Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Làm thều thào được không?

Thều thào hiện nay thường được hiểu là nói rất nhỏ và yếu ớt (Hoàng Phê, 2006:936).
Trên các văn bản cổ thều thào có nghĩa là hời hợt, qua loa  như ở câu 750 của Thiên Nam Ngữ Lục:
Chính sự thều thào bỏ việc lam nham.
(Vương Lộc, 2001:153)
Nghĩa này vẫn còn được ghi nhận trong các từ điển tiếng Việt thế kỷ thứ 20. Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:563) giải thích thều thàosơ lược, nông nổi và cho ví dụ là tính người thều thào. Lê Văn Đức (1970b:1552) cũng giải nghĩa và cho ví dụ y hệt.
Nguyễn Như Ý (1999:1559) có hai mục từ thều thào riêng biệt. Mục từ thứ nhất có nội dung giống với thều thào của Hoàng Phê (2006:936). Mục từ thứ hai quy về từ thểu thảo; từ này được giảng là hời hợt, dễ dãi, nông nổi.

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Rừng có mạch không?

Trung bình cứ 81 người viết tai viết mạch rừng mới có 1 người viết tai vách mạch dừng và người này bị coi là viết sai chính tả! Nhưng từ điển Lê Văn Đức (1970b:309) chỉ ghi nhận tai vách mạch dừng, không có tai vách mạch rừng.


Một quyển từ điển hồi đầu thế kỷ 20 là Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:161) có hai mục từ dứngdừng, xem là cùng nghĩa, và giải thích là nan để làm cốt vách và cho ví dụ là rút dây động dừng (không phải động rừng). Câu tục ngữ Tai vách mạch dừng được ghì ở trang 504 của cuốn từ điển ấy. 


Bây giờ kỹ thuật xây cất nhà cửa đã khác nên dừng trở nên vô nghĩa, rừng nghe hợp lý hơn. Từ điển Nguyễn Như Ý (1999:1482) ghi nhận cả tai vách mạch dừngtai vách mạch rừng. Hoàng Phê (2006:883) chỉ có tai vách mạch rừng.

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Dấu hay giấu?

Dấu là một từ cổ, có nghĩa là yêu. Giấu có nghĩa là cất kín. Việc cần phải che giấu thường là việc xấu xa. Viết che dấu trong trường hợp này là sai chính tả,
Chồng gọi vợ là em yêu dấu. Yêu dấu là yêu công khai nên không có chuyện yêu giấu. Không yêu công khai là yêu thầm, yêu vụng. yêu trộm... Tục ngữ có câu: Con vua vua dấu, con chấu chấu yêu. Thơ Hồ Xuân Hương có câu: Chúa dấu vua yêu một cái này. Đố ai biết là cái gì?                                                                                                                                                                                                                                                                                    

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Lạp xưởng có phải là xúc xích Tàu không?

Lạp xưởng/lạp xường là một món ăn của người Trung Quốc. Lạp xường là âm Quảng Đông của臘 腸. Âm Hán Việt lạp trường.

Lạp nghĩa là cuối năm. Đời nhà Chu lễ tế cuối năm gọi là đại lạp ( ). Tháng cuối năm là lạp nguyệt ( ), sang tiếng Việt thành tháng chạp.

Trường/Tràng nghĩa là nghĩa là ruột: tiểu tràng (  ) là ruột non, đại tràng (  ) là ruột già, đoạn trường ( ) là đứt ruột/đau lòng. Lạp trường là ruột lợn nhồi thịt lợn xay trộn với rượu, đường cho lên men tự nhiên.

Trên các thực đơn tiếng Anh lạp xường thường được dịch là Chinese sausage, tức là xúc xích Trung Hoa. Dịch như vậy không chính xác lắm vì xúc xích Trung Hoa rất đa dạng về chủng loại. Nhưng nếu ghi là lap cheong hay lup chong thì không ai hình dung ra được đó là món gì.

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Do đâu de có nghĩa là lùi?


Gốc Pháp của dearrière, có nghĩa là phía sau. Tiếng Pháp có một biểu thức có vẻ thừa thãi nhưng khá thông dụng là reculer en arrière, dịch sang tiếng Việt thành lùi về phía sau, cũng rất thông dụng và cũng có vẻ thừa thãi (có ai lùi về phía trước không?). Do vậy de trong tiếng Việt có nghĩa là lùi:
Làm được như thế thì các hang khác cứ gọi là chạy de kèn (Nguyễn Bắc Sơn, 2008:293)
Chỉ sợ cảnh "chàng về nay đã cụt chân" rồi em gài số de, cho anh đi chỗ khác chơi (Anh Vân, 2003:77)

Từ arrière của Pháp còn có nghĩa là hậu vệ trên sân bóng đá. Từ arrière với nghĩa này vào tiếng Việt thành a-de.

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Iếc sát là gì?


Từ Ersatz trong tiếng Đức có nghĩa là thế phẩm. Do chiến tranh thế giới lần thứ II từ này xâm nhập vào các tiếng châu Âu.  Có nhiều khả năng là người Việt tạo ra từ iếc sát qua tiếp xúc với tiếng Pháp.
Lại làm cho nước phở vàng ngậy, hắc mùi thảo quả, cái “vị phở” thơm thịt như món thịt giả iếc sát của phát xít Đức chế ra để binh lính nhai cho đỡ nhớ thịt thật. (Tô Hoài, 2010:458)

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Mạch lô là gì?

Mạch lô là một từ cũ, có nghĩa là thủy thủ, do gốc Pháp là matelot:
Đám mạch lô trở nên hoảng loạn. (Ngô Tự Lập, 2008:60)

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Síp là gì?


Síp là từ mượn tiếng Anh (ship, có nghĩa là gửi hàng): síp hàng miễn phí (free shipping), dịch vụ síp hàng, phí síp hàng (shipping fees)... Trong tất cả các ví dụ trên hoàn toàn có thể sử dụng từ gửi thay vì síp. Nhưng dùng síp mà không dùng gửi chính là có ý muốn lồng vào văn bản một dấu chỉ về căn cước của người viết/nói và thời đại của mình.

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Làm ne là làm gì?


Trong tiếng Pháp nègre vốn có nghĩa là mọi da đen.
Cuối thế kỷ 18 từ nègre có thêm nghĩa là tác giả ma, tức người viết (mướn) để người khác ký tên. Alexandre Dumas, tác giả của cả trăm quyển tiểu thuyết lịch sử bất hủ, trong đó có Ba người lính ngự lâm (Les Trois Mousquetaires), Hai mươi năm sau (Vingt Ans Après), Hoa tu-líp đen (La Tulipe Noire)... đã sử dụng một số tác giả ma; đuợc hậu thế biết đến nhiều nhất là Auguste Maquet, chuyên làm công việc tìm tài liệu, viết phác thảo rồi chuyển cho Alexandre Dumas hoàn thiện bản thảo. Suy cho cùng cũng là làm mọi.
Dân kiến trúc nước ta gọi người giúp việc là ne, thực chất là bắt làm mọi:
Ne ơi ta bảo ne này,
Ne vô họa thất ne “cày” cùng ta,
Trưởng tràng có luật đưa ra,
Kêu gì làm nấy, liệu mà biết khôn,
Bắt cởi truồng, phải cởi truồng,
Kêu nằm “quậy cỏ”, liệu hồn “rendu”

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Cây ắc là cây gì?



Ắc, còn gọi là cây chốt, là từ của dân cơ khí, chỉ một chi tiết máy hình đoạn thẳng làm trục cho một hoặc nhiều chi tiết khác quay quanh. Từ nguyên dân gian giải thích rằng khi cây chốt gãy thì xe kêu “ặc ặc”. Thật ra ắc là một từ gốc Pháp (axe), có nghĩa là trục.

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Phơi đề là phơi cái gì?


Phơi đề không phơi cái gì cả. Phơi có nghĩa là tờ phiếu, gốc tiếng Pháp là feuille

Phơi thanh toán là tờ phiếu thanh toán:
Họ chỉ đảo từ này xuống dưới, xếp từ kia lên trên rồi đạo nguyên những câu ví dụ từ các quyển Larus Francais ra để lòe những người mới học ở trình độ i tờ và cứ thế rút tiền biên soạn, cho đệ tử cùng cạ ký đại vào tờ phơi thanh toán của Trung tâm. (Đào Quang Thép, 2007:205)

Phơi đề là tờ phơi cá độ (feuille de pari) về kết quả xổ số.

Phơi tem (feuille de timbres) là tờ phơi dùng để trình bày tem.

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Ba sô là cái gì?


Thời Pháp thuộc và ở miền Nam trước năm 1975, ba sô là từ dùng để chỉ bằng tú tài Tây:
Ba sô cao đẳng trở đi,
Như mù như điếc huống gì nữa ai.
Gốc tiếng Pháp là bachot, có sắc thái thân mật.
Cùng nghĩa và cùng sắc thái với ba sô còn có bắc (gốc tiếng Pháp là bac): bắc oong (bac I) là tú tài I, bắc đơ (bac II) là tú tài II, bắc phi lô (bac de philo) là tú tài ban triết...

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Hành ba rô có phải là tỏi tây không?

Tỏi tây là một cây thuộc họ hành (Alliaceae); lá và củ ăn được, rất phổ biến trong các thực đơn kiểu Tây.
Tỏi tây, tiếng Pháp là poireau. Từ poireau vào tiếng Việt bằng đường mượn âm dưới các dạng poa rô, boa rô, bo rô và ba rô.

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Bạc đà là cái gì?

Từ bạc đà được các từ điển Nguyễn Như Ý (1999:94), Hoàng Phê (2006:24) giải thích là cái ba lô (lính).
Chỗ này hồi trước có cái tượng thằng lính Tây đen xì đeo bạc đà đứng lù lù như uy hiếp cái cột cờ trong thành cổ (Ma Văn Kháng, 2003VI:583)
Gốc Pháp là barda, có nghĩa là quân trang.

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Tơợc-phít là gì?


Trong phóng sự Cá ngựa! Cá ngựa Vũ Bằng ba lần dùng từ tơợc-phít:

Tôi bảo cụ chỉ là một tơợc-phít.
Khắp Hà Thành và Cảng, còn ai không biết ngài là một tay “tơợc-phít” có danh? 
Nhờ cái mạnh ấy, các “tơợc-phít”  khác sẽ bỏ nhà mà dọn đến ở nhà pha.


Đó là một từ gốc Pháp (turfiste, nghĩa là dân chơi cá ngựa). Anh em song sinh của nó là tuyệt phích, được ghi trong từ điển của Chu Bích Thu (2006:260):


Ở trường đua, tuyệt phích có thể cá cược hợp pháp với ban tổ chức nhưng nếu thắng, tiền độ thấp hơn so với cá cược lậu.

(Công Quang, "Những “bí mật đen” ở trường đua Phú Thọ", Dân Trí,  22/05/2009

()

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Vên là cái gì?

Từ bielle của tiếng Pháp nghĩa là thanh truyền, vào tiếng Việt thành biên (ở phía Bắc) và vên/dên ở phía Nam. Từ điển Hoàng Phê (2006:62) có biên, không có vên. Từ điển Lê Văn F9ức (1970b:1765) có vên, không có biên. Từ điển Nguyễn Như Ý (1999) có cả biênvên.

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Đi rỏn là đi đâu?


Từ rỏn có mặt trong các từ điển Lê Văn Đức (1970b:1242), Nguyễn Như Ý (1999:1408). Đi rỏn do gốc tiếng Pháp là faire la ronde, nghĩa là đi tuần (đêm).

Con sa mù là con gì?

Sa mù là lạc đà. Gốc tiếng Pháp là chameau.
Bác đã đi nhiều, đâu cũng biết, biết cả con “sa mù” có hai cái bướu trên lưng quanh năm nhịn nước. (Tô Hoài, 2007:20)

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Một mi-crôn là bao nhiêu mét?

Một mi-crôn là một phần triệu (10-6) mét, tức là 1/1000 mi-li-mét. Đồng nghĩa là mi-crô-mét.
Trong tiếng Việt có ba dạng tương đương về nghĩa nhưng khác nguồn là mi-crôn, mi-cron (gốc Nga микрон) và mi-crông (gốc Pháp micron). Các dạng gốc Nga phổ biến trên văn bản chính thức hơn; dạng gốc Pháp rất hiếm khi xuất hiện trong thực tế. 

Kèn lập binh là kèn gì?

Lập binh là từ cũ, gốc Pháp là l’appel, nghĩa là gọi. Thời Pháp thuộc, thổi kèn lập binh, tiếng Pháp là sonner l’appel, là thổi kèn gọi lính.
Kèn hiệu dưới thời Pháp thuộc còn có: kèn la vầy (réveil) là kèn báo thức, kèn la mác/la mát (la marche) là kèn diễu hành. 

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Phim hồng là phim gì?


Phim hồng là phim khiêu dâm nhẹ của Nhật Bản. Thuật ngữ phim hồng được sao phỏng từ pink film tiếng Anh. Từ pink film này được dịch từ tiếng Nhật là  (ピンク映画  pinku eiga). Pinku trong tiếng Nhật lại là một từ mượn âm tiếng Anh (pink).