Liền anh và liền chị là những lối nói mang tính biệt ngữ trong sinh hoạt dân ca Quan họ, dùng để chỉ hoặc gọi từng thành viên nam hoặc nữ của một bọn Quan họ. Tuy tài liệu tham khảo về Quan họ không đến nỗi quá nghèo nàn nhưng thật khó mà tìm được một lời giải thích về từ nguyên của chữ liềntrong các cấu trúc trên. Ở đây, chúng tôi xin phân tích chữ này về các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, và ngữ pháp để thử tìm về nguồn gốc của nó.
Về ngữ pháp thì, cứ theo cách sử dụng phổ biến và quen thuộc, cũng như theo cảm thức tự nhiên của người Việt, ta có thể khẳng định rằng liền anh, liền chị là những ngữ danh từ, nghĩa là những cấu trúc do danh từ làm trung tâm. Trong liền anh và liền chị thì liền là trung tâm. Vậy liền là danh từ. Nhưng không một quyển từ điển tiếng Việt quen thuộc nào có ghi nhận danh từ liền. Thuộc loại đáng tin nhất và cũng là loại mới nhất như Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (Nxb Đà Nẵng – Vietlex, 2007) cũng chỉ ghi nhận chữ liền với tính cách là tính từ, phụ từ (phó từ) và kết từ (liên từ) mà thôi. Lý do là , đối với tiếng Việt toàn dân hiện đại, thì liền là một từ cổ, nghĩa là một từ đã “chết” (nên nhiều người thậm chí còn không biết rằng nó có tồn tại). Nó chỉ còn “sống” ở một vài địa phương mà ngay ở những địa phương này thì nó cũng chỉ còn được sử dụng trong một phạm vi hẹp.
Về ngữ âm thì liền là âm Hán Việt xưa của chữ 聯 (trong nhiều trường hợp còn có thể chuyển dụng với chữ 連),mà âm Hán Việt hiện đại là liên. Nói một cách khác, liên là một biến thể ngữ âm hậu kỳ củaliền. Với những tiếng Hán Việt có phụ âm đầu l- (hoặc cả d-, m-, n-, nh-, ng(h)-, v-) thì việc biến thể có thanh điệu 2 (dấu huyền) xưa hơn biến thể có thanh điệu 1 (không dấu) là hiện tượng phổ biến:
–là (trong lụa là) là âm Hán Việt xưa của chữ 羅, mà âm Hán Việt hiện đại là la, có nghĩa là lụa;
– làn (trong làn sóng) là âm Hán Việt xưa của chữ 瀾, mà âm Hán Việt hiện đại là lan, có nghĩa là sóng;
– lầu (trong lầu đài) là âm Hán Việt xưa của chữ 樓, mà âm Hán Việt hiện đại là lâu (trong lâu đài);
– liềm (trong búa liềm) là âm Hán Việt xưa của chữ 鐮, mà âm Hán Việt hiện đại là liêm, có nghĩa là liềm; v.v..
Cứ như trên, thì không có gì lạ nếu liền là âm Hán Việt xưa của chữ 聯, mà âm Hán Việt hiện đại làliên. Nhưng, trong tiếng Việt, nó còn có một biến thể ngữ âm nữa là liễn, như đã cho trong Hán-Việt từ- điển (Đào Duy Anh), Hán-Việt tân từ-điển (Nguyễn Quốc Hùng), Đại Nam quấc âm tự vị (Huỳnh-Tịnh Paulus Của), v.v..
Bây giờ xin nói sang mặt ngữ nghĩa. Vì liền ở đây chỉ có thể là danh từ, như đã phân tích về mặt ngữ pháp, nên các nghĩa “ở kề ngay nhau, sát ngay nhau, không cách” hoặc “ngay lập tức” đã cho trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học không thể áp dụng cho nó vì đó là nghĩa của tính từ hoặc phụ từ. Vậy liền/liên/liễn là gì? Ở Nghệ-Tĩnh, liền có nghĩa là xếp, tệp, xấp,v.v.. Liền trù là xấp trầu. Chữ này và nghĩa này đã được ghi nhận trong Từ điển tiếng Nghệ của Trần Hữu Thung, Thái Kim Đỉnh (Nxb Nghệ An,1998) và Từ điển tiếng địa phương Nghệ-Tĩnh do Nguyễn Nhã Bản chủ biên (Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1999). Còn liễn, điệp thức của nó ở trong Nam, thì được dịch là fasciculus (tập, tệp) trong Dictionarium Anamitico-Latinum của J.L. Taberd (Serampore,1838), với những thí dụ như: – liễn bát : scutellarum fasciculus (chồng chén bát), – liễn trầu : fasciculus betel (xấp trầu). Còn trong Dictionnaire annamite-français của J.F.M. Génibrel, nó được dịch là paquet, liasse (bó, xấp, tệp, v.v.), cũng với những thí dụ như trên. Và dĩ nhiên là ta còn có thể tìm thấy danh từ liễn này với cái nghĩa đang xét trong một số quyển từ điển khác nữa, như Dictionarium Anamitico Latinum (viết tay, 1772-1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine, Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh-Tịnh Paulus Của, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, v.v.. Riêng điệp thức liên thì có thể được xem là một đơn vị từ vựng của tiếng Việt toàn dân nhưng nó chỉ được sử dụng trong một phạm vi thực sự hạn hẹp với cái nghĩa là (một) cặp, (một) đôi, dùng để chỉ hai câu thơ đi liền nhau. Chẳng hạn trong một bài bát cú Đường luật thì liên 1-2 là hai câu đề, liên 3-4 là hai câu thực, liên 5-6 là hai câu luận và liên 7-8 là hai câu kết.
Tất cả những nghĩa trên đây của liền, liễn và liên đều bắt nguồn từ nghĩa gốc của chữ liên 聯 trong tiếng Hán. Và vì lời giảng bằng tiếng Hán khó giúp ta phân biệt về mặt từ loại (trong trường hợp này thì phải là danh từ) nên ở đây chúng tôi xin dẫn Dictionnaire classique de la langue chinoise cũa F.S.Couvreur để bạn đọc có thể kiểm chứng dễ dàng hơn về mặt đó. Tại chữ 聯, Couvreur đối dịch là : “ continu (thể liên tục), suite non interrompue ( chuỗi, dãy, loạt, v.v., không đứt đoạn), liaison (sự liên kết, mối liên kết), connexion (sự kết nối), alliance (quan hệ thông gia), association (hội, đoàn, nhóm liên kết, sự kết hội), association de dix personnes, de cing familles ou de deux cents familles (hội mười người, năm gia đình hoặc hai trăm gia đình) – distique (hai câu thơ liền nhau)”. Với nghĩa “chuỗi, dãy, loạt, v.v., không đứt đoạn”, ta đã thấy được cái nghĩa của liền trong liền trù (xếp trầu) của Nghệ-Tĩnh và của liễn trong liễn trầu, liễn bát của tiếng địa phương Miền Nam và của liên với cái nghĩa đặc dụng đã nói. Còn với nghĩa “hội, hội đoàn, sự kết hội”, ta sẽ thấy được cái nghĩa của liền trong liền chị, liền anh của Quan họ Kinh Bắc. Cái nghĩa này liên quan đến cách tổ chức của các nhóm Quan họ, gọi là bọn Quan họ, mà tác giả Bùi Trọng Hiền cho ta biết như sau:
“Người Quan Họ chỉ hát đối đáp theo từng nhóm xã hội nhất định – gọi là bọn Quan Họ. Trong đó, chỉ có bọn Quan Họ kết nghĩa mới hát đối đáp với nhau. Nếu không cùng bọn kết nghĩa, các liền anh , liền chị chỉ có thể hát cùng nhau trong các cuộc thi lấy giải ở hội làng ngày xuân. Ðể hình thành nên nhóm, các chàng trai (hoặc cô gái) cùng làng xã phải trải qua một quá trình học hát dưới sự dìu dắt của các thế hệ đi trước. Khi đã có một vốn liếng bài bản nhất định, họ mới tự kết hợp lại thành từng nhóm liền anh hay liền chị, mỗi nhóm trung bình năm hay sáu người.” (Nhân Dân, 15-12-2007).
Những nhóm năm, sáu liền anh hay liền chị tự kết hợp lại với nhau sau khi đã “thành nghề” đó, tức những bọn Quan họ, theo chúng tôi, chính là những liền, theo nghĩa “hội”, “đoàn” trong từ điển của Couvreur. Liền anh là cách mà bọn Quan họ nữ dùng để gọi bọn Quan họ nam; liền chị là cách mà bọn Quan họ nam dùng để gọi bọn Quan họ nữ. Còn liền em là cách mà bọn Quan họ nam (hoặc nữ) dùng theo lối khiêm tốn để chỉ liền của mình khi đối thoại vói bọn Quan họ nữ (hoặc nam). Như vậy thì, lúc khởi thuỷ, các ngữ danh từ liền anh, liền chị không dùng để gọi hoặc để chỉ cá nhân từng thành viên nam hay nữ của một bọn Quan họ như hiện nay, mà dùng để chỉ chính từng bọn Quan họ nam hay nữ. Rồi về lâu, về dài, do danh từ liền dần dần mất nghĩa – sự mất nghĩa là một hiện tượng thông thường trong ngữ nghĩa học – nên người ta mới dùng các ngữ danh từ liền anh, liền chị để chỉ từng thành viên của bọn Quan họ nam hay nữ; còn liền em mới trở thành lối khiêm xưng mà từng thành viên của một bọn nam lẫn bọn nữ đều dùng để tự chỉ cá nhân mình, như hiện nay. Với lối nói chệch nghĩa này, liềntrở thành một hình vi phụ thuộc, luôn luôn đi chung với danh từ anh (chị, em) đứng liền ngay sau nó, để chỉ một hàm nghĩa về thứ bậc.
Ta có thể yên tâm khẳng định những điều trên đây một cách chắc chắn, nhất là khi so sánh liền vớiđàn, một yếu tố đồng nghĩa với nó. Liền vốn là một từ, nay đã trở thành một hình vị phụ thuộc, đồng nghĩa với đàn trong hai công dụng đặc biệt (một là trong đàn ông, đàn bà, hai là trong đàn anh và đàn chị) của hình vị này, như sẽ phân tích dưới đây. Đàn là một hình vị tách ra từ danh từ đàn trong đàn bò, đàn chim, đàn gà, đàn vịt, đàn con, đàn thằng ngọng (đứng xem chuông),v.v., với hai công dụng đặc biệt:
– đặc dụng với ông, bà để chỉ hàm nghĩa về giới tính: đàn ông, đàn bà (công dụng 1);
– đặc dụng với anh, chị, em để chỉ hàm nghĩa về thứ bậc: đàn anh, đàn chị, đàn em (công dụng 2).
Hai công dụng đặc biệt trên đây của hình vị đàn làm ta nhớ đến hai công dụng y hệt của hình vị liềntrong: liền ông, liền bà (công dụng1) và liền anh, liền chị, liền em (công dụng 2).
Với công dụng 1, liền có xuất hiện theo kiểu cà rỡn trên một vài trang web nhưng thực ra đây vốn là một hình vị từng được dùng một cách nghiêm túc theo hàm nghĩa này: liền ông, liền bà có nghĩa là “đàn ông”, “đàn bà”. Hiện nay, công dụng này vẫn còn tồn tại với tư cách là một hiện tượng mang tính địa phương. Trao đổi riêng với chúng tôi, ông Nguyễn Như Phong, phó Tổng biên tập chuyên đề An ninh Thế giới, có cho biết ở vùng Chùa Hương quê ông (nay thuộc Hà Nội), người ta vẫn nói liền ông, liền bàchứ không mấy khi nói “đàn ông”, “đàn bà”. Và dĩ nhiên là trong lời bài đồng dao của trò chơi “Thả đỉa ba ba” thì liền ông, liền bà cũng thế chỗ cho “đàn ông”, “đàn bà”:
Thả đỉa ba ba,
Chớ bắt liền bà
Phải tội liền ông
Cơm trắng như bông (…)
Hiện tượng ngôn ngữ trên đây ở vùng Chùa Hương rõ ràng là một bằng chứng sống cho mối quan hệ đồng nghĩa giữa liền và đàn. Ngoài ra, ta còn có những bằng chứng khác nữa, vừa liên quan đến hiện tượng phương ngữ, vừa liên quan đến hiện tượng ngữ âm lịch sử, với “Bảng từ vựng Bình Trị Thiên” của Võ Xuân Trang. Theo tài liệu này, ta biết rằng, với nghĩa đang xét thì hai hình vị liền và đàn còn đồng nghĩa với các hình vị đình, lình, nình, nền của phương ngữ Bình Trị Thiên (Xin x. Võ Xuân Trang,Phương ngữ Bình Trị Thiên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.257). Trong các hình vị này thì riêngnền là hình vị mà cá nhân chúng tôi từng được nghe một số người cao niên sử dụng, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc: nền ông, nền bà. Một sự khảo sát kỹ lưỡng về phụ âm đầu và về vần có thể sẽ dẫn dắt ta đến nguồn gốc chung của một vài yếu tố trong các hình vị: đàn, đình, liền, lình, nền, nình. Xin phân tích, chẳng hạn, mối quan hệ liền ~ nền.Trước nhất, về vần thì ta có nhiều dẫn chứng cho mối quan hệ -iên ~ -ên:
– biên (= bờ, cạnh) ~ bên trong bên cạnh, bên thềm,v.v.;
– điện trong cung điện ~ đền trong đền đài;
– hiện (=con hến) ~ hến trong “Ngao, Sò, Ốc, Hến”;
– phiên (= hàng rào) ~ phên trong phên giậu;
– quyến trong quyến rũ ~ quến trong rù quến; v.v..
Về phụ âm đầu thì trước nhất ta đã có bằng chứng về sự lẫn lộn giữa l- và n- ở nhiều cá nhân và địa phương, đặc biệt là tại miền Bắc. Còn nếu hạn chế trong phạm vi những điệp thức gốc Hán thì ta có:
– lạm (= bị lửa táp; làm cho cháy sém) ~ nám trong nám da;
– loại trong chủng loại ~ nòi trong giống nòi;
– loan (=ngọn núi nhỏ mà nhọn) ~ non trong núi non;
– lỗ (= lắm lời, nói nhiều) ~ nỏ trong nỏ mồm;
– lũng (= gò đất cao) ~ nổng trong gò nổng;
– noãn (= trứng) đúng theo phiên thiết phải là loãn; v.v..
Sự phân tích về quan hệ từ nguyên giữa liền và nền cũng như về mối quan hệ đồng nghĩa giữa liền vàđàn cho phép ta đi đến kết luận về quan hệ ngữ dụng giữa ba hình vị: đàn của tiếng Việt toàn dân, liềnở vùng Chùa Hương (và một vài địa phương khác) và nền của phương ngữ Bình Trị Thiên. Với mối quan hệ này thì ta có thể tin rằng nguồn gốc và nghĩa của hình vị liền mà chúng tôi đã nêu là điều có cơ sở vững chắc.
Cuối cùng, xin nói thêm một chút về công dụng 2: Với nghĩa gốc của nó mà chúng tôi đã đoán định (dùng để chỉ chính từng bọn Quan họ nam hay nữ), thì liền anh, liền chị, liền em tương ứng với đàn anh, đàn chị, đàn em theo công dụng 2 của hình vị đàn (chỉ thứ bậc). Sự khác nhau chỉ là ở chỗ ba danh ngữ trước còn dùng để tự xưng (trong sinh hoạt Quan họ) mà ba danh ngữ sau thì không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét