|
NGUYỄN TRÃI VỚI CHU DỊCH Nguyễn Trãi là nhà Nho, được đào tạo trong nhà trường Nho học đời Trần. Nhưng ông không chỉ thuộc lòng ở chữ nghĩa: “Thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn, tử con, tôn cháu..” hay là thấm nhuần đạo đức trong khuôn phép sách vở của thánh hiền: “Nhân chi sơ, tính bản thiện...” - (Người ta mới sinh ra, tính vốn lành), mà chủ yếu là tính tích cực của đạo Nho đã hóa thân trong tư tưởng của ông:
“Lấy đại nghĩa thắng hung tàn Lấy chí nhân thay cường bạo”. Chính vì thế, khi quân Minh xâm chiếm nước ta, ông càng nhận rõ, bọn phong kiến Trung Hoa đã gây bao tội ác chồng chất lên đầu dân Việt Nam: cưỡng đoạt, cướp bóc, bòn mót, đầy đọa nhân dân vào cảnh bần cùng, đói rách, thân thể xác xơ tiều tụy. Khi bị giam lỏng ở thành Đông Quan, ông không thể chịu sống trong cảnh cá chậu, chim lồng, ông vẫn nung nấu ý chí tìm cách trốn thoát khỏi bàn tay của giặc Năm Canh Tý (1420), Nguyễn Trãi đến Lỗi Giang (địa điểm nằm giữa Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa, Thanh Hóa) trao cho Lê Lợi, thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn, bản Bình Ngô sách, trong đó ông vạch chiến lược, chiến thuật đánh giặc Minh. Sau khi xem Bình Ngô sách, Bình định vương Lê Lợi đã trao cho Nguyễn Trãi chức Tuyên phụng đại phu, Hàn lâm thừa chỉ và luôn luôn giữ ông ở bên cạnh để bàn mưu tính kế đánh giặc Minh. Ngoài việc cùng Lê Lợi vạch chiến lược, chiến thuật, Nguyễn Trãi còn làm tất cả các công việc giao thiệp với quân Minh. Nguyễn Trãi đã viết thư cho bọn chỉ huy giặc Minh, như Sơn Thọ, Phương Chính, Thái Phúc, Vương Thông v.v. để mắng nhiếc chúng, khiêu khích chúng, hoặc dụ hàng chúng. Trong các bức thư gửi cho bọn chỉ huy giặc Minh, Nguyễn Trãi đã nhiều lần vận dụng học thuyết âm dương biến dịch. Nói đến Kinh Dịch, ở Hệ từ hạ, chương thứ XI có câu: “Dịch chi vi thư dã, quảng đại tất bị, hữu thiên đạo yên, hữu nhân đạo yên, hữu địa đạo yên, kiêm tam tài nhi lưỡng chi, cố lục; lục giả phi tha dã, tam tài chi đạo dã.” (Dịch là, sách rộng lớn đầy đủ, có đạo trời, đạo người, đạo đất, gồm ba tài và gấp đôi lên, cho nên thành sáu, số sáu chẳng có gì khác, chỉ là đạo tam tài [trời, đất, người]). Thuyết quái truyện lại nói: “Tích giả thánh nhân chi tác Dịch dã, tương dĩ thuận tính mệnh chi lý. Thị dĩ lập thiên chi đạo, viết âm dữ dương, lập địa chi đạo viết nhu dữ cương, lập nhân chi đạo viết nhân dữ nghĩa, kiêm tam tài nhi lưỡng chi, cố Dịch lục hoạch nhi thành quái, phân âm phân dương, điệt dụng nhu cương, cố dịch lục vị nhi thành chương”. (Ngày xưa thánh nhân làm ra Kinh Dịch là để thuận cái lẽ về tính mệnh, cho nên lập đạo trời là âm và dương; dựng đạo đất là cứng và mềm; lập đạo người là nhân và nghĩa, gồm ba tài và gấp đôi lên, cho nên ở Kinh Dịch (có chỗ chúng tôi còn gọi là Chu Dịch) sáu nét vạch mà thành ra quẻ, chia ra âm và dương, đắp đổi dùng mềm và cứng, cho nên ở Kinh Dịch sáu ngôi mà thành chương). Qua những điều đã trình bày trên, ta thấy Chu Dịch luôn nhắc đến đạo tam tài: trời, đất, người. Người xưa đều tôn trọng cả ba: đạo trời, đạo đất, đạo người, những lấy đạo người làm trung tâm. Thấu hiểu sâu sắc Dịch lý ấy, cho nên gửi thư cho Sơn Thọ, Nguyễn Trãi viết: “Tôi nghe trời có bốn mùa, phải nhờ hành thổ mới vượng, người có bốn đức, phải nhờ điều tin để thi hành. Nếu hành thổ không thịnh, điều tin không có, thì đạo trời tất hỏng, việc người tất hư. Cho nên hoàng cực lấy thổ ở giữa, dân linh lấy tin làm thực, mà sau công việc của trời của người mới được thỏa đáng” (Quân trung từ mệnh tập, “Lại thư cho Sơn Thọ”)(1). Nguyễn Trãi nói, trời có bốn mùa, tức là xuân, hạ, thu, đông. Người có bốn đức: hiếu, lễ, trung, tín. Còn về hành thổ, không chỉ là một trong ngũ hành: mộc, hỏa, thổ, kim, thủy, mà còn chứa đựng ý nghĩa của mối quan hệ tam tài: trời, đất, người. Đất là chỉ bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Nguyễn Trãi vận dụng đạo tam tài của Chu Dịch, là đề xuất đến phép tắc vĩnh hằng, phổ biến, khách quan, là bao quát đạo trời, đất, người, vũ trụ muôn vật biến hóa và đạo người sinh tồn, phát triển. Đó là phương thức tư duy chỉnh thể của Chu Dịch hòa đồng trời đất, người thành một khối. Nó cũng là một đặc trưng chủ yếu của tư duy truyền thống Trung Quốc. Nó có ưu điểm và đặc điểm của tính chỉnh thể, tính hoàn bị, tính khách quan, tính hợp lý đã sản sinh ảnh hưởng rất lớn đối với văn hóa tư tưởng truyền thống Trung Quốc. Chắc hẳn bọn chỉ huy giặc Minh biết rõ điều đó. Cái điều mà trong sách kinh điển Trung Hoa có ghi: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa” cho nên Nguyễn Trãi nói: “Nếu hành thổ không thịnh thì điều tin không có, thì đạo trời tất hỏng, việc người tất hư.” Nguyễn Trãi viết cho Sơn Thọ như vậy, chỉ là vì Sơn Thọ không thủy chung, không tín thực. Sơn Thọ trước đã nói rõ hẹn ước hòa giải: “Sau khi dâng biểu thì rút quân về ngay”, nhưng Sơn Thọ không thực hiện hẹn ước. Cho nên Nguyễn Trãi dùng văn hóa truyền thống Trung Hoa, đạo tam tài ở Chu Dịch để khuyến cáo chúng. Ở bài Đầu mục nước An Nam kính gửi các tỳ tướng của thiên triều (triều Minh), Nguyễn Trãi viết: “ Kinh Dịch có câu nói rằng: quân đi phải có kỷ luật, nếu không có kỷ luật thì dầu phải cũng gặp sự không hay”. Nguyễn Trãi nhắc đến câu nói ở Kinh Dịch là ông đề cập đến lời hào sơ lục của quẻ SƯ: “Sư xuất dĩ luật, phủ tang hung” (Ra quân phải có kỷ luật, nếu không thì sẽ xấu). Quẻ SƯ là quẻ bàn về cách dùng binh. Đánh trận không phải là trò đùa vui, mạnh ai nấy làm, mà phải có kỷ luật. Thiên mở đầu trong Tôn Tử binh pháp đã nói “Binh giả, quốc chi đại sự, tử sinh chi địa, tồn vong chi đạo, bất khả bất sát dã”- (Việc quân là việc lớn (trọng đại) của đất nước, là nơi sống chết, là đạo còn mất, không thể không xem xét). Cho nên lời quẻ trước tiên nhấn mạnh hai nguyên tắc lớn của chiến tranh: “trịnh, trượng nhân cát, vô cữu” - (giữ vững đạo chính, có bậc chỉ huy lão thành tài giỏi thì tốt, không có lỗi). Qua quái từ (lời quẻ), ta thấy rõ hai nguyên tắc: Một là, nắm vững tính chất của chiến tranh, dùng binh cần phải kiên trì đạo chính, là phải có chính nghĩa, ra quân phải giữ đạo chính nghĩa, đó là tiền đề lớn của chiến tranh. Hai là, phải giỏi lựa chọn người chỉ huy, tướng cầm quân hiền tài và giàu kinh nghiệm chiến đấu, đó là vấn đề then chốt của việc xuất quân thắng hay bại. Nếu như trong chiến tranh quân đông ngựa nhiều trở thành quân nhân nghĩa, thì có thể đánh thắng cuộc chiến tranh. Quân lính chẳng những phải giữ kỷ luật nghiêm minh, mà còn phải buộc quân lính tôn trọng kỷ luật, như hào Sơ lục nói: “Sư xuất dĩ luật” (ra quân phải có kỷ luật); cần phải thưởng phạt công bằng, khiến quân lính vui vẻ nghe hiệu lệnh như lời hào Cửu nhị nói: “Tại sư trung cát” (chỉ huy quân đội có đức trung, tốt). Như vậy mới có thể hướng dẫn quân lính đi vào quĩ đạo quân chính nghĩa. Tượng quẻ SƯ : dưới quẻ KHẢM là hiểm, trên quẻ KHÔN là thuận. KHẢM hiểm tượng trưng chiến tranh, xấu, nguy hiểm. KHÔN thuận tượng trưng lòng quân quy thuận. Tiến hành chiến tranh sống chết, còn mất, mà có được quân đông quy thuận, muôn người một lòng, hy sinh đến cùng, đó cũng là bản lĩnh đặc biệt của người chỉ huy chiến tranh. Cho nên đoạn mở đầu lá thư, Nguyễn Trãi viết: “Tôi nghe quân của vương giả, cốt trên thuận lòng trời, dưới hợp lòng người. Nay các ông vâng mệnh đi đánh dẹp, chỉ nên trên xét lòng trời, dưới thuận việc người. Trước đây cái tai họa đắm thuyền, thì trời đã răn bảo rõ lắm. Phàm quân đi qua một đường nào, việc chạy trốn chết hại thường có đến bao nhiêu người, nhân dân chứa oán lại quá lắm. Các ông bỏ việc ấy không xét đến mà xông pha nguy hiểm, khinh suất tiến quân... Huống chi lòng trời, lòng người đã như thế mà các ông còn cố gượng cứ làm, thì tự mua lấy thất bại, há chẳng đáng ư ? Vả lại, bọn An Viễn hầu (Liễu Thăng), Bảo Định bá (Lương Minh), Lý Thượng thư (Lý Khánh) lại nối nhau bị chết, quân không người thống lĩnh, và không theo kỷ luật, chẳng bại vong sao được”... Nguyễn Trãi chẳng những dùng lời lẽ ở Kinh Dịch để khuyên bảo giặc Minh, mà còn cảnh báo bọn chỉ huy giặc Minh, đem quân đi xâm lược là làm việc không chính nghĩa, không hợp lẽ trời, không hợp lòng người, nhân dân oán than, trời không dung đất không tha, cuối cùng thất bại, và sẽ chuốc lấy cái chết như Liễu Thăng, Lương Minh, Lý Khánh. v.v... Đặc biệt Nguyễn Trãi hay nói đến “thời” Quân trung từ mệnh tập có tất cả 77 bài thì đã có 24 trường hợp đề cập đến chữ “thời”. Ví dụ ở bài 32 Thư dụ thành Tam Giang, ông viết: “Cái điều đáng quí của người quân tử là biết thời thông biến, lượng sức xử mình”. Hay là ở bài 34 Lại thư dụ Vương Thông, Nguyễn Trãi nhắc đi nhắc lại 13 lần chữ “thời”: “Tôi thường xem Kinh Dịch 384 hào mà cốt yếu là ở chữ thời, cho nên người quân tử theo thời thông biến, nghĩa chữ thời to tát sao ? Ngày trước, khi mới sang đánh Giao Chỉ, tướng thần vâng mệnh đi đánh kẻ có tội, bấy giờ là một thời vậy. Ngày nay vận trời tuần hoàn, đi đi lại lại, khi ngài phụng mệnh sang đây được tiện nghi làm việc, nếu ngài quả biết theo chiếu thư của Thái Tôn mà cho lập con cháu họ Trần để khôi phục nước tôi, thì bây giờ lại là một thời vậy. Thời sao ! Thời sao ! thời không nên lỡ. Kinh Thư - Hạ thư - Dận chinh có câu: “Ai trước thời, giết không tha, ai sau thời cũng giết không tha” (Tiên thời giả sát vô xá, bất cấp (hậu) thời sát vô xá). Vì thế mà người lấy tùy thời xử trung làm quí. Song từ xưa đến nay, kẻ vu nho tục sĩ không hiểu thời, hiểu thời họa chăng chỉ có bực tuấn kiệt thôi. Như ngài chỉ có thể bảo là bực tuấn kiệt hiểu thời đấy...” Nguyễn Trãi thông qua kinh sách của Trung Quốc mà các nhà Nho xưa thường gọi là “đạo thánh hiền” để khuyên bảo Vương Thông: “Người làm tướng phải hiểu thời thông biến. Thời có thịnh suy, quan hệ ở vận trời, việc có thành bại, thực ra là bởi tại người làm”. Chính vì thế, cho nên Nguyễn Trãi nói tiếp: “Kể ra người dùng binh giỏi là chỗ biết rõ thời thế mà thôi. Được thời có thế, thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn, mất thời không thế, thì mạnh hóa ra yếu, yếu lại thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay”. (Bài 35, Lại dụ Vương Thông). Nguyễn Trãi dùng lời lẽ của Chu Dịch để đánh vào lòng quân thù có một ý nghĩa to lớn. Không những nó giác ngộ bọn tướng giặc thấy rõ hậu quả bi thảm của chiến tranh tội ác do chúng gây ra, mà còn thuyết phục đám quân lính sớm tỉnh ngộ thấy rõ chiến tranh xâm lược là phi nghĩa. Sức mạnh của Chu Dịch còn ở chỗ, những khái niệm, những nguyên lý, chủ trương và biện pháp đề ra không phải tự Nguyễn Trãi đặt ra, cho nên những lời lẽ ấy rất có sức thuyết phục tướng lĩnh và quân lính. Lúc này, Nguyễn Trãi tin nhân dân Việt Nam dũng cảm, không hoang mang, không dao động trước những thử thách ghê gớm, không sợ những kẻ thù tàn bạo nhất. Chính lòng tự tin ấy khiến cho ông càng cương quyết, không khoan nhượng, có một sách lược mềm dẻo, giữ hòa khí và tôn trọng lợi ích của hai dân tộc trong quan hệ bang giao. Đó là thể hiện thế hơn hẳn của sức mạnh sáng suốt và độ lượng của chính nghĩa trước sức mạnh mù quáng và tàn bạo của phi nghĩa. Cái thời đế chế quân chủ Trung Hoa đến từ phương Bắc để chinh phục và mưu toan thôn tính, đồng hóa dân tộc Việt Nam không còn nữa. Cái mộng chính trị: Vua Hán là thiên tử và các nước Nam man phải về chầu và cống nạp đã lỗi thời rồi. Dân tộc Việt Nam nhất định chiến thắng. Nguyễn Trãi tin tưởng nói tiếp: Kinh Dịch có câu: “Cùng tắc biến, biến tắc thông” (Cùng thì biến, biến thì thông) (Bài 37, Lại thư Vương Thông). Quy luật “Cùng tắc biến, biến tắc thông”, ở Chu Dịch cho rằng, thế giới muôn vật đều không ngừng biến đổi, cho nên Dịch truyện nói: “... Nhật trung tắc trắc, nguyệt doanh tắc thực, thiên địa doanh hư, dữ thời tiêu tức, nhi huống ư nhân hồ ? huống ư quỉ thần hồ ? (Mặt trời ở giữa trời rồi sẽ xế, mặt trăng tròn rồi sẽ khuyết, trời đất đầy vơi cùng với thời gian sẽ lần lượt tiêu vong và sinh trưởng, huống chi là người ? huống chi là quỉ thần ? (Quẻ Phong, lời Thoán). Từ tự nhiên đến nhân sự, tất cả đều đang biến đổi. Sự vật biến đổi, phát triển, Dịch truyện nói: “Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cữu” (Đạo dịch đến cùng ắt sẽ biến hóa, đã biến hóa thì khai thông, nhờ khai thông mà được lâu dài.), (Hệ từ hạ, chương thứ II). Cùng là tận cùng, cực điểm, phát triển đến cực điểm thì sẽ thay đổi, thay đổi mới có thể khai thông, khai thông mới có thể lâu dài. Đó tức là tư tưởng “Vật cực tất phản” (Sự vật đến cùng cực sẽ chuyển hóa ngược lại). Ở Chu Dịch có 64 quẻ, lấy quẻ Vị Tế làm quẻ cuối cùng, nói rõ 64 quẻ tuy đã hết, nhưng trời đất muôn vật biến đổi vẫn chưa hết. Sự vật biến đổi không phải một sớm một chiều phát sinh, mà là lâu dài tích lũy dần dần rồi mới nảy sinh. Người làm tướng phải biết những dấu hiệu rất nhỏ của sự biến động. Thấy được những triệu chứng, những dấu hiệu mà ứng phó ngay, tức là đề phòng sự việc nhỏ, ngăn chặn sự việc xấu nảy sinh. Tư tưởng biện chứng của Chu Dịch rất rõ ràng, “Các ông sao không nghĩ thế, cứ khư khư cái tiểu tiết của Trương Tuấn, Hứa Viễn(2) ta e sĩ tốt của ngươi, ngày đêm thiết tha mong về, lại thêm cơm cháo chẳng no, tạp dịch liên miên, dẫu muốn đánh và giữ đã dễ ai theo” - (Nguyễn Trãi - bài đã dẫn). Nguyễn Trãi lại nhấn mạnh đến qui luật đối lập của âm dương. Ông nói: “Vì người cầm quân ấy giữ việc đánh giết, nắm quyền sống chết: khi thì khoan hồng như khí dương, khi thì thảm khắc như khí âm, đều tuân theo lẽ phải của trời, không thể theo ý riêng mình được. (Bài 20, Thư dụ [tướng sĩ trong] thành Xương Giang). Đúng thế ! Điều mà ở Chu Dịch, Dịch truyện nói đến “Nhất âm nhất dương chi vị đạo” (Một âm một dương gọi là đạo)(Hệ từ thượng, chương XI), chính là quy luật biến đổi của vũ trụ, muôn vật. Nó khái quát hết thảy sự vật thành hai phạm trù âm dương, chính hai nhân tố âm và dương đối lập và tác dụng lẫn nhau đã sinh ra muôn vật, thúc đẩy thế giới biến đổi. Cho nên tác dụng lẫn nhau giữa một âm một dương là điều căn bản của hết thảy sự vật và biến đổi, điều đó gọi là đạo. Đạo là qui luật, mà Nguyễn Trãi muốn đề cập đến “là tuân theo lẽ phải của trời, không thể theo ý riêng mình được”. Vì thế, Nguyễn Trãi mới nói tiếp: “Kể ra, thời có khi thịnh khi suy, thế có kẻ mạnh, kẻ yếu, cũng là lẽ trời, lòng người, thuận hay nghịch, hướng theo hay trái ngược. Nếu chỉ khăng khăng câu nệ và kiến thức hẹp hòi, cam lòng chịu lấy tai vạ, thì cũng đáng thương lắm”. (Bài đã dẫn trên). Càng đi sâu nghiên cứu, chúng ta càng thấy Nguyễn Trãi am hiểu Chu Dịch rất sâu sắc, với những câu nói vô cùng tinh tế. Chẳng hạn, ở Ức Trai thi tập, mở đầu bài Đề kiếm Nguyễn Trãi viết:
“Lam Sơn tự tích ngọa thần long” (Lam Sơn tự thuở rồng chưa bay). “Rồng chưa bay” tức là rồng còn đang ở ẩn. Người nào đã đọc Chu Dịch, không thể không liên hệ đến quẻ Kiền, lời hào Sơ cửu: “Tiềm long vật dụng” – (Rồng còn ẩn náu, chưa (đem tài ra) dùng được). ở đây, Nguyễn Trãi đề cập đến Lam Sơn là nơi ban đầu xây dựng cơ nghiệp nhà Lê. Ở giai đoạn rồng mới bắt đầu nảy sinh, sức mỏng cần phải nuôi dưỡng tôi luyện đội ngũ tinh nhuệ và dần dần phát triển. Lúc này chỉ có thể tích lũy lực lượng, tụ tập nhân tài, rèn luyện đội ngũ, đợi thời cơ, đánh thắng giặc. Hơn nữa, Nguyễn Trãi đã nhìn thấy quá trình vận động không ngừng của sự vật, của giới tự nhiên và xã hội loài người. Như trong bài thơ Bảo kính cảnh giới (Bài số 6), Nguyễn Trãi viết: “Vận chuyển chẳng dừng, sự thế gian”. ở đây, “sự thế gian” là Nguyễn Trãi muốn nói đến xã hội loài người luôn ở trong trạng thái vận động biến đổi. Nguyễn Trãi phản ánh trong thơ văn những sự vật phát triển biến đổi, vẫn là có qui luật. Qui luật này có thể qui vào hai điểm: Một là, cực thịnh sẽ suy; hai là, tuần hoàn. Ví dụ, ở Quốc âm thi tập, Bài 85, Nguyễn Trãi viết:
“Hoa càng khoe tốt, tốt thời rữa, Nước chớ cho đầy, đầy ắt vơi.” Hay là ở Quân trung từ mệnh tập, Bài 7, “Đầu mục nước An nam là Lê Lợi thư gửi quan Tổng binh vương đại nhân Thái Giám Sơn đại nhân xét”, ông viết: “Thời có thịnh suy, quan hệ vận trời,...” Ông nhìn nhận sự vật thịnh rồi có lúc suy, đời người có lúc bĩ, có lúc thái, những không thể cứ thái mãi, mà cũng có lúc chuyển hóa ra bĩ. Quan niệm này, ngay ở Chu Dịch, quẻ Thái, hào Cửu tam cũng đã nói: “Vô bình bất bí, vô vãng bất phục” (Không có cái gì bằng phẳng mãi mà không thành bờ dốc, đi mãi mà không trở lại). Điều này, Nguyễn Trãi nói rất rõ ở bài Côn Sơn ca: “Bi hoan ưu lạc điệt vãng lai, nhất vinh nhất tạ hoàn tương tục.” (Cái mừng, cái buồn, cái lo, cái vui thường thay đổi, cái nọ đi, cái kia đến, một tươi một héo luôn luôn nối tiếp nhau)(3). Ông thừa nhận đạo người có phát triển, nhưng phát triển theo quy luật tuần hoàn. Ví dụ, ở Bài 27, Thư cho Đả Trung và Lương Nhữ Hốt, ông viết: “Vận trời tuần hoàn, đi rồi lại lại, từ xa xưa đến nay bao giờ cũng thế.” Hay là ở Bài 37, Lại thư cho Vương Thông, ở Bài 40, Thư dụ các thành Thanh Hóa, Nghệ An, ông nhắc lại câu: “Vận trời tuần hoàn, đi rồi lại lại”. Chu Dịch cũng cho rằng, sự vật vận động biến đổi, là một quá trình tuần hoàn, lặp đi lặp lại: “Phục, hanh, xuất nhập vô tật, bằng lai vô cữu, phản phục kỳ đạo”, (Quẻ Phục tượng trưng cho sự hồi phục, hanh thông, ra vào không tai họa, bạn đến không có lỗi, vận trời tráo đi trở lại) (Quẻ Phục Quái từ (lời quẻ), (Phục, Quái từ) Chúng ta cũng phải thừa nhận trước chúng ta hơn 5 thế kỷ, tư tưởng Nguyễn Trãi đã chịu ảnh hưởng rất sâu của Chu Dịch, ông đã nhìn sự vật bằng con mắt động, nhìn thấy trong sự vật có sự chuyển hóa từ cái nọ sang cái kia. Trong tư tưởng của ông đã có những nhân tố biện chứng chất phác (thô sơ), mà hơn thế nữa, ông đã nhìn thấy tác dụng quyết định của hoàn cảnh đối với con người, mà ông còn khẳng định vai trò của quần chúng nhân dân quyết định lịch sử. Trước Nguyễn Trãi chưa có nhân vật lịch sử nào nói đến sức mạnh của nhân dân. Đối với Nguyễn Trãi nhân dân là sức mạnh, to lớn: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (thuyền mới rõ sức dân như nước). (Ức Trai thi tập - Bài Quan hải) Chính do cách nhìn ấy, cho nên Nguyễn Trãi cùng với Lê Lợi đã động viên và tập hợp được nhân tài, tổ chức nhân dân trở thành đội ngũ vững mạnh đánh thắng giặc Minh xâm lược.
L.V.Q CHÚ THÍCH: (1) Những câu của Nguyễn Trãi nói đều trích ở Nguyễn Trãi toàn tập - Nxb. KHXH, H. 1969. (2) Thời Đường, khi An Lộc Sơn làm loạn, hai tướng của nhà Đường là Trương Tuấn, Hứa Viễn giữ thành Tuy Dương, để che đỡ cho miền Giang Hoài. Sau vì không có viện binh, lương hết thành hãm mà bị hại. (3) Côn Sơn ca trong Hoàng Việt thi văn tuyển, tập II, tr.106-107, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1958 - Trịnh Đình Rư phiên âm và dịch. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét