Độc giả: Người thì nói “Thuốc đắng đả tật” và lý giải rằng “đả” ở đây có nghĩa là đánh, là trị. Người khác đáp lại rằng câu này là “Thuốc đắng dã tật” rồi cũng giải thích rằng “dã” là làm cho tan, cho mất, cho tiêu hao. Vậy ai đúng, ai sai?
An Chi: Hình thức được số đông chấp nhận có lẽ là “Thuốc đắng dã tật (...)”. Nhưng Từ điển thành ngữ, tục ngữ ca dao Việt Nam của Việt Chương, q.hạ (Nxb Đồng Nai, 1995) thì ghi nhận: “Thuốc đắng đả tật (...)”. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (Nxb Văn hóa, 1989 lại ghi “Thuốc đắng rã tật (…)”. Còn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức thì ghi “Thuốc đắng đã tật (…)”. Chúng tôi cho rằng trong câu tục ngữ đang xét, chữ thứ ba không phải là “đả” hoặc “rã”, đó chỉ có thể là “dã” hoặc “đã” mà thôi. Đây là hai từ có nghĩa phù hợp với văn cảnh đang xét và đã được ghi nhận từ lâu đời, đặc biệt là từ “đã”.
Dictionarium anamitico - latinum của Pigneaux de Béhaine (1772-1773) ghi: “Dã. Vim rei alicujus frangere (Làm dịu đi tác dụng của một vật gì đó - AC) – Dã thuốc. Medicamento vim veneni comprimere (Giảm thiểu tác dụng độc hại cho thuốc - AC) - Thuốc dã. Ejusmodi medicamentum (Thứ thuốc như thế, nghĩa là dùng để giảm thiểu tác dụng độc hại của một thứ thuốc khác hoặc của một chất gì đó - AC)”. Nghĩa này đã được ghi nhận trong Từ điển tiếng Việt 1992 như sau: “Làm giảm, làm mất tác dụng của chất, thường là có hại, đã hấp thu vào trong cơ thể. Ăn đậu xanh cho dã rượu. Dã độc”.
Còn “đã” thì được quyển từ điển của Pigneaux de Béhaine giảng như sau: “Sanari”, nghĩa là “Khỏi bệnh”. Quyển từ điển này còn ghi thêm: “Đã bệnh. Convalescere (Phục hồi sức khỏe - AC)”. Và: “Đã tật. E morbo evadere” (Qua cơn bệnh - AC). Nghĩa này cũng được Từ điển tiếng Việt 1992 ghi nhận như sau: “Khỏi hẳn bệnh. Đau chóng đã chầy”.
Cứ như trên thì mặc dù phần đông muốn chấp nhận chữ “dã” nhưng có lẽ “đã” mới là chữ thích hợp hơn hết chăng? Còn “đả” và “rã” thì xem ra chỉ là hai chữ... lạc lõng mà thôi, ít nhất cũng là theo thiển ý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét