Hiện nay giẻ được hiểu là các thứ vải vụn hoặc quần áo rách phế thải dùng làm nùi giẻ, giẻ chùi, giẻ lau... (Lê Văn Đức, 1970a:562). Hiểu theo nghĩa đó thì câu tục ngữ Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ đâm ra ngớ ngẩn. Nhưng không ai hiểu sai ý nghĩa của câu tục ngữ đó: thợ nghề nào cũng kiếm chác được của khách hàng trên khoản vật liệu dùng cho nghề ấy (cho nên câu tục ngữ trên mới có cái phiên bản nối dài với thợ bồ ăn nan, thợ hàn ăn thiếc). Với nghề thợ may ngày xưa, khoản kiếm chác đáng kể là tơ lụa. Trong câu tục ngữ nói trên giẻ là một từ cổ có nghĩa là tơ lụa (Vương Lộc, 2001:70). Nghĩa này hiện nay đã mất trong ngôn ngữ phổ thông, khiến cho thợ may ăn giẻ có vẻ không ăn nhập mấy với phần còn lại của câu tục ngữ và với ý nghĩa chung của cả câu. Để cho phù hợp với cái nghĩa hiện nay của giẻ, đoạn sau của câu tục ngữ mới được cải biên một lần nữa thành thợ hàn ăn... cứt sắt.
Tục ngữ cũng có câu Mua áo thì rẻ, mua giẻ thì mắt (đắt). Giẻ ở đây vẫn là tơ lụa, không phải giẻ lau, giẻ rách nên mua mới đắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét