Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Đặng Thai Mai: Kỷ niệm về những lần gặp Bác Hồ


Đặng Thai Mai: Kỷ niệm về những lần gặp Bác Hồ


GS Đặng Thai Mai
Tháng 8-1945, tôi bị đau dạ dày nặng, phải nằm tại Sầm Sơn, Thanh Hoá. Mấy ngày trước khi cướp chính quyền ở Hà Nội, một số người bạn vào nói công việc phải chuẩn bị và muốn tôi ra ngay.
Tôi định ra Hà Nội. Trên đường từ Sầm Sơn về Thanh Hoá, khi đi qua một sân bay cũ mà bọn Nhật đang sử dụng, tôi thấy một tên tướng Nhật cùng quân lính đang tập hợp ở đấy. Hình như chúng đang đốt một lá cờ. Khi tới bệnh viện Thanh Hoá, tôi bị giữ lại nằm viện.

Cuối tháng 8-1945, tôi mới ra Hà Nội. Đến Hà Nội, các bác sĩ lại bắt nằm bệnh viện, chưa được làm việc ngay.

Một hôm, tôi nghe tin Bác về. Lúc bấy giờ, tôi đã biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, vì hôm trước, khi anh Hà Huy Giáp đi qua Thanh Hoá, đã có người chắn đường lại hỏi:
- Hồ Chí Minh là ai?
Anh Giáp trả lời:
- Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc.

Mấy hôm sau tôi được vào gặp Bác. Hôm đó là ngày 4-9-1945. Tôi đến gặp Bác ở phòng khách của Bắc Bộ phủ. Trong phòng có bàn làm việc và một bộ xa-lông. Tôi đi vào, kính cẩn và rón rén. Bác nhanh nhẹn bước ra, tươi cười bảo tôi lại ngồi ở bộ xa-lông. Bác nói:
- Bác bận lắm, chỉ gặp chú được một lát thôi.
Khi uống nước, Bác hỏi thăm chuyện gia đình, chuyện ông nội tôi bị đi tù, đến những năm cuối đời mới được tha; chuyện ông tôi ở Côn Lôn về được bao lâu? Bà nội tôi mất năm nào?...
Sau đó, Bác kể chuyện chú tôi là ông Đặng Thúc Hứa, lúc bấy giờ gọi là ông Hai Cày (ở bên Xiêm). Bác nói với tôi:
- Chú yếu lắm, phải lo mà chữa bệnh. Khỏe rồi ra giúp nước.

Tôi chào Bác ra về. Chiều hôm đó có rất nhiều nhà văn đến gặp tôi và hỏi:
- Anh gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảm tưởng đầu tiên của anh như thế nào?
Tôi trả lời:
- Khó mà nói được cảm tưởng của mình, nếu như chỉ dùng một chữ để tóm tắt cảm giác của tôi thì phải dùng một chữ Pháp "Humain", có nghĩa theo quan niệm của tôi"Một con người rất thấu con người, thương người. Mục đích làm việc là làm thế nào cho con người được sung sướng hơn".

Tôi cũng nhắc lại với các bạn tôi là:
- Bác nói công việc ban đầu đang còn khó khăn, phải cố gắng nhiều. Cướp chính quyền mới là bước đầu. Bây giờ làm thế nào để củng cố chính quyền cho tốt. Đây là cơ hội ngàn năm có một. Phải xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ. Nếu bỏ lỡ cơ hội này là trách nhiệm của cả một thế hệ.

Tôi rất sung sướng khi các bạn văn tỏ ý tán thành ý kiến đó. Nhiều tuần lễ sau, các bạn ở các tỉnh khác cũng như ở Hà Nội vẫn còn hỏi tôi về ấn tượng buổi ban đầu được gặp Bác. Tôi nhắc lại câu nói hôm đầu tiên. Và tôi còn nói thêm với họ là:
- Theo tôi nghĩ "Nếu ông Hồ Chí Minh mà không làm xong việc thì không có người Việt Nam nào làm xong việc".

Tôi nói câu ấy vì lần gặp Bác vừa rồi tôi có nói, đại ý là: Không chỉ nhân dân Nghệ Tĩnh tin tưởng vào Bác, mà bây giờ cả nước đều tin tưởng Bác và ai ai cũng nói, có Bác thì sự nghiệp của các lớp tiền bối lần này có thể thành sự thực.

Hôm đó Bác nói:
- Vấn đề không phải chỉ tin vào một con người, mà phải tin vào Đảng. Chú đã đọc Mác, Mác nói: "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng".
Tôi nói với các bạn:
- Đành rằng sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, nhưng cũng cần có một người chỉ đường cho mà đi.

Tất nhiên, các bạn tôi tin rằng người đó là Hồ Chí Minh.

Sau đó Bác gọi tôi vào. Thấy sức khoẻ của tôi đã khá hơn, Bác bảo tôi tham gia vào Ban dự thảo "Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Tôi hết sức bỡ ngỡ vì từ trước tới nay tôi chưa hề quan tâm tới vấn đề này bao giờ. Tuy nhiên khi học lịch sử thế giới và theo dõi tình hình cách mạng Liên Xô, tôi cũng biết một ít về bản Hiến pháp của Anh. Tôi cũng đã đọc một số điểm chính trong bản Hiến pháp của Pháp năm 1789 và Hiến pháp đầu tiên của Liên Xô năm 1936. Những người được cử vào Ban dự thảo Hiến pháp hình như có cố vấn Vĩnh Thụy, cụ Vũ Đình Hoè và Nguyễn Đình Thi, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh.

Hôm đầu tiên Bác chủ tọa cuộc họp, buổi trưa Bác giữ tôi và cố vấn Vĩnh Thụy ở lại cùng ăn cơm tại Bắc Bộ phủ. Bữa cơm hôm đó rất đạm bạc.

Mấy tuần sau, chúng tôi hoàn thành bản sơ thảo. Khi trình bày Bác hỏi:
- Các chú có ai thắc mắc gì không?
Tôi cười và thưa với Bác:
- Không biết chúng ta ban bố quyền bầu cử cho toàn dân có sớm quá không? Dân chúng ta hiện giờ người mù chữ còn tới 80, 90%.
Bác cười, giơ ngón tay chỉ vào tôi và nói:
- Chú là người thảo hiến pháp mà không khéo lại phản động đấy, người cách mạng trước hết phải tin vào nhân dân.

Câu nói đó đối với tôi mãi mãi là một bài học vô cùng thấm thía, vả lại kết quả cuộc bầu cử ngày 6-1-1946 là một sự xác nhận hết sức hùng hồn đối với tôi.
GS Đặng Thai Mai đứng thứ 2 (trái qua) trong lễ ra mắt chính phủ liên hiệp kháng chiến ngày 2/3/1946


☼☼☼

Khoảng cuối năm 1945, đầu năm 1946, tôi có nhiều dịp được vào gặp Bác để bàn công việc. Có nhiều câu chuyện nhỏ nhưng lại rất có ý nghĩa, vì lúc này Chính phủ ta đang phải đối phó với tình hình hết sức khó khăn về đối nội cũng như đối ngoại. Tôi còn nhớ, một hôm có anh bạn vào thưa với Bác:
- Cháu nghe nói phái đoàn Liên Xô đã đến Trùng Khánh và sắp sang thăm Hà Nội, có lẽ chúng ta cũng nên chuẩn bị đón tiếp.

Bác cười trả lời:
- Thì cứ để cho họ sang xem thế nào, sao không nghĩ rằng đó là "tin vịt" do bọn Tây hay Tàu tung ra.

Một lần khác, trong khóa đào tạo cán bộ cấp tốc ở Hà Nội, thỉnh thoảng Bác đến nói chuyện. Hôm bế mạc, Bác đến thăm và trả lời một số câu hỏi của học viên. Sau khi giải đáp các thắc mắc, Bác nói:
- Bây giờ còn một đồng chí hỏi: "Cần, kiệm, liêm, chính, nghe có vẻ cổ hủ quá"?

Bác nói:
- Không đâu? Cơm thì bao giờ người ta cũng phải ăn, nước bao giờ cũng phải uống, vấn đề là phải ăn, uống sao cho sạch sẽ.

Và có đồng chí hỏi:
- Liên Xô có giúp chúng ta không?

Tôi hỏi lại đồng chí:
- Trong thời kỳ Liên Xô chống Hít-le, đồng chí có giúp gì Liên Xô không?

Trong khóa họp Quốc hội đầu tiên có một vấn đề gây nhiều tranh luận. Đó là bọn Việt Cách và Việt Quốc nêu lên việc sửa Quốc kỳ và Quốc ca. Vấn đề được bàn cãi khá lâu trong các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, đã đến lúc phải đưa ra trao đổi. Hôm đó, trước giờ Quốc hội bế mạc, Bác đứng dậy, cầm lá cờ, mở ra và nói với các đại biểu, đại ý:
- Lá cờ này đã đi gần như khắp thế giới, nó tượng trưng cho nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Không ai có thể đặt vấn đề sửa Quốc kỳ.

Sau khi Bác nói toàn thể đại biểu Quốc hội đứng dậy vỗ tay hoan hô, rồi hát Quốc ca. Các ngài Việt Cách, Việt Quốc cũng phải đứng dậy làm theo mọi người.

Khoảng tháng 4 hay tháng 5-1946, Đảng ta mua một tòa nhà của một bác sĩ người Pháp, tên là Ma-xi-a. Ngôi biệt thự này lúc bấy giờ gọi là Liên Trang. Gia đình tôi được dọn về đây ở. Thường thường vào các buổi chiều thứ 7, Bác hay về đây nghỉ. Đây cũng là nơi thỉnh thoảng Bác họp cùng với các đồng chí Trung ương Đảng và tiếp khách. Có hôm Bác gọi tôi cùng đi xe từ Bắc Bộ phủ về Liên Trang. Trên đường đi, tôi hỏi Bác về một vài câu chuyện trong thời gian Bác chưa sang Pháp, Bác chỉ cười và nói:
- Chú định điều tra lý lịch của mình phải không?

Bình thường khi về tới nhà, bao giờ Bác cũng xuống bếp xem người nhà làm cơm và bắt tay mọi người, rồi mới lên phòng làm việc. Buổi tối Bác thức rất khuya. Nhiều hôm đã 11, 12 giờ đêm rồi mà Bác vẫn còn đọc báo, báo cáo và viết chỉ thị, viết thư để hôm sau cho đánh máy. Một lần cùng đi với Bác và tôi về Liên Trang có một người Mỹ tên là Pát-ti. Trên xe, Pát-ti nhắc lại với tôi một câu, mà khi ấy người ta nói với các đồng chí Việt Nam:
- Thế là chiến tranh đã kết thúc đối với chúng tôi. Nhưng đối với các ông, chiến tranh bây giờ mới bắt đầu đấy.

Một lần đi qua phố Hàng Đẫy, con đường này hồi đó còn nhiều quãng trống, chưa xây nhà gạch như bây giờ. Từ trên đường đi, người ta có thể nhìn thấy một số ao, hồ. Trên bờ hồ trẻ em vui chơi, phụ nữ giặt giũ, còn các cụ già ngồi câu cá.

Một hôm, Bác chỉ vào một cụ già đang ngồi câu cá và nói với tôi:
- Thật tình, mình chỉ mong sao việc nước sắp xếp được ổn thỏa, rồi về ngồi trên một hòn đá như ông già câu cá ấy là mình rất vui rồi.

Câu nói của Bác trong hoàn cảnh lúc bấy giờ đối với người nghe có thể nói là cám cảnh vì hồi này bọn Việt quốc, Việt cách đang tìm mọi cách tung tin là có người này, người kia tham quyền cố vị, thậm chí chúng còn dùng đến từ bán nước.

Tôi đã nghĩ đến câu chuyện về các danh nhân Hy Lạp, La Mã, những anh hùng chí sỹ chỉ mong sao cho việc nước chóng thành để có thể về quê sống với người nông dân, được tự do đi săn bắn và câu cá ở những năm cuối của cuộc đời, một cuộc sống thanh thản.

Đặng Thai Mai: "Kỷ niệm về những lần gặp Bác Hồ"
in trong cuốn hồi ký Bác Hồ sống mãi với chúng ta
NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, trang 25-26.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét