Bạn đọc : Xin ông cho biết nghĩa gốc của hai tiếng lưu manh. Chữ manh ở đây có phải cũng là manhtrong thong manh, và manh mối không, thưa ông? (Trần Văn Bá).
An Chi : Trước nhất xin nói về nghĩa của từng thành tố. Chữ manh 氓 có hai nghĩa mà Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã cho như sau:
“1.– Dân; cổ đại xưng bách tính (Người dân; xưa chỉ trăm họ).” Mao Trạch Đông hoạ thơ Quách Mạt Nhược (“Hoạ Quách Mạt Nhược đồng chí”) có câu:
Tăng thị ngu manh do khả huấn
Yêu vi quỉ hoặc(quắc) tất thành tai.
Dịch ý:
Sư cũng dân lành còn sửa được
Yêu tinh là quỉ dấy tai ương.
Trong bài “Manh” thuộc phần “Vệ phong” của Kinh Thi, mà câu đầu tiên là “Manh chi si si”, chữ manhcũng có nghĩa này. Đây là một bài thơ trữ tình hay nhất và sớm nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc.
“2.– Dã dân. Chu triều chỉ cư trú tại bỉ dã địa khu tùng sự nông nghiệp sinh sản đích nô lệ.”(Dân quê. Thời Chu, chỉ những người nô lệ cư trú tại những vùng quê để sản xuất nông nghiệp).
Âm xa xưa của chữ manh 氓 trong tiếng Việt là mống, còn được giữ lại trong những lối nói mang tính quán ngữ như: không mống nào chạy thoát, chết không còn một mống. Nó chẳng có liên quan gì đến chữ manh trong thong manh cả. Thong manh là biến thể ngữ âm của thanh manh 青盲, một chứng bệnh về nhãn khoa. Vậy, một đằng là manh 氓 bộ thị 氏 , một đằng là manh盲 bộ mục目, chẳng liên quan gì đến nhau. Mà nó cũng chẳng liên quan gì đến chữ manh trong manh mối vì, ở đây, chữ manh là một hình vị Hán Việt chính tông mà chữ Hán là 萌, có nghĩa là “khai mào”, “khởi đầu”, “dấy lên” như có thể thấy trong một cấu trúc khá quen thuộc là manh nha. Một đằng thuộc bộ thị 氏, một đằng thuộc bộ thảo 艹(艸), nên cũng chẳng liên quan gì đến nhau.
Lưu 流 có nghĩa gốc là trôi, chảy, rồi nghĩa phái sinh là du thủ du thực, rày đây mai đó.
Hai tiếng trên ghép lại thành danh ngữ lưu manh 流氓, được Hán ngữ đại tự điển giảng là: “Nguyên chỉ vô nghiệp du dân, hậu lai chỉ phẩm chất ác liệt, bất vụ chính nghiệp, vi phi tác đãi đích nhân.” (Vốn chỉ lưu dân không nghề nghiệp; về sau chỉ những kẻ phẩm chất dữ dằn, không làm việc chính đáng, làm bậy làm càn).
Thế là lưu manh vốn có nghĩa trung hoà, nhưng nay thì hai tiếng này có nghĩa là kẻ du thủ, du thực, rày đây mai đó, không có công việc làm ăn, rồi nghĩa bóng là đứa du côn, bất lương. Tuỳ theo ngữ cảnh mà nó có thể được dùng như danh từ hoặc tính từ. Với tư cách tính từ, nó hoàn toàn tương ứng với tiếng Anh rogue trong ngữ đoạn rogue state (= quốc gia lưu manh) mà chính quyền Reagan của Hoa Kỳ từng dùng hồi thập kỷ 1980 để chỉ chế độ và chính sách của ông Muammar Kadhafi ở Libya. Sau vụ đánh sập Toà tháp đôi WTC ngày 11-9-2001 ở New York, thì ngày 16-9 năm đó, chính quyền G.W.Bush đã công bố danh sách một số “quốc gia lưu manh” bao gồm: CHDCND Triều Tiên, Pakistan, Irak, Iran, Afghanistan và Libya. Chẳng biết có lưu manh hay không nhưng nhãn tiền thì các quốc gia này không đi xâm lược ai. Chứ hiện nay thì Hoa Kỳ, Anh, Pháp, EU và NATO hẳn hoi là những quốc gia và tổ chức lưu manh, ngang nhiên quẳng sọt rác nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc cho phép lập vùng cấm bay ở Benghazi đê oanh tạc Libya mà ăn cướp dầu hoả, vàng và tiền của nhân dân và quốc gia này.
Hiện nay, hai tiếng lưu manh cũng được dùng làm định ngữ đê chỉ một khuynh hương văn học: văn học lưu manh, mà dưới đây, chúng tôi xin dẫn một đoạn của báo Tuổi Trẻ để giới thiệu với bạn đọc:
“Như thế, khái niệm “lưu manh" từ chỗ tụt quần áo trần truồng và xả ra ngôn từ rác rưởi, dễ bị nhận diện, đã trở thành lưu manh trong lý tưởng, lối sống, và kinh khủng hơn là lưu manh trong các giá trị, ví dụ như: thưởng thức nghệ thuật xong sẽ đưa ra các lời bình luận thấp kém, phản bác, công kích nghệ sĩ; ngắm tượng Vệ Nữ xong chỉ phát hiện nàng này không mặc quần lót; gặp một cô giáo quên mình cứu học sinh thì chỉ nghĩ giá như cô giáo này làm điếm sẽ kiếm được nhiều tiền hơn; nhìn xã hội phong kiến chỉ thấy niềm vui sướng được ngủ với hàng đàn mỹ nữ mà không bị pháp luật sờ gáy; sống ích kỷ với thú vui bản thân bất chấp đạo đức xã hội lại được coi như đi tìm kiếm cái tôi đích thực, cái tôi cô đơn, khác biệt...
“Từ điển văn học online của Trung Quốc đưa ra một định nghĩa, theo đó, văn học lưu manh gần như buộc phải có hai thành tố cốt lõi là sex và báng bổ.
“Văn học lưu manh được đông đảo độc giả và nhà phê bình quan tâm, là bởi mỗi tác phẩm đều kéo theo sau nó rất nhiều lời phê phán lẫn tung hô của nhiều hạng người khác nhau trong xã hội.”
Nói chung thì lưu manh đại khái là như thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét