Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Vì sao người đàn ông chăn dắt gái mại dâm không phải là ma cậu mà là ma cô?


Ma cô không phải là ma bà cũng chẳng phải ma ông. Ma cô là một từ gốc Pháp (maquereau) vào tiếng Việt với nghĩa là kẻ hành nghề dắt gái:
* Mấy phút sau, hai gã ma cô bảo kê cho mấy cô gái phóng xe đến đập cửa. (Tiêu Dao Bảo Cự , 2004:134)
Từ ma cô vào tiếng Việt từ những năm 30 của thế kỷ trước (Gustave Hue, 1937:540, Đào Duy Anh, 1950:1012) và ở yên trong từ điển từ ấy đến nay bất kể mọi đổi thay chế độ, thời cuộc. (Thanh Nghị, 1967:869;, Lê Văn Đức, 1970b:874; Nguyễn Như Ý, 1999:1079; Nguyễn Kim Thản, 2005:1007; Chu Bích Thu, 2006:150; Hoàng Phê, 2006 :603). Ma cô nhập tịch Việt lâu rồi, không mấy ai nhớ đến nguồn gốc của nó nữa, nghĩ đã là ma ắt phải xấu xa. Nhiều khi những kẻ trông hung ác, côn đồ cũng bị gọi là ma cô mặc dù không hành nghề chăn dắt gái.
* Trông tướng ông ấy ma cô lắm, dì cẩn thận đấy. (Huệ Ninh, 2008:22)

Từ maquereau còn được phiên âm thành mặt rô. (Chu Bích Thu, 2006:150) hoặc mặc rô. Cũng như người anh của nó là ma cô, từ mặt rô ngoài nghĩa kẻ chăn dắt gái mại dâm phát triển thêm một nghĩa không có liên quan gì đến nghề tú ông:
Các chiêm tinh gia không khoái chuyện tiên tri này và thay vì trả lời sự thách thức của Gosh đã cho gọi bọn “mặt rô” (bouncers) đến tống tiễn ông vào bệnh viện. (Dương Ngọc Dũng, 2008:61)

Nguyễn Như Ý (1999:1083) có ghi nhận một dạng khác phiên âm từ maquereaumạc cờ rô và giải nghĩa là như ma cô. Có vẻ như mạc cờ rô không được phổ biến bằng ma cômặt rô. Có thể mạc cờ rô (ma cô) vừa bị xung đột đồng âm với mạc cờ rô (macro) của dân chụp ảnh vừa xung đột đồng nghĩa với ma cô / mặt rô nên không bứt lên nổi trong cuộc cạnh tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét