Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Vấn đề hình thành dân tộc và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam (Phan Huy Lê)



Báo cáo tóm tắt của GS. Phan Huy Lê tại toạ đàm “Vấn đề dân tộc và Chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20” (10/9/2008)

1. Vần đề hình thành dân tộc Việt Nam: một cuộc tranh luận kéo dài
Vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam là một trong những vấn đề được giới khoa học Việt Nam quan tâm và thảo luận khá sôi nổi. Vấn đề được nêu lên từ năm 1955, ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và kéo dài trong nhiều thập kỉ, cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. Cuộc tranh luận đã lôi cuốn sự tham gia của nhiều nhà sử học, dân tộc học, nghiên cứu văn hoá trong nước và một số học giả nước ngoài. Những người tham gia tranh luận đã đưa ra những mốc niên đại rất khác nhau về sự hình thành dân tộc Việt Nam, nhưng xét về mặt lí thuyết và phương pháp luận, có thể phân định làm hai giai đoạn như sau:

GS. Phan Huy LêGiai đoạn thứ nhất từ năm 1955 cho đến khoảng năm 1965. Những người khởi xướng và đi đầu cuộc tranh luận là Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh, Minh Tranh, Nguyễn Lương Bích(1). Một số nhà sử học nước ngoài cũng tham gia cuộc thảo luận này như J. Chesneaux, A.A. Gouber(2). Cơ sở lí thuyết chung của giai đoạn này là đều xuất phát từ định nghĩa dân tộc của J. V. Staline được coi như một tổng kết những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân tộc. Theo Staline, "dân tộc là một cộng đồng người ổn định, được hình thành trong lịch sử dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, về lãnh thổ, về sinh hoạt kinh tế và về tâm lí biểu hiện trong cộng đồng văn hoá"(3). Tuy nhiên khi vận dụng lí thuyết này, giới khoa học phân hoá làm hai khuynh hướng:
Một khuynh hướng trung thành với định nghĩa dân tộc của Staline, cho rằng dân tộc theo định nghĩa này là dân tộc tư sản và chỉ trên cơ sở phát triển của chủ nghĩa tư bản mới có thể ra đời. ở Việt Nam, trước thời thuộc địa chỉ mới có những mầm mống tư bản chủ nghĩa và trong thời thuộc địa, chủ nghĩa tư bản mới xuất hiện và phát triển rất yếu ớt nên cho đến Cách mạng tháng 8-1945, Việt Nam chưa phải là một dân tộc, nhiều lắm chỉ mới là "một dân tộc đang hình thành" (une nation en formation) chứ chưa phải là "một dân tộc đã thành hình" (une nation formée) (J. Chesneaux, A. A. Gouber).
Khuynh hướng thứ hai cho rằng tuy trong thời tiền thực dân, mầm mống tư bản chủ nghĩa còn bị hạn chế nhưng kết hợp với những điều kiện đặc thù của Việt Nam, thường nhấn mạnh yêu cầu thuỷ lợi và yêu cầu chống ngoại xâm, dân tộc Việt Nam vẫn có thể hình thành sớm trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời (Trần Huy Liệu, Minh Tranh...). Có người mạnh dạn hơn cố chứng minh rằng trong lúc khẳng định dân tộc tư sản là sản phẩm của thời kì phát triển của chủ nghĩa tư bản, J. V. Staline vẫn cho rằng "trên thế giới có đủ loại dân tộc" nghĩa là không phủ nhận khả năng tồn tại của một loại hình dân tộc trước chủ nghĩa tư bản và dân tộc Việt Nam thuộc loại này, nhưng vẫn không dám thoát khỏi định nghĩa dân tộc của J.V. Staline (Đào Duy Anh). Nói chung, khuynh hướng thứ hai tuy muốn xuất phát từ thực tế lịch sử Việt Nam nhưng lại vận dụng lí thuyết về dân tộc tư sản để chứng minh sự hình thành sớm của dân tộc Việt Nam như một dân tộc trước chủ nghĩa tư bản. Ngay trong bản thân khuynh hướng này, đã bộc lộ mâu thuẫn không thể khắc phục được giữa quan điểm lí thuyết và kết quả vận dụng.
Giai đoạn thứ hai từ những sau năm 1965 cho đến nay. Vào những năm 60 thế kỉ XX, ở Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa tổ chức nghiên cứu và thảo luận vấn đề dân tộc về mặt lí thuyết và thực tiễn(4). Định nghĩa dân tộc của J. V. Staline bị phê phán nhiều điểm và nhiều nhà khoa học cho rằng quá trình dân tộc ở các nước phương Đông hầu như chưa được nghiên cứu đầy đủ và chưa được khái quát đưa vào định nghĩa "dân tộc". Khuynh hướng chung của giai đoạn này là cho rằng dân tộc Việt Nam hình thành sớm, thuộc loại hình dân tộc trước dân tộc tư sản(5). Tuy nhiên, trong thảo luận vẫn còn những quan điểm và kiến giải khác nhau về mặt lí thuyết cũng như quá trình hình thành cụ thể của dân tộc Việt Nam. Một số nhà nghiên cứu nước ngoài cũng nhấn mạnh sự hình thành sớm của dân tộc Việt Nam và cho rằng từ thời Lí, Trần đã biểu thị rõ nét xét về phương diện "Dân tộc-Nhà nước" (Nation-Etat) cũng như "Dân tộc-Nhân dân" (Nation-Peuple)(6). Cũng trong quan niệm, nhưng có người so với "nation" phương Tây lại thấy có những nét của "một dân tộc chưa hoàn thành" (une nation inachevée)(7).
Từ những năm 90 trở lại đây, vấn đề hình dân tộc không được tiếp tục thảo luận trên diễn đàn khoa học nhưng giới khoa học gần như thống nhất cần nghiên cứu quá trình hình thành dân tộc Việt Nam trên một cơ sở lí thuyết mới thoát ra khỏi những công thức và cách vận dụng mang tính giáo điều của định nghĩa "Dân tộc = Nation" theo loại hình dân tộc tư sản phương Tây(8). Về phương diện này, từ năm 1924, Nguyễn ái Quốc từ những hiểu biết về thực tế lịch sử Việt Nam và phương Đông, đã đưa một nhận xét mang tính sáng tạo về lí luận rất sắc sảo: "Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên cơ sở một triết lí nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại"(9). Công việc nghiên cứu và thảo luận về sự hình thành dân tộc Việt Nam gần như lâm vào tình trạng bế tắc trong một thời gian kéo dài chính là hệ quả của sự vận dụng thiếu sáng tạo lí thuyết về dân tộc theo mô hình phương Tây.
Trong nhận thức về quá trình dân tộc ở Việt Nam, giới khoa học lưu tâm đến mấy đặc điểm quan trọng về mặt lịch sử sau đây:
1. Việt Nam là một nước đa tộc người, gồm 54 tộc người, trong đó người Việt chiếm đa số tuyệt đối với tỉ lệ khoảng 87% dân số và các tộc người sống đan xen, không hình thành không gian lãnh thổ riêng của từng tộc người. Tộc người Việt giữ vai trò trung tâm tập hợp và cố kết các tộc người trong một quốc gia thống nhất và tiếng Việt dần dần trở thành tiếng nói chung của quốc gia, tuy trong từng vùng địa-văn hoá tộc người, tiếng nói của từng tộc người vẫn bảo tồn và tiếng nói của tộc người chiếm ứu thế trong vùng được sự dụng như tiếng nói trong giao tiếp vùng cùng với tiếng Việt.
2. Do điều kiện khách quan của sự phát triển nông nghiệp lúa nước gắn liền với nhu cầu thuỷ lợi và nhu cầu tự vệ chống ngoại xâm(10), sự liên kết cộng đồng giữ vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của quốc gia dân tộc. Thể liên kết cộng đồng Việt Nam chủ yếu theo ba cấp cộng đồng theo trục dọc: Nhà - Làng - Nước. Nhà = Gia đình là tế bào của xã hội. Làng là cộng đồng kết hợp quan hệ láng giềng (xóm làng) với quan hệ huyết thống (họ), mang tính tự quản cao. Nước là quốc gia dân tộc. Năm 1804 vua Gia Long cũng nhận thức sâu sắc sự liên kết cộng đồng làng và nước khi nói: "Nước là họp các làng mà thành. Từ làng mà đến nước, dạy dân nên tục, vương chính lấy làng làm trước"(11).
3. Sau khi hình thành, Nhà nước phát triển theo xu hướng chủ yếu là quốc gia quân chủ tập quyền, thống nhất (hiểu theo nghĩa tương đối của từng thời kì lịch sử).
4. Sản phẩm tinh thần được người Việt Nam coi trọng nhất của quá trình lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, quá trình hình thành, phát triển của quốc gia dân tộc là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc. Từ thế kỉ XV, Nho giáo được nâng lên địa vị chính thống và có ảnh hưởng sâu sắc về nhiều mặt, nhưng vẫn được vận dụng trên tinh thần dân tộc. "Trung quân" gắn liền với "ái quốc" và khi xẩy ra mâu thuẫn, đối lập giữa hai giá trị đó thì "ái quốc" giữ vai trò chi phối, quyết định thái độ chính trị của đại đa số các tầng lớp nhân dân. Chế độ quân chủ thời thịnh trị mang tính "thân dân", lấy "nước" và "dân" làm gốc (như thời Lí, Trần). Việt Nam coi trọng "trung", "hiếu" nhưng gắn với với "nước", "dân", đồng thời nêu cao "nhân", "nghĩa", có thời lấy "nhân nghĩa" làm ngọn cờ cứu dân, cứu nước (Nguyễn Trãi thế kỉ XV).
2. Khái niệm "Nhà nước", "Quốc gia", "Dân tộc" và Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam thời cận đại

Trước hết, tôi xin lưu ý, khái niệm "cận đại" thường dùng trong phân kì lịch sử Việt Nam chỉ mang tính quy ước để chỉ thời kì lịch sử chống chủ nghĩa thực dân, bắt đầu từ cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1858 cho đến hết thời thống trị của chủ nghĩa thực dân, kết thúc với thắng lợi của Cách mạng tháng 8-1945. So với lịch sử phương Tây và cả nhiều nước châu Á thì thời kì cận đại hiểu như thế có phần không phù hợp.
Các khái niệm "Nhà nước", "quốc gia", "dân tộc" đều là các từ Hán-Việt mới được sử dụng phổ biến từ đầu thế kỉ XX và đều có nguồn gốc từ Nhật Bản rồi hoặc trực tiếp du nhập vào Việt Nam hoặc thông qua các Tân thư của Trung Quốc.
Từ "quốc" và "gia" vốn có trong tiếng Hán từ lâu nhưng ghép thành từ "Quốc gia" để chỉ Nhà nước (State/Etat) hay cộng đồng quốc gia là từ mới. Trong tiếng Việt, từ State/Etat thường dịch là Nhà nước, nhưng từ "quốc gia" thường có hai nghĩa: Nhà nước hay cộng đồng quốc gia. Từ thời Trần, trong di chúc của Trần Quốc Tuấn đã dùng từ "quốc gia" theo nghĩa là "nước-nhà" trong câu "quốc gia tính lực" nghĩa là nước và nhà chung sức.
Riêng từ "dân tộc" theo hiểu biết của tôi cho đến nay thì người Việt Nam đầu tiên sử dụng là nhà yêu nước Phan Bội Châu trong bài "Lưu Cầu huyết lệ tân thư" khoảng trước năm 1905(12). Từ "dân tộc" do các trí thức cấp tiến Nhật Bản sáng tạo trên cơ sở chữ Hán để dịch từ "Nation" trong tiếng Anh. Nhưng ở Việt Nam, trong quá trình sử dụng, từ "dân tộc" mang nhiều nghĩa khác nhau:
- Là một đơn vị tộc người nói chung, không phân biệt cấp độ loại hình cộng đồng như trường hợp nói: dân tộc Việt, dân tộc Tày, dân tộc Thái, Việt Nam có 54 dân tộc...
- Là cộng đồng quốc gia bao gồm nhiều cộng đồng cư dân, tộc người sống trên một lãnh thổ do một nhà nước quản lí, như trường hợp nói dân tộc Việt Nam, dân tộc Lào, dân tộc Cămpuchia...
- Là một cộng đồng mang tiêu chí của "Nation" như phương Tây.
Cùng với từ "Dân tộc" (Nation) là từ "Chủ nghĩa dân tộc" (Nationalism/Nationalisme). Ở phương Tây, chủ nghĩa dân tộc là sản phẩm tinh thần của quá trình hình thành và phát triển của dân tộc tư sản. Chủ nghĩa dân tộc đã từng giữ vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến, thống nhất quốc gia, dân tộc, giải phóng con người khỏi những quan hệ lệ thuộc phong kiến, xây dựng xã hội dân sự và phát triển văn hoá dân tộc. Tại các nước thuộc địa và lệ thuộc ở châu Á, châu Phi, châu Mĩ La tinh, trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc, chủ nghĩa dân tộc cũng nẩy sinh và phát triển, giữ vai trò động lực trong phong trào giải phóng dân tộc.
Tại Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc cũng từng phát triển mạnh mẽ trong thời kì đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Nội dung cơ bản của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước truyền thống được nâng cao trên cơ sở kết hợp với những nhân tố mới của thời đại, trong bối cảnh và yêu cầu chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc. Vì vậy năm 1924 Nguyễn ái Quốc đã từng nêu cao chủ nghĩa dân tộc như "động lực lớn của đất nước"(13), đã khơi dậy và thúc đẩy các tầng lớp nhân dân sôi nổi tham gia các phong trào yêu nước.
Tuy nhiên, trên bình diện lịch sử thế giới, chủ nghĩa dân tộc bên cạnh nội dung chân chính và tích cực của nó, cũng chứa đựng những khuynh hướng phát triển tiêu cực theo chủ nghĩa sô vanh (chauvinisme), chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc...Trong nhiều vụ xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo trên nthế giới hiện nay, chủ nghĩa dân tộc theo các xu hướng tiêu cực trên đang bị khai thác và kích động. Vì vậy trong cách hiểu thông thường và phổ biến hiện nay, chủ nghĩa dân tộc (nationalism/ntionalisme) hay "phần tử dân tộc chủ nghĩa" (nationalist) được hiểu theo nghĩa tiêu cực.
Việt Nam trước đây đã từng nêu cao chủ nghĩa dân tộc trong thời kì đấu tranh giải phóng dân tộc mà nội dung cơ bản là chủ nghĩa yêu nước, nhưng trong bối cạnh thế giới hiện nay, lại nêu cao chủ nghĩa yêu nước như một động lực tinh thần để đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước, chấn hưng dân tộc. Trong nội dung của khái niệm "chủ nghĩa yêu nước" hiện đại bao gồm cả chủ nghĩa dân tộc truyền thống và những nội dung tích cực của chủ nghĩa dân tộc thời kì chống chủ nghĩa thực dân.
_____________________________
(1) Trần Huy Liệu: Dân tộc Việt Nam hình thành từ bao giờ? Tạp chí Văn sử địa số 5, 1-1955; Bàn thêm về vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam, tạp chí Văn sử địa số 18, 6-1956.
Đào Duy Anh: Vấn đề dân tộc trong lịch sử Việt Nam, tập san Đại học sư phạm số 4, 11-12/1955; Những bước lớn trong quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam, tập san Đại học sư phạm số 5, 1-3/1955; Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam, Nxb Xây dựng, Hà Nội 1956.
Minh Tranh: Khởi nghĩa Tây Sơn và sự hình thành dân tộc Việt Nam, tạp chí Văn sử địa số 24, 1-1957.
Nguyễn Lương Bích: Những tiêu chuẩn để nhận định sự hình thành dân tộc, tạp chí Văn sử địa số 12, 12-1955; Quá trình phát triển của các cộng đồng người là tiến từ bộ lạc lên bộ tộc, từ bộ tộc lên dân tộc hay tiến thẳng từ bộ lạc lên dân tộc, tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 49, 4-1963.

(2) J. Chesneaux: Contribution à l' histoire de la nation vietnamienne, Paris 1955
A.A. Gouber: Vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam, phát biểu trong tọa đàm tại Viện sử học Việt Nam ngày 19-10-1962 (tư liệu Viện sử học Việt Nam)

(3) J. V. Xtalin: Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc, trong J.V. Xtalin toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội 1976, tr. 357.

(4) Tổng kết cuộc tranh luận về một số vấn đề dân tộc, tạp chí Những vấn đề lịch sử (tiếng Nga), Moskva 1970.

(5) Văn Tân: Quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam, tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 3, 6-1968.
Đặng Nghiêm Vạn: Những chặng đường hình thành dân tộc Việt Nam thống nhất, tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2-1978.
Phan Huy Lê: Hình thành dân tộc, một phạm trù lịch sử trong không gian và thời gian, tạp chí Thông tin khoa học xã hội số 8-1980
Hà Văn Tấn: Về khái niệm"dân tộc" (nation) của Mác, Enghen và sự hình thành dân tộc Việt Nam, tạp chí Dân tộc học số 2-1980; Dân tộc ta hình thành từ bao giờ, tạp chí Tổ quốc số 403, 4-1980.

(6) Pierre-Richard Feray: Le Vietnam au XXè siècle, Paris 1979, p.22

(7) Thomas Hogkin: Vietnam, the revolutionary path, London 1987, p. 6

(8) Phan Huy Lê: Cuộc hội thảo về vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam, tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 5, 9-10-1981; Nhìn lại cuộc thảo luận vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam, tạp chí Dân tộc học số 1, 1981

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, T. 1, tr. 465.

(10) Về chống ngoại xâm, chỉ tính từ kháng chiến chống Tần thế kỷ III Tcn đến nay, Việt Nam đã phải tiến hành 17 cuộc kháng chiến giữ nước, trong đó có 3 lần thất bại dẫn đến thời Bắc thuộc kéo dài hơn nghìn năm, thời Minh thuộc 20 năm và thời Pháp thuộc hơn 60 năm. Thời gian kháng chiến giữ nước và chống đô hộ nước ngoài chiếm khoảng 12 thê kỷ.

(11) Đại Nam thực lục, Nxb Sử học, Hà Nội 1963, T. III, tr. 162

(12) Phan Bội Châu: Toàn tập, Nxb Thuận Hóa, 1990, T. 2, tr. 161

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T. 1, tr. 466.
 GS. Phan Huy Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét