ĐỘC GIẢ: Trên KTNN 410, ông đã trả lời cho câu hỏi của tôi về bài viết của tác giả Nguyễn Văn Chiển nhan đề “Không thể nói đồ đồng Đông Sơn là đồng thau”, đăng trên Tia sáng (bộ mới) số 12. Ông đã tán thành tác giả Nguyễn Văn Chiển và cho rằng lối nói “thời đại đồng thau”, “văn hóa đồng thau” có lẽ bắt nguồn từ công trình Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt-nam của hai tác giả Hà Văn Tấn – Trần Quốc Vượng.
Mới đây, tạp chí Khảo cổ học số 4-2001 cũng có đăng bài “Về khái niệm thời đại đồng thau” của tác giả Nguyễn Văn Chiển (mà phần chủ yếu cũng giống như bài ở Tia sáng) và đăng cả “Lời bình của GS. Khảo cổ học Trần Quốc Vượng”. Xin hỏi ông đã đọc “Lời bình” của GS Trần Quốc Vượng hay là chưa.
AN CHI trả lời: Lời bình dài 316 chữ của GS Trần Quốc Vượng trên Khảo cổ học số 4-2001 không có sức thuyết phục. Lời bình này có đoạn:
“Các nhà khảo cổ học và sử học Việt Nam bắt đầu từ GS Đào Duy Anh – nhà sử học lớn, đồng thời là nhà từ điển học lớn – đều nhất trí gọi cái thời đại sau thời đại đá là THỜI ĐẠI ĐỒNG THAU. Giáo sư sử học Văn Tân – đồng thời là một nhà từ điển gia – cũng dùng khái niệm ấy”.
Rất tiếc là Trần Quốc Vượng lại không dẫn chứng xem Đào Duy Anh đã dùng khái niệm “thời đại đồng thau” ở những chỗ nào. Còn sự thực thì trong hai công trình sử học quan trọng nhất của mình là Cổ sử Việt-nam (Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1955) và Lịch sử Việt-nam q.thượng (Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958), sử gia lão thành Đào Duy Anh chỉ dùng “thời đại đồ đồng”, “văn hóa đồ đồng”, “kỹ thuật đồ đồng” và “nghệ thuật đồ đồng” mà thôi (X. Cổ sử Việt-nam, chương IV, tr.72-82 và Lịch sử Việt-nam q.thượng, chương V, tr.59-66). Ngay cả trong hồi ký cuối đời Nhớ nghĩ chiều hôm (Nxb Trẻ, 1989), Đào Duy Anh cũng chỉ dùng “văn hóa đồ đồng”, “kỹ thuật đồ đồng” (X.tr.107, 112, 113) chứ không thấy dùng “văn hóa đồng thau” hoặc “thời đại đồng thau”. Khi cần nói cho cụ thể hơn thì Đào Duy Anh viết “đồng xanh” hoặc “đồng đen” như chúng tôi đã dẫn chứng trên KTNN 410, chứ cũng không hề dùng hai tiếng “đồng thau” cho những trường hợp đang bàn.
Còn Văn Tân thì, với tư cách là người chủ biên Từ điển tiếng Việt (Nxb KHXH, Hà Nội, 1967), đã chấp nhận hai cách gọi riêng biệt và rạch ròi sau đây:
“Đồng đen. Hợp kim đồng và thiếc, thường dùng để đúc tượng, chuông...” và
“Đồng thau. Hợp kim đồng và kẽm, màu vàng”.
Quyển từ điển này, in lần thứ hai, do Văn Tân và Nguyễn Văn Đạm chỉnh lý và bổ sung (1977, cũng Nxb KHXH, Hà Nội) vẫn giữ y nguyên hai mục từ trên đây. Rõ ràng là về mặt ngôn ngữ thì Văn Tân đã phân biệt dứt khoát và chính xác đồng đen với đồng thau.
Còn về cổ sử thì sao? Trong quyển Thời đại Hùng Vương do Văn Tân đứng tên chính (Nxb KHXH, Hà Nội, 1973), tại “Phần thứ hai”, “Phần thứ năm” và “Kết luận” do chính mình viết, Văn Tân đã hai lần dùng khái niệm “nền văn hóa đồ đồng” (tr.92 & 257) và khẳng định rành mạch rằng chất liệu đang xét là “hợp kim đồng–thiếc” và “hợp kim đồng–chì” (tr.92) chứ không có “hợp kim đồng–kẽm”.
Nhưng cũng có một lần ông viết “thời đại đồ đồng thau” (tr.96) và một lần ông viết “nền văn hóa đồng thau” (tr.293). Chúng tôi ngờ rằng chữ “thau” trong hai trường hợp này là do người biên tập thêm vào chứ không phải chữ của Văn Tân. Nếu là chữ của Văn Tân, thì cách dùng từ không nhất quán trên đây cũng cho phép suy luận rằng hình như chính Văn Tân cũng thấy “đồng thau” ở đây là một cách diễn đạt không ổn.
Vậy rõ ràng là lời khẳng định trên kia của Trần Quốc Vượng không đúng. Nhưng để củng cố thêm quan điểm của mình, ông còn viết tiếp như sau:
“Giới khảo cổ và nhân học văn hóa – xã hội chúng tôi đã đi điều tra điền dã nhiều làng nghề đúc đồng cổ truyền từ Bắc qua Trung tới miền Nam Việt Nam. Không ở đâu người Việt Nam dùng từ “đồng xanh” mà chỉ dùng từ đồng đỏ để chỉ đồng tương đối nguyên chất (Cu, Cuivre, Copper,...) và đồng thau để chỉ hợp kim đồng, chì, thiếc, kẽm với những tỷ lệ khác nhau, kiểu thành phần hợp kim của các hiện vật Đông Sơn”.
Sự thật có đúng như ông Trần Quốc Vượng đã viết hay không?
Thực ra, đồng xanh là một ngữ danh từ cố định rất xưa. Bằng chứng là nó đã có mặt trong Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, một thứ từ điển Hán–Việt ra đời trong khoảng thế kỷ XVI–XVII. Tại “Kim ngọc bộ đệ thập cửu”, ta đọc được hai câu sau đây:
“Xích kim đồng đỏ lạ dường,
Thanh kim là thiếc thức càng xanh le”.
Rồi tại phần “Bổ di”, ta lại đọc được thêm:
“Trang kim, vàng trắng;
Thanh kim, đồng xanh”.
(X. bản phiên âm và chú giải của
Trần Xuân Ngọc Lan, Nxb KHXH,
Hà Nội, 1985, tr.155 & 157).
Ráp nối câu “Thanh kim (=) đồng xanh” với câu “Thanh kim là thiếc thức càng xanh le”, ta thấy được rằng ông cha ta đã dùng hai tiếng Hán Việt thanh kim hoặc để chỉ thiếc, hoặc để chỉ đồng xanh, là một hợp kim giữa đồng và thiếc. Việc tác giả của CNNÂGN dùng hai tiếng đồng xanh để đối dịch hai tiếngthanh kim chứng tỏ rằng đó phải là hai tiếng thông dụng ít nhất cũng là tự thời bấy giờ.
Trần Quốc Vượng cũng thiếu chính xác khi ông viết rằng người Việt Nam dùng hai tiếng đồng thau “để chỉ hợp kim đồng, chì, thiếc, kẽm, v.v., với những tỷ lệ khác nhau, kiểu thành phần hợp kim của các hiện vật Đông Sơn”. Thực ra thì, trong hợp kim của giai đoạn tiền Đông Sơn,
“Hàm lượng của đồng đại bộ phận nằm giữa khoảng 80-90%. Hàm lượng của thiếc từ 10-20% (...) Hàm lượng của chì, sắt, bạc, kẽm (Chúng tôi nhấn mạnh – AC), a-xen và các kim loại khác rất bé (...) chúng chỉ là những tạp chất lẫn lộn vào (...) Đến giai đoạn Đông Sơn, trong thành phần hợp kim, tỷ lệ đồng và thiếc giảm xuống (...) tỷ lệ chì tăng cao (...) thường là trên 10%”.
(Hà Văn Tấn và Hoàng Văn Khoán,
“Luyện kim và chế tác kim loại thời
Hùng Vương”, Hùng Vương dựng nước,
t.IV, Hà Nội, 1974, tr.205-206).
Nghĩa là đến giai đoạn Đông Sơn, kẽm cũng chưa có vai trò gì trong hợp kim dùng để chế tác dụng cụ bằng đồng. Vì vậy nên hợp kim này dứt khoát không thể là “đồng thau”. Lý do rất đơn giản: Từ xưa, người Việt Nam chỉ dùng từ thau để chỉ hợp kim đồng–kẽm, như ai nấy đều biết (chẳng hạn trong mâm thau, chậu thau, v.v.), nghĩa là để chỉ cái chất liệu mà tiếng Anh gọi là brass, tiếng Pháp gọi là laitonhoặc cuivre jaune (đồng vàng) còn tiếng Hán thì gọi là hoàng đồng (cũng = đồng vàng). Không ai dùng từ thau để chỉ hợp kim đồng–thiếc cả. Còn đồng thau là một danh ngữ đồng nghĩa với thau nên chẳng làm gì có chuyện người Việt Nam ở các “làng nghề đúc đồng cổ truyền” dùng hai tiếng đồng thau để “chỉ hợp kim đồng, chì, thiếc, kẽm với những tỷ lệ khác nhau” như Trần Quốc Vượng đã khẳng định.
Tóm lại, cái khái niệm mà giới khảo cổ học Việt Nam gọi là “thời đại (hoặc văn hóa) đồng thau “thực chất chính và chỉ là “thời đại (hoặc văn hóa) đồng đen (hoặc đồng xanh)” không hơn không kém.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét