Trong bài“ Con trâu, tuổi Sửu và chữ Ngưu” trên Đương thời số 1 (Xuân Kỷ Sửu, 2009), chúng tôi có viết rằng “tê giác” là một cách gọi tên kỳ quặc dành cho con tê, mà tên trong tiếng Hán là tê ngưu犀 牛.Không kỳ quặc sao được vì hai tiếng tê giác 犀 角 có nghĩa là sừng (của con) tê, chứ đâu phải dùng để chỉ đích thân con vật ( là con tê ). Trước đây, ở trong Nam, người ta gọi con vật này là tây, còn ngoài Bắc là tê. Cho đến giữa thập kỷ 1950, ở trong Nam, người ta vẫn còn gọi con tê là con tây. Chỉ sau 1954 ở Miền Bắc, rồi sau 1975 trong cả nước, người ta mới đổi tên “cúng cơm” của con vật này từ tê/tây thành “tê giác”. Còn vào thời xưa thì cả ở miền Bắc, người ta cũng gọi nó là contây.
Chứng cứ là cách đây gần 130 năm, Dictionarium Latino-Annamiticum (Từ điển La Tinh - An Nam) của M.H.Ravier (Ninh Phú,1880) có ghi hai mục từ sau:
“ Rhinoceros (…) 1. Con tây; tê ngưu (…) 3. Bình bằng tây giác (…)”.
“Rhinoceroticus (…). (sự gì) Thuộc về con tây.”
Chữ nghĩa của M.H.Ravier rất rõ ràng: tây là biến thể ngữ âm của tê, đồng nghĩa với tê ngưu(đương nhiên có nghĩa là con tê) ; tây giác là biến thể ngữ âm của tê giác và có nghĩa là sừng tê. Vậy “ bình bằng tây giác” là bình làm bằng sừng tê; chứ nếu hiểu tây giác (hoặc tê giác) theo tiếng Việt toàn dân hiện đại thì đó sẽ là “bình làm bằng nguyên cả thân thể của con tây, tức con tê”. Xa hơn Ravier, từ giữa thế kỷ XVII, Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum ( Từ điển Việt Bồ La – Roma,1651) của A. de Rhodes chỉ ghi nhận có âm tây:
“Tây, con tây : bada (tiếng Bồ), rhinoceros (tiếng La) ”. Bada là tiếng Bồ Đào Nha thời A. de Rhodes ( nay là rinoceronte), bắt nguồn từ tiếng Mã Lai badak, có nghĩa là tê/tây , đồng nghĩa vớirhinoceros trong tiếng La Tinh.
Nhưng đến gần cuối thế kỷ XVIII thì Dictionarium Annamitico Latinum của Pierre Pigneaux de Béhaine (1772-73), biên soạn ở trong Nam, đã ghi nhận cả tây lẫn tê. Rồi đến 1931 thì Việt-Nam Tự-Điển do Hội Khai-Trí Tiến-Đức ở Hà Nội khởi thảo (Imprimerie Trung-Bac Tân-Van, 1931) chỉ ghi nhận cótê mà không còn thấy tây nữa.
Cứ như trên thì, trong một thời gian dài, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc đều gọi con vật đang xét làtây. Rồi về sau, trong cả nước, tây đã chuyển thành tê nhưng trong sự giằng co giữa hai biến thể ngữ âm này, người Nam vẫn tiếp tục giữ âm tây còn ngoài Bắc thì đã chọn tê. Nhưng cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài trước đây, cũng như cả trong Nam lẫn ngoài Bắc về sau, không ở đâu gọi con vật đó là “tây giác” hoặc “tê giác” cả. Lý do: như đã nói, tê giác/tây giác là sừng (của con) tê, mà trong Nam còn gọi là u tây. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng u tây là “Cái sừng ở trước mũi con tây, người khách lấy làm một vật quí báu, cũng là vị thuốc mát.” Cho đến gần cuối thập kỷ 1960 ở Miền Bắc, Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967) cũng còn lưỡng lự giữa tê và tê giác (bị xem là hai đơn vị đồng nghĩa) nên mới có hai mục từ:
“ Tê .– Cg. Tê giác, tê ngưu. Loài thú có guốc lẻ, da dày, trên mũi có một hoặc hai sừng.”
“ Tê giác .– Nh. Tê (loài thú). ”
Cách trình bày hai mục từ trên đây cho thấy tuy lưỡng lự nhưng tập thể tác giả đã nghiêng hẳn về tính chính xác của ngôn ngữ. Vì thế nên họ mới lấy Tê làm mục từ chính, chứ Tê giác thì chỉ được “chuyển chú ” về mục Tê. Còn bây giờ thì toàn quốc đều nhất tề xài cái cách gọi kỳ quặc là tê giác. Vìtê giác là u tây (Nam), tức sừng tê (Bắc) cho nên gọi con vật có cái u, cái sừng này là “tê giác” thì cũng vô duyên như gọi con cọp là “hổ cốt” (xương cọp), con rồng là “long tu” (râu rồng), con gấu là “hùng chưởng” (bàn tay gấu), con hươu là “lộc nhung” (sừng non của hươu), v.v.. Đây là hậu quả hiển nhiên của sự thiếu hiểu biết về các yếu tố Hán Việt, mà tiếc thay, lại còn là những yếu tố thông dụng nữa! Nó gợi ý cho sự cấp thiết của việc dạy từ, ngữ Hán Việt thành giờ riêng ở bậc tiểu học.
Trở lên là chuyện tên con “tê giác”. Bây giờ xin nói đến “trâu Tây Tạng”. Đây là ba tiếng mà tác giả Tôn Nữ Thanh Thuỷ “sáng tác” để dịch hai tiếng “Tây ngưu” trên Kiến Thức Ngày Nay, số tân niên để giới thiệu món ngon vật lạ nhân Xuân Kỷ Sửu (2009). Dưới đây là lời của tác giả đó nói về con vật “mới lạ” này:
“Trước khi tìm hiểu món ngon này (món “da Tây ngưu” – AC), hãy xem qua lý lịch của giống trâu Tây Tạng. Tây ngưu chuyên sống dưới chân những ngọn núi cao ở phía Tây Trung Quốc có khí hậu ẩm thấp, rừng cây thưa thớt. Loài thú giống trâu này được gọi là Tây ngưu (Seaigan) hay Tây ngu hoặc Tê ngưu. Chúng rất hung dữ và mạnh mẽ như voi, thân hình to lớn, cao tới 2 thước, dài khoảng 3 thước rưỡi, nặng từ 2 tới 3 tấn. Khác với trâu, Tây ngưu chỉ có một sừng ngay trên sống mũi dài từ 60 đến 70 phân ( … ). Tây ngưu là giống đa tình cũng như con người; những con đực thường húc nhau để giành con cái, và chúng cũng đánh ghen với nhau khi con cái “léng phéng” với con đực khác ( … ) Có 3 loại Tây ngưu: giống có một sừng, lông màu đen gọi là “Hắc Tây ngưu”, giống có hai sừng, lông trắng gọi là “Bạch Tây ngưu”, còn một giống nữa chỉ sống trên đỉnh núi, không bao giờ xuống triền núi, chân núi hay thung lũng, gọi là “Sơn Tây ngưu” ( … ) Da Tây ngưu rất dày ( … ) Sau khi hạ được Tây ngưu, người ta chỉ cắt lấy sừng và mấy miếng da nách ( … ) ”.
Trên đây là những gì mà tác giả Tôn Nữ Thanh Thuỷ cung cấp cho độc giả của Kiến Thức Ngày Nay. Nhưng ai có chút kiến thức phổ thông cũng biết rằng cái con vật mà tác giả này không biết tên bằng tiếng Việt nên mới gọi là “trâu Tây Tạng” chẳng qua là con tê. Tê/tây là một cái tên chắc chắn đã có từ thời Bắc thuộc còn bây giờ thì toàn quốc đã cải thành “tê giác”. Nhưng chẳng thà cứ gọi nó bằng cái tên tê giác vô duyên sẵn có – sự vô duyên này , rủi thay, dù sao cũng đã thành lệ – còn hơn là gọi bằng cái tên vô duyên mới toanh và quái đãn là “trâu Tây Tạng”! Mà con “trâu ” này (Tây ngưu) nào có sống ở Tây Tạng cho cam! Tác giả đó cứ đoán mò rằng tây ở đây là “Tây Tạng” nhưng nào có phải! Chữ tây trong tây ngưu là 犀 còn chữ tây trong Tây Tạng là 西; hai chữ (và cả hai nghĩa) hoàn toàn khác nhau. Đoạn “lý lịch của giống trâu Tây Tạng” trên đây còn cho thấy tác giả Tôn Nữ Thanh Thuỷ chỉ căn cứ vào tài liệu không được cập nhật, chẳng những không được cập nhật mà còn quá lạc hậu nữa, không hợp với “kiến thức ngày nay”. Chẳng hạn như việc phân thành ba giống trong đó có giống “sơn tây ngưu”. Đây là một khái niệm mơ hồ, mặc dù nó có được nhắc đến trong tác phẩm danh tiếng, chẳng hạn Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (1518-1593) đời Minh. Ngày nay, người ta chia 4 giống tê (Ceratotherium, Diceros, Dicerorhinus, Rhinoceros) thành 5 loài:
– Tê trắng hai sừng, thân dài 4m, cao 1,80m, nặng 1400 – 3500kg, tên khoa học là Ceratotherium simum, sống ở miền Nam và miền Trung châu Phi, một số ít ở miền Tây châu Phi;
– Tê đen hai sừng, thân dài 3,50m, cao 1,60m, nặng 800–1500kg, tên khoa học là Diceros bicornis, sống ở miền Nam châu Phi, Kenya và một số rất ít ở Senegal;
– Tê Sumatra hai sừng, thân dài 2–3m, cao 1–1,50m, nặng 600–950kg, tên khoa học làDicerorhinus sumatrensis, sống ở Sumatra, Borneo và bán đảo Mã Lai;
– Tê Java một sừng ngắn, thân dài 2–4m, cao 1,50–1,70m, nặng 900–2300kg, tên khoa học làRhinoceros sondaicus, sống ở Java, Việt Nam (người miền Nam thấy sừng nó ngắn nên mới gọi là cáiu);
– Tê Ấn Độ một sừng dài, thân dài 3–3,80m, cao 1,75–2m, nặng 800–2700kg, tên khoa học làRhinoceros unicornis, sống ở Nepal và miền Bắc Ấn Độ.
Ta chẳng thấy có loài nào sống ở Tây Tạng cả. Ngay cả khi sao chép cách phiên âm tây ngưuthành “seaigan”, tác giả Tôn Nữ Thanh Thuỷ cũng đã nhầm chữ cái cuối cùng của hình thức phiên âm từ “u” thành “n”. Đúng ra – nếu tác giả chép đúng sáu chữ cái trước – phải là seaigau vì phải là gau thì mới ứng được với ngưu 牛. Hình thức phiên âm này chỉ có thể là một thổ ngữ của tiếng Hán ở miền Đông Nam Trung Quốc vì các phương ngữ khác không còn “g” . Và đây có nhiều khả năng là tiếng Triều Châu (còn giữ được “g”). Hai chữ Hán mà tác giả đó chép hình thức phiên âm thành “seaigan” chính là犀 牛 mà Triều Châu âm tự điển của Đạt Phủ 达 甫 và Trương Liên Hàng 张 连 航 phiên âm làsai¹ghu5. Nhưng dùng một thổ ngữ như thế này để phiên âm thì không hợp lý vì từ lâu, người ta đã dùng âm Bắc Kinh (Quan thoại) và theo lối pīnyīn. Vậy hình thức phiên âm sẽ là xīniú. Đây mới thật sự là cập nhật.
Cũng cần nói thêm rằng vì tác giả chỉ nói về “miếng ăn” nên mới viết “ người ta chỉ cắt lấy mấy miếng da nách” chứ thực ra, để phục vụ cho cả “miếng võ” thì người ta phải lấy nguyên bộ da (bỏ cả bộ da thì chẳng thậm lãng phí ư ?). Để làm gì? Thưa để làm áo giáp cho binh lính. Chính tác giả chẳng đã viết “Da Tây ngưu rất dày, dai như gân và cứng như sắt, vũ khí rất khó xuyên thủng” là gì? Vì thế nên người ta mới lấy da nó mà làm áo giáp, gọi là tê giáp 犀甲.Và số lượng tê giáp được dùng thời xưa thì không ít. “Câu Tiễn phạt Ngô ngoại truyện” trong Ngô Việt Xuân Thu chép rằng binh lính của Ngô Phù Ta mặc tê giáp có đến mấy vạn người (dĩ nhiên là kể cả tê giáp dỏm làm bằng da trâu (thuỷ ngưu)). Chính vì lý do này nên danh ngữ tê giáp cũng còn được dùng theo hoán dụ để chỉ quân đội nữa. Và chính việc “sưu tầm” da tê vì miếng võ ( chứ không chỉ vì miếng ăn) mới là một trong những nguyên nhân làm cho loài tê sớm tuyệt chủng ở cái nôi của nền văn minh Trung Hoa chứ vào đời Thương thì nó cũng đã từng sinh sống ngang dọc tại lưu vực Hoàng Hà cùng với trâu, voi, v.v., như cứ liệu khảo cổ học và vật hậu học đã khẳng định (Xin x. bđd). Thậm chí ta còn có thể khẳng định một cách cụ thể rằng trong ba loài của châu Á thì tê Sumatra hai sừng lúc bấy giờ vẫn còn sống ở Trung Quốc nên mới làm nguyên mẫu cho những chiếc bình đựng hình con tê bằng đồng xanh đời Thương.
Nhưng có lẽ còn thảm thương hơn cả sự tuyệt chủng kia là việc tác giả Tôn Nữ Thanh Thuỷ so sánh con tê với con người về mặt … “đa tình” mà lại còn có cả … việc “những con đực húc nhau để giành con cái” và “việc đánh ghen”! Thật là chẳng đẹp mặt cho loài người tí ti nào! Xin thưa với bà(?) rằng “giành cái” là chuyện bản năng của toàn loài (tê) chứ “giành gái” thì chỉ là chuyện bản tính của cá thể (người) mà thôi. Dù là để mua vui cho độc giả thì cũng chẳng nên so sánh như thế, có phải không, thưa bà tôn nữ ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét