Tam quyền phân lập không phù hợp với thể chế chính trị ở nước ta
Thứ ba 10/09/2013 07:16
ANTĐ - Thời gian gần đây, lợi dụng việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số người đã cổ súy cho việc thực hiện cái gọi là “tam quyền phân lập”, đòi tách biệt quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để “kiềm chế”, “đối trọng” giữa ba quyền này theo mô hình nhà nước tư sản... Đây là những luận điệu không mới và đã được các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, kích động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Quốc hội và HĐND các cấp luôn đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của người dân
(Trong ảnh: Cử tri phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII)
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm việc củng cố, từng bước hoàn thiện bộ máy nhà nước. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta hết sức coi trọng việc cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều kiện mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; đồng thời, có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Sự khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là một bước phát triển mạnh mẽ trong việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng ta. Với sự hoàn thiện này, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ta được xác định bởi bốn nội dung quan trọng: thống nhất quyền lực, phân công quyền lực, phối hợp quyền lực và kiểm soát quyền lực.
Thời gian gần đây, lợi dụng việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số người đã cổ súy cho việc thực hiện cái gọi là “tam quyền phân lập”, đòi tách biệt quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để “kiềm chế”, “đối trọng” giữa ba quyền này theo mô hình nhà nước tư sản và đưa ra các luận điệu “để xây dựng cơ chế tam quyền phân lập trong tổ chức bộ máy nhà nước, điều kiện đầu tiên là áp dụng hệ thống chính trị đa nguyên, đa đảng”; “điều kiện khác của việc áp dụng chế độ tam quyền phân lập là phải trung lập hóa, phi chính trị hóa lực lượng quân đội và cảnh sát”(?!). Đây là những luận điệu không mới và đã được các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, kích động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Cần khẳng định “tam quyền phân lập” có thể phù hợp ở các mức độ khác nhau với một số nước trên thế giới, nhưng không phù hợp với thể chế chính trị nước ta, bởi lẽ việc thực hiện quyền lực nhà nước theo phương thức nào là phụ thuộc vào thể chế chính trị của mỗi quốc gia. Ở nước ta, nhân dân là chủ nhân của quyền lực chính trị, quyền lực nhân dân là cội nguồn của quyền lực nhà nước, quyền lực đó chỉ có thể thực hiện một cách thống nhất dưới sự giám sát của nhân dân, chứ không thể phân chia, chia cắt, phân rã. Nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được bảo đảm thực hiện bởi sự kết hợp hài hòa giữa dân chủ trực tiếp (tức là nhân dân trực tiếp tham gia quản lý nhà nước và xã hội, giám sát hoạt động của Nhà nước) và dân chủ đại diện (tức là nhân dân phân công và ủy quyền cho các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ chính trị, xã hội, pháp lý của mình đều hướng tới phục vụ nhân dân, thực hiện “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, không để lập pháp vị lập pháp, hành pháp vị hành pháp, tư pháp vị tư pháp như các thể chế “tam quyền phân lập”. Quyền lực nhà nước là thống nhất do tất cả quyền lực nhà nước thuộc nhân dân và thống nhất về mục tiêu chính trị: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự phân công rành mạch giữa các cơ quan nhà nước là tiền đề quan trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mặt khác, sự phân công đó cũng rất cần thiết để xây dựng một nền hành chính quốc gia ổn định, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Yếu tố kiểm soát ở đây không phải là sự “kiềm chế”, “đối trọng”, mà là để tăng sự giám sát giữa các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước.
Từ sự phân tích ở trên, tôi hoàn toàn đồng tình với quy định tại Điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét