Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

ĐÓNG GÓP CỦA CỨ LIỆU CHỮ NÔM TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH SỰ BIẾN ĐỔI CỦA CÁC TỔ HỢP PHỤ ÂM KL, PL\BL, TL VÀ ML (HOÀNG DŨNG)


ĐÓNG GÓP CỦA CỨ LIỆU CHỮ NÔM TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH SỰ BIẾN ĐỔI CỦA CÁC TỔ HỢP PHỤ ÂM KL, PL\BL, TL VÀ ML
1. Sự tồn tại của các tổ hợp phụ âm đầu KL, PLBL, TL và ML trong tiếng Việt là điều được khẳng định qua những bằng chứng trực tiếp. Bốn tổ hợp phụ âm sau xuất hiện trong Từ điển Việt-Bồ-La (1651) của Alexandre de Rhodes, trong đó BL, TL và ML(1) thể hiện qua các mục từ, còn được nhắc đến trong phần phụ lục, nhan đề “Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh” như sau: “Cũng có đôi khi, nhưng khá họa hiếm, người ta còn thêm L vào với P, thí dụ plàn, douoluere (lăn), người khác thì đọc là làn, không có P”. Còn KL thì không phải như ý kiến của Jemery H.C.S. Davidson: “Bằng chứng về sự tồn tại của chùm này trong tiếng cổ Việt vẫn còn tính chất nghiên cứu (speculative)”(2). Bởi vì KL tồn tại trong tiếng Việt không phải chỉ như sản phẩm của nhà khoa học thông qua các thao tác so sánh, tái lập, mà đã được bắt gặp trên thực tế John Barrow trong cuốn du ký Un voyage à la Cochinchine cho biết năm 1792 ông còn nghe thấy ở Đà Nẵng, trăm được phát âm là klang(3).
2. Chữ Nôm đã phản ánh các tổ hợp phụ âm trên như thế nào? Trả lời câu hỏi này, từ trước đến nay người ta cho rằng có ba hình thức:
a, Ghi lại cả yếu tố thứ nhất lẫn yếu tố thứ hai. Ví dụ: trái viết là cự + lại  hoặc ba + lại 迀.
b, Ghi lại chỉ yếu tố thứ nhất. Ví dụ: trót viết là tốt 卒 .
c, Ghi lại chỉ yếu tố thứ hai. Ví dụ: trên viết là thượng + liên 珕 .
Theo nhiều nhà nghiên cứu, KL và PL chỉ là hình thức cổ, theo thứ tự, TL và BL. Còn sự biến đổi của các tổ hợp phụ âm khác thì ngay từ những năm đầu thế kỷ này đã được xác định như sau: ở phương ngữ Bắc Bộ, BL biến đổi thành GI, TL thành CH, ML thành NH; ở phương ngữ Bắc Trung Bộ và Nam Bộ, BL và TL nhập một thành TR, ML thành L(4). Nếu giới hạn sự biến đổi của các tổ hợp phụ âm đầu vào sơ đồ trên tất sẽ dẫn đến suy luận lôgic các trường hợp (b) và (c) là do hệ thống âm vị tiếng Hán không có tổ hợp phụ âm đầu và do người viết chữ Nôm viết thiếu(5).
3. Tuy nhiên, nếu soát xét lại tư liệu, người ta thấy tình hình có phức tạp hơn, làm cho cách giải thích trên không phải ở trường hợp nào cũng có sức thuyết phục.
3.1. Trước hết, thuộc vào trường hợp (c) có không ít ví dụ chữ Nôm có thể đọc cả hai cách TR và L đều có nghĩa như nhau. Chẳng hạn:
+ lánh 另 đọc tránh hay lánh (cf.tlánh(6))
+ túc + ½ liêu 足寮 đọc trèo hay leo (cf.tlèo)
+ luận 論 đọc là trọn hay lọn (cf.blọn/tlọn)
Thậm chí nhiều chữ Nôm biểu âm bằng L mà căn cứ vào tiếng Việt hiện đại, chỉ có thể đọc với TR, nhưng thực sự đã từng tồn tại hình thức phụ âm đầu L tương ứng(7).
trả từng có cách phát âm khác là lả (cf.blả/tlả), chữ Nôm viết là 呂.
trai-lai (cf.blai/tlai); nam + lai 瞾.
trái-lái (cf.blái); quả + lai 
tràn-làn (cf.blàn); lan 瀾
trau-lau (cf.blau); thủ + lao墹
+ trăng-lăng(8) (cf.blăng); nguyệt + lăng 斏
(trối) trăng - lăng(9) (cf.blăng); mịch + lăng 綾
+ tro-lo (cf.blo); lò 炉
trót-lót (cf.blót); luật 律
trối-lối (cf.blối); khẩu + lỗi 虝
trở-lở (cf.blở); phản + lã 寉
+ trời-lờ (cf.blời); thiên + lệ 
+ trườn-lườn ; thủ + lan 
Như thế, ML rụng yếu tố thứ nhất để chỉ giữ yếu tố thứ hai là hiện tượng không phải cá biệt riêng với ML, mà là chung cho các tổ hợp âm khác. Điều này đã được phản ánh qua cứ liệu chữ Nôm.
3.2. Khảo sát trường hợp (c), cần lưu ý đến hiện tượng TR đọc là T xảy ra ở hàng loạt thổ ngữ ven biển từ Thái Bình đến Thừa Thiên(10); hơn nữa, trong tiếng Việt phổ thông vẫn tồn tại một số các từ song thức TR-T; chẳng hạn: trụt-tụt, trịt-tịt, truột-tuột, tròi-tòi, truốt-tuốt. Do đó, trong những chữ Nôm chúng ta nghĩ dùng T để ghi TR, rất có thể có trường hợp đã ghi một số từ có phụ âm đầu T thực sự. Chữ Nôm viết hỏa + ½ 焠 tôi đọc là tôi hay tui (tôi rèn), mà cũng đọc là trui, cùng nghĩa. Trong được viết là công 工 , trước đây người ta cho “phản ánh dạng cổ của trong là klong”(11). Nhưng thực ra,klong từng rụng yếu tố lỏng, thành công, bằng chứng từ điển Génibrel ghi nhận công hay cuông có nghĩa là trong, công “trong” còn bắt gặp trong tiếng Thái(12). Như vậy có thể chữ Nôm phản ánh đúng đắn sự biến đổi này, chứ không phải trực tiếp dạng klong, cổ hơn. Từ liễn/lẫn viết Nôm là miễn 免. Đào Duy Anh cho rằng “hiện nay có khi còn thấy có người nói nhịu liễn thành miễn(13). Thế hẳn là đã có biến đổi: *mliễn>miễn/liễn. Chữ Nôm viết biến 遍 có thể đọc là bân haylần(14), cho phép suy đoán *blần>bận/lần.
4. Tóm lại, các tổ hợp phụ âm KL, PL/BK, TL và ML ngoài các biến đổi đã xác định ở (2), còn có hai biến đổi khác: rụng yếu tố thứ nhất hay yếu tố thứ hai. Điều này được phản ánh qua một số trường hợp thuộc dạng (a) và (b) đã dẫn(15). Việc tìm kiếm sâu rộng hơn theo hướng giả định này chắc hẳn sẽ cung cấp nhiều cứ liệu chữ Nôm hơn nữa.
CHÚ THÍCH
(1) Trong tổng số 26 từ có tổ hợp ML, Từ Điển Việt-Bồ-La ghi nhận ba từ mlầm, mlặt, mlẽ còn có hình thức mnhầm, mnhặt, mnhẽ, chứng tỏ MNH chỉ là biến thể của ML.Michel Ferlus (“Vietnamien et proto-vietmuong”. ASEMI, VI, 4, 1975, tr.46) do đếm không kỹ, bảo chỉ có 23 từ có ML và chỉ có 2 từ (mlầm, mlẽ) xuất hiện thêm hình thức MNH.
(2) Jemery H.C.S. Davidson: A new Version of Chinese - Vietnamese Vocabulary of the Ming Dynasty, BSOAS, I, 1975, tr. 305
(3) Xem Martine Piat: Un vocabulaire “cochinchinois” du XVI siècle, BSEINS, tome XL IV, N.53 et 4, 1969. “Thứ tiếng Việt, do John Barrow thu thập có lẽ từ một người Hoa nói tiếng Bạch thoại hay phương ngữ Nam Xương, vì không phát âm được âm cuối –m” (ý kiến của Hoàng Thị Châu: Tiếng Việt trên các miền đất nước, Nxb. KHXH, H. 1989, tr.227-228).
(4) Xem Henri Maspéro: Etudes sur la phonétque historique de la langue annamite, lesinitiales. BEFEO, tome XII, 1912,tr.76
(5) Chẳng hạn ý kiến của Hoàng Thị Châu: Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Thông báo khoa học, Tập II, Nxb. Giáo dục, H. 1966, tr.100; Nguyễn Phú Phong: A propos du Nôm, écritute démotique vietnamienne, Cahiers de Linguistique Asie Orientale, Septembre, No4, 1987, tr.51-52; Lê Văn Quán: Nghiên cứu về chữ Nôm, Nxb. KHXH, H. 1981, tr.102.
(6) Các từ có tổ hợp phụ âm đầu dẫn ra ở bài này là lấy từ Từ điển Việt-Bồ-La.
(7) Những từ có phụ âm L dẫn ra trong mục này dưới đây là theo J.F.M. Génibrel (Dictionnaire annamite - francais, Sài Gòn, 1898), trừ khi có chú thích riêng.
(8) Dẫn theo Bửu Cầm: Dẫn nhập nghiên cứu chữ Nôm, Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, niên khóa 1964-1965 (ronéo).
(9) Philipphê Bỉnh: Sách sổ sang chép các việc, Viện Đại học Đà Lạt, 1968, tr.83.
(10) Xem thêm Hoàng Thị Châu: Vài nét về sự thay đổi ngữ âm của tiếng Việt trong nông thôn hiện nay (qua kết quả điều tra thổ ngữ ở Vĩnh Linh và Thái Bình), Ngôn ngữ số 4, 1972.
(11) Lê Văn Quán, sđd, tr.109.
(12) Điêu Chính Nhìm và Jean Donaldson, Ngữ vựng Thái-Việt-Anh, Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1970.
(13) Viện Sử học: Nguyễn Trãi toàn tập, in lần thứ hai, Nxb. KHXH, H. 1976, tr.704.
(14) Xem Hoàng Xuân Hãn: Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần - Lê, phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, Tập san Khoa học xã hội, số 3, Paris, tr.2.
(15) Xác định âm trị do chữ Nôm phản ánh không nhất thiết dẫn đến việc phiên âm Nôm phải thay đổi tương ứng. Xem Hoàng Dũng, Nguyễn Tiến Mâu, Đinh Văn Thiện: Một số ý kiến về vấn đề sắc thái ngôn ngữ địa phương và văn bản Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngôn ngữ số 4, 1992; Nguyễn Tài Cẩn: Một vài suy nghĩ xung quanh vấn đề đọc Nôm, phiên Nôm, Nghiên cứu Hán Nôm, số 2, 1985.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét