Từ lịch sử trong địa danh Việt Nam
1. Trong địa danh Việt Nam, có nhiều từ lịch sử. Từ lịch sử là những từ được sử dụng ngày xưa, nhưng ngày nay đối tượng của nó không còn nữa. Từ lịch sử gồm nhiều loại, như các từ chỉ đơn vị hành chánh xưa (tổng, phủ, châu,…), các từ chỉ chức danh (như tổng đốc, tri châu, bố chính,…),…
2. Trong các loại, loại từ chỉ chức danh chiếm số lượng nhiều hơn cả.
2.1.Trước hết là địa danh chỉ vùng.
Ba Hộ là vùng đất nay thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ba Hộ vì năm 1851, khu này kinh tế phát triển. Theo đề nghị của Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, vua Tự Đức cho dân Bình Thuận lập các “hộ”và Phố Hài nổi tiếng với Ba Hộ, gồm Hộ bạch đàm, Hộ nước mắm, Hộ ghe bầu, riêng làng Tân Phú có thêm Hộ muối [12]. Hộ ở đây có nghĩa như phường, vì cùng bán một món hang.
Miệt Thứ là vùng đất ở tỉnh Kiên Giang, đã có đầu tk. 19, Đại Nam nhất thống chí gọi là Thập Câu. Miệt Thứ là “miền có 12 con rạch mang từ Thứ ở đầu: Thứ Nhất, Thứ Hai,… Thứ Mười Hai”.
Ngũ Quảng là vùng đất ở Trung Bộ, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi trước năm 1822. Năm 1822, đổi phủ Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên, nhập vào kinh thành Huế. Ngũ Quảng là năm phủ bắt đầu bằng từ Quảng: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi.
2.2.Kế đến là những từ lịch sử chỉ các công trình xây dựng cũ:
Bảo là cù lao ở giữa sông Ba Lai và sông Cửa Đại, tỉnh Bến Tre. Nay là địa bàn các huyện Ba Tri, Châu Thành, Giồng Trôm và thị xã Bến Tre. Bảo là “đồn binh cố định, được xây dựng kiên cố” trên đảo. Bảo Đài là núi ở các huyện Hữu Lũng, Lục Nam, Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cao 700m [11]. Bảo Đài là “đồn bảo làm trên núi cao”. Lao Bảo là đèo trên đường quốc lộ 9 từ Đông Hà đi Xavanakhệt, cắt ngang dãy Trường Sơn, thuộc huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, cao 410m. Còn gọi là đèo Ai Lao, Lào Bảo. Lao doAi Lao nói rút gọn, chỉ nước Lào; Bảo là đồn canh. Vậy Lao Bảo là đồn canh ở gần biên giới Lào.
Hổ Quyền là sân đấu giữa cọp và voi, được xây dựng năm 1830 ở kinh đô Huế, chung quanh có tường bao bọc, chu vi 141m, cao 6m, dày 4m, trên có khán đài để khán giả ngồi xem. Trận đấu cuối cùng diễn ra năm 1904. Nay sân đấu vẫn còn tốt. Hổ Quyền là “đấu cọp” [7].
Thủ Đức là quận của tp. HCM, diện tích 47,8km2, dân số 211.000 người (2006), được thành lập ngày 6 –1 – 1997, gồm12 phường. Thủ là “đồn canh”, đồng thời là chức danh của người đứng đầu một thủ; Đức là tên người. Vậy Thủ Đức là cách gọi theo chức danh và tên của người trưởng thủ đầu tiên. Các địa danh Thủ Thừa, Thủ Thiêm cũng thuộc loại này.
Trấn Biên là dinh được lập năm 1698 ở Nam Bộ, năm 1808 đổi thành trấn Biên Hoà. Nay là tỉnh Đồng Nai. Trấn Biên là “trấn giữ nơi biên giới”.
Trấn Giang là vùng đất do Mạc Cửu nhập vào Đàng Trong năm 1714, sau trở thành một đạo (1739), nay là vùng Hậu Giang, tp. Cần Thơ. Trấn Giang là “vùng sông được trấn giữ”.
Trấn Hải là thành ở xã Thuận An, huyện Phú Vang, tp. Huế, được xây năm 1813. Ban đầu gọi là đài, sau gọi là thành (1834). Chu vi 71 trượng 2 thước, cao 15 thước. Di tích được xếp hạng quốc gia theo quyết định số 871 QĐ/ BVHTT ngày 15 – 5 – 1997. Trấn Hải là “giữ gìn hướng biển”.
Trấn Ninh là luỹ do Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến đắp năm 1662, từ núi Đâu Mâu đến cửa bể Nhật Lệ, thuộc phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trấn Ninh là “trấn giữ cho an ninh”.
Xã Tắc là đàn tế thần ở đất Thăng Long xưa do Lý Thái Tông sai xây dựng năm 1048, nay thuộc ngõ Xã Đàn, tp. Hà Nội. Vết tích nay vẫn còn. Xã là thần Đất; Tắc là thần Nông. Mất nước thì xã tắc cũng mất nên xã tắc cũng chỉ đất nước [2].
Xã Tây là chợ ở đường Phù Đổng Thiên Vương, phường 11, quận 5, tp. HCM, được xây dựng năm 1925. Xã Tây là toà đô chính, ở đây là của tp. Chợ Lớn [9], do chợ ở cạnh đó [8].
2.3. Nhiều địa danh vốn là các đơn vị hành chính cũ:
Ba Tổng là đê của sông Thương, sông Cầu, thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ba Tổng là các tổng Cổ Dũng, Hương Tảo, Tư Mại [11]. Tứ Tổng là vùng đất ở huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Nội trong tk. 19. Tứ Tổng là “bốn tổng”, đó là các tổng Nội, Thượng, Trung, Hạ [3]. Tổng là đơn vị hành chính ở nông thôn dưới chế độ phong kiến, gồm một số xã.
Bà Chợ là tỉnh ở miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) do phía Cách mạng đặt. Ban đầu gọi là tỉnh Bà Rịa – Chợ Lớn (từ ngày 27 – 6 – 1951). Bà Chợ do ghép tên hai tỉnh Bà Rịa và Chợ Lớn.
Bắc Trực là vùng đất gồm hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, đối xứng với Nam Trực gồm hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi qua kinh đô Huế. Bắc Trực và Nam Trực là “trực tiếp (với kinh đô Huế) về phía bắc và phía nam”.
Giáp Bát là phường của quận Hoàng Mai, tp. Hà Nội. Trước đây, cũng gọi là làng Tám. Giáp Bát là “giáp thứ tám”. Giáp Nhất là thôn thuộc xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông; nay thuộc quận Đống Đa, tp. Hà Nội. Giáp Nhất là “giáp thứ nhất”. Giáp là đơn vị hành chính dưới thôn trong chế độ phong kiến, gồm độ 10 hộ.
Phiên Trấn là dinh do Gia Long đặt năm 1802, đến năm 1808 đổi thành trấn Phiên An, năm 1832 đổi thành tỉnh Gia Định. Phiên Trấn là “đồn trú bảo vệ của quân đội”.
Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam là ba thuyền (tương đương làng, xã, quân quản) ở xứ Vũng Tàu, dưới thời Minh Mạng (1832), quản lý một đội quân giải ngũ, đi khai thác ruộng hoang ở bán đảo Vũng Tàu. Sau năm 1836 mới gọi là làng hay xã. Nay thuộc tp. Vũng Tàu [13].
Thủ Biên là tỉnh ở miền Đông Nam Bộ trong thời gian từ tháng 5 – 1951 đến năm 1955 do phía Kháng chiến đặt. Thủ Biên do ghép tên hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hoà.
Tịch Điền là phường trong kinh đô Phú Xuân, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tịch Điền là “ruộng do vua đích thân cày” vài đường tượng trưng để tỏ rõ sự chú trọng đến nghề nông [3].
Trấn Định là dinh từ năm 1781, trước đó là đạo Trường Đồn, năm 1808 là trấn Định Tường, năm 1832 là tỉnh Định Tường. Nay là tỉnh Tiền Giang. Trấn Định là “trấn nhậm cho ổn định”.
Trấn Man là huyện vào đời Minh, nguyên đời Lý là châu Đằng, là lộ Long Hưng vào đời Trần, là phủ Tân Hưng vào đời Hồ, đổi thành Tiên Hưng vào đời Lê, thuộc trấn Sơn Nam, đời Nguyễn thuộc tỉnh Hưng Yên, năm 1890, đổi thuộc tỉnh Thái Bình [3]. Trấn Man là “trấn áp những người chưa văn minh”.
Trấn Vĩnh là dinh ở Nam Bộ, lập năm 1788, nay là vùng Vĩnh Long. Trấn Vĩnh là “trấn giữ mãi mãi”.
2.4.Sau cùng là các từ chỉ các chức danh cũ: Loại này có số lượng lớn hơn cả1.
a) Một số chức danh có liên hệ đến giáo dục.
Hiếu Liêm là xã của huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Hiếu Liêm có hai nghĩa: 1.”Người có học hạnh mà do các địa phương tiến cử về triều”. 2. Các ông cử nhân đời Minh và đời Thanh nước Tàu” [2].
Tiến Sĩ là núi nổi lên trên núi Xuân Đài, ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Tiến Sĩ vì dáng núi giống hình “ông tiến sĩ” [4].
b) Một số chức danh có liên hệ đến quân sự.
Điều Bát là chợ ở miền Tây Nam Bộ. Điều Bát là chức quan võ lo việc điều khiển binh lính. Điều bát nhung vụ Nguyễn Văn Tồn, người Khmer, từng giữ chức này dưới thời Gia Long [15].
Đốc Binh Kiều là xã ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Đốc binh Kiều là cách gọi tắt Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (hoặc Lê Công Kiều, Trần Phú Kiều), một lãnh tụ nghĩa quân hy sinh vì Tổ quốc ở vùng Tháp Mười [10].
Đốc Tít là hang núi thuộc huyện Thuỷ Nguyên, tp. Hải Phòng. Đốc Tít (tên thật là Nguyễn Đức Tiết, làm chức Đề đốc, quê ở Kinh Môn, tp. Hải Phòng) là lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp trong phong trào Cần Vương, lập căn cứ ở đây.
Đốc Vàng Hạ là rạch ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Có ba người được xem là Đốc Vàng: Thượng tướng Trần Ngọc, Đề đốc Hoàng Công Thiệu (quê ở Quảng Ngãi), Phó tổng trấn Gia Định Trần Văn Năng (quê ở Khánh Hoà). Còn Hạ là để phân biệt với Thượng, chỉ hai vùng đất ở xa và gần biên giới Campuchia. Chưa thể xác định thuyết nào đúng.
Đội Cường là kinh nối sông Bảy Háp với sông Gành Hào (Bạc Liêu), rộng 4m, dài 8km.. Đội là từ gọi tắt chức cai đội hoặcđội trưởng cai quản 50 – 60 lính dưới thời phong kiến. Dưới thời Pháp thuộc, đội còn dùng để chỉ chức vụ cai quản một tiểu đội, có cấp bậc trung sĩ (sergent). Cường là tên người.
Lãnh Binh Thăng là đường ở quận 11, tp. HCM, dài 1.120m, lộ giới 25m. Lãnh Binh là chức quan võ nắm quân đội cấp tỉnh thời Nguyễn, trật Chính tam phẩm. Ông Lãnh là cầu bắc qua rạch Bến Nghé, quận 1, tp. HCM. Cầu cũ hình chữ Z, dài 120m, rộng 5m, lề 0,3m, đã bị phá bỏ năm 2000. Cầu mới hình đường thẳng, dài 267m, rộng 20m, xây xong năm 2002. Ông Lãnh ở đây là Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1798 – 1866). Sau năm 1858, ông có làm lãnh binh và đã đóng quân tại đồn Cây Mai và Thủ Thiêm, nên tại đình Nhơn Hoà, gần cầu, có bàn thờ ông [8].
Phó Cơ Điều là đường phố nằm trên địa bàn hai quận 5 và 11, tp. HCM. Phó cơ Điều là cách nói tắt Phó quản cơ Nguyễn Văn Điều (? – 1868), một anh hùng chống Pháp ở Nam Bộ. Cơ là đơn vị quân đội có 500 người.
Thống Linh là chợ ở xã Mỹ Ngãi, thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Thống Linh là cách gọi tắt Thống lãnh binh Nguyễn VănLinh (1815 – 1862), sinh ở thôn Mỹ Ngãi, một lãnh tụ chống Pháp, bị chúng xử tử hình tại chợ Mỹ Trà [10].
Thủ Chiến Sai là địa điểm ở vùng Chợ Mới, tỉnh An Giang. Sau bị gọi chệch thành Thủ Kiến Sai, có lẽ do người Pháp làm sai lạc vì trong tiếng Pháp có chữ H câm nên Chiến thành Kiến, Chí (Hòa) thành Kí, Kì (Hòa) [7]. Thủ Chiến Sai là “chức vụ được sai đi xây đồn canh để giữ an ninh”.
c) Một số chức danh thuộc lĩnh vực hành chính, lao động.
Đốc Công là ngã ba trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, tp. HCM, nơi xảy ra nhiều cuộc đấu tranh chống Pháp của công nhân sau CMT8. Đốc Công là từ tổ vốn chỉ người cai quản công nhân và hướng dẫn làm việc.
Đốc Phủ Chỉ là đường ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ở huyện này còn có đường Đốc Phủ Yên. Đốc phủ là “chức quan lại cao cấp thời Pháp thuộc, trên phủ và huyện, có thể làm Quận trưởng hay Phó tỉnh trưởng, hoặc Đầu phòng ở Soái phủ [9]. Chỉ, Yên là tên người.
Quản Long là tỉnh lỵ tỉnh An Xuyên, được thành lập ngày 22 – 10 – 1956. Nay thuộc tp. Cà Mau. Quản Long có lẽ gọi theo chức danh (hương quản) và tên người.
Thuộc Nhiêu là giồng trải dài theo chiều dài sông Tiền và đường Trung Lương đi Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.Thuộc Nhiêu là Cai thuộc (lý trưởng) Nguyễn Văn Nhiêu, có công lập chợ Thuộc Nhiêu, cách chợ hiện nay (dời vào khoảng 1962 – 1963) độ 300m [14].
Trấn là núi ở phường Quảng Phú, tp. Quảng Ngãi. Cũng gọi là núi Ông. Trấn là cách gọi tắt chức danh Trấn quận công Bùi Tá Hán (1496 – 1568), có lăng mộ ở đây [1].
3.Địa danh thuộc phạm trù lịch sử. Bởi vậy, địa danh mang nhiều từ lịch sử của nhiều thời đại khác nhau. Giải mã các từ này, chúng ta sẽ thấy rõ hơn bản chất và ý nghĩa của các địa danh để có quyết định có nên duy trì hoặc thay đổi các địa danh này hay không.
CHÚ THÍCH
1 Các chức danh khác trong địa danh, chúng tôi đã trình bày trong bài Chức danh xưa đi vào địa danh Việt Nam. Trong bài này, chúng tôi không lặp lại các chức danh đã đề cập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Cao Chư, Từ tỉnh thành đến thành phố Quảng Ngãi, Nxb Đà Nẵng, 2006.
2.Đào Duy Anh, Từ điển Hán – Việt, SG, Trường thí, 1957.
3.Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.
4.Đỗ Hữu Thích (trưởng ban biên tập), Địa chí Thanh Hoá, tập 1. Địa lý và lịch sử, HN, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2000.
5.Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, HN, Nxb Thanh niên, 2002.
6. Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, SG, 1895-1896.
7.Lê Trung Hoa, Địa danh học Việt Nam, HN, Nxb KHXH, 2006.
8.Lê Trung Hoa (chủ biên), Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh, tp. HCM, Nxb Trẻ, 2003.
9.Leâ Vaên Ñöùc, Vieät Nam töø ñieån, SG, Khai trí, 1970.
10.Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết, HN, Nxb KHXH, 2004.
11.Nguyễn Quang Ân – Nguyễn Xuân Cần (cb), Địa chí Bắc Giang - Từ điển, Sở Văn hoá – Thông tin Bắc Giang và Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam xb, 2002.
12.Phan Minh Đạo, Địa danh ở tỉnh Bình Thuận, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Sở, 2005.
13.Thạch Phương – Nguyễn Trọng Minh (cb), Địa chí Bà Rịa – Vũng Tàu, HN, Nxb KHXH, 2005.
14.Tröông Ngoïc Töôøng, Moät soá ñòa danh ôû Tieàn Giang, Vaên hoaù ngheä thuaät Tieàn Giang, thaùng 11 – 2000, tr.27 – 31.
15.Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, HN, Nxb Văn hoá, 1993.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét