Bạn đọc : Tuổi Trẻ ngày 16-10-2011 (trang Du Lịch) có bài viết rất lý thú của Dương Thế Hùng nhan đề “Ngắm chim mùa nước nổi” với phần mào đầu:
“Trời mưa rỉ rả. Nước lũ lên cao. Điều đó càng hấp dẫn du khách tìm tới vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp). Ở đó có gì hay? Giám đốc Trung tâm du lịch Tràm Chim Đặng Văn Chuyên ra vẻ bí mật: Cứ đi rồi biết. Đảm bảo toàn «hàng độc».”
Nhưng có một thứ “hàng độc” làm cho tôi thắc mắc hơn 20 năm nay mà chưa thấy ai giải đáp cho ra lẽ. Đó là chính cái địa danh “Tràm Chim”, một cách đặt tên kỳ lạ.(Thái Bá Thành).
An Chi : Xét theo nghĩa của từng thành tố thì “Tràm Chim” (với khái niệm “tràm” là cây tràm, được mô tả trong bài của Dương Ngọc Hùng) là một cấu trúc vô nghĩa, giống hệt như:
– Danh ngữ *Xoài Chim mà lại được dùng để chỉ một vườn xoài nào đó có rất nhiều chim thường xuyên về trú ngụ;
– Danh ngữ *Mít Chim mà lại được dùng để chỉ một vườn mít nào đó có rất nhiều chim thường xuyên về trú ngụ;
– Danh ngữ *Nhãn Chim mà lại được dùng để chỉ một vườn nhãn nào đó có rất nhiều chim thường xuyên về trú ngụ; v.v. và v.v..
Trong tiếng Việt, một danh từ chỉ một giống cây nhất định (như: mít, nhãn, tràm, xoài, v.v.) không bao giờ được dùng theo hoán dụ để chỉ một khu rừng, một ngôi vườn, một diện tích nhất định, v. v., có trồng loại cây đó. “Tràm Chim” là một cấu trúc đã bị từ nguyên dân gian gò ép thành một danh ngữ “méo mó” và vô nghĩa vì đã đi ngược lại quy tắc trên đây. Một vài nguồn và tác giả, có lẽ do cũng thấy sự vô lý này nên đã đổi “Tràm” thành “Chàm” nhưng “Chàm Chim” thì cũng chẳng kém vô nghĩa tí ti nào. Hình thức gốc chính xác của nó vốn là một danh ngữ nằm trong thế đối vị với những:
– sân chim;
– vườn chim;
– rừng chim;
– láng chim;
– đầm chim; v.v..
trong đó sân, vườn, rừng, láng, đầm, v. v., là những danh từ chỉ những vùng đất hoặc nước thường là rộng lớn có thể làm nơi kiếm ăn và/hoặc trú ngụ cho một số lượng lớn các loài chim. Ta còn có thể đi xa hơn nữa mà chứng minh rằng danh từ gốc đã bị cái từ “tràm” này thoán vị vốn là một danh từ chỉ một vùng nước rộng và cái danh ngữ gốc mà nó là trung tâm thì nằm chung trong một trường nghĩa với những:
– Bàu Cò;
– Đầm Đơi;
– Láng Le; v.v.. nữa.
Đó chính là danh ngữ chằm chim mà chằm là trung tâm còn chim là định ngữ. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (Nxb Đà Nẵng & Vietlex, 2007) giảng chằm là “vùng đất thấp và rộng bỏ hoang, thường bị ngập nước”. Do điều kiện sinh thái của nó mà có những cái chằm đã trở thành nơi trú ngụ thường xuyên của nhiều giống loài chim chóc khác nhau, hoặc có khi vì những đặc điểm riêng mà nó chỉ được (chủ yếu) một loài đến ở, và tên cũng đã được ghi vào từ vựng, chẳng hạn như chằm nhạn, xuất hiện muộn nhất cũng là vào cuối thế kỷ XVIII, vì nó đã được ghi nhận trong Dictionarium Anamitico Latinum của Pierre Pigneaux de Béhaine (viết tay, 1772-73), rồi sau đó trong quyển từ điển cùng tên của J.L.Taberd (Serampore, 1838). Danh ngữ chằm nhạn đượcĐại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng là “chỗ nhạn ở, đầm nhạn ở”. Vậy thì, cùng một lối giảng đơn giản này, ta có thể nói chằm chim là “chỗ chim ở, đầm chim ở”. Đây chính là hình thức ngữ âm gốc và nội dung ngữ nghĩa gốc của dạng méo mó hiện tại “Tràm Chim”. Nhưng tại sao Chằm Chim lại có thể trở thành “Tràm Chim”? Xét về mặt ngữ học, đặc biệt là về hệ thống âm vị của tiếng Nam Bộ, thì đây chẳng phải là chuyện gì khó giải thích. Nhưng trước nhất, chúng tôi muốn mời bạn và bạn đọc đến với cái bằng chứng gián tiếp rất thú vị mà TS Huỳnh Công Tín cung cấp cho chúng ta. Ông đã viết:
“Tên hành chính và tên quen gọi ngày nay “Tràm Chim” thường được cắt nghĩa là nơi ấy có tràm và trong tràm có chim về trú ngụ. Nhưng nhớ từ khi lớn lên, có chút cảm nhận thì nghe nói về “Trầm Chim”, vùng đất xa xôi nào đó nhưng không rõ là xa tận đâu. Khi đậu vào Đệ thất (lớp 6 ngày nay), tôi may mắn có ba người bạn quê Trầm Chim; nhưng chưa một lần đến quê bạn trong thời gian học trung học. Hỏi bạn “Trầm Chim” là gì thì bạn bảo không biết, chỉ nói nơi ấy rất nhiều chim ( … ) Trên 30 năm chia tay bạn, giờ mới có dịp đến Tràm Chim, tìm gặp lại bạn cũ, hai người còn sống, một người đã mất; tôi cũng hỏi lại về địa danh cũ “Trầm Chim”. Có phải đọc trại từ “Tràm Chim” mà thành “Trầm Chim” hay không, hoặc ngược lại? Hai người lừng khừng, không dứt khoát, nhưng vẫn quả quyết người xưa nói “Trầm Chim”, mà không biết tại sao.”
Trên đây là một đoạn trong bài “Sếu Tam Nông” của quyển Cảm nhận bản sắc Nam Bộ, tập 2 (in vi tính), mà TS Huỳnh Công Tín đã có nhã ý cho chúng tôi được đọc trước. Cứ theo ký ức tuổi thơ của tác giả, rồi lời khẳng định sau này của mấy người bạn, thì hiển nhiên là người dân sở tại đã từng gọi Tràm Chim là “Trầm Chim” mà đây chính là cái khâu trung gian giữa Chằm Chim và Tràm Chim. Và chúng tôi cho rằng sẽ rất lý thú nếu Trung tâm du lịch Tràm Chim tổ chức những chuyến điền dã để cho du khách về nguồn của hai tiếng “Tràm Chim” mà tìm hiểu về lai lịch của nó ở những người cố cựu. Còn trước mắt thì ta đang có biểu thức:
– Chằm Chim → Trầm Chim → Tràm Chim,
trong đó “Trầm Chim” chính là Chằm Chim đã bị thao tác siêu chỉnh (hypercorrection) làm cho biến dạng. Ông Huỳnh Công Tín và những người bạn của mình là những người thuộc về nửa sau của thế kỷ XX, thời điểm mà danh từ chằm không còn thông dụng nữa, dĩ nhiên là đối với cả những người có học thức. Những người này (nhà văn, nhà báo, nhà giáo, v.v.) cho rằng chằm là một cách phát âm của người bình dân, ít học đối với từ trầm – quả nhiên người bình dân Nam Bộ vẫn phát âm “trầm” thành “chằm” – vì phải là “trầm” (chìm, đắm, v.v.) thì mới liên quan đến chuyện nước, chuyện ngập, v.v.. Vì vậy nên dân có học mới “siêu chỉnh” chằm thành “trầm” và chằm chìm đã trở thành “trầm chim”. Cho đến cách đây trên 20 năm, khi đất nước mở cửa, du lịch phát triển, công cuộc bảo vệ môi trường sinh thái càng ngày càng được chú trọng, internet càng ngày càng phổ biến, v.v., thì “trầm chim” lại đổi đời một lần nữa mà sự siêu chỉnh lần này cũng là công sức của nhà văn, nhà giáo, nhà báo, chủ yếu dĩ nhiên là các nhà báo. Họ cho rằng “trầm” thì vô nghĩa vì tại “trầm chim” chỉ có “tràm” bạt ngàn mà thôi. Vì thế nên họ đã đẻ ra cái danh ngữ “tràm chim” mà không biết rằng đây là một cái quái thai của ngôn ngữ, như đã khẳng định ngay từ đầu câu trả lời này.
Gút lại, xin khẳng định rằng “tên cúng cơm” của Vườn Quốc gia Tràm Chim chỉ đơn giản và chính xác là Chằm Chim chứ không phải “Trầm Chim” hay “Tràm Chim” gì cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét