Năm 1778 những người Tàu sống sót của BNL mới bỏ Nông Nại đại phố chạy xuống phía dưới để lập ra thành phố Thầy Ngòn còn địa danh Sài Gòn đã tồn tại từ năm 1674 thì lúc đó người Việt lấy đâu ra “Thầy Ngồl” mà Việt hoá nó thành Sài Gòn”?
3.Sài Gòn và Sài Gọng.– BNL viết:
“Trong một quyển sách nhỏ, nhan là “Cantonese Speaking Students” do California State Department of Education xuất bản, soạn giả cho biết rằng trong tỉnh Quảng Đông có đến sáu phương âm khác nhau. Mỗi phương âm ăn khớp vào với một vùng đất của tỉnh ấy, và có một vùng đất kia tên là Sài Gọng (có G cuối). Sách nói trên là sách tiếng Anh, nhưng có chua chữ Tàu. Sài Gọng được chua là Tây Giang (……..)
“Cái điều mà ta cần biết là đã được biết, đó là nguồn gốc của địa danh Sài Gòn (không G cuối). Sài Gòn do Sài Gòng mà ra, và đó là tiếng Tàu, không bị Việt hóa theo cái lối chữ nho, mặc dầu văn tự đã bị đọc sai ra là Tây Giang (……)
“Thuyết của tôi là như thế nầy. Cái tên đầu tiên mà người Tàu đặt ra cho cái thành phố mà nay ta gọi Chợ Lớn, không phải là Đề Ngạn mà là Sài Gòng. Tại sao họ lại đặt như vậy? Là tại họ là người Quảng Đông gốc Sài Gòng (bên Tàu). Lối đặt tên đó giúp cho họ nhớ quê hương của họ.”
Ở trên, chúng tôi có mạn phép nói rằng BNL không phải là một nhà ngữ học. Ấy là còn nói theo uyển ngữ chứ thực ra thì về mặt này ông rất tài tử. Chúng tôi hoàn toàn không tin ở những điều BNL đã nói trên đây. Ngay cái tên sách, ông cũng đã rút ngắn nó một cách tuỳ tiện. Cái quyển sách nhỏ do California State Department of Education xuất bản mà ông gọi là “Cantonese Speaking Students” thực ra là A Handbook for teaching Cantonese-speaking students (Sổ tay [dùng] cho việc giảng dạy sinh viên [là người] nói tiếng Quảng Đông). Đây là một quyển sách liên quan đến giáo dục và giáo học pháp. Chứ cái tên “Cantonese Speaking Students” mà ông đưa ra thì có nghĩa là “Sinh viên [là người] nói tiếng Quảng Đông”. Khác nhau một trời một vực. Còn trong quyển Nguồn gốc Mã lai của dân tộc Việt Nam (Bách Bộc xuất bản, không đề năm), khi nói về ngôn ngữ của các tộc người Thượng ở Trung Bộ Việt Nam, BNL viết: “Cái hội bác học của Mỹ, hội Summer Institute of Linguistic (sic) ở Saigon, cũng chỉ nhại lại các sách xuyên tạc của Pháp khi họ xuất bản quyển A Study of Middle Vietnamese Phonology tại Saigon.” Quyển này là của Kenneth Gregerson, trong đó tác giả đã khảo sát về âm vị của tiếng Việt thời trung đại (Middle Vietnamese). Nhưng BNL thì cứ ngỡ Middle ở đây dùng để chỉ Trung Bộ Việt Nam! Phải nói thẳng ra là kiến thức ngữ học của ông nhiều chỗ rất lơ mơ. Rồi như Tây Giang mà ông cho là tên của một vùng đất bên tỉnh Quảng Đông thì chúng tôi không tìm thấy. CònTrung Quốc địa danh từ nguyên của Giả Văn Dục 賈文毓 và Lý Dẫn 李引 (Hoa Hạ xuất bản xã, Bắc Kinh, 2005) thì cho biết rằng đây là một thị trấn ở phía Bắc huyện Lôi Sơn, tỉnh Quý Châu trên bờ sông Tây Giang 西江, lấy tên của con sông này làm tên. Đây là nơi ở tập trung điển hình của người Miêu (Hmong) bên Tàu, được mệnh danh là Thiên hộ Miêu trại 千户苗寨 (Trấn [trại] nghìn nhà của người Miêu) cho nên có câu “Khán Lôi Sơn Tây Giang, Tri thiên hạ Miêu tộc” ( Xem thị trấn Tây Giang ở Lôi Sơn thì biết được về người Miêu trong thiên hạ). Cái âm “Sài Gọng”(?) mà BNL đưa ra và khẳng định là thuộc một phương âm của tiếng Quảng Đông, chúng tôi sợ rằng đó chính là tiếng … Miêu! Vả lại, ta cũng còn chưa có thể yên tâm về sự ghi nhận và sự tường thuật của BNL vì nhiều khi ông còn tuỳ tiện, tuỳ hứng nữa.
Nhưng cứ cho rằng BNL đã tuyệt đối chính xác trong sự ghi nhận và sự tường thuật thì Sài Gọng chỉ có thể cho ra Sài Gọng chứ không phải Sài Gòn. Chuyện này hoàn toàn dễ thấy vì đây là trường hợp mà âm Quảng Đông tuyệt đối ăn khớp với âm của tiếng Việt ở Nam Bộ. Sài Gọng mà cho ra Sài Gòn mới là chuyện thực sự nghịch lý. Tại sao ư? Thưa rằng tiếng Việt ở Nam Bộ không có vần -ON [ɔn]; vần này luôn luôn bị người Nam Bộ phát âm thành -OONG [ɔ:ŋ]. Vì vậy cho nên nói rằng GỌNG (hoặc GÒNG?) của Tàu Quảng Đông trở thành GÒN [ɣɔ:n2] trong tiếng Việt ở Nam Bộ là một điều thậm vô lý. Dân Nam Bộ chánh cống chỉ có thể phát âm chữ này thành GOÒNG [ɣɔ:ŋ2] mà thôi. Nếu BNL thực sự đúng thì ngay từ đầu, Hòn Ngọc Viễn Đông đã là SÀI GOÒNG [sa:j2 ɣɔ:ŋ2] chứ không phải SÀI GÒN [sa:j2ɣɔ:n2]. Đây là một điều dứt khoát.
4. “Chợ Sài Gòn” trên bản đồ Trần Văn Học 1815.– Bản đồ “Gia Định tỉnh” do Trần Văn Học vẽ năm 1815, mà bạn đã khoanh tròn địa điểm “Chợ Sài Gòn” bằng màu đỏ để gửi đến , thực ra đã được in trong Địa chí văn hoá Thành phố Hố Chí Minh, t.1 (Nxb TPHCM, 1987, tr. 229). Ở đây, chúng tôi chỉ in lại phần thể hiện “Chợ Sài Gòn”, mà trung tâm, theo đoán định của chúng tôi, nằm trong chu vi hiện nay của bốn con đường: Nguyễn Tri Phương (thời Pháp là Lacaze [dân chúng phát âm thành La-cai]) – Trần Hưng Đạo B (bấy giờ còn là một con kênh nhỏ) – Châu Văn Liêm (thời Pháp là đại lộ Tổng đốc Phương) – Nguyễn Trãi (thời Pháp là đường Cây Mai). Người thêm chữ quốc ngữ đã ghi chú địa điểm cần đánh dấu bằng danh ngữ “Chợ Sài Gòn” là đã thu hẹp phạm vi (diện tích), chứ nguyên văn trong bản đồ 1815 là danh ngữ tiếng Hán 柴棍處 “Sài Gòn xứ”, trong đó “xứ” là danh từ trung tâm (bị định ngữ) còn định ngữ là địa danh “Sài Gòn”, viết bằng hai chữ Nôm 柴棍, mà nhiều người, trong đó, tiếc thay, có cả học giả danh tiếng, từ lâu đời, cứ ngộ nhận là chữ Hán, nên đã đọc thành … “Sài Côn”! Thì cũng giống như “ville de Bien Hoa”, “province de Gia Dinh”, v.v., là những cấu trúc tiếng Pháp hẳn hoi nhưng trong đó Bien Hoa, Gia Dinh là những địa danh Việt Nam (Biên Hoà, Gia Định).
Trong bài đã nói trên Kiến thức Ngày nay số 36, vì chịu ảnh hưởng của một vị học giả về sự tồn tại song song của mỹ danh (hoặc tên chữ) và tục danh (hoặc tên Nôm), nên chúng tôi cũng đã chủ trương một cách ngu dốt rằng Sài Côn là tên chữ còn Sài Gòn là tên Nôm của Prei Nokor. Không, chẳng làm gì có “tên chữ” trong trường hợp này. “Sài Gòn xứ” là cách đọc duy nhất đúng cho ba chữ 柴棍處 trên bản đồ Gia Định 1815 của Trần Văn Học. Và Sài Côn xứ là “vùng Sài Gòn”, trong đó có chợ Sài Gòn. Đây là một khái niệm và một địa bàn rộng lớn hơn cái địa điểm ghi bằng chữ quốc ngữ “Chợ Sài Gòn”. Trong tỉnh Gia Định hồi thập kỷ 1810 thì ngôi chợ nằm ở vùng Sài Gòn – nên được gọi là “chợ Sài Gòn” – là một chợ lớn, nếu không phải là lớn nhất. Cho nên ta sẽ không lấy làm lạ nếu thấy Trịnh Hoài Đức gọi nó bằng hai chữ “đại nhai” 大街, mà âm Quảng Đông là “tài cái”. Họ Trịnh ít nhiều có chịu ảnh hưởng của tiếng Quảng Đông về mặt từ ngữ. Trong tiếng Quảng Đông thì chợ là “cái xị” 街市(nhai thị). “Tài cái xị” 大街市(đại nhai thị) là chợ lớn. Hai tiếng “đại nhai” tuy có nghĩa gốc là đường lớn nhưng trongGia Định thành thông chí thì Trịnh Hoài Đức đã dùng nó thay cho danh ngữ “đại nhai thị”. Vì vậy nên “đại nhai” ở đây có nghĩa là “chợ lớn”. Và vì Sài Gòn là một chợ lớn (so với hầu hết những cái chợ khác) nên dân chúng thường quen miệng chỉ Sài Gòn bằng hai tiếng “chợ lớn”, rồi dần dần “chết tên”. Chợ Lớn trở thành một địa danh.
Chúng tôi nghĩ rằng bài này chưa giải quyết hết mọi vấn đề mà bạn muốn chúng tôi làm sáng tỏ nhưng do khuôn khổ có hạn nên xin chờ một dịp khác để có thể nói thêm.
Nguồn: Facebook An Chi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét