Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

TRẦN ĐỨC THẢO Nhà triết học (Trần Văn Giàu)



20.12.2010-22:45

Nhà triết học


TRẦN VĂN GIÀU 
            
       NVTPHCM- “Mình không có truyền thống triết học, nếu có thể nói có một nhà triết học thì người đó không phải là Trần Văn Giàu - Trần Văn Giàu là một giáo sư triết học hay nhà nghiên cứu triết học. Người đó chính là Trần Đức Thảo”.

    Tôi gặp anh Trần Đức Thảo hồi kháng chiến chống pháp ở Việt Bắc, lúc đó anh từ Pháp về Việt Bắc. Anh về, không đòi hỏi gì, giao việc gì thì làm việc nấy; có điều là trong kháng chiến đối với một nhà triết học như anh Thảo cũng khó giao việc. Ở chiến khu lúc bấy giờ không có thư viện, không có trường đại học, không có chỗ tập hợp người trí thức, nên khó bố trí anh Thảo làm việc, chớ không phải người ta không bố trí. Bố trí anh Thảo ở Ban Văn sử địa của anh Trần Huy Liệu tốt hơn các chỗ khác, nhưng tôi thấy cũng không đúng chỗ của anh lắm. Mà công việc nghiên cứu Truyện Kiều chẳng hạn, không phải việc của anh Thảo. Việc của anh Thảo lớn hơn, rộng hơn. Được cái là anh Thảo sống gần dân, gần với anh em kháng chiến, chịu đựng gian khổ và cố gắng nghiên cứu. Phải chi hồi đó có trường đại học hay trung tâm nghiên cứu nào thì anh Thảo phát huy được nhiều hơn.
     Sau khi về Hà Nội, anh Thảo làm việc cùng với tôi. Lúc đó ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội mà anh Thảo là khoa trưởng Khoa Sử. Cũng là được nhiều hơn hồi kháng chiến, nhưng cũng không phải chỗ của một nhà triết học. Giá như thời đó có một nơi nào làm lịch sử tư tưởng Việt Nam như sau này thì anh Thảo sẽ đóng góp được nhiều hơn. Còn làm khoa trưởng Khoa Sử phải lên lớp, duyệt bài, nó không phải nghề của anh Thảo. Nghề của anh là phải nghĩ xa hơn cái thực tế lịch sử trước mắt. Cho nên anh không có điều kiện phát huy. Nhưng điều đáng chú ý hơn hết là một người bằng cấp tuy không phải lớn mà chính ra là đại trí thức. Một con người còn trẻ lắm mà có ý kiến riêng của mình, một con người đã đối đầu thắng lợi trong cuộc tranh luận với Jane Paul Sartre ở Pháp. Điều đó làm tôi rất thú vị. Tranh luận như thế nào tôi không rõ, nhưng nói chuyện tranh luận với J-P. Sartre đã là hay rồi. Lúc bấy giờ J-P.Sartre là nhà triết học nổi nhất ở Pháp, một người hiện sinh chủ nghĩa (existentialisme). Điều đó chứng tỏ tính chất đấu tranh tư tưởng của anh Thảo. Anh Thảo là một người thích đấu tranh tư tưởng. Anh không phải là một người vâng theo mà là một người biết suy ngẫm trong mọi vấn đề. Điều đó đối với anh em mình có khi hơi khó chịu nhưng đối với phương Tây, đối với những người nghiên cứu triết học Đức và nghiên cứu chủ nghĩa phê phán của Kant thì thấy rất đúng và rất cần. Tôi hoan nghênh cái chủ nghĩa phê phán (critisisme) đó, nó mới hơn cái nếp của mình. 
     Nhưng đã không có việc cho anh Thảo làm. Tôi nghĩ giá mà anh Thảo làm cái việc tôi làm từ năm 1960 đến nay, về lịch sử tư tưởng Việt Nam. Tôi không phải là người khiêm tốn lắm đâu, trái lại là khác, nhưng tôi nghĩ anh Thảo làm có lẽ anh sẽ đi xa hơn tôi. Không sợ thiếu thực tiễn, chỉ sợ thiếu tư duy và sáng kiến mà điều đó thì anh Thảo có. Giá lúc đó đặt cho anh ấy một đề tài nghiên cứu như lịch sử tư tưởng Việt Nam thì rất là thú vị. Anh Thảo có thể có ý kiến khác, nhưng không sao, bởi vì anh cũng ở trong vòng của chủ nghĩa duy vật lịch sử chứ không ra ngoài. 
     Có người tưởng anh Thảo về nước để tìm công danh. Không phải đâu. Anh Thảo không muốn “làm quan”, anh muốn viết những tác phẩm sâu sắc hơn là làm một “ông quan”. Tác phong của anh Thảo là tác phong của một người nghiên cứu. Điều tôi muốn nói là trong vụ Nhân văn, anh Thảo do cái critisisme (chủ nghĩa phê phán) nó dẫn anh đi quá đà, chớ việc anh lên tiếng về việc này việc kia không có gì cấm kỵ. Nhưng có người muốn đưa anh lên, lợi dụng tên tuổi anh, rồi gây thành nhóm, đó là điều không nên. Còn việc sau đó đưa anh lên Sơn Tây hay ở hội nghị này hội nghị kia làm quá sai. Anh Thảo không phải là đảng viên cộng sản, mà lúc ở Pháp, khác với nhiều trí thức tên tuổi khác, anh rất có lập trường, vậy là hay lắm rồi. Sự cư xử thiếu tế nhị, thiếu thuyết phục đối với một trí thức không phải là đảng viên như anh - mà đối với trí thức đảng viên thì cũng không thể làm như vậy - một trí thức từ nước ngoài tìm về với kháng chiến, theo tôi là điều đáng phải nghiêm khắc coi lại. 
    Nói về phương diện tư tưởng triết học thì anh Thảo là người suy nghĩ sâu sắc, có những vấn đề anh đóng góp cho châu Âu chứ không phải chỉ đóng góp cho xứ mình mà thôi. Khuynh hướng của anh Thảo nói về con người theo tôi căn bản là đúng, chỉ có lệch chăng là nó giống với triết học cổ điển Đức mà hồi Marx, Engels viết Tuyên ngôn Cộng sản chê nó trừu tượng quá, cái đó là một cái tật của triết học Đức, nhưng dù sao nó cũng là một khuynh hướng của Hegel có đầu đuôi, hệ thống, cho nên tôi tán đồng cái cố gắng của anh Thảo đi vào con người. Nhưng nếu tôi ở gần anh nhiều thì tôi ủng hộ anh đi vào con người không phải trừu tượng, mà đi vào con người Việt Nam. Nếu đi vào con người Việt Nam thì anh làm khảo cứu hơn nhiều người, kể cả hơn tôi. Chứ còn hướng nghiên cứu về con người là đúng. 
   Cuối cùng tôi muốn nói khi anh Thảo ở Sơn Tây về, đáng lẽ anh oán lắm, nhưng ảnh noblesse xứng đáng ghê lắm. Anh tiếp tục nghiên cứu triết học, không oán hờn, không chấp nhất; khi qua châu Âu ảnh bênh vực đường lối của Đảng. Đó là một trong những người có thể đại biểu cho trí thức Việt Nam. 
    Tôi có thêm một đề nghị cụ thể: Trong nhà của anh Thảo ở Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều sách, nhiều bản thảo; nên khắc con dấu đóng tên Trần Đức Thảo và gửi vào thư viện. Nên đặt ra một Giải thưởng Trần Đức Thảotrao cho những công trình nghiên cứu triết học. Mình không có truyền thống triết học, nếu có thể nói có một nhà triết học thì người đó không phải là Trần Văn Giàu - Trần Văn Giàu là một giáo sư triết học hay nhà nghiên cứu triết học. Người đó chính là Trần Đức Thảo. Anh em tôn trọng anh ấy là phải. Nhưng cái vần đề chính là trọng người thật chứ không phải hình thức…

Ngô Thị Giếng Ngọc ghi
Nguồn: Văn Nghệ-2.6.1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét