Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

''Rã bành tô” là gì? (An Chi / Huệ Thiên)


            AN CHI: Cơ sở của lối nói rã bành tô chính là ngữ vị từ rã bành, mà theo chúng tôi, thì Phải viết thành rả bành (chữ rả với dấu hỏi) mới đúng. Bành là một từ Việt gốc Pháp, bắt nguồn ở danh từ balle, có nghĩa là kiện hàng. Rả bành là một ngữ vị từ tương ứng với động từ déballer của tiếng Pháp, có nghĩa là tháo kiện hàng để lấy các món hàng ra. Còn emballer thì có nghĩa là đóng kiện, mà thực ra tiếng Việt cũng từng có hình thức đối dịch thích hợp là đóng bành.
            Thế là ta có: emballer đóng bành;
            và déballer rả bành.
            Rả là tách ra, tháo ra, gỡ ra, cắt ra; thí dụ: rả máy xe, rả xấp vải, rả súc thịt, v.v.. Thực ra thì chữ rảnày vốn cùng gốc với  trong tan rã, rã đám. Xét về nghĩa thì rã là rời ra từng bộ phận còn rả chẳng qua là làm cho rời ra từng bộ phận nên hai từ này vốn chỉ là một. Sự phân biệt rã ≠ rả thực tế chỉ xảy ra ở trong Nam và sự ra đời của chữ rả (dấu hỏi) chẳng qua chỉ là kết quả của một thao tác siêu chỉnh (hypercorrection),một hiện tượng mà chúng tôi cũng vừa mới đề cập trên KTNN 526. Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên thu nhận chữ ''rả'' có lẽ cũng chỉ là do đã theo cách viết ở trong Nam (chẳng hạn trong Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức) chứ, theo chúng tôi thì ngoài Bắc không có từ ''rả'' theo nghĩa đang xét (mặc dù vẫn có rảtrong ra rả, rả rích, v.v.).
            Vậy nếu ta thừa nhận rằng cái từ gốc đã phân hóa thành hai, một mang thanh điệu 4 (dấu ngã) và một mang thanh điệu 3 (dấu hỏi) thì ta phải viết rả bành với chữ rả dấu hỏi. Sở dĩ một số quyển từ điển, chẳng hạn như Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức hoặcTừ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên (Nxb TP.HCM, 1994) viết rã bành với chữ rã dấu ngã, theo chúng tôi, chỉ là vì đã loại suy theo ngữ vị từrã bèn, nghĩa là rời cánh, rụng cánh (nói về hoa). Chính vì loại suy theo rã bèn mà viết rả bành thành rã bànhnên người ta cũng đã hiểu ngữ vị từ sau theo nghĩa của ngữ vị từ trước mà cho rằng rã bành là ''tan vỡ, tan rã, tan tành", như đã giảng trong từ điển do Nguyễn Văn Ái chủ biên. Đây cũng là một thí dụ khác về hiện tượng gọi là sự lấy nghĩa (contamination de sen) mà chúng tôi đã nói đến trên KTNN 524 (tr.51, c.1).
            Thế nhưng tại sao lại còn nói ''rã bành tô”?Và bành  là gì? Bành tô là tên một kiểu áo mà ta đã phiên âm từ tiếng Pháp paletot (chứ không phải do "manteau” như có chuyên gia ngữ học đã khẳng định).Bành tô là ''loại áo Âu phục cổ kín, có nhiều túi, choàng bên ngoài", như đã giảng trong Tầm-nguyên tự-điển Việt-Nam của Lê-Ngọc-Trụ (Nxb TP.HCM, 1993). Thế thì bành trong bành tô chỉ là một tiếng đồng âm vớibành trong rã bành chứ có đồng nhất đâu mà lại ghép thành rã bành tô? Nhưng vấn đề lại chính là ở chỗ này: người ta lợi dụng tính đồng âm mà ghép như thế để tạo ra sắc thái đùa tếu cho lối nói đang xét. Cũng giống như tiếng nghệ trong văn nghệ đâu có phải là tên của một giống thực vật nào nhưng người ta vẫn đồng nhất nó với tên của củ nghệ mà nói văn nghệ văn gừng. Tiếngtrị trong chính trị; mà người Bắc phát âm thành chị,đâu có liên quan gì với danh từ chị trong chị em nhưng người ta vẫn đồng nhất hai tiếng đó với nhau mà nói thành chính chị (trị) chính em. Điển hình cho lối nói mang sắc thái đùa tếu này có lẽ là cấu trúc tuyệt cúmèo. Ai có để ý đến chữ Hán cũng có thể biết rằngtuyệt với cú trong  mèo là tên một loài chàm mà nói thành tuyệt cú mèo! Rã bành tô chính là một lối nói như thế và chính vì thế nên nó không hề mang sắc thái trung hòa. Nhưng nó chỉ có tính chất đùa tếu chứ không mang tính xấu nghĩa (pejorative).
            Tóm lại, rã bành tô là một lối nói mang tính chất đùa tếu, ít nhất cũng là không nghiêm chỉnh, có nghĩa là tan vỡ, tan rã, tan tành, không còn gì. Còn xuất phát điểm của nó thì lại là ngữ vị từ rả bành, tương ứng với động từ déballer của tiếng pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét