Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

THỬ TÌM HIỂU TỪ NGUYÊN MỘT SỐ CẶP TỪ VIỆT HÁN (Phan Zung - Việt Hán Nôm)



THỬ TÌM HIỂU TỪ NGUYÊN MỘT SỐ CẶP TỪ VIỆT HÁN


THỬ TÌM HIỂU TỪ NGUYÊN MỘT SỐ CẶP TỪ VIỆT HÁN
0.Đặt vấn đề:
Trước hết thử xác định lại nguồn gốc người “Hán” hay “Hoa Hạ”.
Tham khảo bản đồ thiên di của nhân loại ở châu Á, tài liệu gốc từ Đại học Yale, Hoa Kỳ  [i] :
Theo bản đồ này, người cổ đại đến lục địa Trung Hoa gồm 2 nhánh chính: Một nhánh [I] thiên di sớm từ đồng bằng sông Hồng tới đồng bằng Trường Giang khoảng 1.5 vạn năm trước, rồi đi tiếp đến vùng cửa sông Hoàng Hà khoảng 1 vạn năm trước. Một nhánh [II] muộn hơn, từ Miến Điện băng qua sườn đông Hy Mã Lạp Sơn đến cao nguyên Tây Tạng khoảng 1.5 vạn năm trước, rồi cũng đến lưu vực Hoàng Hà khoảng 8 ngàn năm trước.
Theo một số thông tin thảo luận chưa được kiểm chứng trên mạng[ii] thì Hán tộc vốn là “hòa hợp”của nhiều nhóm tộc, trong đó hai nhóm chính là nhóm thị tộc Hoàng Đế vốn gốc ở Hoàng Hà, theo ngôn ngữ Tạng-Hán nên chắc là bắt nguồn từ nhánh [II], và nhóm kia là thị tộc Thần Nông (Viêm Đế) vốn gốc ở Trường Giang, chắc bắt nguồn từ nhánh [I], ngoài ra còn có các nhóm tộc khác như thị tộc Cửu Lê của Xi Vưu cũng tham gia một phần vào cuộc hòa nhập này, số không chịu hòa nhập thì chạy lên vùng núi thành người Miêu, Dao hiện nay.
Trong bài này người viết muốn đặt vấn đề: phải chăng nhóm Bách Việt chính là nhóm [I] vốn từ đồng bằng sông Hồng thiên di về phía Bắc hơn vạn năm trước đã đem vốn từ gốc phương Nam đóng góp vào Hán ngữ. Dưới đây là một số dữ liệu bước đầu tìm hiểu các vết tích ngôn ngữ phương Nam còn tồn tại trong tiếng Hán và chữ Hán.
1. Bắt đầu từ cặp từ Hà/Giang (河/江)
Nhiều tài liệu ngôn ngữ học đều thống nhất cho rằng từ giang 江 (nghĩa là sông trong tiếng Hán) có nguồn gốc phương Nam.
-Trước hết từ này vốn do nhóm Bách-Việt ở phương Nam (tạm gọi là Hán-Việt để phân biệt với nhóm Hán-Tạng), dùng để gọi sông Trường Giang (hay sông Dương tử), đối lập với các nhóm Hán-Tạng ở phía bắc thường gọi sông là “Hà” (như Hoàng Hà).
-Phần biểu âm của giang 江 vốn là chữ công 工, âm cổ “công” này hiện vẫn còn bảo lưu trong tiếng Quảng Đông [粤语], ghi âm đọc là “gong1” (TQ thường ký âm k- ra g-) như trong link sau : http://tool.httpcn.com/Html/Zi/28/PWMEMEILKOTBCUYF.shtml
-
-Giang vốn thuộc thanh mẫu kiến 見, vận mẫu giang 江, nhị đẳng, thiết âm trung cổ theo Đường Vận, Tập Vận, Vận hội là cổ song thiết (古雙切) tức âm “cong”. Vần ong/ông đã chuyển thành iang/ương muộn nhất cũng từ trước thời Trung nguyên âm vận (Chu Đức Thanh, năm 1324) vì trong sách đó đã chính thức xếp giang vào 1 nhóm chung với từ khương 姜, cương 疆…xem minh họa trong sách đó ở hình bên, (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Cồ Việt thì thực ra quá trình biến âm này xảy ra sớm hơn, khoảng trước đời Đường).
-Gốc của 江theo nhiều nhà nghiên cứu có thể là krong/không/sông trong các ngôn ngữ phươngNam. Các nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Bernhard Karlgren, Vương Lực, William H.Baxter tái lập âm thượng cổ của nó lần lượt là ku ̆ŋ , keoŋ , kroŋ. Hãy chú ý tái lập của Baxter “krông”, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên Việt Nam hiện nay vẫn gọi sông là krông, có lẽ là bảo lưu từ thời thượng cổ, ví dụ Krông Pha tức thị trấn Sông Pha ở Ninh Thuận, lại còn có các huyện Krông Năng, Krông Ana,Krông Bông… ở Tây Nguyên.
-Con sông lớn Mekong hay “Mè Khỏng” trong ngôn ngữ Thái-Lào vốn có nghĩa là “sông mẹ”. Người Mường hiện vẫn gọi sông là “không”. Tiếng Việt tuy đã biến đổi khá xa thành “sông”, nhưng vẫn còn vết tích trong sách “An Nam dịch ngữ” thời Minh (thế kỷ15) ghi chép rằng “hà 河” tiếng Việt là “không 空”, ngoài ra sách đó lại ghi “giang 江” tiếng Việt là “sanh 生”, có lẽ chính là âm “sông”, vì âm Nôm của “sanh” là “sống”, tư liệu này cho thấy khả năng người Việt thời đó tuy đã đọc với phụ âm đầu “s-” nhưng vẫn còn giữ dạng đọc với phụ âm đầu “kh-” .
2. Xem xét tiếp cặp từ Thổ/Địa (土/地)
Các khảo sát về cặp từ đồng nghĩa Hà/Giang (河/江) đã gợi ý cho người viết bài này phải chăng cặp từ Thổ/Địa (土/地) cũng có nguồn gốc tương tự, nghĩa là Thổ có gốc Hán-Tạng phương Bắc, còn Địa 地 vốn có gốc Hán-Việt ở phương Nam ?
-Trước hết căn cứ vào chữ viết thì thấy chữ thổ phải có trước chữ địa vì chữ địa 地 được ghép từ chữ thổ 土 chỉ nghĩa với chữ dã 也chỉ âm, nên có thể ước đoán “địa” mới phổ biến trong tiếng Hán về sau khi các nhóm Hán-Tạng bành trướng về phía Nam, xâm lấn và “hòa nhập” với các nhóm gốc Hán Việt. Để kiểm tra ước đoán này người viết đã mở sách Kinh Thi ra đếm thử trong các bài thì thấy chỉ có 2 chữ địa, trong khi dùng đến 31 chữ thổ (!)
-Theo đối chiếu Việt – Mon – Khmer trong sách của Nguyễn Ngọc San “Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử”thì chữ ĐAI nghĩa là đất trong Tiếng Việt (có trong từ “đất đai”) vốn có gốc từ tiếng Khmer “đây”.
-Bây giờ xét phục nguyên âm thượng cổ của địa 地 theo các nhà ngôn ngữ học:
oKarlgren là d’ia
oVương Lực là diai
oBaxter là djejs
Chúng ta thấy :
Âm do Baxter phục nguyên “đjêy” khá gần với tiếng Khmer gọi đất là “đây”.
Âm do Vương Lực phục nguyên “đjai” thì gần với tiếng Việt “đai” nghĩa là đất .
- Âm Quảng Đông, TQ gọi là Việt ngữ 粤语, của địa có một dạng là dei6, rõ ràng khá gần với “đây” Khmer và “đai” tiếng Việt[iii].
Nhân tiện xin trích dẫn một bài trong “Quốc Âm Thi Tập” thời Lê (khoảng cuối thế kỷ 15) đã dùng chữ “đai” một cách độc lập, không phải đi theo “đất” :
Giàu chỉnh chện, khó lai dai,
Vần chuyển lưu thông, há của ai ?
Vũng nọ ghe khi làm bãi cát,
Doi kia có thuở lút hòn ĐAI.
Khôn ngoan mới biết thăng thì giáng,
Dại dột nào hay tiểu có đài ?
Đã khuất bao nhiêu thì lại duỗi ?
Đạo trời lồng lộng chẳng hề sai.
3. Xem xét tiếp cặp từ Túc/Chỉ (/)
Người viết cho rằng đây cũng là một cặp đối lập Bắc/Nam, trong đó “chỉ” là một từ gốc phương Nam, cùng nguồn gốc với từ “chân” của tiếng Việt. Xét bảng so sánh âm Thượng cổ phục nguyên của một số chữ Hán sau :
Qua bảng trên người viết nhận thấy có một lớp từ mà Karlgren khôi phục với phụ âm cuối –g có sự đối ứng khá hệ thống với các từ đồng nghĩa của tiếng Việt mang phụ âm cuối –ŋ[iv].
Hình minh họa lấy từ sách của Karlgren [2] :
Hiện tượng ở tiếng Việt một số từ âm cuối –g thời thượng cổ có thể đã biến chuyển ra –ng, là những trường hợp khá “đặc dị” ít người nhận ra.
Như chữ “hỉ” âm cổ có thể là “hửng” (trong từ hí hửng) phù hợp với phục nguyên âm Hán Thượng cổ theo Karlgren là “xi ̯əg” (đọc gần như hưâg=hửng) sau đó -g biến ra -i (“xji” trong hình minh họa trên) nên ta có “hưâi” ứng với chữ “hởi” (trong từ hồ hởi), sau đó lại du nhập thêm âm “hỉ” trong thời Bắc thuộc. Thật may mắn cả 3 âm Hửng, Hởi, Hỉ đều còn tồn tại trong tiếng Việt giúp khẳng định quá trình biến âm mà Karlgren phục nguyên là có thật. Ví dụ khác là chữ “tự ”= “tương tự, dường như”, Karlgren phục nguyên âm thượng cổ “dzi ̯əg” khá gần với chữ “dường” của tiếng Việt, dạng rụng phụ âm cuối “-ng” là “dựa” thì hiện nay không còn lưu, chỉ còn “tựa” (tự như); nhưng “tựa” với nghĩa động từ “tựa vào” thì tiếng Việt vẫn còn giữ âm “dựa”.
Chữ vụ ,Karlgren phục nguyên mi ̯ug , nếu chuyển -g=>-ŋ thì khá gần âm “mồng” tiếngViệt (vân mồng=mây mù), đồng thời tiếng Việt còn giữ cả âm trung gian là “mù”, là âm thông dụng ngày nay.
Đặc biệt, theoKarlgren chữ “chỉ “và “chi “đều được phục nguyên âm thượng cổ là ȶi ̯əg . Âm thượng cổ này giải thích vì sao người Việt lại đọc “chi ” là “chưng”, còn “chỉ ” là “chân”, giọng miền Nam là “chưn” hay “chưng”. Theo tài liệu Giáo trình Lịchsử ngữ âm tiếng Việt của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thì từ “chân” thời cổ vốn có âm cuối -ŋ, trích trang 199 sách trên:
“… chúng ta chỉ có hai ví dụ là từ chân và lên (và liên quan tới lên là từ trên). Ở hai từ này có lẽ ta phải phục nguyên *-ŋ cho thời Proto Việt Chứt, hay chậm nhất thì cũng cho thời Proto Pọng Chứt chung.”[v]
Cũng theo tài liệu của GS Cẩn thì thời Proto Việt Chứt tức thời Việt-Katu là trên 3.000 năm trước. Vậy khả năng phục nguyên “ȶi ̯əg” của “chỉ 趾”gần với từ cổ Việt “châŋ”, phải ứng với niên đại trên 3000 năm trước, tức ứng với cuối đời Thương của TQ, kết quả cũng giúp chúng ta có ước lượng khái quát về niên đại (mức cổ xưa) của cả nhóm từ liệt kê trong bảng, đó là những từ cổ Việt-Hán chứ không phải từ Hán-Việt du nhập thời Bắc Thuộc.
Chú thêm: Khả năng một số chữ Hán hiện đọc với vần “-i” thời cổ xưa đọc là “-ưng” còn vết tích khá rõ ngay cả trong Hán Ngữ, như chữ nghi 疑có một nghĩa trùng với chữ ngưng 凝, mà lại chung bộ phận biểu âm. Theo Karlgren âm thượng cổ của nghi là ŋi ̯əg còncủa ngưng là ŋi ̯əŋ, như vậy có thể đã tồn tại 1 xu hướng biến âm ở Hán Ngữ (nhưng ít còn lưu tích) là -g thượng cổ về sau chuyển thành -ŋ. Xu hướng này ở tiếng Việt có vẻ rõ rệt hơn, ví dụ chữ “vị 彙”người Việt vẫn quen đọc là “vựng”, mà tra các từ thư Trung Quốc thì không hề thấy ghi âm “vựng” này !
4. Xem xét tiếp cặp từ Xã/Lý (社/里)
Cũng trong thế đối lập trên,người viết dự đoán Lý 里(làng) là từ gốc phương Nam đối lập với Xã, và cùng gốc với cả hai từ “làng” và “chiềng” của tiếng Việt. Trong bảng phục nguyên âm thượng cổ ở trên Karlgren phục nguyên Lý 里là li ̯əg, mà phần trên đã chỉ ra khả năng –g có thể biến chuyển thành –ŋ trong tiếng Việt nên chúng ta có li ̯ə-ŋ đọc gần như lưâng hay lương, từ đó chuyển sang lang/làng không còn xa (so sánh phần vần của các cặp từ đương/đang, nương/nàng, trường/tràng…).
Sách Thuyết văn giải tự chú chữ Lý như sau: 里,[良止切],居也。从田从土。凡里之屬皆从里。Lý, [lương chỉ thiết], cư dã, tòng điền tòng thổ, phàm lý chi thuộc giai tòng lý.
Chú ý chiết tự của chữ Lý “trên điền dưới thổ” và nghĩa gốc là cư trú, thể hiện rõ nguồn gốc nông nghiệp của chữ này, cũng là của thị tộc Thần Nông vốn gốc ở vùng Trường Giang.
Nhân tiện bàn thêm: Âm cổ xưa của “làng” có lẽ chính là “chiềng”. Đi từ phục nguyên âm thời cổ li ̯ə-ŋ ta thấy phần vần vốn gần với “iêng”, còn việc phụ âm đầu l- có thể đọc ra ch- thì chúng ta có khá nhiều ví dụ: lạp/chạp, lang/chàng, lam/chàm, lồng/chuồng .v.v. So sánh xa hơn thì có cặp lải/chài (lải nghĩa là “lưới” trong tiếng Mường) mà phục nguyên âm cổ của chữ la羅 tức là lưới trong tiếng Hán theo Vương Lực là “lai”, nếu không kể dấu thanh thì trùng khớp với tiếng Mường. Để thấy rõ hơn quan hệ giữa L- và CH- xin xem các cứ liệu phục nguyên âm thượng cổ theo Baxter:
臘(lạp/chạp) : c-rap
朗(lang/chàng) : c-raŋʔ
籠(lung/lồng, chuồng): b-rong
藍(lam/chàm) : g-ram
里(lý/làng, chiềng) : c-rjəʔ
(la/lưới, chài): c-raj
Và so sánh thêm tiếng Việt với tiếng Katu (phản ảnh của Proto Việt-Chứt):
Chrum = chồm lên
Chréh = chẻ (củi)
Chraih= chải (tóc)
G-roong= (cái)chuồng
Như vậy có mối tương quan giữa tổ hợp âm đầu C-R- (CHR-) và G-R- của Hán ngữ cổ theo Baxter, với CH- trong tiếng Việt cổ, vì lần ngược tới giai đoạn Việt-Katu thì thấy một số trường hợp CH- Việt vốn là CH-R hay G-R-.
Theo GS Nguyễn Tài Cẩn *R- trong Hán ngữ mới chuyển thành L- khoảng thời Tần-Hán, còn bên phía tiếng Việt thì dựa trên ví dụ về từ “chuồng” trong tiếng Katu người viết phỏng đoán G-R- có xu hướng chuyển thành CH- từ khá sớm, vì phụ âm CH- của tiếng Việt vốn có từ cổ xưa ít ra là thời proto Mon-Khmer[vi], nên khi tiếng Việt xảy ra xu hướng đơn tiết hóa thì tổ hợp G-R nhập vào CH- khá thuận lợi.
5. Về cặp từ Nội/Trung (/)
Trung tức là “trong” tiếng Việt, phục nguyên âm Hán thượng cổ của Baxter cho chữ TRUNG 中 là “k-ljuŋ”.
Bây giờ thử so sánh với từ tương đương trong tiếng Việt là “trong”: chữ Nôm trong sách “Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh” (viết tắt PT) ghi bằng chữ Hán công 工 ứng với âm cổ “cong”, theo giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thì bản gốc diễn nôm PT có thể ra đời từ rất sớm, ngay thời Lý, “công/cong” có thể là cách ghi âm Việt cổ của “klong”, gần với phục nguyên của Baxter.
Tiếp tục tìm hiểu thêm một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong họ Mon-Khmer: tiếng Vân Kiều thì trong là “klống” (theo “Tiếng Bru-Vân Kiều”, Hoàng Văn Ma, Tạ Văn Thông, NXB KHXH, Hà Nội 1998, trang 322), tiếng Katu thì trong là “kơrloóng” (“Từ điển tiếng Cơ Tu –Việt, Việt – Cơ Tu”, Nguyễn Hữu Hoành, Tạ Văn Thông, Nguyễn Văn Lợi, Sở KHCN Quảng Nam và Viện Ngôn ngữ học 2007, trang 112). Các dạng trên cũng đều khá gần với phục nguyên âm Hán thượng cổ của chữ Trung 中 theo Baxter. Mà chúng ta biết là vùng cư trú của hai nhóm tộc Katu, Vân Kiều từ Quảng Bình trở vào vốn tách khỏi cai trị của TQ từ rất sớm, khoảng thời Khu Liên lập nước Lâm Ấp năm 192. Có thể nói thực sự họ chưa bao giờ ở trong vòng kềm tỏa của phong kiến TQ, vì họ cư trú trên các vùng núi cao hẻo lánh. Ngay cả sau này vào các đời “thịnh trị” của chế độ phong kiến Việt Nam thì các vùng núi cao như Sơn La, Lai Châu… vẫn theo chế độ phụ đạo, các “khun”, “tạo” thủ lĩnh người dân tộc vẫn là “vua” trong lãnh địa của mình, nên ít chịu ảnh hưởng ngôn ngữ văn hóa của người Việt. Còn chính người Việt thì chỉ quen ở đồng bằng, hiện diện rất ít ở các vùng đó, chỉ từ sau 1954 và 1975 mới có chuyện người Việt ồ ạt lên các vùng cao “khai thác”…. Vì vậy rất khó tin là hai nhóm dân tộc thiểu số trên đã vất bỏ một từ rất gần lớp từ cơ bản của mình để dùng từ “trung” của người Hán vào thời Bắc thuộc ngắn ngủi 3 thế kỷ của vùng đất trên, truyền qua trung gian là người Việt. Giải thích hợp lý nhất là cho rằng từ “trung” là một từ gốc phương Nam, vốn là từ rất cổ còn bảo lưu trong tiếng Hán giống như từ Giang=Sông. Xin nhấn mạnh đây chỉ là một giả thuyết mang tính cá nhân, chắc nhiều nhà nghiên cứu sẽ không đồng tình, vì nguồn gốc chữ Trung có vẻ khá phức tạp, giả định đó là một từ cổ khoảng trên 6.000 ngàn năm trước, lúc một dải Trường Giang về phía nam còn nói chung một thứ ngôn ngữ cổ là ngôn ngữ Nam Á (theo“Tìm hiểu tiếng Việt Lịch sử”, Nguyễn Ngọc San, NXB ĐH SP, Hà Nội 2003, trang14), với mức xa xôi như thế thì có thể khi đó hai nhánh ngôn ngữ proto Môn-Khmer với ptoto Miến-Tạng còn chưa tách xa nhau nhiều, nên rất khó để nói về việc “ai mượn của ai”.
6. Sơ kết
Giả thuyết về nguồn gốc phương nam của một số từ Hán ngữ bắt nguồn từ ngôn ngữ Nam Á, chính do các nhóm tộc Bách Việt vốn từ đồng bằng sông Hồng thiên di về phía Bắc đóng góp vào Hán ngữ là một giả thuyết do tác giả bài này đề xuất, hiện chưa có thông tin về ý kiến tương tự của các tác giả khác hay của các nhà nghiên cứu tiền bối [vii]. Bài này bước đầu đã đưa ra được một số cứ liệu ngôn ngữ học so sánh nhằm sáng tỏ giả thuyết đó.
Gần đây có thông tin quan trọng đăng trên các trang mạng của Trung Quốc như sau: Tại khu di chỉ “Xẻng đá lớn” ở huyện Bình Quả, tỉnh Quảng Tây vừa khai quật được hơn chục mảnh đá có khắc hơn ngàn ký tự biểu ý cổ Lạc Việt. Các chuyên gia Trung Quốc nhận định niên đại của các mảnh đá này là vào thời đại đồ đá mới, cách nay 4000-6000 năm tức là vượt xa niên đại của chữ giáp cốt đời Thương ít nhất cũng hơn nghìn năm. Do đó vấn đề xác định ảnh hưởng của các ngôn ngữ phương Nam vào Hán ngữ càng trở lên có căn cứ xác đáng, cần được quan tâm nghiên cứu[viii].

[i]Bản đồ này lấy từ trang mạng http://www.tianyabook.com/qita/zhongguorencongnalilai/4.html, có ghi chú nguồn gốc “耶鲁大学李辉供图” tức là của Lý Huy Cung ở Đại học Yale, Hoa Kỳ. Như vậy có độ tin cậy hơn các tài liệu của Trung Quốc
[iv] Người viết tạm dùng tên “Cổ Việt” cho các từ tiếng Việt dẫn trong bảng trên, hiện chưa có đủ căn cứ để xác định chính xác chúng là từ Việt cổ hay phần lớn chúng là từ của tiếng Việt hiện đại, tuy nhiên nếu để ý có thể thấy ngữ âm của các từ này gần với âm Hán thượng cổ hơn Hán Trung cổ (Đườngâm)
.[v]Về nhận định của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cho “chân” thời proto Việt Chứt vốn có phụ âm cuối “-ng”, có thể dẫn thêm tư liệu về tiếng Katu ở miền Tây Thừa Thiên: chân là “jung”, tức phụ âm cuối đúng là “-ng”.
[vi]Theo Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt của GS Nguyễn Tài Cẩn, trang46-48, mục “Lai nguyên của CH-” thì CH- là một phụ âm cực cổ của tiếng Việt, có từ thời Proto Môn-Khmer với các từ như chó (*cuə), chấy, chết(*kacɛt), chín, chim (*cɨm) (theo G.Difflot)…
[vii]Xin tham khảo thêm loạt bài viết của tác giả Nguyễn Cung Thông về nguồn gốc của 12 con giáp và các bài sưu tầm giới thiệu các từ có thể có gốc phương Nam đã bị đào thải trong tiếng Hán trên trang http://www.viethoc.org/phorum.
====
Tài liệu tham khảo:
  1. 汉文典、高本汉、上海辭書出本社。1997。
  2. 中上古汉语音的纲要、高本汉、齐鲁书社、济南。1987
  3. The Austroasiatics in Ancient South China, 梅祖麟言语学论文集。商务印书馆出本。2000。
  4. 王力. 漢語字典.VươngLực “Cổ Hán ngữ tự điển”.
  5. A Handbook of Old Chinese Phonology, William H. Baxter, Mouton de GruyterBerlin – New York 1992.
  6. Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Nguyễn Tài Cẩn, NXB Giáo Dục, Hà Nội.1995
  7. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nguyễn Tài Cẩn. NXB Đạihọc Quốc gia , Hà Nội. 2000
  8. Về dấu vết chữ nôm kỵ húy trong sách “Phật thuyết”, Nguyễn Tài Cẩn, T/c Văn hóa Nghệ An, Số 7, 2010.
  9. An Nam Dịch Ngữ, Vương Lộc dịch và chú giải, nhà Xuất bản Đà Nẵng, Trung Tâm Từ Điển Học. 1995.
  10. Báo cáo tổng kết đề tài Nghiên cứu Khoa học “Giáo trình dạy chữ Katu cho cán bộ người dân tộc”, Hoàng Huy Lập, Nguyễn Thị Sửu, Sở Giáo dục Thừa Thiên Huế, 2003.
  11. Từ điển Mường Việt, Nguyễn Văn Khang, Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành, NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội 2002.
  12. Tiếng Bru-Vân Kiều, Hoàng Văn Ma, Tạ Văn Thông, NXB KHXH, Hà Nội 1998.
  13. “Từ điển tiếng Cơ Tu –Việt, Việt – Cơ Tu”, Nguyễn Hữu Hoành, Tạ Văn Thông, Nguyễn Văn Lợi, Sở KHCN Quảng Nam và Viện Ngôn ngữ học 2007.
  14. “Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử”, Nguyễn Ngọc San, NXB ĐHSP, Hà Nội 2003.
  15. Các bài viết của tác giả Nguyễn Cung Thông trên http://www.viethoc.org/phorum

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét