Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Lai lịch ông Ba Bị ( Năng Lượng Mới số 143 ,3-8-2012) An Chi


Lai lịch ông Ba Bị ( Năng Lượng Mới số 143 ,3-8-2012).

by An Chi on Friday, August 3, 2012 at 10:13am ·
BẠN ĐỌC : Xin ông An Chi cho biết ông Ba Bị là ai mà có câu “Ba bị, chín quai, mười hai con mắt”? Xin cám ơn.
                                                                                       Nguyễn Duy Thức – Hải Phòng.
AN CHI : Muốn biết ông Ba Bị là ai thì có lẽ trước nhất phải nhờ đến từ điển.
Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức (1931) ghi :
“Ba bị : Giống quái lạ người ta bịa ra để doạ trẻ con : Ba bị chín quai mười hai con mắt : nghĩa bóng là tồi tàn, xấu xí : đồ ba bị.”
Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (2007) do Hoàng Phê chủ biên ghi :
“Ba bị : tên gọi một hình người quái dị bịa ra để dọa trẻ con.”
Tại trang http://www.trungtammucvudcct.com (Chuyên san Giáo lý số 29, 1-9-2005), Nguyễn Thế Bài viết:
“Nhân vật Ông Ba Bị trong bài vè ngắn này, ác thay, lại muốn chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi và triều thần thánh thiên quốc: Chín quai ( hoặc chín quan ) là chín phẩm thiên thần; còn Mười Hai con mắt là mười hai thánh Tông Đồ.”                                              
Trên đây dĩ nhiên cũng chẳng phải là ý nghĩa đích thực của câu “Ba bị, chín quai, mười hai con mắt” vì cũng chỉ là suy diễn trên cơ sở một “sản phẩm” dân gian sẵn có mà thôi. 
Ở đây, Nguyễn Dư đã nhầm lẫn: Ba Bị không phải là một cái tên Việt đặt ra “tức thì” để gọi chàng Barbe-Bleue của Tây vì chỉ là một cái tên sẵn có được dùng theo ẩn dụ để chỉ con Yêu Râu Xanh đó mà thôi. Barbe-Bleue của Tây chỉ ham gái chứ đâu có bắt trẻ con nhưng chính vì hiểu cái tên Ba Bị một cách tréo ngoe nên Nguyễn Dư mới viết:“Không hiểu tại sao các bà các cô lại đẩy người tình Barbe-Bleue râu ria, lông lá của mình sang cho đám trẻ con ?” Thực ra thì chính Nguyễn Dư đẩy chứ các bà các cô đâu có đẩy. Tiếc rằng búp bê Barbie lại là một cô gái mảnh dẻ, dịu dàng chứ nếu đó là một hình người mặt mày dữ tợn, râu ria xồm xoàm thì chính hai tiếng Barbie mới gần với Ba Bị hơn là cái tên Barbe-Bleue của ông Nguyễn Dư.
Ba Bị là một nhân vật Việt Nam chính tông. “Tên cúng cơm” của ông ta chỉ là “Bị”, không có chữ “Ba” nên người ta vốn chỉ gọi ông ta là “Ông Bị”. Ông Bị đã theo lưu dân người Việt Đàng Ngoài đi vào đất phương Nam từ mấy trăm năm về trước và vẫn còn “sống” tại miền đất này cho đến hiện nay. Cách đây hơn 100 năm, Huình-Tịnh Paulus Của cũng đã ghi nhận tên ông ta vào Đại Nam quấc âm tự vị :
“ Ông bị. Tiếng nhát con nít; có người hiểu là thần.”
Vậy thì Ông Bị làm nghề gì? Thưa rằng ông ta làm “nghề” ăn xin. Cái bị là “đồ nghề” của ông ta và vì thế nên nó mới được dùng theo hoán dụ để làm tên cho chính ông. Từ điển của H.-T. Paulus Của ghi:
–“Bị gậy. Một cái bị, một cây gậy, là đồ nghề ăn mày.”
–“Mang bị. Đi ăn mày.”
–“Xách bị. Đi ăn mày.” 
Đi ngược lên giữa thế kỷ XVII, ta cũng thấy A. de Rhodes ghi trong Từ điển Việt Bồ La(Roma, 1651):
–“Bị. Cái bị. Lếy bị đi ăn mày. Mang bị để xin ăn.”     
–“Bị ăn mày. Cái bị của người xin của bố thí.” (Bản dịch của nhóm Thanh Lãng, Nxb Khoa học xã hội, 1991, tr.38 &144).
Cứ liệu ngôn ngữ về nghề ăn xin của Ông Bị như thế là rất rõ ràng. Ăn xin là một cái “nghề” hoàn toàn tiêu cực, chẳng giúp ích được gì cho sự phát triển của xã hội, ngoại trừ việc hù doạ con nít. Ông Bị đã theo lưu dân trôi nổi vào Nam, tại đây tên ông vẫn được giữ nguyên trong khi ở quê hương của mình, người ta đã “chế biến” nó thành “Ông Ba Bị”, ngỡ rằng “Ông Bị” đồng nhất với “ba bị” trong câu đồng dao: Ba bị chín quai –  Mười hai con mắt.
Trẻ con Đàng Ngoài thời xưa đã chơi khăm các nhà văn, nhà từ điển tương lai bằng mấy câu ngắn ngủi mà rắc rối này. Nguyễn Dư viết:
“Nước ta không có bị chín quai. Tranh Oger có nhiều tấm vẽ ăn mày. Bị của ăn mày là bị thông thường, chỉ có một quai. Tranh Ông Ba Bị vẽ một người râu xồm, đeo 3 cái bị một quai.” (Bài đã dẫn).
Lời của Nguyễn Dư có tiền giả định là ta có thể thấy “bị chín quai” ở nước khác chăng? Chẳng những thế, Nguyễn Dư còn diễn giải sai cái lời dịch đã sai của Gustave Hue. Ông viết:
“Gustave Hue cũng đồng ý rằng Ông ba bị chín quai là ... ông già đeo 3 cái bị chín quai (le vieux aux trois sacs et neuf anses).”
Nhưng cái ngữ đoạn “le vieux aux trois sacs et neuf anses” của tiếng Tây đâu có nghĩa là “ông già đeo 3 cái bị chín quai”. Dịch cho chính xác thì nghĩa của nó là “ông già với ba cái bị và chín cái quai”; ở đây, quai và bị rời nhau. Muốn cho quai dính vào bị thì phải thay liên từ “et” bằng giới từ “à” mà viết “le vieux aux trois sacs à neuf anses”. “Sac(s) à neuf anses” mới là bị chín quai chứ! Từ điển gia Gustave Hue viết tiếng Tây ở đây hình như cũng không được chuẩn?
Vẫn chưa hết chuyện này đâu nhưng ta hãy tạm gác nó để nói về hai câu ngắn ngủi, rắc rối của trẻ con Đàng Ngoài. Chúng đã nói, và chỉ nói, đúng phong cách câu bốn chữ của đồng dao:
Ba bị, chín quai,
Mười hai con mắt.
Không có chữ “ông” ở đầu câu trước, vì chúng chỉ muốn nói về cái bị. Quai là quai bị; con mắt cũng là mắt bị. Ta hãy đọc nghĩa 4 của từ mắt trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên (2007): “lỗ hở, khe hở đều đặn ở các đồ đan –mắt lướirổ đan thưa mắt.” Vậy thì mắt ở đây hiển nhiên là mắt bị, những cái bị đan bằng cói thời xưa. Và tuy là đồng dao nhưng luận lý ở đây rất chặt chẽ: ba cái bị, mỗi cái ba quai, vị chi chín quai; mỗi cái bốn mắt, vị chi mười hai con mắt. Nhưng người lớn lại hiếu sự nên mới hoá phép cho “ba (cái) bị” của con nít biến thành người mà gọi là “Ông Ba Bị”. Rồi nhà từ điển lại “nhiễu” thêm một lần nữa mà giảng rằng “Ba Bị” là “một hình người quái dị bịa ra để dọa trẻ con”. Họ giảng như thế này vì họ có biết “Ông Ba Bị” hình thù ra làm sao đâu, nhất là vì họ đâu có biết lai lịch của ông ta! Một thằng người có sáu cái quai và mười hai con mắt mà không quái dị thì chẳng nhẽ lại là người hoàn toàn bình thường?
Thực ra thì tên dân gian chính cống của nhân vật này vốn chỉ là “Ông Bị” như đã nói trên kia. “Ông Bị” đã đi theo lưu dân vào Nam, tại đây ông và tên ông vẫn còn sống cho đến bây giờ. Người ta đã đi đến cái kết luân ngữ học phổ quát là hễ một ngôn ngữ càng đi xa địa bàn gốc và “mất liên lạc” với nó trong một thời gian càng dài thì nó càng có thể giữ được nhiều yếu tố cũ trong khi ở địa bàn gốc thì những yếu tố này đã thay đổi. Tiếng Pháp ở Québec (Canada) là một thí dụ. Marcel Rioux đã nhận xét trong quyển Les Québécois (Éditions du Seuil, 1974) rằng “nhiều cách diễn đạt cổ xưa, liên quan đến một lối sống [nay] đã mất đi, [vẫn] sống sót tại đây” (des expressions anciennes, liées à un genre de vie disparu, survivent ici). Từ thế kỷ XVII, nước ta đã trải qua cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 100 năm, rồi sau đó việc giao thông giữa Đàng Trong với Đàng ngoài cũng không hoàn toàn thuân lợi cho nên khi dân Đàng Ngoài thêm lượng từ “ba” vào giữa danh ngữ “Ông Bị” thành “Ông Ba Bị” thì dân Đàng Trong không hề hay biết. Họ cứ gọi ông ta là “Ông Bị”, như đã gọi tự bao giờ. Sau này, khi việc tiếp xúc giữa hai miền thuân lợi hơn trước kia thì danh ngữ “Ông Bị” đã trở thành một lối nói đặc thù của Miền Nam từ lâu và chính nhờ sự bảo tồn danh ngữ này ở trong Nam mà ta biết được Ông Bị chẳng qua là ông già ăn xin còn “Ông Ba Bị” chỉ là một hình ảnh méo mó, vẹo vọ của Ông Bị chứ chẳng phải là “giống quái lạ” hay “hình người quái dị” gì cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét