Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Bia là một danh từ mà tiếng Việt phiên âm từ tiếng Pháp bière (An Chi - Huệ Thiên)


            ĐỘC GIẢ: Trên KTNN 523, ông đã viết:
            ''Dùng để chỉ một loại thức uống có độ cồn nhẹ, bia là một danh từ mà tiếng Việt phiên âm từ tiếng Pháp bière. Nhưng cũng chính vì thế mà nó chỉ có nghĩa trong những cấu trúc như. bia bọt, - bia Tig r - bia hơi, v.v. Chứ nếu, với hai câu
                        Trăm năm bia đá thì mòn
                        Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ
mà ai đó lại bắt từ bia của tiếng Việt phải gánh cái nghĩa của từ bière trong tiếng Pháp thì thật là buồn cười."
            Tôi đã rất tâm đắc với đoạn trên đây. Nhưng mấy người bạn đã làm tôi cụt hứng. Họ rất giỏi tiếng Anh. Và họ khẳng định với tôi rằng bia là kết quả phiên âm từ danh từ beer của tiếng Anh/ Mỹ chứ tiếng Pháp bière chỉ đem đến cho tiếng Việt hai chữ lave mà thôi.
            AN CHI: Khi làm từ nguyên, chúng tôi luôn luôn tâm niệm câu sau đây của J.Vendryes:
            “Tous les sosies ne sont pas den parents”.
            (Không phải tất cả những kẻ giống hệt nhau đều là bà con (với nhau)).
            Thoáng nghe, và nếu chỉ nghe không mà thôi, thì rõ ràng là bia rất gần với beer [biә] của tiếng Anh mà chỉ là một người bà con xa với bière [bjεr] của tiếng Pháp. Nhưng, may thay, đó chỉ là một cách nhìn (nghe) quá bác học! Chứ nếu ta chịu gần người bình dân hơn thì ta sẽ thấy vấn đề hiện ra rất khác. Ai có theo dõi giải Bóng đá ngoại hạng của Anh cũng đều biết cây làm bàn của câu lạc bộ Arsenal là Thierry Henry. Thế nhưng một số người bình dân Việt Nam đâu có chịu gọi cái first nam của ngôi sao này là [tjεri]. Họ cứ phát âm một cách rất chi là Việt Nam thành ''tia-ri”. Thậm chí bình luận viên đài truyền hình có khi vì bình quá say sưa và gấp gáp cũng đã phát âm như thế. Vậy thì đâu có chi đáng lấy làm lạ - và càng chẳng có lý gì để chống lại - trước việc họ phát âm bière thành ''bia''.
            Nhưng vấn đề đâu chỉ có thế. Vấn đề là từ bia (<bière) đã có mặt trong từ vựng của tiếng Việt từ hồi còn mồ ma thực dân Pháp, nghĩa là rất lâu trước khi thứ tiếng American English đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, theo chân của lính Mỹ. Chẳng thế mà Nguyễn Tuân đã xài ''bia'' trong Quê hương từ năm 1943. Thì đây, Ngũ Ân Tuyên của chúng ta đã viết thế này:
            ''Bạch mời thầy Ba Bạc Liêu vào một băng thất uống bia và nói chuyện.''
            (Dẫn theo Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn ĐỨC Dân,
Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp,
TPHCM, 1992, tr.67).
            Khi Nguyễn Tuân xài ''bia'' như thế thì người Việt Nam hãy còn gọi dân đảo quốc sương mù là Hồng Mao, Ăng-Lê chứ danh xưng ''Anh'' thậm chí còn chưa được dùng chính thức, càng chưa được dùng một cách thống nhất và phổ biến như hiện nay. Chúng tôi tuyệt nhiên không nói rằng lúc bấy giờ chẳng có người Việt Nam nào biết tiếng Anh. Nhưng hồi đó, thứ tiếng này chẳng có thớ mà cũng không có thế để ''nhập” bia vào kho từ vựng của tiếng Việt. Chỉ có tiếng Pháp mới là một thứ tiếng ''ngon lành'' để đưa đến cho tiếng Việt nhiều từ vay mượn mà thôi. Thậm chí nó còn đưa đến cho tiếng Việt cả những từ Pháp gốc Hồng Mao nữa, đặc biệt là trong khẩu ngữ, chẳng hạn trong môn bóng đá (P. = Pháp, A. = Anh):
           
            Vậy cái sự giỏi tiếng Anh mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ, để làm từ nguyên học về từ Việt gốc Anh. Nếu chỉ ''trông mặt mà bắt hình dong'' thì ta sẽ dễ dàng cho rằng phom (dạng, kiểu, khuôn, mẫu) là một từ gốc Anh, vì nó được phát âm rất gần với tiếng Anh form  trong khi tiếng Pháp lại là forme , có vẻ như... xa hơn. Nhưng thợ đóng giày người Việt Nam đã dùng ''phom” để đóng giày cho Tây - và dĩ nhiên là cho cả khách hàng người Việt Nam - từ rất lâu trước khi Mỹ đến.
            Vậy xin cứ yên tâm tin rằng bia là một từ Việt gốc Pháp. Chỉ xin nhấn mạnh rằng đây vốn là một từ của tiếng Việt miền Bắc còn la ve, tuy cũng gốc Pháp, nhưng lại là một từ của tiếng Việt miền Nam. Thật vậy, trước đây người Bắc và người Nam vẫn có những cách phiên âm khác nhau đối với một số từ nhất định của tiếng Pháp, chẳng hạn (theo thứ tự: Pháp > Nam - Bắc):
            - balle > banh - ban;
            - crème > cà rèm (lem) - kem;
            - commissaire > cò – cẩm;
            - copier > cọp dê [je] - cóp;
            - gamelle > gà mên - cà mèn;
            - fromage > phô mai - phó mát; v.v..
            Vậy la ve là một từ gốc Pháp của tiếng Việt miền Nam còn bia là một từ gốc Pháp tương ứng của tiếng Việt miền Bắc. Đáng nói là, trong la ve, chỉ có ve mới chánh cống là hình thái phiên âm của bière chứ la thì chỉ là nhại lại quán từ la của tiếng Pháp (vì bière thuộc giống cái nên mới đi với quán từ giống cái la thành la bière) mà thôi.
            Nhưng tại sao lại phiên âm bière thành ve? Chuyện hơi rắc rối và rất đáng nói. Đáng nói là vì nhiều người miền Bắc đã theo đúng chính âm, căn cứ vào chính tả, mà phát âm lave thành [la vε] trong khi người bình dân Nam Bộ không bao giờ phát âm như thế! Họ chỉ phát âm hai chữ này thành [la jε] mà thôi. Một số người Bắc, vì nghĩ rằng [la jε] nếu viết ra chữ quốc ngữ thì sẽ là ''la de" (người Nam Bộ vẫn đọc chữ ''d'' thành [j]), nên mới thực hiện một hành động siêu chỉnh (hypercorrection) mà phát âm hai chữ la ve thành [la zε]. Nhưng người Nam Bộ cũng không bao giờ phát âm như thế này vì, như đã nói, họ chỉ phát âm thành [ra jε] mà thôi. Vậy thì tại sao la bière lại được phiên âm thành la ve chứ không phải *la de?
            Sự thể là như sau: Trong khi người bình dân Nam Bộ phát âm chữ ''v'' thành [j] (sẽ tạm ghi bằng chữ quốc ngữ ''y'') thì người có ít nhiều học thức lại phát âm nó thành [bj] và xem đây là cách phát âm chuẩn. Vì vậy mà nếu những người trước phát âm vội vàng, vui vẻ, v.v… thành ''vội ỳang, ''yui yẻ", v.v., thì những người sau lại phát âm thành "byội byàng, "byui byẻ, v.v.. Thế mà người có học ở Nam Bộ có điều kiện để phiên âm một cách trung thành la biè(re) của tiếng Pháp thành ''la ve" mà họ phát âm thành la bye [la bjε], còn người bình dân thì la ve [la jε]. vậy cách phát âm thành [la vε] hay [la zε] của người Bắc hoàn toàn không đúng với cách nào trong Nam cả, nghĩa là không giống ai.
            Nói tóm lại thì tiếng Pháp (la) bière đã đem đến cho tiếng Việt hai hình thức vay mượn: bia ở ngoài Bắc và (la) ve ở trong Nam chứ không phải chỉ la ve mới có gốc Pháp còn bia thì gốc Anh như những người xịn tiếng Anh kia đã khẳng định. 

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Người Việt Nam biết uống bia từ khi nào?



Người An-Nam trước khi nhà nước Pha-lăng-sa sang bảo-hộ thì chưa có tiếng sà-phòng (savon), nhà ga (gare), rượu bia (bière), cậu bồi (boy) v.v. (Nam Phong số 170, 1932:293, Vũ Công Nghi)
Bia là thứ thức uống chứa cồn, có vị đắng đặc trưng của húp lông (hoa bia), được người Pháp đưa vào Việt Nam. Nhà máy bia đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam năm 1890 (1892?). Đó là Brasserie de Hanoi (nay là nhà máy bia Hà Nội) ở làng Đại Yên do một người Pháp tên Hommel làm chủ. Để có đất xây nhà máy, Hommel đã phá cả một ngôi cổ tự là chùa Chân Giáo (được xây dựng từ năm 1024). Vào thời kỳ đầu, mỗi ngày ba mươi công nhân của Hommel chỉ sản xuất được 150 lít bia. Dân gian lấy tên ông chủ Hommel để gọi thứ thức uống mới là bia Ô Mền. Sau đó một viên hạ sĩ quan giải ngũ ở Sài Gòn tên Victor Larue hợp tác với Hommel thành lập công ty Brasseries et Glacières d'Indochine (viết tắt là B.G.I.), đặt văn phòng tại số 187 đại lộ Armand Rousseau Chợ Lớn. Năm 1909 bia Larue được đưa ra giới thiệu với người tiêu dùng và thành công rực rỡ.
Người bình dân miền Nam trước 1975 ít dùng từ bia mà hay nói la ve / la de hơn. Sau khi đất nước thống nhất, từ la ve / la de gần như biến mất và được thay thế bằng bia trong mọi hoàn cảnh. Các từ ngữ mới đều được tạo từ bia (bia hơi, bia bốc, bia bọt, bia lên cơn, bia trắng, bia nâu, bia đen, bia vàng, bia ngọt, bia không cồn, bia ôm...).

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Một số dữ kiện để hiểu thêm về tên gọi Giao Chỉ (Nguyễn Ngọc Thanh - Người Hiếu Cổ)


Một số dữ kiện để hiểu thêm về tên gọi Giao Chỉ

Blog người hiếu cổ - Sách Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát đời Nam Tống có ghi:
“Giao Chỉ, xưa là Giao Châu, phía Đông Nam kề gần với biển, tiếp giáp với Chiêm Thành, phía Tây thông với Bạch Y Man, phía Bắc chạm đến Khâm Châu”

Giao Chỉ vốn là đất Nam Việt thời sơ Hán. Vào năm 140-86 Tr.CN, vua Hán Vũ Đế bình định Nam Việt, chia đất thành 9 quận, Giao Chỉ là 1 trong 9 quận đó, và đặt quan Thứ sử Giao Chỉ làm thủ lĩnh, vì thể nên gọi chung cả đất này là Giao Chỉ. Đến đời vua Đường Cao Tông, “Giao Châu” hay “Giao Chỉ” đều dùng để gọi biên quận của nhà Hán. Năm 670, nhà Đường đặt An Nam đô hộ phủ để cai quản Giao Chỉ. Từ đấy về sau đất Giao Chỉ bao gồm vùng Tam Giác Châu, hầu như là toàn bộ vùng Đông Kinh (tức Hà Nội) ngày nay. 

Chín quận thời Hán Vũ Đế bao gồm: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (Nhật Nam được thành lập sau khi nhà Tây Hán chiếm được thêm vùng đất phía nam quận Cửu Chân), Đạm Nhĩ, Châu Nhai (Đạm Nhĩ và Châu Nhai nay thuộc đảo Hải Nam), Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô (nay thuộc Quảng Tây và Quảng Đông). 

Sách Hán thư – Địa lý chí chú thích rằng, 9 quận trên đều thuộc Giao Châu. Tuy nhiên, Nhan Sư Cổ lại dẫn lời Hồ Quảng rằng: “Nhà Hán sau khi bình định được đất Nam Việt thì đặt Giao Chỉ thứ sử để phân biệt với các châu khác”, vì thế mà trước thời Hán vẫn chưa có tên gọi Giao Châu.

Sách Dư địa chí của Cố Dã Vương cuối thời Nam bắc Triều thì ghi chép rằng: “Rợ nước ấy chân rất to, ngón chân thì bị choãi ra, hai chân chụm vào nhau thì hai ngón sẽ giao nhau” vì thế mà gọi là Giao Chỉ 交阯, thời xưa 阯 và  趾 dùng thông nhau, đều có nghĩa là ngón chân.
Ngón chân cái giao nhau khi chụm lại
Chân giao chỉ (ảnh: internet)
Sách Hán quan nghi của Ưng Thiệu viết: “Dân ấy khai hoang ở phương bắc, sau bèn di chuyển xuống phía nam đặt cơ chỉ cho con cháu ở đó”, vì thế cũng gọi là Giao Chỉ, nhưng đây dùng với nghĩa là đi giao xuống phương nam để tạo nền móng.

Sách Thông điển của Đỗ Hựu chép: “Giống người ở vùng cực Nam, trán thì xăm trổ, chân thì giao nhau”

Ngoài ra, Giao Chỉ còn được nhắc đến trong một số thư tịch cổ khác như: 

Thượng thư – Nghiêu điển có ghi chép về Nam Giao

Mặc Tử - Tiết dụng thiên:” Xưa vua Nghiêu cai quản thiên hạ, phía Nam thì vỗ vễ Giao Chỉ, phía Bắc hàng phục U Đô, cho đến cả vùng Đông Tây là nơi mặt trời lặn mọc cũng không đâu không quy thuận.”

Đại Đái lễ kí – Thiếu văn thiên:” Xưa vua Thuấn dùng đức trời để nối nghiệp vua Nghiêu, đi tuần thú để hàng phục U Đô, phía Nam thì vỗ về Giao Chỉ.”

Lã Thị Xuân Thu và Sử kí đều ghi việc vua Vũ nhà hạ trị yên nước lũ thì ra sức vỗ về Giao Chỉ ở phía Nam.

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Một cách nhìn chủ quan, phiến diện (Phùng Kim Lân)


Làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa bình"
Một cách nhìn chủ quan, phiến diện
QĐND - Chủ Nhật, 27/01/2013, 21:25 (GMT+7)
QĐND - Gần đây, trên một số trang mạng và cơ quan truyền thông ở nước ngoài, trong đó có hãng BBC xuất hiện bài viết dưới nhan đề “So sánh hai biến cố tháng Tám”- so sánh Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam và cuộc chính biến tháng 8-1991 ở Liên Xô dựa vào những cảm nhận của ông Nguyễn Minh Cần - theo bài viết là người đã chứng kiến cả hai sự kiện đó. Đọc bài viết nói trên, những người Việt Nam yêu nước và có lòng tự trọng không khỏi bức xúc, bất bình trước sự so sánh khập khiễng với dụng ý xuyên tạc sự thật và những ý kiến cá nhân mang tính tư biện, suy diễn một cách chủ quan, phiến diện của ông Cần.
Khi được hỏi cảm nhận về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cần nói rằng: “Chúng tôi tham gia Cách mạng tháng Tám với ý nghĩ chân thành, đất nước được tự do, độc lập với những lời hứa hẹn của Việt Minh lúc bấy giờ là mở rộng dân chủ, tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, hội họp, ngôn luận… Đáng tiếc là khi Đảng Cộng sản lên cầm quyền những điều đó đã không được thực hiện”. Ông Cần càng tỏ rõ sự hồ đồ khi cho rằng: Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam và "cách mạng Dân chủ" (theo cách nghĩ của ông Cần) ở Nga năm 1991, đều thất bại (!), vì đã "không đem lại dân chủ, tự do thực sự cho người dân...". Không hiểu ông Cần lấy tư cách gì mà phán như vậy?      
 
 Ảnh minh họa/Internet.
Nhiều người đặt câu hỏi: Ông Nguyễn Minh Cần là người như thế nào mà cố tình bóp méo lịch sử, ngoảnh mặt, quay lưng lại với đất nước, xúc phạm lòng tự tôn dân tộc như vậy? Được biết, ông Nguyễn Minh Cần sinh ra ở Huế, năm nay 85 tuổi, từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và là Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội... Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta dốc lòng, dốc sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam và thống nhất Tổ quốc, Nguyễn Minh Cần được Nhà nước ta cử ra nước ngoài học tập để trở về phục vụ đất nước, nhưng với những toan tính cá nhân cơ hội, thực dụng, ông ta đã xin cư trú tại nước ngoài từ đó đến nay. Những tưởng ở tuổi xế chiều, Nguyễn Minh Cần sẽ sống yên phận và nuôi hy vọng có cơ hội trở về quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng ông ta đã đăng đàn trên một số trang mạng với giọng điệu hằn học, cay độc, cố tình bôi đen lịch sử và xuyên tạc tình hình ở Việt Nam, phủ nhận những thành quả của cách mạng, bài xích vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đập tan ách thống trị của thực dân và phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam), một nhà nước với thể chế chính trị dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng vượt qua những chặng đường đầy gian khổ, hy sinh, đánh thắng những kẻ thù xâm lược mạnh hơn mình gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế và tiềm lực quân sự, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước lên CNXH.
Vào giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, dân tộc ta tiếp tục vượt qua “cơn lốc lớn” làm sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, giữ vững chế độ XHCN ở Việt Nam, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát huy dân chủ XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Hơn 25 năm qua, công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo được thế và lực mới để xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Những thắng lợi đó đã tạo nên sự tiến bộ rõ nét của con người và xã hội Việt Nam, đưa nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, ổn định và phát triển theo con đường XHCN; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện…” và nhấn mạnh: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể của phát triển”, "Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước". Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã có những cố gắng rất lớn trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã hoàn thành sớm một số mục tiêu như: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực; phổ cập giáo dục tiểu học; cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; bước đầu ngăn chặn được sự lây lan HIV và đang ở “ngưỡng cửa” hoàn thành mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em v.v... Mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, năm 2012, nước ta đã đạt được những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Chúng ta đã cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra, đặc biệt đã thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (tăng trưởng hơn 5%); các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, bảo đảm (tỷ lệ hộ nghèo giảm được 1,76%); chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững; vai trò và vị thế của đất nước tiếp tục được nâng cao.     
Dù còn không ít khó khăn và hạn chế, song những thành tựu của Việt Nam về phát triển con người, thực thi dân chủ đã và đang được thực tiễn chứng minh và khẳng định, không thể phủ nhận. Không phải ngẫu nhiên, ngày 28-5-2012, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain - người từng là ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa - đã đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam, nhất là những tiến bộ đáng kể trong đời sống của nhân dân. Thượng nghị sĩ John McCain nhấn mạnh: “Với những bước tiến đó đã tạo nên hình ảnh và tầm ảnh hưởng của Việt Nam không chỉ trong khu vực ASEAN, mà còn ở các tổ chức quốc tế khác”. Rồi nữa, ngay tướng Nguyễn Cao Kỳ - người từng được coi là có tư tưởng chống Cộng cực đoan - đã xúc động không cầm nổi nước mắt khi lần đầu tiên được trở về cội nguồn (tháng 1-2004), sau 30 năm ở nơi đất khách quê người. Từ đó, sau nhiều lần về thăm quê hương, cảm nhận trực tiếp những phát triển của đất nước và đời sống của nhân dân, Nguyễn Cao Kỳ bày tỏ niềm tin tưởng: “Các nhà lãnh đạo Việt Nam đủ trí tuệ để chèo chống và đưa đất nước tiến lên” và nguyện vọng của ông ta là sau khi nhắm mắt, xuôi tay được yên nghỉ nơi quê cha đất tổ.
Nếu thực sự còn tỉnh táo thì tại sao ông Nguyễn Minh Cần,  “người được chứng kiến cả hai sự kiện lịch sử” nói trên, lại có thể đánh đồng Cách mạng tháng Tám 1945 - một sự kiện lịch sử hào hùng, thiêng liêng của dân tộc và có ý nghĩa thời đại sâu sắc với cuộc chính biến tháng 8 -1991 ở Liên Xô - một trang sử đau buồn của nhân dân Xô-viết và của nhân loại tiến bộ? Chính những nhận định hồ đồ này cho thấy ông chỉ là người “cưỡi ngựa xem hoa”, đứng ngoài những sự kiện lịch sử trọng đại, thờ ơ, vô cảm với vận mệnh của dân tộc và sự thịnh suy của đất nước. Tuy vậy, ông đã ngộ nhận, lầm tưởng mình là một “vĩ nhân am hiểu thời thế”, lại thêm những bức xúc cá nhân do quá đề cao “cái tôi” mà cố tình tráo trở phương pháp, rắp tâm lợi dụng những khó khăn, hạn chế trong quá trình đi lên của đất nước để phủ nhận sạch trơn những thành tựu mà cách mạng đã mang lại cho đất nước và dân tộc.
Những tiếng nói lạc điệu của ông Nguyễn Minh Cần có thể ít nhiều tác động đến một số người nhẹ dạ, cả tin và sự “trở cờ” của ông càng làm cho chúng ta cảm nhận sâu sắc thêm về cuộc đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ không chỉ mang tính cấp thiết, mà còn rất gay go, quyết liệt, lâu dài, liên quan trực tiếp đến sự sống còn của chế độ và sự an nguy của đất nước.
PHÙNG KIM LÂN

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Có chức, có quyền đến đâu mới tham nhũng được?




Trích VOV:
Thiếu tướng Tuyên cho rằng, đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng: “Tôi cho rằng ở đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng. Bây giờ nghiên cứu thế nào là tham nhũng, thế nào là tiêu cực tôi cho rằng nó chưa rạch ròi. Nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà đó là tham nhũng thì theo tôi ý đó là không thỏa đáng”.
Thiếu tướng Tuyên cho rằng: “Tham nhũng phải là những người có chức, có quyền nhưng lợi dụng chức quyền đó bớt xén, móc nối lấy tiền của nhà nước. Tôi cho rằng dùng từ tham nhũng phải ở đối tượng đó và hành vi đó. Từ xưa đến nay chúng ta vẫn nói rằng CSGT tiêu cực thì nên ở mức độ đó nó dễ chấp nhận hơn”.

Trích Nguyễn Kim Thản (2005:1478)
tham nhũng  Lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và buộc dân phải hối lộ cho mình

Trích Nguyễn Kim Thản (2005:1601)
tiêu cực I. vt 1 Có ý nghĩa, có tác dụng phủ định, gây trở ngại cho sự phát triển; trái với tích cực 2. Chỉ chịu tác động mà không có phản ứng hoặc phản ứng yếu ớt, không có những hoạt động có tính chất chủ động 3. Không lành mạnh, không có tác dụng tốt đối với quá trình phát triển của xã hội II. khng Hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh
Hoặc tướng Tuyên ngụy biện bằng cách đánh tráo khái niệm, thay đổi định nghĩa tham nhũng một cách tùy tiện, hoặc từ điển tiếng Việt (in cách đây 7 năm) đã mau chóng lạc hậu. Nếu tướng Tuyên không ngụy biện và từ điển cũng không lạc hậu thì có lẽ nghĩa việc cảnh sát giao thông lấy tiền của dân ứng với nghĩa I.2 của từ tiêu cực: Chỉ chịu tác động mà không có phản ứng hoặc phản ứng yếu ớt, không có những hoạt động có tính chất chủ động. Ai bảo cảnh sát giao thông chủ động ăn tiền thì mau khăn gói theo Hoàng Khương cho sớm.
 Bảo là Không lành mạnh, không có tác dụng tốt đối với quá trình phát triển của xã hội cũng sai nốt. Không tin, hỏi tướng Tuyên xem xã hội này có vì cảnh sát giao thông ăn tiền mà ngừng phát triển không.

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Từ lịch sử trong địa danh Việt Nam (Lê Trung Hoa)

Từ lịch sử trong địa danh Việt Nam

EmailIn
1. Trong địa danh Việt Nam, có nhiều từ lịch sử. Từ lịch sử là những từ được sử dụng ngày xưa, nhưng ngày nay đối tượng của nó không còn nữa. Từ lịch sử gồm nhiều loại, như các từ chỉ đơn vị hành chánh xưa (tổng, phủ, châu,…), các từ chỉ chức danh (như tổng đốc, tri châu, bố chính,…),…
2. Trong các loại, loại từ chỉ chức danh chiếm số lượng nhiều hơn cả.
 2.1.Trước hết là địa danh chỉ vùng.
Ba Hộ là vùng đất nay thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ba Hộ vì năm 1851, khu này kinh tế phát triển. Theo đề nghị của Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, vua Tự Đức cho dân Bình Thuận lập các “hộ”và Phố Hài nổi tiếng với Ba Hộ, gồm Hộ bạch đàm, Hộ nước mắm, Hộ ghe bầu, riêng làng Tân Phú có thêm Hộ muối [12]. Hộ ở đây có nghĩa như phường, vì cùng bán một món hang.
Miệt Thứ là vùng đất ở tỉnh Kiên Giang, đã có đầu tk. 19, Đại Nam nhất thống chí gọi là Thập Câu. Miệt Thứ là “miền có 12 con rạch mang từ Thứ ở đầu: Thứ Nhất, Thứ Hai,… Thứ Mười Hai”.
Ngũ Quảng là vùng đất ở Trung Bộ, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi trước năm 1822. Năm 1822, đổi phủ Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên, nhập vào kinh thành Huế. Ngũ Quảng là năm phủ bắt đầu bằng từ Quảng: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi.
2.2.Kế đến là những từ lịch sử chỉ các công trình xây dựng cũ:
Bảo là cù lao ở giữa sông Ba Lai và sông Cửa Đại, tỉnh Bến Tre. Nay là địa bàn các huyện Ba Tri, Châu Thành, Giồng Trôm và thị xã Bến Tre. Bảo là “đồn binh cố định, được xây dựng kiên cố” trên đảo. Bảo Đài là núi ở các huyện Hữu Lũng, Lục Nam, Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cao 700m [11]. Bảo Đài là “đồn bảo làm trên núi cao”. Lao Bảo là đèo trên đường quốc lộ 9 từ Đông Hà đi Xavanakhệt, cắt ngang dãy Trường Sơn, thuộc huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, cao 410m. Còn gọi là đèo Ai Lao, Lào Bảo. Lao doAi Lao nói rút gọn, chỉ nước Lào; Bảo là đồn canh. Vậy Lao Bảo là đồn canh ở gần biên giới Lào.
Hổ Quyền là sân đấu giữa cọp và voi, được xây dựng năm 1830 ở kinh đô Huế, chung quanh có tường bao bọc, chu vi 141m, cao 6m, dày 4m, trên có khán đài để khán giả ngồi xem. Trận đấu cuối cùng diễn ra năm 1904. Nay sân đấu vẫn còn tốt. Hổ Quyền là “đấu cọp” [7].
Thủ Đức là quận của tp. HCM, diện tích 47,8km2, dân số 211.000 người (2006), được thành lập ngày 6 –1 – 1997, gồm12 phường. Thủ là “đồn canh”, đồng thời là chức danh của người đứng đầu một thủ; Đức là tên người. Vậy Thủ Đức là cách gọi theo chức danh và tên của người trưởng thủ đầu tiên. Các địa danh Thủ Thừa, Thủ Thiêm cũng thuộc loại này.
Trấn Biên là dinh được lập năm 1698 ở Nam Bộ, năm 1808 đổi thành trấn Biên Hoà. Nay là tỉnh Đồng Nai. Trấn Biên là “trấn giữ nơi biên giới”.
Trấn Giang là vùng đất do Mạc Cửu nhập vào Đàng Trong năm 1714, sau trở thành một đạo (1739), nay là vùng Hậu Giang, tp. Cần Thơ. Trấn Giang là “vùng sông được trấn giữ”.
Trấn Hải là thành ở xã Thuận An, huyện Phú Vang, tp. Huế, được xây năm 1813. Ban đầu gọi là đài, sau gọi là thành (1834). Chu vi 71 trượng 2 thước, cao 15 thước. Di tích được xếp hạng quốc gia theo quyết định số 871 QĐ/ BVHTT ngày 15 – 5 – 1997. Trấn Hải là “giữ gìn hướng biển”.
Trấn Ninh là luỹ do Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến đắp năm 1662, từ núi Đâu Mâu đến cửa bể Nhật Lệ, thuộc phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trấn Ninh là “trấn giữ cho an ninh”.
Xã Tắc là đàn tế thần ở đất Thăng Long xưa do Lý Thái Tông sai xây dựng năm 1048, nay thuộc ngõ Xã Đàn, tp. Hà Nội. Vết tích nay vẫn còn.  là thần Đất; Tắc là thần Nông. Mất nước thì xã tắc cũng mất nên xã tắc cũng chỉ đất nước [2].
Xã Tây là chợ ở đường Phù Đổng Thiên Vương, phường 11, quận 5, tp. HCM, được xây dựng năm 1925. Xã Tây là toà đô chính, ở đây là của tp. Chợ Lớn [9], do chợ ở cạnh đó [8].
2.3. Nhiều địa danh vốn là các đơn vị hành chính cũ:
Ba Tổng là đê của sông Thương, sông Cầu, thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ba Tổng là các tổng Cổ Dũng, Hương Tảo, Tư Mại [11]. Tứ Tổng là vùng đất ở huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Nội trong tk. 19. Tứ Tổng là “bốn tổng”, đó là các tổng Nội, Thượng, Trung, Hạ [3]. Tổng là đơn vị hành chính ở nông thôn dưới chế độ phong kiến, gồm một số xã.
Bà Chợ là tỉnh ở miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) do phía Cách mạng đặt. Ban đầu gọi là tỉnh Bà Rịa – Chợ Lớn (từ ngày 27 – 6 – 1951). Bà Chợ do ghép tên hai tỉnh  Rịa và Chợ Lớn.
Bắc Trực là vùng đất gồm hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, đối xứng với Nam Trực gồm hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi qua kinh đô Huế. Bắc Trực và Nam Trực là “trực tiếp (với kinh đô Huế) về phía bắc và phía nam”.
Giáp Bát là phường của quận Hoàng Mai, tp. Hà Nội. Trước đây, cũng gọi là làng Tám. Giáp Bát là “giáp thứ tám”. Giáp Nhất là thôn thuộc xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông; nay thuộc quận Đống Đa, tp. Hà Nội. Giáp Nhất là “giáp thứ nhất”. Giáp là đơn vị hành chính dưới thôn trong chế độ phong kiến, gồm độ 10 hộ.
Phiên Trấn là dinh do Gia Long đặt năm 1802, đến năm 1808 đổi thành trấn Phiên An, năm 1832 đổi thành tỉnh Gia Định. Phiên Trấn là “đồn trú bảo vệ của quân đội”.
Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam là ba thuyền (tương đương làng, xã, quân quản) ở xứ Vũng Tàu, dưới thời Minh Mạng (1832), quản lý một đội quân giải ngũ, đi khai thác ruộng hoang ở bán đảo Vũng Tàu. Sau năm 1836 mới gọi là làng hay . Nay thuộc tp. Vũng Tàu [13].
Thủ Biên là tỉnh ở miền Đông Nam Bộ trong thời gian từ tháng 5 – 1951 đến năm 1955 do phía Kháng chiến đặt. Thủ Biên do ghép tên hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hoà.
Tịch Điền là phường trong kinh đô Phú Xuân, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tịch Điền là “ruộng do vua đích thân cày” vài đường tượng trưng để tỏ rõ sự chú trọng đến nghề nông [3].
Trấn Định là dinh từ năm 1781, trước đó là đạo Trường Đồn, năm 1808 là trấn Định Tường, năm 1832 là tỉnh Định Tường. Nay là tỉnh Tiền Giang. Trấn Định là “trấn nhậm cho ổn định”.
Trấn Man là huyện vào đời Minh, nguyên đời Lý là châu Đằng, là lộ Long Hưng vào đời Trần, là phủ Tân Hưng vào đời Hồ, đổi thành Tiên Hưng vào đời Lê, thuộc trấn Sơn Nam, đời Nguyễn thuộc tỉnh Hưng Yên, năm 1890, đổi thuộc tỉnh Thái Bình [3]. Trấn Man là “trấn áp những người chưa văn minh”.
Trấn Vĩnh là dinh ở Nam Bộ, lập năm 1788, nay là vùng Vĩnh Long. Trấn Vĩnh là “trấn giữ mãi mãi”.
            2.4.Sau cùng là các từ chỉ các chức danh cũ: Loại này có số lượng lớn hơn cả1.
            a) Một số chức danh có liên hệ đến giáo dục.
Hiếu Liêm là xã của huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Hiếu Liêm có hai nghĩa: 1.”Người có học hạnh mà do các địa phương tiến cử về triều”. 2. Các ông cử nhân đời Minh và đời Thanh nước Tàu” [2].
Tiến Sĩ là núi nổi lên trên núi Xuân Đài, ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Tiến Sĩ vì dáng núi giống hình “ông tiến sĩ” [4].
b) Một số chức danh có liên hệ đến quân sự.
Điều Bát là chợ ở miền Tây Nam Bộ. Điều Bát là chức quan võ lo việc điều khiển binh lính. Điều bát nhung vụ Nguyễn Văn Tồn, người Khmer, từng giữ chức này dưới thời Gia Long [15].
Đốc Binh Kiều là xã ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Đốc binh Kiều là cách gọi tắt Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (hoặc Lê Công Kiều, Trần Phú Kiều), một lãnh tụ nghĩa quân hy sinh vì Tổ quốc ở vùng Tháp Mười [10].
Đốc Tít là hang núi thuộc huyện Thuỷ Nguyên, tp. Hải Phòng. Đốc Tít (tên thật là Nguyễn Đức Tiết, làm chức Đề đốc, quê ở Kinh Môn, tp. Hải Phòng) là lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp trong phong trào Cần Vương, lập căn cứ ở đây.
Đốc Vàng Hạ là rạch ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Có ba người được xem là Đốc Vàng: Thượng tướng Trần Ngọc, Đề đốc Hoàng Công Thiệu (quê ở Quảng Ngãi), Phó tổng trấn Gia Định Trần Văn Năng (quê ở Khánh Hoà). Còn Hạ là để phân biệt với Thượng, chỉ hai vùng đất ở xa và gần biên giới Campuchia. Chưa thể xác định thuyết nào đúng.
Đội Cường là kinh nối sông Bảy Háp với sông Gành Hào (Bạc Liêu), rộng 4m, dài 8km.. Đội là từ gọi tắt chức cai đội hoặcđội trưởng cai quản 50 – 60 lính dưới thời phong kiến. Dưới thời Pháp thuộc, đội còn dùng để chỉ chức vụ cai quản một tiểu đội, có cấp bậc trung sĩ (sergent). Cường là tên người.
Lãnh Binh Thăng là đường ở quận 11, tp. HCM, dài 1.120m, lộ giới 25m. Lãnh Binh là chức quan võ nắm quân đội cấp tỉnh thời Nguyễn, trật Chính tam phẩm. Ông Lãnh là cầu bắc qua rạch Bến Nghé, quận 1, tp. HCM. Cầu cũ hình chữ Z, dài 120m, rộng 5m, lề 0,3m, đã bị phá bỏ năm 2000. Cầu mới hình đường thẳng, dài 267m, rộng 20m, xây xong năm 2002. Ông Lãnh ở đây là Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1798 – 1866). Sau năm 1858, ông có làm lãnh binh và đã đóng quân tại đồn Cây Mai và Thủ Thiêm, nên tại đình Nhơn Hoà, gần cầu, có bàn thờ ông [8].
Phó Cơ Điều là đường phố nằm trên địa bàn hai quận 5 và 11, tp. HCM. Phó cơ Điều là cách nói tắt Phó quản cơ Nguyễn Văn Điều (? – 1868), một anh hùng chống Pháp ở Nam Bộ.  là đơn vị quân đội có 500 người.
Thống Linh là chợ ở xã Mỹ Ngãi, thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Thống Linh là cách gọi tắt Thống lãnh binh Nguyễn VănLinh (1815 – 1862), sinh ở thôn Mỹ Ngãi, một lãnh tụ chống Pháp, bị chúng xử tử hình tại chợ Mỹ Trà [10].
Thủ Chiến Sai là địa điểm ở vùng Chợ Mới, tỉnh An Giang. Sau bị gọi chệch thành Thủ Kiến Sai, có lẽ do người Pháp làm sai lạc vì trong tiếng Pháp có chữ H câm nên Chiến thành Kiến, Chí (Hòa) thành Kí, Kì (Hòa) [7]. Thủ Chiến Sai là “chức vụ được sai đi xây đồn canh để giữ an ninh”.
c) Một số chức danh thuộc lĩnh vực hành chính, lao động.
Đốc Công là ngã ba trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, tp. HCM, nơi xảy ra nhiều cuộc đấu tranh chống Pháp của công nhân sau CMT8. Đốc Công là từ tổ vốn chỉ người cai quản công nhân và hướng dẫn làm việc.
Đốc Phủ Chỉ là đường ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ở huyện này còn có đường Đốc Phủ YênĐốc phủ là “chức quan lại cao cấp thời Pháp thuộc, trên phủ và huyện, có thể làm Quận trưởng hay Phó tỉnh trưởng, hoặc Đầu phòng ở Soái phủ [9]. Chỉ, Yên là tên người.
Quản Long là tỉnh lỵ tỉnh An Xuyên, được thành lập ngày 22 – 10 – 1956. Nay thuộc tp. Cà MauQuản Long có lẽ gọi theo chức danh (hương quản) và tên người.
Thuộc Nhiêu là giồng trải dài theo chiều dài sông Tiền và đường Trung Lương đi Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.Thuộc Nhiêu là Cai thuộc (lý trưởng) Nguyễn Văn Nhiêu, có công lập chợ Thuộc Nhiêu, cách chợ hiện nay (dời vào khoảng 1962 – 1963) độ 300m [14].
Trấn là núi ở phường Quảng Phú, tp. Quảng Ngãi. Cũng gọi là núi Ông. Trấn là cách gọi tắt chức danh Trấn quận công Bùi Tá Hán (1496 – 1568), có lăng mộ ở đây [1].
3.Địa danh thuộc phạm trù lịch sử. Bởi vậy, địa danh mang nhiều từ lịch sử của nhiều thời đại khác nhau. Giải mã các từ này, chúng ta sẽ thấy rõ hơn bản chất và ý nghĩa của các địa danh để có quyết định có nên duy trì hoặc thay đổi các địa danh này hay không.

                                    CHÚ THÍCH 
Các chức danh khác trong địa danh, chúng tôi đã trình bày trong bài Chức danh xưa đi vào địa danh Việt Nam. Trong bài này, chúng tôi không lặp lại các chức danh đã đề cập.
                        TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Cao Chư, Từ tỉnh thành đến thành phố Quảng Ngãi, Nxb Đà Nẵng, 2006.
2.Đào Duy Anh, Từ điển Hán – Việt, SG, Trường thí, 1957.
3.Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.
4.Đỗ Hữu Thích (trưởng ban biên tập), Địa chí Thanh Hoá, tập 1. Địa lý và lịch sử, HN, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2000.
5.Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, HN, Nxb Thanh niên, 2002.
6. Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, SG, 1895-1896.
7.Lê Trung Hoa, Địa danh học Việt Nam, HN, Nxb KHXH, 2006.
8.Lê Trung Hoa (chủ biên), Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh, tp. HCM, Nxb Trẻ, 2003.
9.Leâ Vaên Ñöùc, Vieät Nam töø ñieån, SG, Khai trí, 1970.
10.Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết, HN, Nxb KHXH, 2004.
11.Nguyễn Quang Ân – Nguyễn Xuân Cần (cb), Địa chí Bắc Giang - Từ điển, Sở Văn hoá – Thông tin Bắc Giang và Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam xb, 2002.
12.Phan Minh Đạo, Địa danh ở tỉnh Bình Thuận, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Sở, 2005.
13.Thạch Phương – Nguyễn Trọng Minh (cb), Địa chí Bà Rịa – Vũng Tàu, HN, Nxb KHXH, 2005.
14.Tröông Ngoïc Töôøng, Moät soá ñòa danh ôû Tieàn Giang, Vaên hoaù ngheä thuaät Tieàn Giang, thaùng 11 – 2000, tr.27 – 31.
15.Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, HN, Nxb Văn hoá, 1993.

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Từ nguyên dân gian là gì?


Khi nói từ này là nguồn gốc của từ kia trong khi thật ra cả hai chẳng có liên quan gì với nhau mặc dù cách giải thích nghe có vẻ rất hợp lý thì đó chính là từ nguyên dân gian. Chẳng hạn như có người đã từng giải thích cái tên thành phố Đà Lạt được tạo thành từ các chữ cái đầu từ trong câu tiếng La Tinh DAT ALLIS LAETITUM ALLIIS TEMPERRIEM  (Cho người này niềm vui, cho người kia sự mát lành). Nghe có vẻ rất phù hợp với một thành phố được xây dựng để phục vụ cho việc nghỉ dưỡng nhưng thật ra thì không phải thế. Đà Lạt vốn là Đaq Lạch. Đaq là nước, suối, sông. Lạch là tên của một bộ tộc thiểu số sống tại chỗ. Ông Cunhac - viên Công sứ đầu tiên của thành phố Đà Lạt cũng hiểu như vậy. Khi trả lời phỏng vấn về cái tên Đà Lạt, ông đã nói:  A la place du lac coulait le petit ruisseau de la tribu des Lat et qu'on appelait "Dalat" (Da ou Dak: eau en moï)", nghĩa là Ở chỗ hồ nước có con suối nhỏ của bộ tộc Lat, gọi là "Đà Lạt" (theo tiếng Thượng, Da hay Dak nghĩa là nước) (“Naissance de Dalat” của Baudrit, Revue Indochine số 180 vào tháng 2 năm 1944)

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Nguồn gốc địa danh Huế (Tuệ An)

Học giả Nguyễn Văn Tố từng chỉ ra hàng loạt địa danh gốc Chăm hiện hữu khắp tỉnh Thừa Thiên. Ví dụ: An Lỗ, Lai Trung, Liễu Cốc, Mậu Tài, Mỹ Xuyên, Nguyệt Biều, Thanh Phước, Tiên Nộn, Ưu Điềm. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng sông Ô Lâu, làng Sình, thị trấn Sịa xuất xứ từ tiếng Chăm.
1. Oa chuyển thành uê?
Tháng 4-1992, tại TP.HCM, hội thảo khoa học lần thứ II về triều Nguyễn được tổ chức. Tham dự hội thảo đó, với báo cáo Huế - một di sản sáng giá do triều Nguyễn để lại, nhà nghiên cứu Phan Thuận An tái khẳng định: “Lịch sử chính thức của vùng Thuận Hoá thuộc Đại Việt mới bắt đầu cách đây non 700 năm, sau cuộc hôn nhân Chàm – Việt năm 1306 giữa quốc vương Chế Mân và công chúa Huyền Trân. Hai châu Ô – Lý được dùng làm sính lễ dâng tặng cho nhà Trần, nghĩa là cho dân tộc Đại Việt. Ô – Lý trở thành Thuận Hoá (1307). Chữ Hoá(化) bị đọc trại thành Huế về sau.”
 Trong cuốn sách Theo dòng lịch sử, giáo sư Trần Quốc Vượng viết: “Vua Trần đổi tên châu Ô thành châu Thuận và châu Lý thành châu Hoá. Địa danh Thuận Hoá có từ đó và tên Huế là đọc trạnh từ tên Hoá.”
Soạn tập I Hỏi đáp về triều Nguyễn và Huế xưa, Nguyễn Đắc Xuân ghi: “Thuận Hoá là đất cũ hai châu Ô và Ry (Lý) xưa, Thuận Hoá đọc gọn lại và trại ra thành Huế.”
Đinh Xuân Vịnh cũng chép không khác vào Sổ tay địa danh Việt Nam: “Địa danh Huế bắt nguồn từ các địa danh Châu Hoá đời Trần, Thuận Hoá đời Lê, đọc tắt là Huế.”
Lập luận trên nghe càng có vẻ hữu lý khi người ta củng cố bằng cứ liệu chuyển hoá ngữ âm tiếng địa phương: hoà vẫn được dân Huế nóihuề và hoa lắm lúc được dân Huế nói huê. Do đó, Hoá chuyển thành Huế cũng hợp lẽ.
Thế nhưng, xét tổng quát ngữ âm vùng Huế, chưa thể đúc kết thành quy luật oa => uê đối với phần vần gồm cặp nguyên âm cuối ấy được. Chẳng người Huế bình thường nào phát âm hội hoạ thành hội huệ và thuỷ hoả thành thuỷ huể, cả giáo hoá và phong hoá cũng không phát âm thành giáo huế và phong huế. Thực tế lịch sử cho thấy hoa buộc phải đọc thành huê hoặc thành ba do kiêng huý tên riêng của bà Hồ Thị Hoa (1719–1807; chính phi của vua Minh Mạng) theo lệnh triều đình ban bố từ niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất, tức năm Tân Sửu 1841. Do đó, tỉnh Thanh Hoa đổi ra tỉnh Thanh Hoá, cửa Đông Hoa đổi ra cửa Đông Ba, cầu Hoa đổi ra cầu Bông. Còn hoà đọc trại thành huề là từ năm Quý Mùi 1883, lúc hoàng tử Hồng Dật lên làm vua Hiệp Hoà.
 
2. Biến đổi ngữ âm và ký tự
Vấn đề đặt ra: địa danh Huế xuất hiện tự bao giờ?
Từ điển Địa danh thành phố Huế của Trần Thanh Tâm và Huỳnh Đình Kết ghi nhận: “Đến nay vẫn chưa rõ từ Huế ra đời vào lúc nào và nó được ký âm như thế nào bằng chữ Hán – Nôm. Điều tra trong văn liệu cổ thì từ Huế được ký âm là 化 được tìm thấy trong tác phẩm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn tương truyền của Lê Tư Thành (1442–1497) tức vua Lê Thánh Tông, lên ngôi năm 1460, đi đánh Chiêm Thành ngang qua xứ Huế năm 1470, song việc xác minh tập sách này có phải của vua Lê Thánh Tông không cũng chưa đi đến kết luận. Đến năm 1553, tác giả Dương Văn An cũng ghi từ Huế là 化 trong tác phẩm Ô châu cận lục. Cả hai trường hợp này đều không đứng vững vì chữ này đều có thể đọc là Hoá hoặc Huế. Từ Huế được viết bằng mẫu tự Latinh đã xuất hiện lần đầu vào năm 1653 trong tác phẩm Voyage et Missions (Hành trình và truyền giáo) do giám mục Alexandre de Rhodes biên soạn, ông là người có công san định chữ quốc ngữ đã được nhiều người ký âm trước đó. Trong tác phẩm này, ông đã dùng từ Kẻ Huế để chỉ Kim Long.”
Có thật Alexandre de Rhodes [A Lịch Sơn Đắc Lộ] (1591–1660) viết nguyên dạng Huế hoặc Kẻ Huế chăng?
Năm 1915, trên tờ Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH: tập san Đô Thành Hiếu Cổ), học giả Léopold Cadière đã trích mấy đoạn từVoyage et Missions của Alexandre de Rhodes trong bài Les Européens qui ont vu le vieux Hué (Những người Âu từng thấy Huế xưa). Xin dẫn lại đôi câu liên quan: “Thành phố mà đức vua ngự trị gọi là Kehue, triều đình rất đẹp (...). Khi đi qua, chúng tôi nghỉ lại ở Hoâ”. Và đây là sự phân tích của Léopold Cadière: “Trước hết, hãy chú ý tên thành phố trong văn bản: Kehue. Chỗ khác, Alexandre de Rhodes lại viếtHoâ. Còn từ điển của ngài thì ghi Hoá, Kẻ Hoá và Hué, Kẻ Hué. Tôi còn thấy vài tài liệu thời ấy dạng Hoé nữa. Kehue là dạng viết gộp củaKẻ Hué. Riêng dạng Hoâ tương đương dạng Hoá, dấu mũ trên chữ a chắc do ấn công người Âu nhầm lẫn. Dẫu sao, vào thời Alexandre de Rhodes, dạng Huế như hiện nay với âm ê đóng là chưa có. Hồi trước, người ta phát âm tên kinh đô với âm cuối mở, hoặc là a, hoặc là e, chứ dạng Hoé đã biến mất lâu rồi. Như vậy chứng tỏ trong quá khứ từng tồn tại các dạng Hoé, Hué, Hoá. Tài liệu của các tác giả Âu châu gồm Bồ Đào Nha, Hà Lan và Pháp cùng hoặc sau thời đó có ghi Sinua, Sennua, Senua, Singoa; tất cả đều phiên âm tên hành chính Hán – Nôm của vùng này là Thuận Hoá. Ví thử dạng Huế với âm cuối ê đóng như hiện nay đã hiện hữu trong quá khứ, ắt Alexandre de Rhodes ghi nhận rồi, bởi nơi mục từ chỉ kinh đô ở từ điển của mình, ngài không quên liệt kê đồng thời các dạng có a tận cùng với các dạng có e tận cùng. Trong khi chờ đợi thêm thông tin mới, tôi nghĩ có thể kết luận rằng tên thủ phủ của chúa Nguyễn thời Alexandre de Rhodes có dạng là Hoá hay Hué, chứ dạng Huế bấy giờ chưa xuất hiện, còn dạng Hoé thì mất hẳn tự đời nào”.
 
3. Gốc gác địa danh Huế: tiếng Chăm
Thực tế, dạng Hoé tiền thân của địa danh Huế chẳng hề mất, mà vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cư dân thuộc cộng đồng Việt Nam đa dân tộc: người Chăm.
Trước thế kỷ XIV, chính xác là trước năm Đinh Mùi 1307 — lúc triều Trần chính thức tiếp quản hai châu Ô và Ry (Lý) — thì người Chăm tại lưu vực sông Hương gọi địa bàn mình trú ngụ bằng tên Hoé. Niên điểm ấy trở về sau, khá đông người Chăm dời lần vào phía Nam, song vẫn còn một số người Chăm nán lại trên mảnh đất mà họ đã chôn nhau cắt rốn và sống cộng cư hoà ái với người Kinh từ phía Bắc mới “chân ướt chân ráo” tới lập nghiệp. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi chi tiết vào năm Nhâm Thìn 1472, niên hiệu Hồng Đức thứ III: “Ra sắc chỉ cho Thái bộc tự khanh xét họ tên của bọn người Chiêm.” Nhiều gia đình người Chiêm, tức Chăm, mang họ Bá, Bạch, Cái, Chế, Hàm, Hứa, Ma, Ông / Ôn, v.v., lưu lại xứ Thuận Hoá bấy giờ vẫn gọi đất này là Hoé giống trước kia và giống cách phát âm của bà con họ ở Ninh Thuận lẫn Bình Thuận ngày nay. Địa danh cổ xưa đó về sau được Dictionnaire Căm - Vietnamien - Français (Từ điển Chăm - Việt - Pháp)của Gerard Moussay xuất bản tại Phan Rang năm 1971 ghi là Hwe.
Hwe tiếng Chăm có nghĩa hương thơm, chẳng mấy chốc chuyển thành Huế tiếng Kinh và được ký âm Hán – Nôm là 化. Điều đó khiến hậu thế ngộ nhận rằng Huế do Hoá đọc trại ra. Sự thật thì diễn biến ngược lại. Há lẽ chỉ mỗi Hoá biến thành Huế, còn Thuận 順 lại không biến thành địa danh nào?
Với lối chính tả Việt ngữ sử dụng mẫu tự Latinh (chữ quốc ngữ), dạng Huế cũng sớm được ổn định, ít nhất là từ thế kỷ XVIII. Năm 1755, đại uý hải quân Pháp Le Floch de la Carrière quan trắc thực địa để vẽ Plan d’une partie des côtes de la Cochinchine (Bản đồ một phần duyên hải xứ Đàng Trong) rồi đem về Lorient ấn loát vào đầu tháng 7-1787, đã ghi tên dòng Hương bằng nguyên văn sông Huế và chua thêm tiếng Pháp rivière du Roi (sông Vua). Cũng tại Lorient, giám mục Pierre Pigneaux de Béhaine [Bá Đa Lộc] đã đáp tàu thuỷ đến trước đấy bốn tháng. Giai đoạn 1772–1773, soạn thảo Dictionnarium Anamitico Latinum  Bá Đa Lộc cũng ghi rõ Huế kèm chú giải: “Kinh đô chúa Đàng Trong”. Được xem là kế thừa và phát triển bộ từ điển in năm 1651 của Alexandre de Rhodes, công trình này tạo nền móng cho các bộ từ điển của Tabert, của Génibrel ra đời vào thế kỷ XIX.
Nhiều tổ chức lẫn cá nhân bao lâu đã đầu tư nghiên cứu sự ảnh hưởng của văn hoá Chăm đối với văn hoá Huế nói riêng, văn hoá Việt Nam nói chung. Ảnh hưởng ấy lần lượt được khám phá qua vô số biểu hiện cụ thể, từ âm nhạc và vũ đạo đến điêu khắc và kiến trúc, từ phong tục tập quán đến miếng ăn tiếng nói, v.v. Năm 1943, với khảo luận Noms et lieux Cham - Annamites (Tên và địa điểm Chăm - Việt), học giả Nguyễn Văn Tố từng chỉ ra hàng loạt địa danh gốc Chăm hiện hữu khắp tỉnh Thừa Thiên. Ví dụ: An Lỗ, Lai Trung, Liễu Cốc, Mậu Tài, Mỹ Xuyên, Nguyệt Biều, Thanh Phước, Tiên Nộn, Ưu Điềm. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng sông Ô Lâu, làng Sình, thị trấn Sịa xuất xứ từ tiếng Chăm. Tuy nhiên, đến hôm nay, rất hiếm người nhận thấy rằng ngay cả địa danh “lớn” là Huế cũng có từ nguyên Chăm ngữ.
Tuệ An

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Địa danh Việt Nam mang thành tố chung "Cầu" ở trước (Lê Trung Hoa)

Địa danh Việt Nam mang thành tố chung "Cầu" ở trước

EmailIn
   
1. Trong  địa danh Việt Nam, có hàng trăm đơn vị mang thành tố chung Cầu ở trước. Những địa danh này đã chuyển từ tên cầu sang tên những đối tượng khác, như rạch, xóm, kinh, ấp,… Điều này cho thấy các chiếc cầu có quan hệ thiết thân đến cuộc sống của con người.
            2. Yếu tố sau có thể là tên các đơn vị hành chính, tên người, cây cỏ, cầm thú,…
2.1Trước hết, yếu tố sau là tên các đơn vị hành chính.
Cầu An Hạ là một trong 12 tổng của hạt Chợ Lớn (1880), rồi tỉnh Chợ Lớn (1910), gồm 11 xã thôn. Một phần của hai xã thôn tổng này sát nhập vào tp. HCM. Tên tổng do tên tên cầu mà ra.
Cầu Ba Thôn là rạch ở phường Thạnh Lộc, quận 12, tp. HCM. Vì rạch chảy dưới cầu Ba Thôn (Quới An, Quới Xuân, Thạnh Lộc) nên mang tên trên.
2.2. Kế đến, yếu tố thứ hai là tên các con vật.
Cầu Cá Lăng là kinh nối liền tp. HCM và tỉnh Bình Dương. Cá lăng là thứ cá nước ngọt, không vảy, giống cá tra, cá vồ.
Cầu Sấu là rạch ở đầu đường Hàm Nghi, quận 1, tp. HCM, có từ đầu nhà Nguyễn, từ khu ao đầm phía trong chảy ra rạch Bến Nghé. Năm 1892, rạch này bị lấp. Cầu Sấu vì ở ngay vàm rạch, bãi sông Sài Gòn, có vòng rào dự trữ cá sấu để bán và có cầu ra bắt cá sấu.
Cầu Vạc là suối ở xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Cầu Vạc là chiếc cầu mà ngày xưa vạc đi ăn đêm thường đậu nơi đây [8].
2.3Tiếp theo, thành tố đứng sau là tên các từ chỉ sông nước.
Cầu Bến Mương là suối ở ranh xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, tp. HCM..
Cầu Kinh là sông nhánh của sông Vĩnh Bình, làm ranh giới của tp. HCM và tỉnh Bình Dương. Cầu Kinh cũng là rạch huyện Nhà Bè, tp. HCM.
Cầu Suối là kinh ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, tp. HCM, dài độ 7.200m.
Cầu Vụng là sông ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Cầu Vụng vì sông chảy qua chiếc cầu ở mấy vụng nước của các xã Khánh Hội, Khánh Nhạc [6, 270].
2.4. Yếu tố đứng sau vốn là sản phẩm được bán trên địa bàn.
Cầu Dầu là cống đặt dọc con rạch nhỏ, nơi khu chuyên bán dầu phụng, nay ở vị trí trước UBND tp. HCM. Cống đã bị phá bỏ cuối thế kỷ 19.
Cầu Đường  là xóm có cầu cạnh khu bán các loại đường tại Chợ Lớn ngày xưa. "Gia Định phú" (bài 1) có câu:
Trong Cầu Đường bao chuốt ngọt ngon, đủ đường phổi, đường cát, đường phèn, đường hạ;
Ngoài Xóm Bột phơi phong trắng dã, nhiều bột mì, bột đậu, bột lọc, bột khoai.
Cầu Giấy là quận của tp. Hà Nội, diện tích 12,1km2, dân số 142.800 người (2006), thành lập từ tháng 11 – 1996, gồm 8 phường. Tại quận này trước đây có một làng chuyên sản xuất giấy nên gọi làng Giấy. Ở đây có một cái cầu làm theo kiểu thượng gia hạ kiều (“trên là nhà, dưới là cầu”), bán chủ yếu các loại giấy nên mang tên cầu Giấy, có từ thời nhà Lý. Tên cầu chuyển thành tên quận [2].
Cầu Mật  là một cách gọi khác rạch Ông Bé (đúng tên là Ong Bé, cũng gọi Cầu Cạn) ở quận 8, tp. HCM. Vì người ta lấy mật ong ở hai rạch Ong Lớn và Ong Bé ra bán gần cầu.
Cầu Muối là chợ  phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, tp. HCM. Đây là chợ đầu mối rau quả và hoa tươi. Chợ xây xong năm 1874. Ở vào khu vực trước kia có bắc cầu qua rạch (đã bị lấp làm con đường, nay là Nguyễn Thái Học) để chuyển muối Bà Rịa từ dưới ghe lên kho nên chợ có tên này [4].
Cầu Xóm Rượu là ấp của xã An Phú, huyện Bình Chánh, tỉnh Gia Định trước năm 1975. Nay thuộc xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Tại nơi này trước đây có xóm chuyên nấu rượu.
2.5.Chất liệu của cầu thường là yếu tố đứng sau.
Cầu Đá là bến tàu ở tp. Nha Trang, xây năm 1920, đến năm 1927 được nâng cấp, có chiều dài 24m. Cầu Đá là “cầu cảng xây bằng đá”. Cầu Đá còn là suối ở làng Xuân Trường (1902), nay thuộc phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, tp. HCM.
Cầu Đất là tên xóm, còn gọi là xóm Biện Tao, ở tp. HCM. Vì cầu xây bằng đất nên mang tên trên.
Cầu Giát là thị trấn, huyện lỵ huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Giát là tấm vạt tre đan. Vì mặt cầu được lót bằng những tấm vạt nên gọi là cầu Giát (pont en claies de bambous). Tên cầu chuyển thành tên thị trấn [3].
Cầu Sắt  là tên rạch và tên vùng đất ở huyện Hóc Môn, tp. HCM..
Cầu Tre  là phường của quận 11 cũ, trước 30 - 4 -1975, nay là địa phận của tp. HCM. Cầu Tre còn là rạch ở vùng Củ Chi.
Cầu Ván  là tên ít nhất bốn con rạch ở  tp. HCM.
2.6Một số từ chỉ hướng của cầu so với dòng sông hay con đường.
Cầu Ngang  huyện của tỉnh Trà Vinh, diện tích 328,7km2, dân số 127.700 người (2006), gồm 2 thị trấn Cầu Ngang, Mỹ Long và 13 xã. Cầu Ngang vốn chỉ những chiếc cầu vuông góc với dòng chảy. Cầu Ngang còn là tên sáu con rạch và xóm ở tp. HCM.
Cầu Xéo là khu vực ở thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Cầu Xéo vì chiếc cầu xéo góc với con đường [8]. Cầu Xéo còn là tên khu vực ở quận Tân Bình. Cầu xéo là cầu bắc xéo qua kinh rạch.
2.7. Đứng sau từ cầu là tên cây cối ở chung quanh.
Cầu Bông là rạch ở quận Bình Thạnh, tp. HCM. Vì chảy gần cầu Bông nên rạch mang tên này. Mà cầu Bông là cầu gần vườn hoa của Tả quân Lê Văn Duyệt.
Cầu Da và Cầu Dà là hai con rạch ở vùng Bình Chánh, tp. HCM. Da là cây đa và Dà là giống cây sác, vỏ có nhiều tanin, dùng làm thuốc nhuộm và thuộc da.
Cầu Dền là phường của quận Hai Bà Trưng, tp. Hà Nội. Cũng gọi Cầu Giền, Cầu Rền. Cầu Dền có hai cách lý giải: 1. Cầu bắc qua sông Kim Ngưu, hai bên sông trước đây có trồng nhiều rau dền nên cầu mang tên trên [2]. Tên cầu chuyển thành tên phường. 2. Tên cầu Dền gốc ở Hoa Lư, Lý Thái Tổ mang ra đặt cho Hà Nội khi dời đô [5].
Cầu Dưa, Cầu Dừa, Cầu Tràm là tên ba con rạch ở tp. HCM.
Cầu Kè là huyện của tỉnh Trà Vinh, diện tích 245,8 km2, dân số 116.200 người (2006), gồm một thị trấn và 10 xã. Cầu Kè là do ba dòng sông kè sát chiếc cầu bên chợ [1, 89]. Có thể cầu làm bằng cây kè hoặc ở cạnh cây kè thì có lý hơn [3].
Cầu Nhum là rạch ở huyện Hóc Môn, tp. HCM. Có lẽ do cầu Rạch Nhum nói gọn thành Cầu NhumNhum là loại cây giống cây cọ nhưng lớn hơn, cũng có gai.
Cầu Sơn là rạch ở quận Bình Thạnh, tp. HCM, dài độ 1.000m. Trên rạch có cầu Sơn nên rạch mang tên này. Dưới thời Nguyễn, tại khu vực có một số cây sơn khá to (loại dùng làm sơn mài). Cầu Sơn cũng là khu phố chợ do Nguyễn Trấn (đô uý của Nguyễn Nhạc) lập, nhưng không thành công vì nước mặn, có nhiều kinh rạch đi lại khó khăn nên khó phát triển. Nay thuộc các phường 25, 26, quận Bình Thạnh [4].
2.8. Hàng loạt từ đứng sau chỉ tính chất của cầu.
Cầu BéCầu Cạn, Cầu Cũ, Cầu CụtCầu Dài, Cầu Đen, Cầu Lớn, Cầu Nhỏ, Cầu Trắng, Cầu Trệt là tên nhiều con rạch ở tp. HCM [4].
 Cầu Gồ là thị trấn, huyện lỵ huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Cầu Gồ vốn có nghĩa là “cầu nổi cao lên một cách không bình thường”.
Cầu Hin là núi ở tây nam tp. Nha Trang, cao 972m. Cầu Hin là “cầu đen”.

2.9. Các công trình xây dựng ở chung quanh cầu cũng thường kết hợp với từ cầu để gọi tên các đối tượng liên quan.
Cầu Am, Cầu Bót, Cầu Chùa, Cầu Cống, Cầu Đập, Cầu Đình, Cầu Cống Lở, Cầu Lăng, Cầu Miếu, Cầu Quán, Cầu Trạm là tên raïch ôû tp. HCM [4].
Chỉ có một số địa danh ở tp. HCM đáng chú ý: Cầu Kho, Cầu Lầu, Cầu Nhà Việc.
Cầu Kho là phường của quận 1, tp. HCM. Cầu Kho vì trên địa bàn phường trước đây có kho Cẩm Thảo, được xây dựng năm 1805, chứa lúa [4].
Cầu Lầu là rạch ở các phường 15 và 17, quận Bình Thạnh, từ rạch Cầu Bông đến rạch Văn Thánh, dài độ 800m. Trên cầu trước đây có xây một cái chòi như cái lầu để khách nghỉ chân, sau đó đã hư. Rạch đã bị ấp từ lâu.
Cầu Nhà Việc là rạch ở huyện Củ Chi, tp. HCM. Nhà việc (cũng gọi nhà làng, nhà vuông) là nhà làm việc quan, tức cơ quan nhà nước ở xã ấp dưới thời phong kiến.
Cầu Đập là rạch của sông Vĩnh Bình, ăn thông với rạch Nước Trong, gần ranh giới quận Thủ Đức (tp. HCM) và tỉnh Bình Dương.
Cầu Kho là khu vực thuộc phường Thuận Lộc, tp. Huế. Nơi này trước đây có các kho tiền, thuốc súng và diêm tiêu,… sau đó lần lượt dời đi, dân đến ở, nên có tên trên [7].
2.10Sau cùng, yếu tố sau là tên các nhân vật có quan hệ đến cầu.
Cầu Bà Cả, Cầu Bà Đề, Cầu Bà Nga, Biện Tao (còn gọi xóm Cầu Đất), Cầu Huệ (hay Cầu Lão Huệ), Cầu Hương Việt, Cầu Ông Bông, Cầu Ông Búp, Cầu Ông Cai, Cầu Ông Đèo, Cầu Ông Đụng, Cầu Ông Nhiêu, Cầu Ông Tán, Cầu Ông Thìn, Cầu Ông Thoàn, Cầu Quan, Cầu Vàm Thuật,…hầu hết là tên rạch, xóm,… ở tp. HCM [4].
Cầu Ông Lãnh là rạch, chợ, phường ở quận 1, tp. HCM. Ông Lãnh ở đây là Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1798 – 1866), người có công xây chiếc cầu nơi đây và có công chống Pháp.

Ngoài ra, còn khá nhiều cầu khó xếp vào loại nào, tạm kể ra sau đây vì nguồn gốc khá đặc biệt của chúng.
Cầu Chông là rạch từ rạch Bến Nghé chảy vào địa phận quận 4, tp. HCM. Sở dĩ có tên này là vì khi đóng quân ở bên kia rạch Bến Nghé, Nguyễn Ánh đã cho cắm chông để ngăn bước tiến của quân Tây Sơn [4].
Cầu Đông là chợ lớn ở thành Thăng Long từ thời Lý – Trần đến giữa tk. 19. Sông Tô Lịch bị lấp, cầu Đông (ở hướng đông)không còn. Chợ Cầu Đông và chợ Bạch Mã dời đến phường Đồng Xuân nên gọi là chợ Đồng Xuân, tiền thân của chợ Đồng Xuân hiện nay.
Cầu Đúc là sông ở huyện Bình Chánh, tp. HCM. Cầu Đúc là cầu xi măng cốt thép.
Cầu Hai là đầm nước mặn ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, rộng 10.500ha, thông với phá Tam Giang và biển Đông ở cửa Tư Hiền. Cũng gọi là Cầu Đôi. Cầu Hai có lẽ là hai chiếc cầu ở kế cận nhau.
Cầu Hàn là rạch chảy dưới cầu Hàn, quận 7, tp. HCM. Vì cầu hay bị xói mòn chân và lòng cầu đã bị “hàn” kín nên rạch Cầu Hàn trở thành rạch chết, khô cạn dần.
Cầu Hộc là rạch chảy dưới cầu Hộc, đổ ra rạch Bến Nghé tại quận 5 ngày nay. Rạch đã bị lấp. Trong xóm có cái giếng mà thành giếng bằng gỗ như hình cái khuôn đều đặn nên gọi giếng Hộc. Cầu cạnh giếng nên mang tên trên.
Cầu Khởi là rạch ở vùng Hóc Môn, tp. HCM. Cầu Khởi vốn là cầu khỉ, loại cầu bắc ngang mương, đẽo bằng cây tròn, cây tạp gập ghềnh khó đi.
Cầu Lòn là xóm ở phường Đúc, tp. Huế. Cầu Lòn vì tại khu vực này, từ năm 1908, có giao lộ xe lửa và đường bộ, xe lửa chạy ở trên, người đi bộ đi dưới cầu [7].
Cầu Nổi là bến phà ở Mỹ Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, trên ql. 50. Cầu Nổi vì một đầu cầu tựa vào đất liền, một đầu cầu bắc trên các trụ giữa dòng sông để phà cập vào.
Cầu Sa là lươn (xẽo) ở quận 12, tp. HCM, chảy vào kinh Tham Lương, dài độ 4.500m. Lươn hoặc con lươn là dòng nước nhỏ hẹp như hình con lươn, như con lươn Quyền. Sa là nơi chắn ngang dòng nước để bắt cá.
Cầu Võng là rạch chảy dưới cầu Võng, tp. HCM. Sở dĩ gọi như thế là vì dưới thời Pháp thuộc, đây là chiếc cầu treo, người đi qua, cầu lắc lư như chiếc võng.
Cầu Xáng (năm địa danh) là xóm, chợ, ấp, khu dân cư ở tp. HCM.. Xáng do chữ Pháp chaland (sà lan) vì máy đào kênh đặt trên một sà lan nên người địa phương lấy tên vật này gọi vật kia theo phương thức hoán dụ. Kinh xáng là con kinh do xáng đào và cầu Xáng là chiếc cầu bắc qua con kinh này.
Cầu Xe Lửa là rạch ở quận 12, tp. HCM. Năm 1896-1897, đường sắt Sài Gòn - Hóc Môn được xây dựng cho tàu điện (tramway) hoạt động nên có cầu này và cầu Ga.
3. Số lượng địa danh mang thành tố Cầu khá phong phú, nhất là ở vùng Nam Bộ. Điều này cho biết đây là vùng đất có nhiều sông nước. Cho nên muốn biết văn hóa Nam Bộ, ta không thể không nghiên cứu tên cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Bùi Đức Tịnh, Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ, tp.HCM, Nxb Văn nghệ, 1999.
2.Bùi Thiết, Từ điển Hà Nội: Địa danh, HN, Nxb Văn hóa - Thông tin, 1993.
3.Lê Trung Hoa, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, bản đánh máy, chưa xuất bản.
4.Lê Trung Hoa (cb) – Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2003.
5.Nguyễn Khôi, Một số địa danh ở Bắc Bộ, bản viết tay do tác giả gửi tặng.
6.Trương Đình Tưởng (cb), Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình, Nxb Thế giới, 2004.
7.Trần Thanh Tâm, Huỳnh Đình Kết, Địa danh thành phố Huế, HN, Nxb Văn hóa dân tộc, 2001.
8.Võ Nữ Hạnh Trang, Văn hoá qua địa danh Việt ở tỉnh Đồng Nai, Luận văn thạc sĩ Văn hoá học, Trường ĐHKHXH-NV, tp. HCM, 2006.