Từ năm 1988 luật pháp Hồng Kông bắt buộc tất cả phim ảnh đều phải được cơ quan quản lý ngành truyền hình và giải trí kiểm tra phân loại và vé vào rạp phải in rõ loại phim để tránh việc khán giả nhỏ tuổi xem phải loại phim không phù hợp. Hệ thống phân loại của Hồng Kông có ba cấp; về sau có điều chỉnh chút đỉnh trong nội bộ của cấp thứ hai, nhưng về căn bản vẫn là ba cấp với cấp cao nhất (vẫn gọi là category III - cấp 3) là những bộ phim cấm khán giả dưới 18 tuổi.
Ở Việt Nam người trên 18 tuổi cũng không được xem các phim cấm trẻ em Hồng Kông dưới 18 tuổi. Khái niệm phim cấp 3 dần dần được mở rộng để chỉ tất cả các loại phim cấm bất kể nguồn gốc. Do đó mà có chuyện rủ nhau tải những bộ phim cấp 3 của Pháp, Mỹ, Nga... mặc dù các nước đó áp dụng những hệ thống phân loại và ký hiệu khác. Ở Pháp chẳng hạn, theo điều III sắc lệnh số 90-174 ngày 23/2/1990 có 5 loại phim:
- tous publics: ai xem cũng được, khỏi cần ai coi chừng;
- avertissement: ai xem cũng được nhưng người lớn dòm chừng một chút vẫn tốt hơn;
- interdit aux moins de 12 ans: cấm khán giả dưới 12 tuổi;
- interdit aux moins de 16 ans: cấm khán giả dưới 16 tuổi (gồm phần lớn các phim khiêu dâm nhẹ, tiếng Pháp là film érotique hay porno soft, với đội ngũ diễn viên trong trang phục của Adam và Eva, chỉ được phép gợi tả chứ không được đặc tả cơ quan sinh dục và cảnh giao hợp)
- interdit aux moins de 18 ans non classé X: không phải phim X nhưng vẫn cấm khán giả dưới 18 tuổi;
- interdit aux moins de 18 ans et classé X: phim X, cấm khán giả dưới 18 tuổi;
Như vậy đối với người Việt, phim cấm trẻ em Pháp dưới 16 tuổi đã là phim cấp 3 rồi.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng bộ phim L’amant sản xuất năm 1992 dựa theo tác phẩm cùng tên của Marguerite Duras, ở Pháp được xếp loại cấm trẻ em dưới 12 tuổi, nhưng khi được trình chiếu ở Việt Nam cho một số đối tượng rất hạn chế cũng bị cắt gần như toàn bộ các cảnh nóng. Trước đó báo chí Việt Nam dịch lại báo chí ngoại quốc, không ngớt lời bàn, nào là “khán giả đến nghẹt thở những cảnh quay táo bạo của cô đào Jane March và Lương Gia Huy”, nào là “cảnh quay công phu và nhiều hiệu ứng kỹ thuật” .... Rốt cục ai nấy đều bị tẽn, từ người xem đến anh nhà báo. Năm 1996 tôi sang Pháp, thấy ti vi chiếu L’amant, không muốn coi lại vì nghĩ phim không hay bằng tiểu thuyết. Đến chừng coi xong mới hiểu là chẳng những mình bị mấy ông kiểm duyệt bên nhà lừa bịp đã đành mà còn tội nghiệp cho lao động nghệ thuật bị các ông ấy coi là độc hại, cắt xén lam nham khiến cho tác phẩm trở nên tẻ nhạt, vô vị. Nhưng đâu còn cách nào khác, nếu không muốn thảy bộ phim đó vào sọt phim cấp 3? Trên thực tế, người ở Việt Nam hiện nay muốn coi nguyên bản phim L’amant chỉ có một cách là ghé vào các trang web dành cho phim cấp 3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét