Thư phản hồi cùng tác giả Phạm Quỳnh – một góc nhìn | |
Văn Thanh | |
Tôi đã được đọc thư của Đại tá-Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan gửi trên Phạm Tôn blog (http://phamquynh.wordpress.com/2012/05/10/thu-cua-tien-si-nguyen-van-khoan-gui-blog-phamton/) trả lời lại về bài viết của tôi trên tạp chí Hồn Việt số 58 (tháng 5/2012). Nhưng phải đến khi có thư viết tay của Đại tá-TS Nguyễn Văn Khoan gửi đến tạp chí Hồn Việt, tôi mới tin chắc đó là ý kiến của tác giả, và nay tôi mới có ý kiến trả lời. |
Tôi cũng chỉ là một bạn đọc có thời gian dài quan tâm theo dõi tạp chí Hồn Việt. Mới đây, tôi gửi bài viết Trao đổi với tác giả Nguyễn Văn Khoan nhân đọc sách Phạm Quỳnh - một góc nhìn, được tòa soạn đồng ý sử dụng nhưng yêu cầu tôi cắt bớt ½ bài, vì số trang của tạp chí không đủ. Tôi chỉ chọn phần 2 là phần đã in trên tạp chí Hồn Việt số 58, còn phần 1, với những sai sót khác của tác giả Nguyễn Văn Khoan viết trong sách Phạm Quỳnh - một góc nhìn tôi đành để lại.
Dưới đây, tôi xin đi vào trao đổi với Đại tá-TS Nguyễn Văn Khoan những nội dung mà ông đã gửi lên Phạm Tôn blog và tạp chí Hồn Việt trong lúc “cả giận”.
1/ Tác giả Nguyễn Văn Khoan viết: “Tôi không tự viết: ‘Trong đêm 23/8…’ mà là Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn viết trong Lịch sử Việt Nam, tập 2, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1985, trang 340.
Tôi chỉ trích dẫn mà thôi, có sai thì Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn chịu”.
Đây là một câu nói vô trách nhiệm và thiếu chuyên nghiệp của một người nghiên cứu lịch sử cũng như người viết sách.
Tại sao ông – Nguyễn Văn Khoan – dẫn lại tài liệu của một người khác – Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn – mà ông không kiểm chứng, đối chiếu với các tư liệu khác để xem tính chính xác đến đâu?
Ông Nguyễn Văn Khoan cho rằng mình “chỉ trích dẫn mà thôi”, còn “có sai thì Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn chịu”, vậy việc gì ông phải viết sách Phạm Quỳnh - một góc nhìn? Đứng trước việc những người trước đây đã từng quy kết Phạm Quỳnh, ông cố im lặng làm việc khác cho xong, còn nếu có sai thì người khác chịu, đâu phải ông chịu!
2/ Tác giả Nguyễn Văn Khoan viết: “Tôi đồng ý là Bác không gặp Trần Huy Liệu trước khi Trần Huy Liệu đi Huế. Tôi viết: ‘Người có kịp căn dặn… (chứ không viết gặp)’. Căn dặn có thể không cần gặp mặt, có thể nhắn qua người khác chứ?”.
Theo tôi, tác giả những dòng trên nên viết tiểu thuyết thì hợp hơn là làm người nghiên cứu lịch sử. Ông viết văn, dựng truyện, viết tiểu thuyết thì ông có thể tha hồ hư cấu, tưởng tượng. Còn viết nghiên cứu lịch sử không có đất cho một tâm hồn mơ mộng, giàu trí tưởng tượng, có thể thế này, có thể thế kia, có thể và có thể…
3/ Tác giả Nguyễn Văn Khoan viết: “Cho dù Tố Hữu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (?), Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Huế, ra ‘tối hậu thư’, thì đó là việc của Tố Hữu,… chỉ có tính chất địa phương. Còn Chính phủ Lâm thời là của cả nước, quyền lớn hơn, giá trị pháp lý cao hơn… Ủy ban Khởi nghĩa Huế chứ!
Cần lưu ý: Chính phủ Cách mạng Lâm thời chỉ ‘điện đòi’… trong khi Tố Hữu lại ra ‘tối hậu thư’? Có gì cơ hội, tả khuynh, nặng nề, hậm hực hoặc “trái với trên” chăng?”.
Tôi muốn được ông Nguyễn Văn Khoan chỉ rõ cho biết cụ thể Tố Hữu “cơ hội, tả khuynh, nặng nề, hậm hực” hoặc “trái với trên” ở điểm nào? Có tư liệu lịch sử nào chứng minh điều đó, hay chỉ là suy diễn cá nhân?
Tôi muốn được ông Nguyễn Văn Khoan chỉ rõ cho biết cụ thể Tố Hữu “cơ hội, tả khuynh, nặng nề, hậm hực” hoặc “trái với trên” ở điểm nào? Có tư liệu lịch sử nào chứng minh điều đó, hay chỉ là suy diễn cá nhân?
Ở đây, tác giả Nguyễn Văn Khoan chỉ dựa vào tài liệu do Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn viết “Trong đêm 23 tháng 8, Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã điện đòi Bảo Đại thoái vị”, mà trong bài viết trên tạp chí Hồn Việt tôi đã bác bỏ chi tiết này.
Ông Nguyễn Văn Khoan khăng khăng cho rằng Chính phủ Cách mạng Lâm thời chỉ “điện đòi”, còn Tố Hữu lại ra “tối hậu thư”, rồi chính ông Nguyễn Văn Khoan tự kết luận Tố Hữu là “cơ hội, tả khuynh, nặng nề, hậm hực” hoặc “trái với trên”.
Với quan điểm không khách quan, bằng con mắt của hôm nay nhìn về ngày xưa, tác giả Nguyễn Văn Khoan quên mất thời điểm lịch sử của Cách mạng tháng Tám 1945 rồi. Tôi xin cứ tạm chấp nhận là có việc “Trong đêm 23 tháng 8, Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã điện đòi Bảo Đại thoái vị” đi, nhưng Tố Hữu “viết tối hậu thư” từ 10 giờ sáng ngày 23 tháng 8 rồi ạ. Cho nên cái cách quy kết cá nhân của tác giả Nguyễn Văn Khoan về Tố Hữu “cơ hội, tả khuynh, nặng nề, hậm hực” hoặc “trái với trên” chỉ là sự tưởng tượng trong đầu ông trong lúc ông hậm hực mà thôi.
Bài của tác giả Văn Thanh trên tạp chí Hồn Việt số 58 |
4/ Tác giả Nguyễn Văn Khoan viết rằng tôi – Văn Thanh – chỉ “dựa vào ý kiến của nhà văn – không phải nhà báo, nhà sử – Tô Hoài, lại nghe Tố Hữu – cũng không là nhà báo, nhà sử mà là nhà thơ kể lại”.
Còn ông – Nguyễn Văn Khoan – “đã gặp trực tiếp các anh Cao Pha, anh Phan Hàm, anh Đặng Văn Việt, Nguyễn Thế Lâm… là những sinh viên trường Thanh niên Tiền tuyến Huế được giao nhiệm vụ đi bắt hoặc biết rất rõ việc bắt Phạm Quỳnh, dựa vào chính lời nói của các anh ấy và bản viết tay của chính anh Phan Hàm viết (bút tích thư anh Phan Hàm tôi vẫn còn giữ)”.
Những dòng viết đậm trên đây của tác giả Nguyễn Văn Khoan đọc sao mà lộng ngôn đến vậy! Ông tự cho mình là nhà sử học, còn hai ông Tô Hoài, Tố Hữu chỉ là nhà thơ, nhà văn, thua đứt ông là “sử quan” chăng?
Thưa Đại tá-TS Nguyễn Văn Khoan, ông đã quên mất thời điểm lịch sử của vấn đề rồi. Tô Hoài viết theo lời kể của Tố Hữu là trên Đặc san Cứu Quốc số 8 năm 1946, nó cách ngày hôm nay 66 năm, và đó là thời điểm lịch sử gần nhất với cái chết của Phạm Quỳnh.
Còn Tố Hữu “cũng không là nhà báo, nhà sử mà là nhà thơ” ư? Thưa, nhà thơ đó lại là người làm nên lịch sử đấy ạ.
Người làm nên lịch sử là nhà thơ Tố Hữu có quyền và có vị thế để kể lại cho người khác biết về việc giành chính quyền ở Huế trong Cách mạng tháng Tám 1945 quá đi chứ (!), phải không thưa Đại tá-TS Nguyễn Văn Khoan?
Hãy đặt một giả thiết rằng, nếu (tất nhiên lịch sử không bao giờ có chữ nếu) bây giờ các vị Nguyễn Chí Thanh, Tôn Quang Phiệt, Tố Hữu còn sống; Đại tá-Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan muốn nghiên cứu về việc Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế trong Cách mạng tháng Tám 1945, ông có đến hỏi những người làm nên lịch sử như Nguyễn Chí Thanh, Tôn Quang Phiệt, Tố Hữu không?
Hay ông lại đi hỏi chuyện những người dân quân chỉ biết thừa hành? Dẫu cho Tố Hữu không trực tiếp đi bắt Phạm Quỳnh thì những người đi bắt kia khi trở về phải có nhiệm vụ báo cáo lại cho Tố Hữu là cấp trên của họ chứ.
5/ Tác giả Nguyễn Văn Khoan viết: “Theo tôi, về mặt lịch sử, không nên dùng từ ‘lão’ chỉ người mà Bác Hồ gọi là ‘Cụ Phạm’”.
Thế nào là về mặt lịch sử? Đây đâu phải những dòng chữ được Tố Hữu và Tô Hoài viết ra vào năm 2012, mà được viết và in ra từ năm 1946 rồi. Đấy mới là “về mặt lịch sử” thưa Tiến sĩ Sử học.
6/ Tác giả Nguyễn Văn Khoan viết:“về việc bắt và xử tử Phạm Quỳnh thì cho dù là Thường vụ có năm người, theo Văn Thanh (tôi gạch dưới –VT) ba người đồng ý, một người phản đối, một người trung gian theo đa số…”
Thưa, không phải theo tôi – Văn Thanh – mà đây là hồi ký của cụ Hoàng Anh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân lâm thời Thừa Thiên Huế trong Cách mạng tháng Tám 1945 đấy ạ.
Cụ Hoàng Anh sinh năm 1912, năm nay 100 tuổi. Nếu Đại tá-TS Nguyễn Văn Khoan có thắc mắc gì cần trao đổi, hoặc cần biết khi tịch biên gia sản gia đình Phạm Quỳnh “niêm phong đồ đạc là những gì, bao giờ mở, mở ra có vàng, bạc, châu ngọc gì, số lượng bao nhiêu, đã giao cho ai giữ, bàn giao lại cho ai?” xin cứ đến hỏi cụ Hoàng Anh có lẽ là người duy nhất còn sống trong Thường vụ ngày ấy đấy ạ.
7/ Cuối cùng là chuyện tác giả Nguyễn Văn Khoan dẫn lại việc tôi – Văn Thanh – có chê “sự yếu kém của biên tập viên cả về trình độ chuyên môn lẫn nhận thức chính trị” của Nhà xuất bản Công An Nhân Dân. Tôi xin phép không trả lời yêu cầu này, vì nó không nằm trong phạm vi trao đổi giữa tôi và tác giả sách Phạm Quỳnh - một góc nhìn.
Trên đây là một vài ý kiến của tôi trao đổi lại với Đại tá – Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan để rộng đường dư luận với những ai yêu quý lịch sử nước nhà. Chúng ta trân trọng các nhà văn hóa, nhưng khi chiêu tuyết thì cũng đừng nên suy diễn, mà phải dùng tư liệu lịch sử để soi sáng vấn đề bằng một sự khách quan, công bằng và công tâm.
Ngày 6/6/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét