển Bồ-Việt (Diccionário português-anamita) của linh mục Antonio Barbosa.
·         Năm tài liệu của cha Đắc Lộ, viết vào tháng 1.1631, tháng 5.1631, năm 1636, năm 1644 và năm 1647
·         Hai tài liệu của Gaspar d’Amaral năm 1632 và năm 1637
·         Hai tài liệu về biên-bản hội-nghị viết tay năm 1645 của 35 linh mục Dòng Tên tại Macao để xác nhận mô thức rửa tội bằng tiếng Việt Nam : năm 1645 và 1648.

Mưới một tài liệu này cho thấy chiều hướng mới trong cách viết chữ Quốc Ngữ. Các chữ được viết cách ra và đã được bỏ dấu.
Nhiều chữ nhìn tương tự như chữ quốc ngữ ngày nay, nhưng có lối đánh vần và bỏ dấu hơi khác
· Thính hoa: Thanh Hóa
· oũ bà phủ: Ông bà Phủ
· hụyen: huyện
· sãy: sãi
- Chuá thanh đô (Chúa Thanh đô, Thanh đô vương Trịnh Tráng)
- Chuá cả (Chúa Cả, tước hiệu dành cho Trịnh Tạc)
- Đức Chuá Blờy sinh ra chín đớng thiên thần la cuôn cuốc Đức Chuá Blờy (Đức Chúa Trời sinh ra chín đấng thiên thần là quân quốc Đức Chúa Trời)

Nhiều chữ được viết như chữ quốc ngữ ngày nay. Thí dụ như:
· Nghệ An
· Bố Chính
- Kẻ chợ
- đàng ngoài
- một nam, một nữ
(Đỗ Quang Chính, Ibid. tr. 20-76)


LỜI KẾT

Với hai cuốn sách « Tự điển Việt Bồ Latinh » và giáo lý « Phép giảng tám ngày », ấn hành năm 1651, cha Đắc Lội đã chấm dứt thời gian thai nghén và đã làm khai sinh cho chữ quốc ngữ. Dĩ nhiên cha không phải là người duy nhất mà chỉ là một trong nhiều người  đã góp phần thành lập chữ quốc ngữ. Viết « Lời giới thiệu » cho tập khảo cứu « Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 » của Đỗ Quang Chính, giáo sư sử học Nguyễn Thế Anh đã nhận định một cách chính đáng rằng : « Để thực hiện công cuộc truyền đạo của họ tại Đại Việt, các giáo sĩ Dòng Tên ngay từ khoảng đầu thế kỷ thứ XVII đã cố gắng tạo nên một lối chữ viết căn cứ trên mẫu tự la tinh, nhờ đó có thể diễn tả ngôn ngữ Việt. Từ những sự dò dẫm phiên âm các nhân danh và địa danh lúc ban đầu, cho đến lúc Đắc Lộ cho xuất bản hai sách quốc ngữ đầu tiên vào năm 1651, các cố gắng tập thể của các nhà truyền đạo Tây Phương cho phép thành lập chữ viết của chúng ta ngày nay ». (Đỗ Quang Chính, sđd, Lời giới thiệu, tr. 5)

Góp phần sáng tạo chữ quốc ngữ và cho ấn hành hai tác phẩm tiếng việt đầu tiên, cha Đắc Lộ cũng như các giáo sĩ Dòng Tên chỉ nhắm có hai mục đích :thứ nhất, gíúp các nhà truyền giáo học tiếng Việt, để có thể truyền giáo ; thứ hai, để giúp người Việt Nam có thể học thêm La ngữ. Trong mục tiêu thứ hai, chữ quốc ngữ đã được đưa vào chương trình đào tạo các tín hữu việt nam ưu tú, để đào tạo họ thành thầy giảng và thành linh mục (thời Thừa Sai Hải Ngoại Paris, từ 1666).  Đó là lý do khiến, ngay từ buổi đầu, một số tín hữu việt nam đã thông thạo chữ quốc ngữ và đã viết được những tác phẩm giá trị, như tập « Lịch sử nước Annam » của thầy giảng Bento Thiện, viết tay năm 1659.

Sau cha Đắc Lộ, nhiều giáo sĩ Âu châu tiếp tục công việc nghiên cứu chữ quốc ngữ : Trong lãnh vực tự điển, có rất nhiều tác giả, trong đó phải kể đến Đức cha Bá Đa Lộc (Pierre Pigneaux, évêque d’Adran ; Vocabularium Anamitico-Latinum - Pondichéry, 1772. - [70]-729 p. ;  35 cm.) ; Đức cha Taberd Từ (Jean-Louis Taberd ; Dictionarium latino-anamiticum ;– Se-rampore : ex Typis J. C. Marshman, 1838. - LXXXVIII-708-VIII-135 p. ; 28 cm.),…

Trong lãnh vực sách quốc ngữ với những tác phẩm của cha Philipphê Bỉnh, của cố Pierre Cadro Lương, …chữ quốc ngữ đã mở đầu một nền văn học công giáo.

Chẳng bao lâu sau đó, những nhà văn quốc ngữ bậc thầy đã xuất hiện, như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của. Rồi sự ra đời vào năm 1865 của tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Nam kỳ, tờ « Gia định báo » ; Từ 1905, chữ quốc ngữ lại được các nho gia cách mạng trong phong trào duy tân Đông Kinh Nghĩa Thục, như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Phan Chu Trinh,… cổ võ và truyền bá. Chẳng bao lâu sau, chữ quốc ngữ đi vào học trình các trường sư phạm, đại học, thông ngôn. Năm 1907,  Đông Cổ Tùng Báo ra đời với chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh. Nhiều báo khác tiếp theo, như Đông Dương tạp chí với Nguyễn Văn Vĩnh, Nam Phong tạp chí với Phạm Quỳnh ?.... Các nhà in được thiết lập, hội dịch sách ra đời,…Công việc biên khảo và phê bình phát triển,…Các ký sự, tiểu thuyết mới xuất hiện,…Thơ mới ra đời, .. Tự Lực Văn Đoàn,…cả một nền văn học mới đã được chữ quốc ngữ mở ra, mang theo một nền văn hóa mới, đặt căn bản trên tự do và trách nhiệm cá nhân, hướng về tương lai, dựa vào khoa học khách quan, xây dựng quốc gia trên nền tảng công ích, lương thiện, sự thật và công bình. (Xin xem Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử giản ước tân biên, tập 3 : Văn học hiện đại 1862-1945).

Cử hành năm thánh 2010, để « Nhìn lại quãng đường lịch sử gần 500 năm truyền giáo qua 3 thời kỳ : 126 năm Bảo Hộ (1533-1659), 300 năm Tông Toà (1659-1960), đặc biệt là 50 năm Chánh Toà (1960-2010) », mọi thành phần Dân Chúa chung lòng chung sức với hàng Giáo phẩm xây dựng một Giáo Hội hiệp thông, Giáo Hội tham gia, và Giáo Hội vì loài người, nhằm tạo thuận lợi cho việc thi hành cách có hiệu quả hơn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.

Vào Việt Nam từ 1533, công giáo đã mang Tin Mừng cho người Việt Nam. Khai sinh ra chữ quốc ngữ vào năm 1651, công giáo đã đưa ra những đóng góp tạo hình quan trọng của mình vào văn hóa việt nam. /.

Trần Văn Cảnh
Ngày đăng: 27.03.2010

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Bòng bong che nắng, mã-tà tiên phong (Nguyễn Dư - Chim Việt)



Bòng bong che nắng, mã-tà tiên phong ___________Nguyễn Dư
Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là một nhân chứng của thời kì Pháp xâm chiếm Nam Kì. Văn thơ của ông ghi lại được nhiều sinh hoạt xã hội đương thời. Chẳng hạn như hai câu:"Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan ; ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ.
(...)
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã-tà, ma-ní hồn kinh ; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tầu thiếc tầu đồng súng nổ".
Bòng bong và Mã-tà của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc có thể giúp chúng ta hiểu thêm được tình hình chiến trận năm 1861.
1) Bòng bong là cái gì?
Bòng bong được định nghĩa là một thứ cỏ rối (Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức, 1931); một loại dây leo mọc xoắn vào nhau thành từng đám, ở bờ bụi. Bòng bong còn có nghĩa là xơ tre vót ra bị cuốn rối lại, thường dùng để ví tình trạng rối ren (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê, 1988).
Nếu Bòng bong chỉ có nghĩa như vậy thì dứt khoát nó không phải làmột đồ vật (trắng lốp) dùng để che. Bòng bong của Nguyễn Đình Chiểu chắc chắn không phải là Bòng bong của tiếng Việt ngày nay.
Chu Thiên hiểu Bòng bong của câu văn là lều vải của quân Pháp căng làm chỗ tạm trú trong lúc hành quân (Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ 19, Văn Học, 1970, tr. 47).
Phong Châu và Nguyễn Văn Phú không rõ Nguyễn Đình Chiểu dùng từ Bòng bong để chỉ những tên lính Pháp hay đồ dùng gì của chúng (Văn tế cổ và kim, Văn Hoá, 1960, tr. 79).
Bảo Định Giang cũng phân vân, lúc thì đồng ý với Chu Thiên (Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ 19, Văn Học, 1977, tr. 43), lúc khác lại đồng ý với Phong Châu và Nguyễn Văn Phú (Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Văn Học, 1971, tr. 251).
Chữ Hán có hai chữ Bồng.
- Bồng (bộ thảo) : cỏ bồng, cỏ bông bong (Thiều Chửu, Đào Duy Anh). Bồng còn có nghĩa là rối bong (Thiều Chửu).
Bòng bong của tiếng Việt ngày nay là do chữ Bồng (bộ thảo) này mà ra.
- Bồng (bộ trúc) : mái giắt lá. Đan phên giắt lá để che mui thuyền gọi là bồng. Tục gọi bồng là cái buồm thuyền (Thiều Chửu).
Mái giắt lá thì không thể nào "trắng lốp" được. Bòng bong của Nguyễn Đình Chiểu không phải là Bồng (bộ trúc) của Tàu.
Huỳnh Tịnh Của (1896), định nghĩa Bòng bong là vải, hoặc đệm buồm may làm một bức, kéo lên mà che nắng, thường dùng theo ghe thuyền. Génibrel (1898) và Gustave Hue (1937) định nghĩa Tấm Bong là Espèce de natte qui s'étend ou se retire à volonté sur le toit d'une barque pour garantir de la chaleur ou de la pluie (một loại mành giăng ra cuộn lại được, làm mui thuyền che mưa nắng).
Xưa nay, thuyền của ta chỉ có mui che hình vòm, đan bằng tre. Một số thuyền lớn được lợp mái giống mái nhà. Thuyền của ta không dùng vải che nắng, và không dùng mui gấp lại được.
Có vài bằng chứng chính xác cho thấy Bòng bong của Huỳnh Tịnh Của, hay Tấmbong của Génibrel và Gustave Hue được dùng cho tàu thuyền của Pháp.
Báo L'Illustration (Le livre de Paris, 1987) đăng nhiều bài phóng sự của thời kì Pháp đánh chiếm Việt Nam (1859-1883), có tranh minh hoạ. Mấy bức tranh này do chính người có mặt tại chỗ vẽ, cho thấy một số tàu và thuyền của Pháp có mui che mưa nắng bằng vải trắng, cuộn lại được (tr. 25, 36, 58, 59). Trong thời gian 1884-1886, bác sĩ Hocquard cũng chụp ảnh được mấy chiếc tàu có vải che mưa nắng (Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr. 367, 382, 531).
Người Pháp gọi những tấm vải lớn che mưa nắng này là bâcheBâche đã được Génibrel và Gustave Hue gọi là (tấm) bong,được Huỳnh Tịnh Của láy âm là bòng bong. Ngày nay ta gọi bâche là tấm bạt. Bà con trong Sàigòn trước đây gọi những chiếc xe hơi nhà binh che bạt kín mít (bâché) là xe bịt bùng. Xe được bịt bằng tấm Bùng.
Bòng bong,BongBùng hay Bạt là tấm vải lớn che mưa nắng, cuộn lại được, đều do Bâche mà ra.
Nguyễn Đình Chiểu thấy bòng bong che trắng lốp nghĩa là thấy tàu Pháp giăng bạt màu trắng, chạy trên sông. Không phải Nguyễn Đình Chiểu muốn ám chỉ những tên lính Pháp hay lều vải hoặc đồ dùng gì của chúng.
2) Mã-tà là ai?
Bài Hịch sĩ phu kêu gọi chống Pháp (vào khoảng năm 1875) có câu :
" Trách những kẻ toan đường mại quốc, xui mã-tà, ma-ní, loạn trung hoa nên thả tượng một ngà
Giận những người bày mối giả danh, dối rằng Nguyễn, rằng Lê, báo thiên hạ nghĩ nên rồng năm vẻ".
Mã-tà, ma-ní có mặt trong suốt thời kì Pháp xâm chiếm Việt Nam.
Vậy mà từ điển của Huỳnh Tịnh Của và Génibrel lại không có Mã-tà. Huỳnh Tịnh Của chỉ nói đến Ma-tà, nghĩa là người lính canh tuần, tiếng Mã Lai, kêu theo đã quen.
Năm 1931, Ma-tà trở thành người lính cảnh sát ở Nam kỳ, gọi theo tiếng Mã Lai (Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức). Năm 1937, Gustave Hue lẫn lộn Ma-tà với Mã-tà (Mã-tà:nom donné à Saigon aux policiers. Mã-tà: tên gọi lính cảnh sát ở Sàigòn).
Nhiều học giả sau này đã bắt chước Gustave Hue, dùng Ma-taø của Huỳnh Tịnh Của gán cho Mã-tà của Nguyễn Đình Chiểu.
Người Mã Lai (Malais) gọi người lính cảnh sát là matamata. Do đó đẻ ra danh từ  mã-tà (Vương Hồng Sển, Sàigòn năm xưa, 1968, Xuân Thu, tr. 229).
Mã-tà là tiếng Mã Lai, là lính cảnh sát (Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, sđd, tr.252) . Mã-tà là lính đánh thuê, người Mã Lai, trong hàng ngũ quân đội Pháp (Thơ văn yêu nước Nam bộ nửa sau thế kỷ 19, sđd, tr. 43).
Mã-tà được Chu Thiên cho giữ vai trò quan trọng của một tổ chức lính nguỵ ở Nam bộ thời Pháp mới sang (sđd, tr. 391).
Mã-tà khác Ma-tà ở điểm nào?
Mã-tà trước hết là người Việt Nam.
Trong cùng bài văn tế, Nguyễn Đình Chiểu viết :
" Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn ; sống làm chi ở lính mã-tà, chia rượu lạt, gậm bánh mì, nghe càng thêm hổ ".
Nguyễn Đình Chiểu trách những người Việt Nam theo Pháp. Mã-tà là người Việt theo quân tả đạo (chỉ người Pháp) để được chia rượu lạt, được gậm bánh mì (pain de mie).
Bài Hịch sĩ phu kêu gọi chống Pháp cũng trách những người mại quốc (bán nước) đã xui giục mã-tà, ma-ní...Bọn bán nước phải là người Việt Nam. Chúng xui giục người Việt Nam đăng lính mã-tà cho Pháp. (Vì muốn cho câu văn có vần, có đối nên tác giả bài hịch đã phạm một sai lầm là cho bọn Việt gian xui giục cả đám lính Ma-ní của Tây Ban Nha).
Mã-tà không phải là tiếng Mã Lai.
Trận Cần Giuộc xảy ra vào cuối năm 1861. Có thể phỏng đoán rằng Nguyễn Đình Chiểu làm bài văn tế vào khoảng cuối năm 1861 hay đầu năm 1862. Cho tới thời điểm này (1862), nước ta không có liên lạc ngoại giao với nước Mã Lai (Mã Lai bị Bồ Đào Nha chiếm năm 1511, bị Hà Lan chiếm năm 1641, bị Anh cai trị năm 1867). Không có bằng chứng gì để nói rằng ta phải mượn một tiếng Mã Lai để gọi người lính cơ, lính lệ hay lính vệ của mình.
Nước Pháp đã có sẵn một loạt cò, cẩm (commissaire), phú lít (police), sen đầm (gendarme), cũng chẳng cần phải mượn tiếng Mã Lai để gọi lính cảnh sát của mình tại một nước... chưa phải là thuộc địa!
Mã-tà không phải là lính cảnh sát.
Có đội quân nào, đặc biệt là quân đội Pháp, lại cho cảnh sát ra trận ? Để giữ trật tự hay... ghi giấy phạt à? Đấy là chưa nói cảnh sát của Pháp phải biết đọc, biết viết...lạp-bô (rapport). Năm 1861, nước ta có được mấy người biết đọc, biết viết chữ Pháp hay chữ quốc ngữ để làm lính cảnh sát cho Pháp?
Mã-tà còn được Nguyễn Đình Chiểu nói đến trong bài Văn tế Trương Công Định : " Giăng dưới nước tàu đồng, tàu sắt, súng nổ quá bắp rang ; kéo trên bờ ma-ní, mã-tà, đạn bắn như mưa vãi ". Mã-tà là lính chiến đấu.
Nói tóm lại, Mã-tà là người Việt, không phải là lính cảnh sát, không phải là tiếng Mã Lai. Mã-tà không phải là Ma-tà.
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh có từ Mã tiếu (Chữ tiếu còn có âm đọc là tiêu, là tiệu), nghĩa là lính cỡi ngựa hoặc đi chân, chuyên làm việc cảnh giới, dò kiếm xem xét. Có nhiều khả năng là mã tiếu (mã tiêu, mã tiệu) đã được người Việt đọc trại thành mã-tà.
Mã-tà là lính đi dò xét. Mấy bài phóng sự của báo L'Illustration xác nhận trong hàng ngũ quân đội Pháp có quân được mộ từ Manille (ma-ní) tham dự trận đánh Đà Nẵng (1858), có lính tập người Việt (tirailleur) trong trận đánh đồn Kì Hoà (Sàigòn, 1859).
Thực dân Pháp cho lính người bản xứ và lính thuộc địa của Tây Ban Nha đi dò xét, trinh sát. Mã-tà, Ma-ní là lính đi tiên phong " đỡ đạn ". Chuyện hoàn toàn dễ hiểu.
Năm 1861, có lính chiến đấu mã-tà người Việt Nam. Năm 1896 (tức là 34 năm sau khi triều đình Huế kí hoà ước nhường cho Pháp 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường), Huỳnh Tịnh Của mới nói đến lính canh tuần ma-tà (tiếng Mã Lai ?). Khoảng 1908-1921, miền Nam lại có thêm lính ma-tà khác.
Trong bài Dạo bờ biển một mình, Huỳnh Thúc Kháng kể đời sống hàng ngày của người tù ngoài Côn Đảo :
" Từ ra ngoài đảo đã sáu, bảy năm không khi nào ra cửa thành khám ngục mà được đi một mình, hễ ra cửa một bước là có ma-tà mang súng đi theo sau. Đến lúc ra làm việc giấy ở phòng Gác-điêng sếp thì ra vào trong " banh " có hơi thơ, không ai dẫn. Song chỉ được đi lại, ra vào ở kho chứa đồ, phòng gác của Gác-điêng và bóp lon-ton (...) " (Vương Đình Quang, Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, Văn Học, 1965, tr. 102).
Tiếng Pháp gọi lính canh tù là matonMaton được Việt hoá thành ma-tà. Đoạn văn còn nhiều từ gốc Pháp khác: gác-điêng (gardien), sếp (chef), banh (bagne), gác (garde), bóp (poste), lon-ton (planton).
Mã-tà ở Cần Giuộc (1861) là lính chiến đấu. Ma-tà ở Sàigòn (1896) là lính canh tuần. Ma-tà ở Côn Đảo (1908-1921) là lính canh tù.
Đời ôi nhiều nỗi bợn nhơ :
Ma tà có chú hay quơ hay quào,
Giận ai gươm súng phao vào,
Báo quan nhà nghịch, vây rào xét coi...
                     (Vương Hồng Sển, sđd)
Ma-tà của bài thơ đúng là lính cảnh sát ở Sàigòn, đi khám xét nhà dân chúng. Ma-tà này dường như có họ hàng với matraque(chiếc dùi cui) ?Mã-tà của Nguyễn Đình Chiểu và Ma-tà của Huỳnh Tịnh Của, là hai nhân vật của hai thời kì lịch sử khác nhau, cần được phân biệt rạch ròi.
Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc còn cho thấy Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn rất cập nhật. Ông đã sớm đưa bòng bong (bâche), bánh mì (pain de mie) của tiếng Pháp vào văn học Việt Nam.

Nguyễn Dư
(Lyon, 3/2007)