Chủ Nhật, 09/08/2009 - 3:49 PM | ||||
Tròn một phần tư thế kỷ là thư ký giúp việc cho Tổng Bí thư Lê Duẩn, trong quá trình phấn đấu công tác, ông được đề bạt là Phó Văn phòng Trung ương ĐCS Việt Nam và sau này giữ chức Phó Tổng biên tập Nhà Xuất bản Sự thật. Sau khi nghỉ hưu, ông tham gia biên tập nhiều đề tài tổng kết lịch sử rất quan trọng, trong đó có đề tài được đề nghị Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông chính là Đống Ngạc, nguyên Thư ký giúp việc của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ông Đống Ngạc sinh năm 1925, tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, quê hương giàu truyền thống cách mạng. Năm 14 tuổi, ông vào học tại Trường Quốc học Huế. Học hết chương trình tú tài phần một, ông quyết định xếp bút nghiên đi theo cách mạng. Tháng 9/1945, ông được tuyển vào Quân đội và biên chế về Đại đội 4, Chi đội do đồng chí Võ Quang Hồ chỉ huy (đồng chí Võ Quang Hồ sau này là Phó Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu - Quân đội nhân dân Việt Nam). Tháng 10/1945, đơn vị ông tham gia đoàn quân Theo đề nghị của Ủy ban Việt minh xã, người thanh niên đất Quảng quyết tâm vượt lên thương tích nhận nhiệm vụ làm chính trị viên dân quân xã, đồng thời gia nhập Đoàn thanh niên cứu quốc. Công tác ở xã được nửa năm, ông được cử đi dự Đại hội Đoàn Thanh niên cứu quốc huyện Tam Kỳ và được bầu làm Bí thư Huyện đoàn. Và từ đó, làm công tác đoàn thanh niên, ông đã phấn đấu lên đến chức Thường vụ Trung ương đoàn, phụ trách công tác nông nghiệp. Tháng 4/1962, ông Đống Ngạc được tổ chức phân công về công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng, làm thư ký giúp việc cho đồng chí Lê Duẩn từ đó (ngày ấy đồng chí Lê Duẩn là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam). Về kỷ niệm ngày đầu giúp việc đồng chí Lê Duẩn, ông Đống Ngạc kể lại: "Được về giúp việc cho anh Ba (tên gọi thân mật của đồng chí Lê Duẩn) nhà lãnh đạo kiệt xuất, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi rất vinh dự nhưng cũng rất lo lắng không hiểu có hoàn thành nhiệm vụ anh Ba giao cho hay không. Nhưng làm việc với anh Ba, tôi thấy anh là một con người giản dị, nhân hậu, rất gần gũi cuộc sống đời thường; một con người biết kết hợp nhuần nhuyễn tình cảm cách mạng cháy bỏng với tri thức cách mạng sâu sắc; một nhà chiến lược có sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, có tư duy năng động sáng tạo, thể hiện tinh thần độc lập tự chủ rất cao. Mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng anh thường xuyên quan tâm động viên, hướng dẫn tôi rất cụ thể, tỉ mỉ về công việc của người thư ký giúp việc anh. Hai mươi nhăm năm được sống và làm việc bên anh Ba, tôi có rất nhiều kỷ niệm với anh. Nhưng có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất là lần tôi được anh Ba giao nhiệm vụ chấp bút Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam để đọc tại lễ truy điệu Hồ Chủ tịch. Những ngày cuối tháng 8/1969, tình hình sức khoẻ của Bác có chiều hướng xấu đi. Tập thể giáo sư, bác sỹ mang hết tinh thần trách nhiệm, nghị lực và tình cảm kính yêu đặc biệt đối với Bác để quyết thắng căn bệnh hiểm nghèo của Người. Trong những ngày ấy, anh Ba và các đồng chí trong Bộ Chính trị cũng vào thăm sức khoẻ của Bác. Sáng sớm ngày 2/9/1969, anh Ba vào thăm Bác rất sớm, ở lại bên giường Bác mãi đến trưa mới về nhà. Tôi linh cảm có điều gì rất hệ trọng đã xảy ra. Nghe tiếng còi xe, tôi ra cổng đón anh. Anh Ba bước xuống xe, mặt buồn rười rượi, đôi mắt đỏ hoe, tôi hiểu ngay rằng cái điều hệ trọng không ai mong muốn đã đến: Bác Hồ của chúng ta đã ra đi theo cụ Các Mác, cụ Lê Nin và các bậc đàn anh khác. Mấy ngày hôm đó, vòm trời Hà Nội cũng như cả nước trĩu nặng một nỗi buồn, thiên nhiên như cũng đau nỗi đau của con người. Công tác chuẩn bị tang lễ Bác diễn ra hết sức dồn dập. Những người giúp việc anh Ba, nhất là bộ phận thư ký chúng tôi đều ứng trực cao độ. 9h tối 6/9/1969, vừa đi họp ở Bộ Chính trị về, anh Ba cho gọi tôi và anh Đậu Ngọc Xuân, trong tổ thư ký lên phòng làm việc của anh ở số 6 - Hoàng Diệu. Anh trầm ngâm đưa cho chúng tôi bản Di chúc của Bác Hồ (văn bản mà Bộ Chính trị quyết định công bố trong lễ truy điệu Hồ Chủ tịch), hai dự thảo điếu văn do bộ phận khác chấp bút (hai bản dự thảo này không được Bộ Chính trị thông qua) và giao nhiệm vụ: - Hai chú chuẩn bị giúp tôi bản điếu văn khác để đọc tại lễ truy điệu Bác. Nghe đến đây tôi và anh Xuân nhận thức rất rõ rằng công việc được giao là một vinh dự rất lớn nhưng hết sức khó khăn, vượt quá sức mình. Chưa kịp định thần trước nhiệm vụ được giao thì anh Ba chỉ đạo: "Về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ đã ăn sâu vào tâm trí của mỗi người dân Việt Thứ nhất, Hồ Chủ tịch nêu cao chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập tự do" lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh đến cùng chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thứ hai, Hồ Chủ tịch gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, dìu dắt đồng bào ta phấn đấu vì dân giàu nước mạnh, vì ấm no hạnh phúc của mọi người. Thứ ba, Hồ Chủ tịch dày công xây đắp khối đại đoàn kết dân tộc, kêu gọi toàn dân thực hiện, coi đó là bí quyết thắng lợi của cách mạng nước ta. Thứ tư, Hồ Chủ tịch kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế cách mạng. Thứ năm, Hồ Chủ tịch là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để mọi người học tập noi theo. Các chú chú ý đến văn phong, lời lẽ phải trang trọng, sâu sắc, cô đọng; văn chương phải có hồn và đi vào lòng người. Cố gắng làm xong trong đêm nay để kịp sáng mai Bộ Chính trị thông qua".
Lúc này, chỉ mình tôi ngồi đối diện trang giấy trắng. Tôi không dám nghĩ rằng Bác Hồ đã mất và hình dung trước mặt là hình ảnh của Người. Người là lãnh tụ có công lao trời biển và hy sinh cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Người đã làm rạng rỡ dân tộc và non sông đất nước ta. Nay Người đã ra đi! Dân tộc ta đứng trước một tổn thất, một đau thương lớn lao vô cùng. Trong tôi dâng trào niềm tiếc thương và xúc động vô hạn. Nó đã giúp tôi có cảm xúc mạnh mẽ để viết và hoàn thành bản thảo. Sáng hôm sau, anh Ba dậy sớm hơn mọi ngày và gọi tôi cầm bản thảo lên đọc cho anh nghe. Nghe xong, anh chỉ thị: - Về cơ bản là được, chú cần suy nghĩ thêm về đoạn nói về tư tưởng của Bác, nội dung 5 lời thề và cân nhắc thêm về từ ngữ. Dừng lại nhìn tôi, chắc thấy sắc mặt tôi nhợt nhạt, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ mấy hôm triền miên, anh động viên: - Nhưng thôi, chú thức suốt đêm chắc là mệt lắm, hãy cứ để như thế cho đánh máy rồi lấy thêm ý kiến của các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sau đó sửa chữa một thể. Theo sự chỉ đạo của anh Ba, tôi đưa bản thảo sang bộ phận văn thư của Văn phòng Trung ương ở 1A Hùng Vương để đánh máy. Chị Vũ Thị Sinh, tổ trưởng tổ đánh máy đọc bản thảo một lần rồi vừa đánh máy vừa khóc, mọi ngày hai bàn tay như múa trên bàn phím mà hôm đó cứ lóng nga lóng ngóng. Tôi động viên chị trấn tĩnh để hoàn thành bản thảo cho kịp thời gian. 8h sáng 7/9/1969, Bộ Chính trị và Ban Bí thư họp để bàn một số công việc, trong đó có nội dung tham gia vào dự thảo điếu văn. Sau khi lấy ý kiến tham gia, tôi và anh Xuân tập trung chỉnh sửa rất khẩn trương và tích cực, đến quá trưa thì công việc tạm xong. Đó là lần sửa chữa quan trọng nhất nhưng chưa phải là lần cuối cùng. Sau khi nghe chúng tôi báo cáo kết quả sửa chữa lần thứ nhất, anh Ba đồng ý và chỉ thị cho chúng tôi gửi điếu văn cho anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng, anh Tố Hữu, anh Hoàng Tùng… để các anh xem lại, góp ý kiến cho thật chặt chẽ và hoàn hảo. Đồng thời, gửi sang Ban Đối ngoại để kịp dịch ra năm thứ tiếng nước ngoài. Khoảng 8h tối 7/9, điếu văn đã hoàn thiện sau 4 lần rà soát, sửa chữa. Sáng 8/9, chúng tôi trình anh Ba bản điếu văn chính thức. Anh xem và nói: - Tôi nói giọng miền Trung, đồng bào ngoài Bắc khó nghe, tôi phải đọc trước mới được. Đọc được mấy dòng, anh nghẹn lại, hai hàng lệ cứ lăn dài trên gò má làm nhoà cả kính. Nhìn anh Ba khóc, chúng tôi càng hiểu tình cảm của anh với Bác Hồ kính yêu và tất cả chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Ngoài trời mưa tầm tã. Sáng 9/9/1969, lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể và trang nghiêm với lòng thành kính và biết ơn vô hạn với Bác, trên 33 vạn đồng bào, chiến sĩ cả nước và hơn 40 đoàn đại biểu các nước trên thế giới kính viếng và dự lễ truy điệu Người. Sau khi anh Ba nghẹn ngào đọc Di chúc của Bác và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: "Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn!... Dân tộc ta và Đảng ta mất đi một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại. Phong trào Cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất đi một chiến sỹ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết… Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta…" cả Quảng trường lặng đi rồi oà lên khóc. Các cháu thiếu nhi gục đầu vào lòng các bác lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước khóc nức nở. Để thể hiện quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, sau mỗi lời thề trước anh linh của Bác, cả rừng cánh tay giơ cao cùng Ban Chấp hành Trung ương xin thề với Bác sẽ làm tròn sứ mệnh mà Người đã tin cậy giao phó, nguyện đi theo con đường mà Người đã vạch ra..." | ||||
Nguyễn Đức Quý |
Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014
Lời điếu làm rung động triệu triệu con tim (Nguyễn Đức Quý - Công An Nhân Dân)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét